Xa cộng sản, gần con người: đi dây ở Đông Âu (2)
Th4 29, 2013
Tony Judt
Phan Trinh dịch
Bài liên quan:
Xa cộng sản, gần con người: bể dâu ở Tây Âu
Xa cộng sản, gần con người: đi dây ở Đông Âu (1)
____________
Trí thức Đông Đức
Người Đông Đức có những bận tâm riêng. Một trong những mâu thuẫn của chính sách dành cho Đông Đức (Ostpolitik) của chính quyền Tây Đức, được Willy Brandt [Thủ tướng từ 1969 đến 1974] và những người kế vị áp dụng, đó là: khi chuyển giao một số lớn tiền cứng vào Đông Đức, khi tới tấp dành cho Đông Đức những công nhận, quan tâm và các khoản hỗ trợ, thì chính quyền Tây Đức đã vô tình khép lại bất cứ cơ hội thay đổi nào từ bên trong Đông Đức, kể cả việc cải thiện nền kinh tế công nghiệp cổ lỗ sĩ và gây ô nhiễm của họ. Bằng các nỗ lực “bắc cầu”, xây những đô thị kết nghĩa, tổ chức những chuyến viếng thăm hữu nghị, và cùng lúc tránh xa những chỉ trích của phương Tây nhắm vào các chế độ Đông Âu, các chính khách tại Bonn đã tạo cho giới lãnh đạo Đông Âu một cảm giác ổn định và an toàn giả tạo.
Tây du và cánh trái
Thêm vào đó, bằng cách “mua lại” những nhân vật đối lập và tù nhân chính trị,[i] Tây Đức đã làm cho hàng ngũ đối lập Đông Đức mất đi một số những nhà bất đồng nổi tiếng nhất. Không có xã hội cộng sản nào có được một hàng xóm sinh đôi ở phía Tây nói cùng ngôn ngữ như Đông Đức. Cám dỗ bỏ nước ra đi vì vậy luôn ám ảnh, và “quyền đi lại” cũng đương nhiên nằm trên đầu danh sách những quyền hạn mà giới văn nghệ sĩ Đông Đức quan tâm. Nhưng nhiều nhà phản biện “cung đình” của chế độ Đông Đức lại có lựa chọn khác là vừa không bỏ nước ra đi, vừa không từ bỏ lý tưởng cũ họ theo đuổi. Thật vậy, vào cuối thập niên 1970, Đông Đức là nước duy nhất có thể nói mình có một lực lượng đối lập Mác-xít không chính thức nằm ngay trong nội bộ đảng. Tất cả những nhà phản biện nổi tiếng nhất đều tấn công nhà cầm quyền từ vị trí cánh tả – nhưng chính vị trí cánh tả đó làm cho tiếng nói của họ vừa khó nghe, vừa lạc điệu với những nhóm đối lập khác trong khối Đông Âu, như nhà văn Tiệp Khắc Jiří Pelikán đã chua chát nhận xét.
Cũng vì vậy mà Rudolf Bahro, bị ngược đãi nhiều năm trước khi bị trục xuất qua phương Tây năm 1979, chỉ được biết đến nhiều nhất qua tiểu luận Con đường khác [The Alternative], một văn bản đậm chất Mác-xít về “chủ nghĩa xã hội trên thực tế”. Cũng vì vậy mà Robert Havemann, một người cộng sản lớn tuổi hơn – bị truy tố và xử phạt vì đấu tranh cho quyền lợi của ca sĩ nhạc đồng quê Wolf Biermann (bị trục xuất qua phương Tây năm 1976) – đã chỉ trích đảng cầm quyền, không vì đảng xâm phạm quyền con người, nhưng vì đảng phản bội những lý tưởng của mình, và vì đảng khuyến khích quần chúng tiêu thụ và sở hữu tài sản cùng hàng hóa. Tương tự, Wolfgang Harich, một trí thức hàng đầu Đông Đức, người kiên trì phê phán hệ thống bàn giấy quan liêu của chế độ, cũng đã nặng lời không kém khi chống lại “ảo tưởng của chủ nghĩa tiêu thụ” và cổ xúy cho giải pháp cánh tả là đảng cầm quyền cần phải cải tạo quần chúng.
