Tác giả

Danh mục

Trang

Heinrich Heine – Lòng ái quốc của tôi

Th2 19, 2022

Phạm Thị Hoài dịch

Heinrich Heine (1797-1856) là một trong những tác giả quan trọng và gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử văn học Đức. Sinh thời, nhiều tác phẩm của ông bị cấm hoặc kiểm duyệt tại Đức; bản thân ông bị truy bức và sống lưu vong 25 năm tại Pháp cho đến khi qua đời. Tác phẩm trụ cột của ông, trường ca “Nước Đức. Một cổ tích mùa Đông” phê phán sắc bén và giễu cợt sâu cay một nước Đức trước Cách mạng 1848, ngủ kĩ trong khuôn khổ chính trị, văn hóa và xã hội chật hẹp, tỉnh lẻ, thủ cựu của một quá khứ đã lỗi thời so với một nước Pháp đầy không khí tự do của một thời đại mới. Bị coi là tác phẩm gây hấn của một kẻ lang thang mất gốc phản bội Tổ quốc, một kẻ chuyên báng bổ và bôi đen bằng miệng lưỡi độc địa, trường ca này lập tức bị thu hồi, cấm phổ biến và tác giả bị lệnh truy nã. Đoản văn sau đây là “Lời nói đầu” của tác giả cho ấn bản mà ông đã lường trước là sẽ bị kiểm duyệt hủy diệt nhiều đoạn.

Phạm Thị Hoài

_______

Tác phẩm thơ này tôi viết tháng Giêng năm nay tại Paris, và ngọn gió tự do ở nơi đây đã ùa vào một số khổ thơ mạnh hơn mức tôi mong muốn. Ngay sau đó tôi đã giảm bớt hoặc loại bỏ những thứ khó thích hợp với khí hậu Đức. Vậy mà tháng Ba, khi gửi bản thảo đến nhà xuất bản ở Hamburg, tôi vẫn bị yêu cầu xem lại hàng loạt chỗ cần cân nhắc. Buộc phải làm cái việc khốn khổ là chỉnh sửa, nên một số âm điệu nghiêm khắc chắc đã bị nén xuống hơn mức cần thiết hoặc đã bị những tiếng chuông của sự hài hước có thể quá vui nhộn át đi. Trong cơn vội vã bức bối, tôi lại xé đi những chiếc lá vả che vài ý tưởng trần trụi, và có lẽ đã khiến tai ai đó quá nhạy cảm dễ vỡ bị tổn thương.

Thật đáng tiếc, nhưng tôi tự an ủi rằng nhiều tác giả tầm vóc lớn hơn cũng từng phạm những lỗi tương tự. Về chuyện phẫu thuật chỉnh sửa, tôi khỏi nhắc đến Aristophanes, vì ông ấy là kẻ ngoại đạo mù dở, và công chúng thành Athens tuy được hưởng một nền giáo dục kinh điển nhưng ít hiểu biết về luân thường. Cervantes và Molière dễ cho tôi dựa vào hơn; ông trước viết cho giới quý tộc của cả hai vương quốc, ông sau viết cho vua và triều đình Versailles! À, tôi quên, chúng ta đang sống ở một thời rất tư sản, và đáng tiếc tôi đã thấy trước rằng bài thơ tội nghiệp của tôi sẽ khiến vô khối thiếu nữ con nhà có học ở vùng sông Spree hay thậm chí sông Alster phải nhăn những chiếc mũi ít nhiều đều khoằm cả!

Nhưng tôi còn thấy trước một điều đáng tiếc hơn nữa, đó là sự la ó từ đám cầm cờ đạo đức[1] của dân tộc, những kẻ đang sát cánh chia sẻ những ác cảm của chính quyền, hưởng trọn tình yêu và sự kính trọng của kiểm duyệt và nắm quyền định đoạt trên báo chí, nơi để tấn công đối thủ, mà đối thủ của họ lại chính là đối thủ của các ông chủ cao nhất của họ. Chúng ta sẵn lòng chống lại mối hiềm thù của đám đầy tớ hăng hái mặc chế phục đen đỏ vàng đó. Tôi đã nghe cái giọng thắm mùi bia của họ: “Ngươi lại còn chế nhạo cả màu sắc của dân tộc, thằng khinh rẻ Tổ quốc, thằng thân Pháp, ngươi định biếu không sông Rhein cho bọn Pháp chắc!”. Các vị hãy yên tâm. Tôi sẽ coi trọng và tôn kính màu sắc của các vị nếu chúng xứng đáng, nếu chúng không còn là một trò rỗi hơi hay rập đầu khúm núm. Hãy cắm lá cờ ba màu đen đỏ vàng đó lên đỉnh cao của tư tưởng Đức, biến nó thành cờ hiệu của nhân loại tự do là tôi sẵn sàng dâng trọn tâm huyết mình cho nó. Hãy yên tâm, tôi yêu Tổ quốc cũng không thua các vị. Vì tình yêu ấy, mười ba năm qua tôi đã sống đời lưu vong, và cũng vì chính tình yêu ấy tôi lại trở về chốn lưu vong, có lẽ sẽ vĩnh viễn, mà chắc chắn chẳng khóc than hay cắn răng chịu đựng. Tôi làm bạn với người Pháp cũng hệt như làm bạn với tất cả những ai miễn là tốt và có lý trí, và vì bản thân tôi không ngu và tệ đến mức phải mong cho đồng bào Đức của tôi và người Pháp, hai dân tộc tinh tuyển của cõi nhân văn, ghè đầu nhau để Anh và Nga hưởng lợi và toàn thể đám lãnh chúa và thày tu trên trái đất này cười thầm.

