Bản dịch trọn vẹn: Thomas A. Bass – Điệp viên yêu chúng ta. Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn
Th11 5, 2014
Bài liên quan:
Phạm Thị Hoài – Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo
Những chỗ bị kiểm duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn “Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass
Đỗ Tuấn Kiệt dịch
Bùi Xuân Bách bổ sung và hiệu đính
Toàn văn bản dịch trong bản PDF (2.136 KB)
Trích đoạn kết
Đường phố Sài Gòn đang tấp nập người mua quà cáp và chuẩn bị cho những ngày lễ mừng năm mới. Đây còn là mùa cưới, nên việc được mời dự đến hai đám cưới một ngày cũng không có gì là lạ. Những sự kiện xa hoa này trong các khách sạn của Sài Gòn có sự tham gia của hàng trăm khách, ban nhạc sống, những suối rượu sâm banh, và cả chủ hôn để mời mọc mọi người dốc cạn cơ man nào là bia và rượu. Sau khi được chụp ảnh nâng cốc chúc mừng hạnh phúc cặp trai gái, các vị khách lại đứng lên loạng choạng trèo lên xe máy trước khi hòa vào dòng giao thông đông đúc của Sài Gòn.
Trong khi Việt Nam chuyển mình từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tiêu dùng, thì bức tượng Đức Mẹ Đồng trinh trước nhà thờ xây bằng gạch đỏ của Sài Gòn tỏ biểu hiện bất bình. Bức tượng tô điểm cho một công viên nhỏ hình bầu dục trồng đầy hoa, một điểm yêu thích mà những cô dâu của thành phố tìm đến để chụp ảnh. Gần đây, công viên xinh xắn này còn thu hút một loại đám đông khác. Hàng trăm người đã bắt đầu đổ về đây để chứng kiến những sự kiện lạ lùng trong ngày. Đức Mẹ Đồng trinh Maria đang khóc. Người ta thấy những giọt nước mắt chảy ra trên má bức tượng. Nếu như bạn nghi ngờ, cánh săn ảnh của thành phố sẽ ấn vào tay bạn những bức ảnh chụp rất rõ ràng những giọt nước trào lên trong khóe mắt tượng và dấu vết lấp lánh khi chúng chảy trên mặt tượng. Xúm xít xung quanh là những cô dâu mặc váy dài trắng và đám đông tò mò, cánh thợ ảnh này đang làm ăn rất khấm khá.
Trước sự thúc giục của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, vị giám mục đã tuyên bố rằng nước mắt của Đức Mẹ Đồng trinh là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên xuất phát từ việc nước mưa đọng quá nhiều và những trận gió mùa dai dẳng mùa trước. Chẳng ai tin lời ông. Đức Mẹ Đồng trinh đang khóc vì bà buồn rầu. Bà cảm nhận được nỗi đau của người dân. Bà nhìn thấy sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo ở Việt Nam, tham nhũng và hối lộ tăng lên. Bà thông cảm với những người nông dân bắt buộc phải giết gà nhà mình sau một đợt cúm gia cầm bùng phát. Bà ủng hộ những người lao động tại các nhà máy sản xuất giầy Nike đang tổ chức đình công, đòi những ông chủ Hàn Quốc ngừng đánh đập và phải trả lương thỏa đáng. Bà ủng hộ những người công nhân may Việt Nam, vốn được trả mức lương còn bèo bọt hơn cả những công nhân giày của Nike – bốn mươi đô la một tháng ở thành phố và ở vùng nông thôn thì chỉ có ba mươi đô la một tháng– và cũng đang đình công. Bà biết nỗi đau của sự kiện ngày 11 tháng 9 và xót xa vì thế giới đang tự khủng bố mình bằng lòng hận thù giết chết chủ yếu phụ nữ và trẻ em. Vòng tay dịu dàng của Đức Mẹ Đồng trinh, sự bao dung và nhân từ của Người, không còn đủ để chữa lành thế giới này khỏi nỗi đau.
Đức Mẹ Đồng trinh trong công viên đã trở thành điểm hành hương cho những người Việt Nam ở xa tận ngoài Hà Nội. Vị giám mục cố tìm cách giải tán họ, nhưng ai cũng cho rằng những tuyên bố của ông là do Chính phủ viết thay. “Người Việt Nam có một cách giải thích sâu xa cho tất cả,” một người bạn giải thích. Có thể nói rằng họ là những người tán chuyện đại tài. Họ lấp đầy những quán cà phê và quán bia vỉa hè của thành phố với những tốp người sôi nổi chuyện trò luôn mồm. Trong một tràng rộn ràng những câu chuyện tiếu lâm, những câu cách ngôn, và cả chuyện tầm phào, họ mổ xẻ chính trị, phân tích tình hình thế giới, chia sẻ các công thức nấu ăn, hát hò, ngâm thơ. Lúc duy nhất tôi nghe thấy màn huyên thuyên này lắng xuống là khi tôi đứng giữa đám đông đang chăm chú nhìn lên mặt Đức Mẹ Đồng trinh.