Tôn giáo và hòa bình
Những phản kháng có ý nghĩa thực sự, tuy ít ỏi, chống lại chế độ cộng sản tại Đông Đức, tương tự như ở Ba Lan, dường như lại được kết tủa xung quanh những giáo hội: Ở Đức, đó là Liên đoàn các Giáo hội Tin lành (Bund der Evangelischen Kirchen). Tại đây, ngôn ngữ mới về quyền con người và các quyền tự do lại rất gần gũi với những giá trị Thiên chúa giáo, và cũng như ở Ba Lan, ngôn ngữ này được củng cố vì gắn liền với giáo hội, định chế duy nhất còn sót lại từ trước thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Ảnh hưởng của các giáo hội cũng đã khiến cho vấn đề “hòa bình” trở thành quan trọng trong sinh hoạt của trí thức phản kháng Đông Đức.
Những thanh niên của phong trào hòa bình, thường gọi là “peaceniks”, cùng các nhà vận động giải trừ vũ khí hạt nhân tại phương Tây thường được nhìn với cặp mắt nghi ngờ tại các nước Đông Âu. Tích cực nhất, họ cũng chỉ được xem như những người vô tội nhưng ngây thơ, thường thì họ bị xem như những quân cờ dại dột bị chế độ Xô-viết giật dây.[ii] Đặc biệt là Václav Havel, ông cho rằng phong trào phản chiến ngày càng lớn mạnh tại Tây Âu vào đầu thập nhiên 1980 là công cụ hoàn hảo để cuốn hút, đánh lạc hướng, và trung lập hóa giới trí thức phương Tây. Ông nhấn mạnh rằng: Làm sao có thể nói chuyện “hòa bình” trong một nước khi nhà cầm quyền ở trong tình trạng chiến tranh thường trực với người dân. Hòa bình và giải trừ vũ khí trong hoàn cảnh lúc đó chỉ củng cố tự do và độc lập cho những nước Tây Âu, nhưng sẽ tiếp tục trói buộc Đông Âu dưới gọng kềm của Liên Xô. Sẽ là sai lầm nếu tách “hòa bình” ra khỏi quyền con người và tự do. Hoặc, nói như Adam Michnik, “điều kiện để giảm bớt nguy cơ chiến tranh là tôn trọng toàn phần quyền con người.”
“Đấu” bằng “hòa”
Ở Đông Đức, phong trào hòa bình có thêm một sắc thái địa phương khác, đương nhiên điều này một phần vì Đông Đức có liên quan với Tây Đức, nhưng cũng vì một lý do khác nữa. Đông Đức – quốc gia không có cả lịch sử lẫn căn tính riêng, hình thành như một tai nạn lịch sử – phần nào có lý khi nói rằng hòa bình, hoặc “sống chung hòa bình”, là lý do tồn tại của mình. Nhưng cùng lúc, Đông Đức lại là nước được quân sự hóa và mang tính quân phiệt nhất trong những nước xã hội chủ nghĩa: năm 1977, “Giáo dục Quốc phòng” được đưa vào giáo trình của nhà trường tại Đông Đức, và Phong trào Thanh niên thuộc nhà nước cũng là một phong trào mang tính bán quân sự cao bất thường, so với cả tiêu chuẩn của Liên Xô. Mâu thuẫn căng thẳng này đã bộc lộ ra ngoài, thông qua một hình thức đối kháng được quần chúng ủng hộ nhờ tập trung vào chủ đề hòa bình và giải trừ vũ khí:
Năm 1962, Đông Đức đã áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 18 tháng đối với mọi công dân nam từ 18 đến 50 tuổi. Nhưng hai năm sau, họ thêm vào một khoản miễn trừ: những ai không muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự vì lý do đạo đức có thể tham gia vào lực lượng Bausoldaten [chiến sĩ xây dựng], một lực lượng lao động công ích. Mặc dù người tham gia lực lượng này sẽ không có lợi thế về lý lịch trong tương lai, nhưng sự có mặt của nó cũng cho thấy Đông Đức chấp nhận sự tồn tại và tính hợp pháp của hành vi bất đồng vì lương tâm. Đến năm 1980, có hàng ngàn người Đông Đức đã tham gia Bausoldaten và lực lượng này trở thành một mạng lưới đầy tiềm năng cho những nhà hoạt động hòa bình.
Nhờ vậy, từ năm 1980, khi các mục sư Giáo hội Luther bắt đầu bảo vệ và hỗ trợ những nhà hoạt động hòa bình, thì họ có thể mở rộng đáng kể công việc của mình mà không bị nhà nước cấm đoán. Phong trào hòa bình non trẻ sau đó đã từ các nhà thờ lan tỏa đến các đại học, dẫn đến đòi hỏi không chỉ giải giới vũ khí mà còn là đòi hỏi quyền được lên tiếng không bị cản trở về những đề tài nhạy cảm kia. Bằng cách gián tiếp này, những người phản kháng Đông Đức đã tìm được ngôn ngữ chung và bắt kịp với những nhóm đối lập khác trong khối Đông Âu.
