Tác giả

Danh mục

Trang

Tôi sẽ bầu cho Đảng

Th9 23, 2021

Phạm Thị Hoài

Cuộc bầu cử lần này ở Đức gắn với sự kết thúc của một kỷ nguyên: Kỷ nguyên Merkel. Mười sáu năm, thế giới chỉ ra khỏi khủng hoảng này để bước thẳng vào khủng hoảng khác, nhưng nước Đức dường như vẫn khá ổn, thất nghiệp ít, nghỉ phép nhiều, phúc lợi xã hội cao, nợ công thấp, khắp nơi đều phẳng phiu ngăn nắp – trừ thủ đô Berlin vì lý do nguyên tắc quyết chăm sóc một sự nhếch nhác gồ ghề nhất định. Trong cuộc sát hạch siêu hình do một con virus vô hình chủ khảo hai năm nay, Đức cũng lấy được một chứng chỉ không đến nỗi tệ. Y tế vững chãi, an sinh tương đối chu toàn, kinh tế còn nội lực khá thâm hậu, hệ đề kháng toàn diện của xã hội còn hoạt động hữu hiệu, chưa kể thành công kỳ diệu với vắc-xin của BioNTech. Tuy cũng lúng túng, cũng mắc sai lầm, cũng từng lâm vào những tình thế không xứng đáng với tầm vóc và trình độ của mình nhưng Đức thời Covid chỉ vấp phải những khổ ải ít nhiều xa xỉ so với phần lớn các nước khác.

Song kỷ nguyên nào rồi cũng vào hồi kết. Cả những người hài lòng với Mutti, Mẹ Merkel, cũng lờ mờ nhận ra rằng có thể gói thuê bao “Ổn định, thịnh vượng, nhân văn” mang dấu ấn hình thoi bốn nhiệm kỳ của bà lại chính là một chướng ngại đáng kể để quốc gia này bứt phá vào một tương lai đầy thách thức mà duy trì nguyên trạng, dù là một nguyên trạng khá ổn, không thể là giải pháp. Status quo là phản nghĩa của cải cách. Có lẽ hơn ai hết, chính bà Thủ tướng nổi tiếng về lý trí tỉnh táo đã nhận ra giới hạn của bản thân và hai năm trước, ít khoa trương như thường lệ, giản dị tuyên bố sẽ rời khỏi chính trường, khiến cuộc bầu cử lần này bỗng bất đắc dĩ giàu kịch tính hơn khả năng tiêu hóa thông thường của người Đức cho phép.

Tôi mến mộ bà, trước hết vì bà là người ít chia động từ ở thể giả định nhất trong các nhà lãnh đạo ở Đức. Mark Twain tính ra rằng người có khiếu ngoại ngữ chỉ cần 30 tiếng đồng hồ để học tiếng Anh (trừ phát âm và chính tả), 30 ngày để học tiếng Pháp, nhưng 30 năm để học tiếng Đức. Tôi xin phép bổ sung là trong 30 năm ấy thì 29 năm đã mất đứt để học thể giả định (Konjunktiv), trong đó 15 năm cho thể giả định I và 14 năm cho thể giả định II. Phỏng theo Phạm Quỳnh, thể giả định còn thì tiếng Đức còn, tiếng Đức còn thì nước Đức còn. Tránh được thể giả định mà không đẩy nước Đức đến bờ diệt vong là một nghệ thuật đáng nể. Một nghệ thuật khác của bà cũng chinh phục tôi vô điều kiện: bà định hình đầu tóc áo xống của mình trong một nốt nhạc để không bao giờ còn phải bận tâm vào đó nữa. Ngoại hình của phụ nữ chưa bao giờ hết là đề tài đàm tiếu, chỉ trừ ở thánh địa của Taliban. Nữ quyền có chăng chỉ phun một lớp bụi giảm đau cho siêu lợi nhuận của ngành thời trang đỡ nhức nhối. Phong cách Merkel, với mái tóc úp xuống như chiếc mũ bảo hiểm an toàn mà thân thiện, với những bộ jacket chỉ khác nhau ở màu sắc và số khuy cài, là kết tinh của sự tối giản thông minh cho một người đàn bà trong một môi trường mà những con đực alpha trước sau vẫn chen chân khuynh loát. 