Một đêm, khi đang lững thững bước trở về Khách sạn Continental sau bữa tối, mấy người bạn và tôi nhận ra đám đông mọi khi đang đứng trước tượng Đức Mẹ. “Tôi tin chắc những gì họ thấy trên mặt bức tượng chỉ là phân chim bồ câu ấy mà,” Thắng nói. Ở Việt Nam vào mùa Thu thường có những cơn mưa dai dẳng, kéo dài cả ngày Giáng sinh. Trời cũng chợt lạnh bất thường, khiến khắp nơi trở nên ẩm ướt và u ám. Những cây mai, loại hoa bình thường vẫn nở vào dịp Tết của người Việt Nam và tượng trưng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của đất nước, năm nay sẽ không nở. “Có thể là có chuyện gì đó thật,” anh thừa nhận. “Đầu tiên chúng tôi có một trận động đất ở Sài Gòn. Sau đó lại đến dịch cúm gia cầm. Giờ thì đến chuyện công nhân đình công và các quan chức chính phủ bị truy tố vì tham nhũng. Đây không phải là quãng thời gian dễ dàng gì.”
Mùa hè năm 2006, Phạm Xuân Ẩn phải hai lần vào Viện Quân y 175. Một người bạn vào thăm ông đã kể lại rằng Phạm Xuân Ẩn nói đùa về việc muốn tìm một nơi dưới địa ngục ở gần một người có duyên kể chuyện để ông còn có bạn mà trò chuyện. Đến lần vào thăm thứ hai, người bạn này nhìn thấy ông với một cái ống thông cắm thẳng vào khí quản của ông. Tại ông không chịu thôi nói chuyện đấy mà, Ẩn ạ, ông bạn nói. Nên cuối cùng người ta phải làm cho ông ngậm miệng lại. Phạm Xuân Ẩn mỉm cười bằng cặp lông mày. Đến lần thăm thứ ba, người bạn này thấy ông đã hôn mê. Vào thứ Tư, ngày 20 tháng 9, lúc 11 giờ 20 phút sáng, tức ngày 28 tháng 7 năm Bính Tuất, Phạm Xuân Ẩn qua đời ở tuổi 79. Ông được liệm vào quan tài rồi đưa về nhà để quàn trong ba ngày. Khách đến viếng chia buồn với gia đình mang theo hoa, quả, và hương. Họ đặt đồ viếng của mình lên bàn thờ. Sau đó họ chắp tay lại khấn và vái ba vái.
Đặt cạnh chiếc quan tài để mở, lồng trong khung kính và gài trên nền vải đen, là 16 tấm huân huy chương của Phạm Xuân Ẩn. Trước đó người ta cho rằng ông đã được thưởng 4 tấm huân chương Quân công, nhưng con số thực sự được tiết lộ lúc này là 14, không kể tấm huy chương ghi nhận ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Những tấm huân chương này được tặng thưởng cho những trận đánh và chiến dịch thắng lợi cụ thể, nhờ đóng góp về mặt chiến thuật của Phạm Xuân Ẩn. Thế giới đã biết về vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong chiến thắng Ấp Bắc và Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, nhưng chưa biết về hai tấm huân chương hạng Nhất khác. Một tấm được tặng thưởng năm 1970 vì đã cung cấp tin cảnh báo sớm cho cơ quan đầu não của cộng sản, giúp họ tránh bị ném bom hoặc bị bắt giữ trong vụ Richard Nixon xâm lược Campuchia. Một tấm huân chương khác xác nhận rằng Phạm Xuân Ẩn là nhân vật chủ chốt trong Chiến dịch Lam Sơn 719, khi quân lực Việt Nam Cộng hòa bị đập tan sau nỗ lực bất thành đầu tiên nhằm xâm nhập Lào và chia cắt Đường mòn Hồ Chí Minh năm 1971.
