Buồn ơi, nhẹ thôi
Th7 14, 2022
Phạm Thị Hoài
Bạn vừa công bố một nỗi buồn. Xen chút dỗi hờn, khi gặp lại một tác phẩm bạn dịch, bản đề tặng tôi, từ hàng sách cũ. Về chuyện này, có lẽ chỉ cần nói rằng gần hai mươi năm nay tôi xa Việt Nam là đủ. Tôi đã không tính đến kịch bản bị cấm cửa ở quê hương. Ở nơi ấy tôi không còn và không còn là một hiện hữu vật chất nào nữa. Những thứ tưởng như chết mang theo còn buông bỏ, huống hồ đồ đạc sách vở và cả những kỷ vật vô giá dù vô danh. Bạn ạ, có những mất mát không thể đong đếm bằng nỗi buồn.
Tôi không thuộc trường phái tắm táp liếm láp những mất mát. Con xúc xắc gieo vào tôi đủ ngửa ra những mặt hào phóng để chốn lưu vong không biến thành nhà tù của dĩ vãng, nơi người ta mãi múc từ ao ký ức này đổ sang vũng hoài niệm kia, tát qua tát lại cho đến khi tất cả đều khô kiệt. Tiếng Việt mắc cạn ở đó, chưa đủ chết để hóa kiếp tử ngữ cho bảo tàng, không đủ sống để làm một sinh ngữ cho sáng tạo – một ngôn ngữ sống dở chết dở, như tình trạng của nhiều người viết buộc phải xa xứ. Họ có thể đổi đời, no ấm hơn, chắc chắn là an toàn hơn, về căn bản là tự do hơn, chưa kể con cái được hưởng một nền giáo dục tiến bộ hơn và bản thân về già được lắp răng giả chất lượng hơn. Nếu không cọ xát với ngôn ngữ ở quốc gia đang sống, có lẽ họ cũng hài lòng với vốn liếng tiếng Việt mang theo, yên ổn trong đó như trong hầm trú, nơi cố thủ cuối cùng của cái mà họ định nghĩa là hồn Việt.
Song lưu vong trước hết là một đứt gãy ngôn ngữ không thể hoặc rất khó bù đắp. Tiếng Việt của tôi ở đây là một sinh thể yếu thế, thiếu dưỡng khí, suy giảm trí nhớ, trầm lặng, bị động, cô độc, hàng ngày bị tiếng Đức thách thức và thường trực đối diện nguy cơ xơ cứng, xói mòn, cổ hủ và bảo thủ, bệnh thoái hóa tất yếu của một ngôn ngữ ở ngoại biên. Sức sống tự nhiên của một cộng đồng ngôn ngữ trăm triệu thành viên, tôi buộc phải hấp thụ gián tiếp. Việc ấy vất vả, nhưng khi biết cái giá phải trả cho một từ có thể mất, một thanh điệu có thể quên, một cái tên có thể bỏ đi để chẳng bao giờ làm ơn quay về, khi nhúng tiếng mẹ đẻ vào chiếc vạc dầu của ngôn ngữ toàn cầu, khi nhìn chữ rụng xuống để không còn mọc lên trên một thổ nhưỡng khác, tôi thấy quan hệ giữa mình và tiếng Việt nghiêm ngặt hơn nhưng cũng tự do hơn. Một quan hệ định mệnh tự nguyện. Nó không đòi tôi phụng sự vô điều kiện. Tôi không đòi nó đảm bảo vô tận chuỗi cung ứng. Hai bên đều trở nên khiêm nhường và tương kính, thay phiên phục vụ lẫn nhau; tôi là công cụ trong tay nó và nó là công cụ trong tay tôi; tôi sở hữu nó và nó sở hữu tôi. Nếu không lưu vong, có lẽ tôi đã phạm nhiều khinh suất hơn trong ứng xử với tiếng Việt. Ngôn ngữ không phải là một tập hợp có tổng bằng không, cái được chẳng hoàn trả cái mất, song ngay cả cái tổn thất lớn nhất cho một người viết là bị đánh bật khỏi môi trường ngôn ngữ ấy của tôi cũng nhẹ thôi, so với nhiều bi kịch khác.