Rumani im ắng
Trong khi đó ở Rumani, tình hình không may mắn như thế. Sự ra đời của Hiến chương 77 đã nhận được một lá thư ủng hộ rất dũng cảm của nhà văn Paul Goma và bảy trí thức Rumani khác, tất cả họ đều lập tức bị đàn áp. Ngoài việc đó thì Rumani vẫn tiếp tục im lặng như đã từng im ắng suốt ba thập niên trước đó. Goma bị ép lưu vong ra nước ngoài và không có ai thay thế ông được. Về tình trạng này, có thể nói phương Tây cũng phải chịu một phần trách nhiệm – giả sử có một Hiến chương 77 của Rumani, hoặc có một phiên bản của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan tại Rumani, thì rất có thể họ cũng không nhận được sự ủng hộ bao nhiêu của phương Tây. Chẳng có tổng thống Mỹ nào từng đòi hỏi nhà độc tài Nicolae Ceaușescu rằng “hãy để cho Rumani được là Rumani.”[iii]
Liên Xô: Sakharov và lưu đầy
Ngay Liên Xô cũng chỉ dành quyền tự do rất giới hạn cho một vài trí thức – nhất là những nhà khoa học hàng đầu, vốn luôn là đối tượng được ưu tiên. Nhà sinh vật học Zhores Medvedev, người vào năm 1960 đã phơi bày vụ Lysenko[iv] và sau đó vụ này được biết đến rộng rãi qua mạng văn chui samizdat, ban đầu đã bị quấy nhiễu và sau đó bị tước quyền công dân. Ông phải sống lưu vong tại Anh từ năm 1973. Nhưng Andrei Sakharov, nhà vật lý nguyên tử nổi tiếng nhất nước và là người phản biện chế độ trong một thời gian dài, vẫn được hưởng tự do, cho đến khi ông công khai chống đối Liên Xô xâm lăng Afghanistan năm 1979, khiến nhà cầm quyền không thể chịu đựng ông được nữa. Sakharov phiền phức quá, không bỏ qua được (dù sao, tiếng nói của ông cũng là tiếng nói của người đoạt Giải Nobel Hòa bình năm 1975), nhưng cùng lúc Sakharov cũng quan trọng quá, không trục xuất ra nước ngoài được. Cuối cùng thì ông và vợ, bà Yelena Bonner, bị buộc đi lưu đầy nội địa tại thành phố Gorky tách biệt với thế giới bên ngoài.
Nhưng Sakharov luôn nhắc rằng ông chỉ kêu gọi Liên Xô giải trình về những sai lầm và những vụ bức hại người bất đồng, chứ không tìm cách lật đổ chế độ – lập trường này đặt ông đứng giữa một bên là thế hệ những người cộng sản cải cách lão thành, còn bên kia là thế hệ những nhà bất đồng mới tại Trung Âu. Những người khác, ít nổi tiếng hơn nhưng cũng công khai chống Xô-viết, thì bị đối xử tàn tệ hơn nhiều. Nhà thơ Natalya Gorbanevskaya bị bắt ở ba năm trong một nhà thương điên chẳng khác nào ở tù, và được chẩn đoán, cùng với hàng trăm người khác, là mắc chứng “tâm thần phân liệt dạng lờ đờ”. Vladimir Bukovsky, người nổi tiếng nhất trong số những người phản kháng trẻ tuổi hơn, thì phải trải qua 12 năm trong các trại tù, trại lao động, nhà thương điên Xô-viết, trước khi, dưới sức ép của thế giới bên ngoài phản đối việc áp bức anh, anh được cho ra nước ngoài, trong một cuộc đổi chác giữa anh và Luis Corvalan, một người cộng sản Chi-lê, năm 1976.
Phương Tây không can thiệp
Ngoại trừ vài phản đối nhân danh những cá nhân bị đàn áp như vừa kể, và một chiến dịch đấu tranh cho quyền di dân của người Do Thái tại Liên Xô, nhìn chung phương Tây rất ít quan tâm đến những việc nội bộ của Cộng hòa Liên bang Xô-viết – ít hơn nhiều, tính tới đầu thập niên 1980, những quan tâm dành cho phong trào phản kháng tại Ba Lan, hay những nước khác như Tiệp Khắc. Mãi cho tới năm 1983, Liên Xô mới rút ra khỏi Hiệp hội Bệnh Tâm thần Thế giới, vì hiệp hội này, cũng với phong cách lờ đờ đáng xấu hổ, lúc đó mới bắt đầu chỉ trích những bất thường diễn ra tại Liên Xô.
Liên Xô nó thế!