“Ngay khi nhìn thấy tất cả những tấm huân huy chương của Phạm Xuân Ẩn, chúng ta có thể biết ngay rằng ông ấy chịu trách nhiệm về một loạt những thất bại của Mỹ,” Kyle Hörst nói với tôi. “Có một sự tương ứng trực tiếp giữa những trận đánh cụ thể và mỗi tấm huân chương trong số này. Phạm Xuân Ẩn vẫn thường nói với tôi: ‘Nếu tôi kể câu chuyện của mình ra, mọi người sẽ thấy đau lòng’. Suốt một thời gian dài tôi băn khoăn. ‘Những người sẽ đau lòng là những ai?’ Sau đó tôi nhận ra, có lẽ chính là những người Mỹ đã tin tưởng ông suốt bao nhiêu năm trong khi ông lại chiến đấu chống lại họ. Đây không phải là công việc của một người đơn thuần làm công tác phân tích chiến lược. Nó là công việc của một nhà chiến thuật bậc thầy.”
Phạm Xuân Ẩn được mai táng với đầy đủ nghi thức quân đội vào ngày 23 tháng 9 năm 2006. Trong lễ tang có cả một người lính gác mặc lễ phục mang khung kính bày những tấm huân chương của ông. Theo truyền thống ở Việt Nam, một đám tang phải đi kèm với đám rước qua các đường phố, trong tiếng kèn và những phụ nữ có thai tranh nhau chạy đến sờ vào quan tài để lấy may. Phạm Xuân Ẩn hẳn sẽ thích tiếng kèn và những phụ nữ có thai, nhưng ông được đưa lên một chiếc xe tang quân sự và chở tới nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở Gò Vấp gần nghĩa trang Thủ Đức dành cho các anh hùng quân đội. Bức ảnh Phạm Xuân Ẩn mặc quân phục được đặt trước chiếc quan tài màu đỏ trang trí kỳ công của ông. Gia đình ông mặc áo sô trắng đầu quấn rế. Những que hương, được chụm lại thành từng bó lớn và cắm trong những khay cát, tỏa khói nghi ngút. Tham dự lễ truy điệu có ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng Việt Nam, và một loạt tướng lĩnh, có cả Nguyễn Chí Vịnh, tổng cục trưởng Tổng cục 2 (Tình báo Quốc phòng), người đọc bài điếu văn về tiểu sử cuộc đời Phạm Xuân Ẩn. Gọi ông là “mũi nhọn xung kích và lực lượng tấn công chủ chốt” trong tổ tình báo của mình – với mật danh là tổ H.63 – tướng Vịnh đã điểm lại những “chiến công phi thường” mà Phạm Xuân Ẩn đã lập được khi sống và hoạt động ngay giữa “lòng địch”.
Một người quan sát miêu tả khung cảnh này là “buổi họp mặt của các điệp viên quân đội. Phạm Xuân Ẩn đang được đón nhận vào ngôi đền huyền thoại của ngành tình báo quân sự”. Quá trình này đã bắt đầu từ vài tháng trước đó, khi một chiếc ti vi Sony 27 inch được chuyển tới nhà ông với một tấm biển ghi: “Những đồng đội ở Tổng cục 2 kính tặng”.
Sau lễ truy điệu tại Gò Vấp, trời bắt đầu mưa to khi Tư Cang cùng vợ và các con ông Ẩn bước theo quan tài ra khỏi nhà tang lễ. Họ bước qua một đoàn lính với lưỡi lê tuốt trần gắn trên nòng súng, và nhìn chiếc quan tài được cho vào cái lồng kính trên xe tải quân sự. Đám tang lễ lên đường tới nghĩa trang nằm dọc bên đường quốc lộ tới Biên Hòa, nơi Phạm Xuân Ẩn sẽ được mai táng bên cạnh Ba Quốc và những đồng đội khác trong ngành tình báo quốc phòng. Nơi an táng này, với khoảng 500 ngôi mộ, được bài trí như một công viên. Bên kia đường là một nghĩa trang dành riêng cho những binh sĩ Việt Nam Cộng hòa chiến đấu ở phía bên kia của cuộc chiến. Nghĩa trang của Việt Nam Cộng hòa um tùm cỏ dại, những bia mộ sứt sẹo và xiêu vẹo trên mặt đất.