Các vị hãy yên tâm, không bao giờ tôi cắt sông Rhein cho Pháp, đơn giản vì sông Rhein là của tôi. Vâng, là của tôi, trên cơ sở quyền tự nhiên bất khả chuyển nhượng, tôi là đứa con còn phơi phới tự do hơn của sông Rhein tự do, chiếc nôi thơ ấu của tôi đặt bên bờ, và tôi không thấy vì sao sông Rhein lại thuộc về ai khác ngoài những đứa con của vùng sông nước ấy. Còn Elsaß và Lothringen[2] thì tất nhiên tôi không dễ cho sáp nhập vào Đế chế Đức như ý các vị, vì dân hai vùng ấy gắn chặt với Pháp bởi các quyền được hưởng từ sự chuyển đổi thể chế nhà nước, bởi các quyền bình đẳng và thiết chế tự do rất dễ chịu với tâm trí tư sản song vẫn còn nhiều điều khó tiêu hóa cho bao tử của đám đông. Dẫu thế nào, dân Elsaß và Lothringen sẽ trở về với Đức, nếu chúng ta hoàn thành công cuộc mà người Pháp đã mở ra, nếu chúng ta vượt qua họ trong hành động như đã vượt qua trong ý nghĩ, nếu chúng ta vươn đến những hệ quả cuối cùng của công cuộc đó, nếu chúng ta đập tan sự nô dịch ở tận nơi ẩn náu cuối cùng của nó là thiên đường, nếu Chúa Trời ngụ bên trong con người nơi trần thế được chúng ta giải thoát khỏi sự hạ nhục, nếu chúng ta trở thành cứu tinh của Chúa, nếu chúng ta đem phẩm giá trả lại cho dân nghèo bị truất gia tài hạnh phúc, cho thiên tài bị nhạo báng và cho cái Đẹp bị ô uế, như các bậc thầy vĩ đại của chúng ta từng nói và hát lời tụng ca và như mong muốn của chúng ta, học trò của họ – nếu được như vậy thì không chỉ Elsaß và Lothringen mà toàn nước Pháp sẽ ngả về ta, toàn châu Âu, toàn thế giới – toàn thế giới sẽ thành Đức! Những khi dạo bước dưới rặng sồi, tôi thường mơ về sứ mạng ấy và quyền năng phổ quát như thế của nước Đức. Đó chính là lòng ái quốc của tôi.   

Tôi sẽ trở lại chủ đề này trong cuốn sách sắp tới, bằng quyết tâm tuyệt đối, bằng sự triệt để không nhân nhượng, và chắc chắn bằng sự trung thành. Tôi sẽ biết tôn trọng lời phản biện quyết liệt nhất nếu nó xuất phát từ một xác tín. Cả sự thù hằn thô lỗ nhất, rồi tôi sẽ kiên nhẫn tha thứ; thậm chí tôi sẽ đáp lại sự ngu ngốc nếu nó thành thực. Nhưng tôi dành toàn bộ sự khinh bỉ im lặng cho hạng tôm tép vô lại, vì khổ sở đố kị hay độc địa bẩn thỉu cá nhân mà tìm cách hủy hoại danh tiếng tôi trước công luận, bằng cách dùng chiếc mặt nạ của lòng yêu nước hay thậm chí của tôn giáo và đạo đức. Ở khía cạnh này, tình trạng vô chính phủ của giới báo chí văn chương và chính trị Đức đôi khi được khai thác tài tình đến mức tôi phải hết lòng thán phục. Quả thật, nhân vật Schufterle[3] không hề chết mà còn nguyên đó và từ nhiều năm nay đứng đầu một băng đảng được tổ chức chặt chẽ của đám giặc cướp văn chương, hoành hành trong những khu rừng Bayern là làng nhật báo của chúng ta, ẩn núp trong mỗi bụi cây, sau từng chiếc lá và tuân theo tiếng huýt khẽ nhất của tên chỉ huy xứng đáng.

Cuối cùng, xin lưu ý rằng “Cổ tích mùa Đông” là phần cuối trong bộ “Những bài thơ mới” mà Hoffmann & Campe vừa phát hành. Nhưng để ra một ấn phẩm riêng, nhà xuất bản phải gửi bản thảo cho các cơ quan giám sát soi thật kĩ, những sửa đổi và hủy diệt mới là kết quả của sự thẩm định bất khả kháng này.  

Hamburg, ngày 17 tháng Chín 1844

(Tuần báo Trẻ, 17/02/2022)


[1] Tiếng Đức trong nguyên bản: Pharisäer, tương đương trong tiếng Việt là Pharisêu.

[2] Tên tiếng Pháp là Alsace và Lorraine, hai vùng lãnh thổ trải qua nhiều tranh chấp giữa Đức và Pháp, phần lớn thuộc về Pháp sau Cách mạng Pháp 1789.

[3] Schufterle là một tên cướp hết sức đốn mạt trong vở kịch Lũ cướp (Die Räuber) của Friedrich Schiller.