Thời làm thư viện sách xuất bản tại miền Nam trước 1975 cho Tủ sách talawas, tôi đã gặp những chữ ký và dòng đề tặng mà bình thường chỉ là thủ bút đáng sưu tập của những nhân vật danh tiếng. Song hành trình lưu lạc của những ấn bản ấy kể về số phận cay đắng của bao người cầm bút, đồng nghiệp của tôi, ở nửa kia đất nước. Họ chết trong tù, tan nát trong giông bão hậu chiến, vùi thây dưới lòng biển, cô đơn tàn tạ trong một tồn tại xa lạ nơi xứ người. Joseph Brodsky hình dung lưu vong là cú ném vọt một nhà văn qua đêm đến chỗ mà bình thường mất cả đời may ra mới tới: đến sự cô đơn tuyệt đối, nơi chỉ còn mình và con chữ, không ai và điều gì có thể xen vào giữa. Song thực tế tầm thường hơn nhiều. Trước khi đủ bản lĩnh để hưởng thụ vụ tăng tốc tuyệt diệu đó, phần lớn các tác giả lưu vong đã tê liệt vì bị tước đoạt điều kiện thiết thực để có thể theo đuổi nghề văn: tên tuổi và độc giả. Họ bị ném vọt qua đêm đến chỗ vô danh để viết vào một chốn vô tăm tích. Cô đơn là người thầy tốt và người bạn tồi.
Mới đây trên eBay tôi thấy ấn bản vở kịch Eine Königin Esther năm 1918 của Max Brod với dòng “Für Heinrich Mann mit verehrenden Grüßen” (“Trân trọng đề tặng Heinrich Mann”), giá bán 680 Euro. Người tặng và người được tặng, cả hai từng bỏ lại tất cả để đào thoát khỏi đất nước không dung họ và chẳng bao giờ gặp lại quê hương nữa. Heinrich Mann ra đi với một chiếc va-li nhỏ, Max Brod với chiếc cặp đựng bản thảo nhiều tác phẩm chưa xuất bản của Franz Kafka, trong đó có tiểu thuyết Vụ án. Thời viết luận văn tốt nghiệp đại học, tôi được làm việc với Phông Lưu trữ Heinrich Mann tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin. Tủ sách riêng của ông chỉ còn rất ít, phần lớn đã thất lạc hoặc rải rác khắp các nẻo đường lưu vong. Dù sao ông vẫn còn khá may mắn. Walter Benjamin – từng coi đời mình về chi tiết là thành công, về tổng thể là thất bại – bất hạnh hơn. Ông chạy sang Paris khi đế chế Quốc xã ở Đức hiện hình. Một phần tủ sách của ông bỏ lại ở Berlin được bạn bè giữ giúp, lúc đầu tại nhà của Bertolt Brecht lưu vong ở Đan Mạch, sau chuyển được sang Pháp. Khi Paris thất thủ, ông chạy trốn một lần nữa, mang theo duy nhất một cặp xách với bản thảo tác phẩm mà ông cho là quan trọng nhất của mình. Trong cơn tuyệt vọng vì cầm chắc sẽ bị trục xuất trở lại nước Pháp của chính quyền Vichy, ông quyên sinh. Bản thảo cuối cùng trong chiếc cặp xách ấy biến mất, cũng như toàn bộ tủ sách 3000 cuốn trong căn hộ bị Gestapo lục soát của ông ở Paris.
