Tác giả

Chuyên mục

Trang

Lưu Hiểu Ba – Đằng sau kỳ tích Trung Quốc

Th7 17, 2021

Phạm Thị Hoài dịch

Tôi dịch bài viết này như một nén hương nhỏ tưởng niệm nhà văn và tù nhân lương tâm Lưu Hiểu Ba, qua đời vì bạo bệnh trong tù ngày 13 tháng Bảy bốn năm trước. Tất cả những gì ông nói về Trung Quốc đều có hiệu lực trọn vẹn với Việt Nam, đất nước khôn nguôi căm ghét người láng giềng phương Bắc, để rồi không làm gì khác ngoài trở thành bản sao vĩnh cửu, tuy mờ và thu nhỏ, của chính kẻ thù truyền kiếp ấy.

______________

Sau Thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu 1989, nền kinh tế Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn, mức độ vượt xa so với những năm tám mươi.

Động lực chính cho sự phát triển kinh tế cao độ này là nỗ lực của Đặng Tiểu Bình nhằm nhanh chóng cứu vãn quyền lực cá nhân và tính chính danh của chế độ bị sa sút nghiêm trọng do vụ thảm sát Lục Tứ. Đặng quyết tâm dùng kinh tế để duy trì ổn định chính trị và đề xuất phương châm “phát triển là đạo lý tối hậu”.

Khi bức màn xã hội ngột ngạt vừa được vén lên về mặt kinh tế, động lực chính cho những thay đổi tiếp theo là mưu đồ trục lợi của các gia đình quyền quý, tức những thế lực bắt đầu nổi lên từ đầu thập niên tám mươi.

Chính sự tham lam của giới quyền quý này đã khuấy động dục vọng làm giàu của con người, phát động giấc mộng kim tiền của toàn dân, thúc đẩy sự phát triển bất thường và nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 9% có thể gọi là một “kỳ tích kinh tế”.

Đặc sắc Trung Quốc

Tuy sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường hóa và tư hữu hóa, nhưng thị trường kiểu Trung Quốc không phải là kết quả của thị trường hóa nhà nước pháp quyền mà là kết quả của thị trường hóa quyền lực. Quyền lực thành phương thức chủ yếu để phân bổ các nguồn lực; phân phối quyền lực quyết định phân phối nguồn vốn. Tư hữu hóa kiểu Trung Quốc không phải là tư hữu hóa hợp pháp và hợp đạo đức, mà là tư hữu hóa kiểu thổ phỉ. Thị trường bất động sản được mở cửa từng bước biến thành sân chơi riêng cho giới quyền thế, và thị trường tài chính do chính phủ kiểm soát biến thành một thiên đường phương Đông cho giới quyền thế có thể giàu sụ qua đêm. Sự xuất hiện đột ngột của nền kinh tế mới đã mở ra những cơ hội mới cho giới quyền thế, và cũng tạo ra một tầng lớp phú ông trẻ tuổi gắn bó với quyền lực.

Đồng thời, việc “chia nhỏ nồi cơm to bằng thìa riêng” trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã khiến quá nhiều tài sản nhà nước chảy vào túi một thiểu số nắm quyền hành; những ngành công nghiệp độc quyền mang lại lợi nhuận cao hầu hết nằm trong tay một vài gia đình quyền thế.

Ngân sách của chính quyền Trung cộng tăng nhanh tới mức không chỉ trên cả tốc độ tăng trưởng đã rất cao của GDP, mà còn vượt xa tốc độ tăng thu nhập của dân chúng. Ngày càng giàu và nhiều thế lực, giới quan chức vung tiền ra khắp thế giới. Đồng thời, tốc độ tích lũy tài sản tư nhân của giới quyền quý Trung Quốc có thể khiến bất kỳ nhà tư bản nào ở một quốc gia tư bản lâu đời trở nên kém cỏi. Huyền thoại làm giàu qua đêm lan truyền trong những gia tộc quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cái giá quá đắt

Cái giá phải trả của sự phát triển theo mô hình Trung Quốc là các quyền tự do cá nhân cũng như quyền lợi và phúc lợi xã hội bị bỏ qua. Hưởng lợi từ sự phát triển hiệu quả cao này chủ yếu là các nhóm quyền thế. Dân thường chỉ nhặt nhạnh cơm thừa canh cặn sót lại.

Hoàn toàn tương ứng với điều đó là quan điểm kỳ dị về nhân quyền, đặt quyền sinh tồn lên hàng đầu, tức nhân quyền theo mô hình đặc sắc Trung cộng, nhằm phục vụ sự ổn định của chế độ và lợi ích của giới cầm quyền.

Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngần ngại sử dụng mọi nguồn lực để duy trì sự ổn định chính trị. Sự băng hoại của ý thức hệ chính thống đã khiến chủ nghĩa cơ hội cực đoan và chủ nghĩa thực dụng lên ngôi. Nhưng không hề gì, chủ nghĩa nào cũng được, miễn là đặc quyền độc tài và của cải cướp bóc được bảo toàn.