Hàng chục bài báo ghi lại sự kiện Phạm Xuân Ẩn qua đời. Những người bạn của ông trong nghề báo đã không hề quên ông. Những bài viết về ông là cáo phó chính trên tờ New York Times và Le Monde, và thậm chí Time cũng phá vỡ nhiều năm im lặng bẽ bàng của mình để công nhận Phạm Xuân Ẩn là một phóng viên tầm cỡ. “Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hàng đầu… một phần là nhà nho, một phần là tu sĩ thời Trung cổ”, như Stanley Cloud, cựu trưởng văn phòng đại diện Sài Gòn, đã viết. Cloud phủ nhận lời buộc tội rằng Phạm Xuân Ẩn đã gài thông tin sai sự thật, và khẳng định ông (Phạm Xuân Ẩn) đã “cứu chúng ta khỏi việc phản ánh những sự việc không chính xác”. Cloud viết tiếp rằng Phạm Xuân Ẩn là một người theo chủ nghĩa dân tộc, một người yêu nước, một người yêu tổ quốc và nền văn hóa của mình. Điều này không ngăn cản tình yêu ông dành cho nước Mỹ hoặc nước Pháp. Ông yêu văn học Pháp. Ông ngưỡng mộ nền văn hóa Mỹ. Nhưng trong người ông không có mẩu xương nô lệ nào, và mối quan hệ duy nhất mà ông muốn có với bên ngoài là sự tôn trọng lẫn nhau. Đất nước Việt Nam đã đánh lui quân xâm lược suốt hàng nghìn năm qua, và trông đợi bất kỳ điều gì khác ở một người Việt Nam yêu nước thì đúng là tưởng tượng ra một con báo không có đốm [1]. Người ta nhìn Phạm Xuân Ẩn và tưởng rằng ông không có đốm. Họ tưởng ông đứng về phe mình, và ông cũng không bao giờ nói với họ điều ngược lại, nhưng chắc chắn ông là một người Việt Nam chân chính nhất, người đặt tình yêu tổ quốc lên trên những lợi ích của bản thân. Như Cloud viết khi kết thúc bài báo của mình: “Trong chiến tranh, một đồng nghiệp của chúng tôi đã nói, ‘Tôi nghĩ Phạm Xuân Ẩn là ví dụ hoàn hảo cho những gì tốt đẹp nhất trong xã hội ViệtNam. Hồi đó tôi cũng cảm thấy như vậy. Bây giờ vẫn thế.’”
Trong một bài báo đưa tiễn khác, sếp cũ của Phạm Xuân Ẩn tại Time, Frank McCulloch viết: “Không một lần nào trong ngần ấy năm làm việc cho tôi tại văn phòng đại diện của Time, Phạm Xuân Ẩn lại đi xuyên tạc hoặc điều chỉnh những bài viết của mình theo hướng có lợi cho cộng sản. Điều nghịch lý là ông thực sự yêu nước Mỹ và nền dân chủ của nó, đồng thời ông cũng vô cùng ngưỡng mộ và trân trọng nền báo chí tốt đẹp trong bối cảnh nước Mỹ thời kỳ đó”. McCulloch kết thúc bài báo của mình bằng một lời nhắn gửi rằng “Tôi vẫn chào mừng anh, Ẩn ạ, như một người bạn, một nhà báo, một con người phức tạp và mâu thuẫn yêu chuộng dân chủ, một người chồng và một người cha, và có lẽ, trên tất cả, như một người Việt Nam yêu nước, người có thể đã, hoặc có thể không, đặt cược tất cả vào nhầm con ngựa”.
Vào ngày thứ ba sau lễ mai táng của Phạm Xuân Ẩn, gia đình ông quay trở lại nghĩa trang để cúng lễ “mở cửa mả”. Mang theo hoa và đồ ăn, họ cầu nguyện cho linh hồn ông được siêu thoát. Họ còn mang theo một cái ô dựng lên để che cho ông khỏi bị nắng. Thứ cuối cùng mà họ mang theo là một chiếc thang hàng mã đặt dựa vào thành ngôi mộ để giúp linh hồn ông lên thiên đường. Tôi tưởng tượng ra Phạm Xuân Ẩn tận dụng chiếc thang này, trèo ra khỏi địa ngục càng nhanh càng tốt để tìm kiếm một thế giới tươi sáng hơn với những cuộc chuyện trò thú vị.
Bản quyền bản tiếng Việt © Công ty Văn hóa & Truyền thông NhãNam, 2014
Phần bổ sung và hiệu đính © 2014 Bùi Xuân Bách & pro&contra & Thomas A. Bass
Ảnh do tác giả cung cấp.
[1] Lấy ý câu thành ngữ “Một con báo không thể thay đổi được các vết đốm trên mình nó.”
Categories: Chính trị Việt Nam, Kiểm duyệt
Tags: Kiểm duyệt, Phạm Xuân Ẩn, Thomas A. Bass