Nhưng mười sáu năm là quá đủ. Tôi đã vui vẻ chia tay kỷ nguyên Merkel, dù không thấy hồi tiếp theo trên sân khấu chính trị Đức có gì hấp dẫn. Mọi nhân vật đang muốn sắm vai chính ở đó đều là những diễn viên hạng nhì. Hay hạng ba, như ông Laschet, ứng viên thủ tướng của liên minh bảo thủ cánh hữu CDU/CSU, có thể là một chủ quán rượu bình dân xuất sắc, vỗ vai người này, bẹo má người kia, nháy mắt, vén môi, thậm chí lắc hông nếu cần, thường trực nụ cười mời thêm một ly, luôn thủ sẵn trên lưỡi một mẩu tiếu lâm đã cống hiến ngàn lần cho cùng một cử tọa, một tuyên ngôn chẳng chết ai trừ quán rượu bên cạnh, và vừa buột miệng đã lè lưỡi, không phải để xin lỗi mà chỉ vì không dám tin vào sự táo tợn của chính mình: chú nhóc chạy bàn đã thế chân ông chủ quán rượu.

Trước bức hí họa không thể tin nổi ấy, ứng viên của phía kia, đảng cấp tiến cánh tả SPD, ông Scholz, trông như một thiên tài, nhất là khi nghệ thuật hùng biện của ông là kiệm lời, nhường cơ hội nói hớ cho các đối thủ chính trị. Nếu lý tưởng của chính khách Đức là vô vị thì ông là chính khách lý tưởng nhất. Như món cá lát tẩm bột đông lạnh Fischstäbchen mà người Đức ưa dùng. Ông lại biết gói sự vô vị ấy như một nội dung vô giá vào một hình thức bình thản dễ chịu đượm màu lão luyện chính trường của một Phó Thủ tướng Đức đương nhiệm. Song năng khiếu chủ yếu, khiến ông vượt qua mọi đối thủ trong trận chiến tranh cử, là từng bước hóa thân thành Merkel tập 5 hay Angela đệ nhị. Bắt đầu bằng hai bàn tay chụm hình thoi, như Angela Merkel. Một hứa hẹn không có những cải cách sâu rộng. Ưu tiên bảo toàn nguyên trạng. Không làm ai đau. Không ai phải sợ chỉ riêng mình chịu thiệt.

Góc thứ ba trong tam giác quyền lực đang xô đẩy chuyển động, tôi không rõ là góc nhọn hay góc bẹt. Ứng viên của Đảng Xanh, bà Annalena Baerbock, trong một khoảnh khắc màu nhiệm đã kéo đảng này vọt lên dẫn đầu, bỏ lại đằng sau cả hai đảng lớn truyền thống trước khi lại tụt xuống bởi một chuỗi tai tiếng như đạo vài đoạn văn, tô hồng vài nét tiểu sử hay quên khai một khoản thu nhập be bé. Toàn chuyện “nhỏ như con thỏ” so với những cái xác bốc mùi mà đa số các chính khách đều giấu ở đâu đó trong tầng hầm nhà mình, nhưng lại nhanh chóng cào xước lớp da thường được bôi kem đạo đức organic của Đảng Xanh. Song thiện cảm rất giới hạn của tôi cho nhân vật này có lẽ ăn sâu hơn. Tôi chán phè những ông bà lãnh đạo, lĩnh vực nào cũng vậy, chỉ khác nhau cái mác hay màu sắc, tọa độ, còn lại đều là những khuôn hình khép kín hãnh tiến giống hệt nhau, đều thuộc lòng những nội dung bờ la bờ lô, đều luyện kỹ những phép tu từ hứa hẹn phần thắng, đều đã qua đủ khóa tiếp thị các giá trị đóng gói trong những bao bì ngày càng trương phồng. Tôi không tin vào một cử động nào trên gương mặt người phụ nữ 40 tuổi, trẻ trung hoạt bát, diện những đôi giày bắt mắt, có giọng nói hơi chói và điệu cười hơi máy móc ấy.     