Sách lược của Đảng

Sách lược thống trị của chế độ độc tài đầu sỏ được chia thành năm khía cạnh tương hỗ nhau:

Thứ nhất, sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một liên kết ý thức hệ mới, gắn các khẩu hiệu chính thức của chính sách ngoại giao cường quốc và sự trỗi dậy của các cường quốc với tinh thần độc lập chống Mỹ, chống Nhật và chống Đài Loan. Đồng thời, hướng toàn bộ xã hội quay trở lại thời đại hoàng quyền; các bậc đế vương vĩ đại và sự thịnh vượng của nền văn minh Trung Quốc thời hoàng kim trở thành những chủ đề chính của văn hóa đại chúng.

Sau những đại loạn chính trị, sự phát triển của nền kinh tế được tuyên truyền là nghỉ ngơi và dưỡng sức, là hứa hẹn về một tương lai sung túc, có cơm ăn áo mặc trong một xã hội hài hòa, phiên bản mới của nền hòa bình và thịnh vượng truyền thống, dựa trên đức trị với “bát vinh bát sỉ” – tám điều vinh, tám điều nhục – nối tiếp truyền thống Nho giáo[1].

Thứ hai, tiến mạnh theo hướng “tất cả vì lợi nhuận” của chủ nghĩa tư bản nguyên thủy. Chính quyền Trung cộng cổ động làm giàu. Lợi ích của toàn đảng chia thành lợi ích của các phe cánh chính trị. Lợi ích của cả quốc gia chia thành lợi ích của các tập đoàn đặc quyền. Còn lại miếng bánh cuối cùng thì chia cho nhóm lợi ích của các gia đình và cá nhân quyền thế.

Đảng Cộng sản Trung Quốc không còn húy kỵ việc theo đuổi lợi nhuận và cũng không còn ngần ngại đứng ra đại diện cho đại tư bản. Lợi nhuận đã thay thế sự vận động ý thức hệ, trở thành sợi dây gắn kết xã hội và thước đo lòng trung thành chính trị cũng như thành tích công cán và hiệu quả điều hành quản lý của các quan chức. Tình trạng tham nhũng, chiếm dụng công quyền để tư lợi đã trở thành căn bệnh ung thư ăn sâu vào cơ thể của Đảng.

Với nhóm cầm quyền hiện tại, kim tiền là nền chính trị vĩ đại nhất. Tiền, để đảm bảo sự ổn định của chế độ và lợi ích của giới quyền lực. Tiền, để bình định các thành phố trung tâm và mua chuộc giới tinh hoa. Tiền, để thỏa mãn lòng tham của những kẻ muốn giàu nhanh qua đêm và dập tắt sự phản kháng của những tầng lớp dân chúng thiệt thòi. Tiền, để mặc cả với các nước phương Tây trong chính sách ngoại giao. Tiền, để mua sự ủng hộ chính trị từ những nước nhỏ bất hảo.

Thứ ba, chạy theo tiêu thụ vật chất xa xỉ và văn hóa phù phiếm dễ dãi.

Một mặt, lĩnh vực tiêu dùng liên tục phóng ra những “vệ tinh giá trên trời”, xe hơi nổi tiếng, đồng hồ nổi tiếng, biệt thự sang trọng và một văn hóa tiêu dùng sôi động. Mặt khác, sự tầm thường hóa, đại chúng hóa được bọc bằng lớp vỏ Chân Thiện Mỹ và phồn vinh giả tạo đã trở thành một ngành công nghiệp cao sản và thống lĩnh thị trường văn hóa. Sự vui nhộn tiểu phẩm và thư giãn nông cạn của nó phối hợp với sự ồn ào lên gân của các chủ đề thấm nhuần ý thức hệ đã tạo ra một chủ nghĩa hưởng lạc được chế độ độc tài chủ ý dung túng, phát tán một sự độc ác thô bỉ, lạnh lùng và man rợ.

Thứ tư, mọi bất đồng chính kiến ​​về chính trị đều bị nghiêm cấm, các hoạt động có tổ chức của xã hội dân sự bị đặc biệt nghiêm trị.

Dưới sự đàn áp khốc liệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các tổ chức dân sự tự trị, những cá nhân đã tách khỏi các tổ chức đảng và đơn vị nhà nước tuy có một không gian riêng tư nhất định nhưng không thể hình thành một xã hội dân sự có tổ chức và tự trị trong phạm vi công cộng mà lại một lần nữa bị phân tán, bị nguyên tử hóa, không đủ khả năng hình thành một lực lượng dân sự độc lập, có tổ chức, vì vậy không thể nói đến việc tranh giành quyền lực với nhà nước và đảng cầm quyền được tổ chức cao độ.