Tôi chỉ thấy biết ơn và cả ngưỡng mộ những tiệm sách cũ đã âm thầm cất giấu để một phần nhỏ tác phẩm của văn học miền Nam trước 1975 vẫn còn lại ở đó. Như một phản kháng lặng lẽ, một lần nữa của những Guy Montag trong Fahrenheit 451. Phần lớn đã làm mồi cho những chiến dịch thu hồi, cấm lưu hành, bài trừ, “quét sạch nọc độc” văn hóa văn nghệ “phản động, đồi trụy, bất hợp pháp”. Sau này những ấn bản ấy được bán chui, giá “khá chát“- để dùng lại lời của bạn – song tôi thấy hoàn toàn xứng đáng. Các nhà buôn sách cũ không bán cân giấy lộn. Đam mê sách và tình yêu lợi nhuận của họ – cái nào quyết định, không quan trọng – là bộ lọc sáng suốt hơn hẳn sự thẩm định của phần lớn giới nghiên cứu và phê bình chủ lưu. Thị trường tỉnh táo hơn những yêu ghét dỗi hờn và đáng tin hơn những tiêu chuẩn đạo đức thường đầu lưỡi và những tiêu chí văn hóa thường bất nhất của chúng ta. Tủ sách của Kafka được cô em út trông nom cho đến khi bà bị dồn vào trại tập trung và cuối cùng bị giết ở Auschwitz. Tưởng đã vĩnh viễn thất lạc, cho đến khi được một nguồn ẩn danh, rất có thể là một hậu duệ Quốc xã hay một kẻ trộm am hiểu văn chương, bán cho một tiệm sách cũ ở Munich và tiệm này lại đem bán cho Đại học Wuppertal. Giới nghiên cứu Kafka ăn mừng. Viện Lưu trữ Văn học Đức ở Marbach cũng ăn mừng khi mua được bản thảo viết tay cuốn Vụ án của ông, giá 2 triệu dollar. Kafka giao bản thảo ấy cho người bạn thân Max Brod để đốt; Max Brod không đốt mà xuất bản, rồi tặng lại cho Esther Hoffe, thư ký và người tình của mình. Bà đem bán. Giá rất “chát”. Ở thế giới bên kia, tôi tin là cả Kafka lẫn Max Brod đều chẳng buồn tiếc gì hết. Họ không phải những bạo chúa xây lăng tẩm hoành tráng để chôn sống những cuốn sách yêu dấu theo mình.
Vậy nếu phải buồn, chúng ta nên thực lòng buồn, nhẹ thôi, vì những ấn bản có thủ bút đáng nâng niu của mình chỉ được bán với cái giá không đủ mơn trớn lòng sĩ diện. Không nhiều thì ít, văn nghệ sĩ là chủng loại tồn tại nhờ khai thác lòng tự ái của bản thân. Song cái Tôi lưu vong dường như biết tiết chế và tự khoanh vùng hơn. Biết rằng phần lớn các cuộc đời lưu vong không phải những con lắc chao đảo mà là những quỹ đạo một chiều, theo hình dung của nhà thơ lưu vong không ngừng chất vấn trạng thái lưu vong, vẫn Joseph Brodsky. Lần này ông không nói quá. Ông không trở về Nga khi Liên Sô đã sụp đổ: người ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông, dù đó là sông Volga, hai lần trong cùng một vùng biển, dù đó là Biển Đen. Người ta thay đổi, tách ra, rời xa và bỏ lại chính mình, để một lúc nào đó trở thành một vật thể tự do, một phi thuyền trong khoảng không, lúc đầu còn bị trọng lực ở nơi xuất phát níu kéo, nhưng rồi sẽ tiến vào một trường hấp dẫn khác, với những lực hút chưa hề biết đến ở bên ngoài.
Tôi không thể đem theo gì nhiều trong khoang chứa bé nhỏ của cái phi thuyền đó. Vì thế xin bạn đừng làm theo Bernard Shaw. Gặp ở hàng sách cũ một ấn bản cuốn sách của mình với lời đề tặng một người bạn, ông mua lại, viết thêm: “Một lần nữa trân trọng đề tặng“, rồi đem gửi cho người bạn ấy.
Tuần báo Trẻ, 14/7/2022