Nhưng không ai phải quá lo cho công chúng Đức, dù kịch cọt trên sân khấu chính trị hiện không mấy ngoạn mục. Liên minh cánh hữu có thắng thì những thành tựu dân chủ xã hội vẫn còn nguyên. Liên minh cánh tả có lên thì kinh tế cũng không đổ cái rụp và người giàu không phải khóc xin người nghèo rủ lòng thương xót. Đảng Xanh chưa lên ngôi thì đa số dân chúng, nhất là giới trẻ, vẫn ngày càng chín muồi cho một nền chính trị xanh. Bóng ma cộng sản vẫn nằm im trong câu mở đầu bản Tuyên ngôn của Marx và Engels, dù đảng cực tả Die Linke có bước vào nội các. Và nước Đức còn xa mới là một quả bom dân túy, dù đảng cực hữu AfD sẽ lại chiếm một số ghế quốc hội. Chính trị Đức 52 năm nghiêng về chân phải, 20 năm nghiêng về chân trái, nhưng trọng lượng chính thực ra dồn vào trung điểm thăng bằng.

Vậy nên tôi kê cao gối rồi cuối tuần tới sẽ đi bầu cho một trong 47 đảng tham gia tranh cử: Die Partei, đảng Đảng. Người sáng lập và chủ tịch Đảng nguyên là tổng biên tập tạp chí trào phúng lừng danh Titanic, người anh em Đức của tạp chí Pháp Charlie Hebdo. Sứ mệnh cao quý của Đảng là cười vào mặt chính trị bằng vũ khí nhọn hoắt của châm biếm, giễu tuốt, chọc tuốt, báng bổ tuốt, giơ tuốt ngón tay thối, chẳng kiêng nể bất kỳ ai bất kỳ điều gì kể cả chính mình. Chương trình hành động của Đảng năm nay là trục xuất các chính khách tham nhũng về Azerbaijan; giới hạn đón nhận người tị nạn ở mức không cao hơn biển Địa Trung Hải đón nhận; hoãn chiến tranh với Nga và Trung Quốc vì nguồn lực thời dịch bệnh có hạn, tạm thời chỉ khạc đạn vào Erdogan, Bolsonaro, Orban và Sebastian Kurz; cấm photoshop để dân chúng khỏi chết sốc khi chẳng may chứng kiến bộ mặt thật của các chính khách ngoài đời… Chủ tịch Đảng, ông Martin Sonneborn, hiện là nghị sĩ nhiệm kỳ thứ hai tại Nghị viện châu Âu. Một Đảng viên đang là nghị sĩ Quốc hội Đức. Hàng chục Đảng viên khác đang là dân biểu tại các địa phương. Số phiếu bầu cho Đảng từ lần tranh cử đầu tiên năm 2003 đã tăng từ một vạn lên nửa triệu, dự tính năm nay sẽ lên năm trăm triệu. Hiện Đảng có 52.000 Đảng viên, xu hướng tăng nhanh hơn mức đồng Euro mất giá.

Đức thường bị coi là dân tộc hiếu thắng. Đảng cũng thế, Đảng luôn đúng. Đức thường bị coi là dân tộc không biết đùa. Đảng không đùa. Đảng nghiêm túc sửa lưng chính trị. Hoặc phơi lưng, bất đắc dĩ đành gãi lưng, nhưng quyết không kỳ lưng chính trị. Tôi sẽ bầu cho Đảng.

(Tuần báo Trẻ 23/9/2021)