Thứ năm, mua chuộc giới tinh hoa trí thức. Sau ngày 4 tháng Sáu, đầu tiên chính quyền Trung cộng dùng máu để trấn áp và uy hiếp giới tinh hoa trí thức, những người đã đóng một vai trò to lớn trong phong trào phản kháng năm 1989, rồi sau đó cám dỗ họ bằng lợi nhuận, và nhanh chóng biến giới trí thức thành những kẻ khuyển nho dùng mông đít quyết định cái đầu.

Trong sâu thẳm, có thể họ bác bỏ ý thức hệ của chế độ hiện hành hoặc thậm chí khinh bỉ chính quyền hiện tại, song những cám dỗ lớn của lợi ích hiện hữu và nguy cơ khủng bố chính trị cao khiến họ phải gắn bó với chế độ hiện tại, công khai bày tỏ thái độ thừa nhận và ủng hộ chế độ đó. Họ tích cực xích lại gần quyền lực và tư bản, không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để hứng ơn mưa móc, không còn ngại công khai biện hộ cho các tập đoàn quyền lực, và không còn xấu hổ khi tự giác hành động như nghệ sĩ hóa trang tư tưởng của chế độ tư bản. Tri thức, quyền lực và tư bản đã kết thành một liên minh lợi ích tam vị nhất thể, cho phép giới tinh hoa trí thức nhanh chóng gia nhập hàng ngũ giàu sang quyền thế.

Chi phí xã hội

Do đó, những biến đổi cực đại trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc nhìn bề ngoài tuy rộng lớn và sâu sắc, nhưng thực chất lại khập khiễng và hời hợt mà đặc điểm chính là mở rộng về số lượng thay vì nâng cao chất lượng.

Chất lượng cuộc sống xã hội nói chung và chất lượng con người đã không được cải thiện đồng bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh chóng. Các tiêu chuẩn đạo đức, sức sống tinh thần tư tưởng, phúc lợi xã hội và sự tham dự của công chúng kém xa so với những năm tám mươi. Trung Quốc đang điên rồ chạy theo một chủ nghĩa tư bản thân hữu ở dạng tồi tệ nhất.

Giới chức sắc thì chia nhau tài sản của Đảng chuyển hóa từ cái gọi là tài sản nhà nước một cách vô nguyên tắc; giới tinh hoa thì biện hộ cho quyền lực và tư bản một cách vô liêm sỉ.

Sức mạnh tổng hợp thực tế và đạo đức những năm tám mươi đến từ phe khai sáng cởi mở trong nội bộ Đảng, giới trí thức tự do, giới trẻ đầy nhiệt huyết, giới kinh tế tư nhân truy cầu đạo nghĩa và những người bất đồng chính kiến để thúc đẩy cải cách chính trị nay đã biến mất. Duy nhất thay vào đó là một cải cách kinh tế đơn thuần lấy lợi ích kinh tế làm chuẩn mực.

Đằng sau “kỳ tích kinh tế” đó là kỳ tích hủ bại của thể chế, kỳ tích bất công xã hội, kỳ tích suy đồi đạo đức, và kỳ tích phung phí tương lai. Đó không chỉ là một kỳ tích với chi phí kinh tế và chi phí nhân quyền cực kỳ cao, mà cả với chi phí xã hội toàn diện không thể nào tính hết.

Nguồn: Bản tiếng Anh của bài viết này, nhan đề “Behind the China Miracle”, đăng lần đầu trên BBC ngày 04/11/2008, sau này được đưa vào tuyển tập No Enemies, No Hatred, Harvard University Press, 2012

Dịch từ bản tiếng Đức “Die Hintergründe des chinesischen Wirtschaftswunders” trong Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, Fischer Verlag, Frankfurt am Main, 2013 Tuần báo Trẻ, số ra ngày 15/7/2021


[1] “Bát vinh bát sỉ” (八荣八耻) là luận thuyết xã hội chủ nghĩa về danh dự và ô nhục do Hồ Cẩm Đào đề xướng năm 2006 gồm tám điều vinh và tám điều nhục như sau: 1) Yêu tổ quốc là vinh, hại tổ quốc là nhục; 2) Phục vụ nhân dân là vinh, phản bội nhân dân là nhục; 3) Tôn sùng khoa học là vinh, ngu muội vô tri là nhục; 4) Chuyên cần lao động là vinh, lười biếng hưởng lạc là nhục; 5) Đoàn kết tương trợ là vinh, ích kỷ hại người là nhục; 6) Trung thực thủ tín là vinh, hám lợi vong nghĩa là nhục; 7) Tuân thủ kỷ cương pháp luật là vinh, vi phạm kỷ cương pháp luật là nhục; 8) Phấn đấu gian khổ là vinh, kiêu căng xa xỉ là nhục. (Chú thích của người dịch)