Tác giả

Chuyên mục

Trang

Trước kia toàn bộ chiến thuật thời trang của tôi là phòng thủ

Th2 17, 2023

Phạm Thị Hoài

Trước kia toàn bộ chiến thuật thời trang của tôi là phòng thủ. Giữ, đỡ, che chắn một pháo đài hình trụ quá ngắn và quá vô lý, lép chỗ cần lồi để lồi chỗ cần lép. Tôi không thể đàng hoàng đi giày bệt vì sợ lệt xệt làm một chiếc nấm mọc cả những ngày không mưa. Giày quá cao cũng không dám. Loạng choạng trên một tấc chân hai tấc giày là cách che giấu mặc cảm lộ liễu nhất có thể. Áo xống cũng thế, dài ngắn đều dở, xòe cụp chẳng xong, long đong đi tìm một kích cỡ chỉ cần đỡ phản thùng đã là may mắn. Thế hệ tôi, được bom đạn đỡ đầu và tem phiếu nuôi dưỡng, không sinh ra cho những ngoại hình thiếu tương thích với phong cách cộng sản thời chiến. Nếu mặc quần đen áo cánh, mũ cối trên đầu, bùn đất dưới chân, ngang lưng thắt xà cột và tay cầm một khẩu súng dài, tôi hoàn toàn đáp ứng thẩm mỹ anh hùng ca chủ đạo thời ấy. Làm o du kích nhỏ áp giải một “thằng giặc Mỹ” béo bụng cao lênh khênh.

Từ đồng phục của “thời đại Hồ Chí Minh”, tôi nhảy một cú kỳ diệu vào đồng phục của Cộng hòa Dân chủ Đức. Ngày đầu mặc chiếc áo khoác liền mũ màu cứt ngựa, bên trong lót một lớp lông giả, tên dân dã là Kutte – áo thầy tu -, tràn ngập thiên đường xã hội chủ nghĩa châu Âu rất lạnh ấy tôi thấy mình thật xa xỉ, có lỗi với cha mẹ vẫn đang ăn bo bo ở nhà. Sáu năm tiếp theo tôi mất hẳn định hướng, dao động từ sinh viên cần kiệm có hai bộ thay đổi là được đến xé khăn trải giường nhuộm chói chang màu châu Phi hippie nổi loạn, rồi Levi’s xịn, hiển nhiên từ Tây Đức, thách thức quần bò tự chế phía Đông. Học xong về nước, tôi là một thước rưỡi phình trên loe dưới, ở giữa là một khúc mía hai đốt vàng nhạt khẳng khiu.

Dù sao, tôi đã cố gắng. Con người mới ở cả Việt Nam lẫn Đông Đức thuở ấy chỉ cấu thành từ nội dung. Tôi được nhồi rất nhiều kiến thức về bên trong để không biết gì về bề mặt. Chưa bao giờ tôi thực sự dùng áo xống làm thủ pháp dựng chân dung một nhân vật. Vả lại, văn học Việt Nam rất ít quan tâm đến trang phục. Có thể truyền thống “văn dĩ tải đạo” đã loại trừ từ đầu tất cả những gì bị coi là phù phiếm. Và bề ngoài là phù phiếm. Ngoại hình thường chỉ được phác họa bằng vài nét cách điệu, nam mặt vuông thân rộng, nữ mắt phượng mày ngài. Hoặc có thể, cho đến cách đây không lâu, người Việt quả thật chỉ sở hữu vài món phục sức không đáng để miêu tả chi tiết. Phụ nữ chân quê áo tứ thân, khăn mỏ quạ; đô thị thì khăn nhung quần lĩnh, khuy bấm áo cài. Có lần tôi chọc Nguyễn Huy Thiệp rằng trong truyện của anh, các bà quý phái mặc áo phin nõn và các cô gái sang chảnh mặc áo pun, quần gin hay quần côn là hết. Anh bảo, thế là sang chứ đòi gì nữa, dân mình có gì mặc nấy, không đóng khố chạy rông là may rồi. Các nhân vật văn chương kinh điển mà học trò Việt Nam phải thuộc lòng tính cách, giá trị tư tưởng, giá trị nhân văn và nhiều thứ giá trị tít mù khác đều tiết kiệm vải. Xiêm y của Thúy Kiều là cả một vấn nạn quốc gia. Nàng vận đồ ta hay đồ Tàu? Nam Cao cho Chí Phèo về làng với cái áo tây vàng và chiếc quần nái đen. Ông chỉ tiết lộ có thế, như đã không tiếc lời đặc tả gương mặt Thị Nở, song cũng chỉ cấp cho thị một cái áo chung chung nào đó, một cái yếm xẹo xọ và một cái váy xộc xệch màu đen. Chị Dậu trong Tắt đèn cũng chỉ được trang bị một mê nón, một dải yếm, một vuông khăn. Mị, A Phủ, bà vợ nhặt, anh Núp…, tất cả đều thuần túy là nội dung. Duy nhất Vũ Trọng Phụng cho trang phục một chỗ đứng trong Số đỏ để mổ xẻ công cuộc cải cách bề ngoài của một xã hội Á đông bảo thủ trước áp lực văn minh hóa tân thời. Song Xuân Tóc Đỏ của ông là con chó ngáp phải ruồi thời trang, khác hẳn chẳng hạn Patrick Bateman của Bret Easton Ellis, hiện hữu bằng thời trang và không gì khác ngoài thời trang, thấy việc giết một hot girl là đích đáng, bởi nàng hào nhoáng mà không nhìn ra sắc xám, xanh đen và nâu trầm của Emporio khác của Armani: một khác biệt bản thể.