Nhưng dù có tác động từ bên ngoài hay không thì tuyệt đại đa số trí thức Liên Xô sẽ chẳng bao giờ đi theo những tiền lệ đã được tạo nên tại Đông Âu. Nỗi khiếp sợ do cuộc đàn áp vĩ đại mà Stalin gây ra vẫn lơ lửng như màn đêm đè nặng tâm trạng mọi người suốt ba thập niên sau khi ông chết, mặc dù không ai nhắc tới nữa. Ngoại trừ một số ít những người bất đồng thẳng thắn và dũng cảm nhất, tất cả đều tìm cách ở lại trong vòng cương tỏa, chỉ dám đề cập tới những đề tài được phép, chỉ dám nói thứ ngôn ngữ phải đạo ở Liên Xô mà thôi. Họ tin rằng, nghe cũng hợp lý, rằng Liên Xô sẽ tồn tại lâu dài. Những nhà văn như Andrei Amalrik, với luận văn “Liệu Liên Xô có tồn tại đến năm 1984?” xuất hiện tại phương Tây lần đầu năm 1970 và được tái phát hành với phiên bản mở rộng hơn 10 năm sau đó, là một luận văn mang tính dự báo cao, tuy không điển hình. Trái ngược với các chế độ bù nhìn được dựng lên tại Đông Âu bên ngoài biên giới của mình, Liên Xô vào năm 1983 đã tồn tại 66 năm, hầu hết dân chúng đều sinh ra và lớn lên dưới chế độ này, họ xem chế độ mình đang có như đương nhiên và về cơ bản sẽ cứ thế mãi.
Cái khó của dân
Sự phản kháng của giới trí thức Trung Âu không mang lại những ảnh hưởng lập tức. Điều này không làm ai ngạc nhiên: sự tỉnh táo và thực tế của các nhà bất đồng vào thập niên 1970 giúp họ nhìn thấu không chỉ những thất bại rõ ràng của chủ nghĩa xã hội, mà còn nhìn ra bản chất thực tế của quyền lực nữa. Ngoài ra, họ cũng thấy khả năng hành động có giới hạn của quần chúng: trong bài “Luận về lòng dũng cảm”, nhà văn Tiệp Khắc Ludvík Vaculík lập luận rất thuyết phục rằng không thể đòi hỏi quá nhiều từ người dân bình thường vốn phải đấu tranh để sinh tồn hàng ngày. Hầu hết mọi người sống trong một “vùng xám” về đạo đức, tuy ngột ngạt nhưng an toàn, và trong đó lửa nhiệt tình được thay thế bằng cái cúi đầu cam chịu. Rất khó để thuyết phục dân chúng tích cực tham gia những hành động chống đối chế độ chứa đầy rủi ro, vì với người dân bình thường, sự chống đối dường như không cần thiết. Điều lớn nhất có thể mong đợi ở quần chúng là họ làm “những việc làm cụ thể và thực tế, không mang tính anh hùng”.
Cái khó của trí thức
Giới trí thức hầu hết nói cho nhau nghe, thay vì nói cho quần chúng rộng rãi: một vài người còn tích cực phản kháng như để ngầm đền bù thiệt hại vì những phấn khích trước đây của chính mình. Hơn nữa, họ là hậu duệ (trong vài trường hợp, là con ruột theo nghĩa đen) của thế hệ lãnh tụ đầu tiên trong giai cấp thống trị xã hội chủ nghĩa đầy quyền lực – họ được ăn học và hưởng hàng loạt các đặc quyền được chuyển giao khá hiệu quả từ thế hệ này xuống thế hệ khác, nhất là ở Ba Lan và Hungary. Điều đó không phải lúc nào cũng khiến dân chúng có cảm tình với họ. Giống như trong quá khứ, khi họ còn bênh vực cho chế độ mà bây giờ họ chống đối, họ chỉ là một thiểu số nhỏ so với tổng dân số, và chỉ đại diện cho chính mình mà thôi.
Vì vậy, khi George Konrád viết với vẻ hơi trịch thượng rằng “không ai có suy nghĩ lại muốn tống khứ người khác ra khỏi chiếc ghế quyền lực để rồi mình chiếm chỗ” thì ông cũng công nhận một sự thật trần trụi là đã không có ai “có suy nghĩ” có mặt ở đó, vào thời kỳ đó, để làm những việc như thế. Việc chấp nhận sự thật khắc nghiệt này của cuộc sống cũng tạo nền cho một quan tâm khác được giới đối lập chú trọng, đó là chủ trương bất bạo động: không chỉ ở Tiệp Khắc, nơi phản kháng thụ động trước quyền lực có truyền thống lâu dài, hoặc tại Đông Đức, nơi Giáo hội Luther ngày càng có ảnh hưởng trong hàng ngũ bất đồng, nhưng cả ở Ba Lan, nơi phản kháng bất bạo động đại diện cho điều mà Michnik và những người khác gọi là một giới hạn thực tế và đạo đức, nhằm ngăn chặn những cuộc “phiêu lưu” nguy hiểm và vô ích.