Sau bao nhiêu trầm luân, tôi tưởng mình đã ổn định một gu trang phục không đến nỗi tệ. Ít nhất tôi không mặc các loại rèm cửa mà từ nhân dân đến đầy tớ của nhân dân đều mê. Hay váy áo búp bê. Hay đầm công chúa. Hay sơ-vin công sở. Hay áo vét cán bộ màu be. Hay những cành tre khóm cúc bên trên hai ống quần màu sẫm, dùng cho mọi hoàn cảnh mà không sợ thất cách. Hay những tà áo dài quết đất ngây ngất polyester kim tuyến cho những dịp cần long lanh hơn. Tôi cũng đủ trí khôn để không trình bày mình như một sưu tập nữ tính với chân váy nhún, áo bánh bèo và giày thắt nơ. Hay hợp mốt trung lưu hơn, như một xe tạp hóa leng keng, từ bộ đầm hở trọn vai u cổ ngấn trưng một bảng những chữ cái MK, LV, GG, CC, CD, CK gì đó đến chiếc mũ – mà nhà văn họ Vũ chắc phải đặt tên là mũ Đừng hỏi trong đầu tôi có gì – yểm trợ mái tóc vẫn phi-dê từ thế kỉ trước nhưng đã qua mấy chục lượt thuốc màu. Đó là chưa kể tôi không thể dù có muốn mặc như đang gọi vốn cho một tấm thân đang chờ thủ tục khởi nghiệp.

Trang phục không phải chuyện vặt, nó thay đổi hình dung của chúng ta về thế giới và hình dung của thế giới về chúng ta. Virginia Woolf nói thế, nhưng rất lâu tôi mới hiểu. Nếu không là Marcel Proust, Truman Capote, Joan Didion hay Susan Sontag thì một nhà văn sống ở xứ lạnh chỉ cần một chiếc áo len, màu đen, cổ lọ, cashmere nếu có thể, là đủ. Để phát biểu một lần rồi xong rằng tôi còn nhiều việc khác, nhà đang bận. Rằng đừng nhìn cái tôi đắp lên da thịt mà cái tôi rút từ ruột gan. Rằng tôi khiêm nhường mà kiêu hãnh, dân dã mà tinh hoa, tiện lợi mà bí hiểm, tôi tự tại và vĩnh cửu với màu đen. Song không phải trên người tôi, không phải trên người Samuel Beckett với xì-tai ăn mặc nổi tiếng chẳng kém phong cách văn chương – thậm chí đeo túi Gucci vẫn trí thức thuần chủng -, chính chiếc áo len cổ lọ ấy nhưng ở Steve Jobs đã bẻ gãy chiến thuật thời trang phòng thủ cả lúc ngủ của tôi. Nói đúng hơn, không phải nó, không phải Steve Jobs, mà tác giả của nó, Issey Miyake[1]

Ông là nụ hôn khai sáng thân thiện nhất cho những kẻ cự tuyệt mốt miếc như tôi đã từng. Còn gì khiếp đảm hơn những chiếc váy xếp li mà Mary Poppins, các mẹ nội trợ, các nàng thư ký và bà nội bà ngoại nhiều thế hệ đã chốt chặt vào một nữ tính dậy mùi của hôm qua; một nữ tính nhỏ nhoi, vô hại, đại trà; một nữ tính không dám chạm vào ai và rụt rè mong mình được chạm khẽ. Nên tôi đã sốc vì hạnh phúc trước những trang phục Pleats Please của ông. Chúng dễ dàng thành lớp da thứ hai của tôi, cho lớp da thứ nhất rất nhiều không gian chuyển động và cộng hưởng. Chúng cống hiến silhouette tối giản, chất lượng hảo hạng và chất liệu bất ngờ. Chúng đẩy tự do của người mặc đi rất xa, vì chúng lắng nghe tôi, tôi không cần lắng nghe chúng. Đó không phải là thứ thời trang chớp nhoáng vụt đến vụt đi và để lại sự thèm khát vô độ. Không dàn dựng tự sự bằng storytelling, nghệ thuật truyền đạt những thông điệp sâu xa mà thực ra chỉ là tán tỉnh kiểu mới, chào hàng ngày càng tinh vi, ngày càng ràng buộc, phét lác đủ thứ trừ tiết lộ lãi ròng. Không bồi thêm một kênh truyền thông nữa trên bề mặt. Không phủ lên con số 0 to tướng thêm một lớp sơn. Thậm chí không nhất thiết phá phách cách tân và tất nhiên không blah blah trong hội chợ của phù hoa xa xỉ. Thời trang hoàn toàn có thể khải thị.

Nên tôi đọc lại Số đỏ bằng một cặp mắt khác. Những bộ cánh xuất hiện trong tiệm Âu hóa của bà Văn Minh gần một thế kỷ trước: cái quần Hãy chờ một phút, cái coóc-sê Ngừng tay, bộ Lời hứa, bộ Chiếm lòng, bộ Kiên trinh, bộ Lưỡng lự che một bên hở một bên, bộ Dậy thì hở cánh tay và hở cổ, bộ Ngây thơ hở đến nách và hở nửa vú, bộ Chinh phục hở ngực hở đùi, bộ Nữ quyền bắt chồng khiếp sợ… có thể phản cảm; những tín đồ của chúng có thể lố bịch; song như thế vẫn ngàn lần tốt hơn cố thủ trong một thẩm mỹ cổ hủ, vừa xuề xòa dễ dãi vừa khắt khe giáo điều của xã hội phong kiến khép kín. Chiếc áo dài biểu tượng dân tộc đã định hình trong chính buổi giao thời bon chen nhăng nhố ấy, chứ không phải là sáng tạo của một Mẹ Âu Cơ hoang đường nào.

Người Việt hôm nay trọng hình thức hơn bao giờ hết. Mốt bình dân vui vẻ ve chai hàng chợ. Mốt trưởng giả diện đồ ngủ Louis Vuiton ra sân bay. Mốt hot boy chuẩn trai Hàn mặt hoa da phấn. Mốt hot girl đốt mắt, cắt khoét, bạo liệt, trong veo. Mốt trung lưu đi tìm một cá tính riêng giống hệt cá tính của người bên cạnh với H&M, Zara, Uniqlo. Mốt bà lớn phốp pháp trong áo dài tuyết nhung nhùn nhũn. Mốt ông lớn dắt bụng và đồng hồ đi chơi gôn. Mốt phu nhân hack tuổi. Mốt áo gió cho đại gia sa lưới. Mốt văn nghệ sĩ hiện đại đeo kính tròn John Lennon. Mốt về nguồn, nàng yếm sồi đầm sen, chàng áo the khăn xếp. Mốt hoài niệm thuở cách mạng còn trinh trắng, xanh thắm màu thanh niên xung phong. Lại một buổi giao thời nhố nhăng. Phô trương, ô trọc, nhảm nhí, sến súa, chảnh chọe, đua đòi, xô bồ, hời hợt và là cơn ác mộng vô tận với những tâm hồn quá thanh khiết. Song ít nhất nó cống hiến cơ hội cho một số cách tân và biểu hiện đa nguyên bề mặt. Có thể nó lừa mị, ru ngủ, che phủ bản chất bất khả thay đổi của thể chế. Song dù thế nào, tự do hình thức bề ngoài vẫn ngàn lần tốt hơn nền độc tài của những nội dung đạo lý và thuần phong mỹ tục nào đó. Phòng thủ, như tôi đã từng, là tất cả trừ tự do.

Tuần báo Trẻ, 16/2/2023


[1] Người duy nhất từng một lần mặc đồ của Issey Miyake ở Việt Nam là ca sĩ Hồng Nhung, song không được ghi nhận mà bị chê sấp mặt.