Thành quả
Thành quả mà những người bất đồng ở Đông Âu đạt được nằm ở chỗ khác. Đối với phương Đông cũng như phương Tây thì thập niên 1970 và 1980 là thời kỳ vỡ mộng chua chát. Năng lượng hừng hực của thập niên 1960 đã lụi tàn, những lý tưởng chính trị không còn đáng tin về mặt đạo đức nữa, và sự dấn thân cho công ích đã nhường chỗ cho những bài toán vì lợi ích cá nhân. Bằng cách tạo ra cuộc đối thoại vì quyền con người, bằng cách tập trung vào ý niệm, tuy mơ hồ, về “xã hội dân sự”, bằng cách kiên trì nói về sự câm nín của Trung Âu hiện tại và trong lịch sử, bằng cách nói về đạo đức một cách không ngại ngần trước công chúng, như những gì đã diễn ra cho thấy, Havel và đồng sự đã xây dựng được một không gian công luận, tuy không chính thức, để thay thế không gian công luận đã bị chủ nghĩa cộng sản phá hủy.[v]
Nguồn: Post War, Tony Judt, NXB Penguine Books, 2006, trang 566-577
Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh & pro&contra
[i] Đây là những vụ buôn người diễn ra trong bí mật. Theo Victor Sybestyen, trong cuốn Revolution 1989, the Fall of the Soviet Empire (London, 2009), sau khi Bức tường Bá Linh được dựng lên năm 1961, Đông Đức bắt đầu bán qua Tây Đức những tù nhân chính trị và những nhà bất đồng chính kiến. Giá mua bán cũng có tính “thị trường”. Giữa thập niên 1960, giá bán là 40.000 Đức-mã một người, đến giữa thập niên 1980, do lạm phát và do Đông Đức kỳ kèo thêm bớt, giá bán lên tới hơn 100.000 Đức-mã một người. Họ thường rời trại tù Đông Đức vào sáng sớm, trên những chiếc xe buýt với bảng số lật ngược, mang số Đông Đức hoặc Tây Đức tùy nơi đi qua, qua biên giới cũng không cần xuất trình giấy tờ gì. Tổng số trí thức bị bán trong những năm đó là 34.000 người, mang về 8 tỉ Đức-mã, con số mà theo một kinh tế gia hàng đầu của Đông Đức, thì không có nó chế độ khó tồn tại. Bi hài còn tăng thêm khi có lúc Đông Đức thay vì bán người nhận tiền, họ bán người nhận chuối, một mặt hàng xa xỉ lúc bấy giờ. Cũng vì siêu lợi nhuận, càng về sau Đông Đức lại càng bắt người vô tội vạ với những bản án khống, chỉ để bán kiếm tiền. (ND)
[ii] Nghi ngờ như vậy cũng có lý do chính đáng. Như được công bố sau này, phong trào hòa bình tại Anh và Tây Đức vào thời đó bị xâm nhập toàn phần bởi tình báo Liên Xô và Đông Đức. (TG)
[iii] Tháng 9/10/1982, một ngày sau khi chính quyền Ba Lan đặt Công đoàn Đoàn kết ra ngoài vòng pháp luật, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong diễn văn truyền thanh gửi dân chúng Mỹ đã dùng cụm từ “Hãy để Ba Lan là Ba Lan” (mượn tựa đề bài hát cùng tên, sáng tác năm 1976, là bài ca đấu tranh của Công đoàn Đoàn kết). Xem tại đây: www.presidency.ucsb.edu/?pid=43110. (ND)
[iv] Trofim Lysenko (1898-1976) nhà sinh vật học khoác lác, cố vấn cho Stalin, hứa hẹn nông nghiệp sẽ được cải thiện chưa từng có nếu Stalin áp dụng lý thuyết của ông ta về di truyền sinh vật học. (ND)
[v] Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cũng có đánh giá tương tự về thành quả của hoạt động phản biện tại Việt Nam trong đoạn sau đây: “… thói quen phản biện hình thành dần trong xã hội như một nếp tư duy mới, thói quen gọi dạ bảo vâng mất đi. ‘Chân lý ban phát từ trên’ không còn là điều nghiễm nhiên phải tuân phục nữa. Đó chính là cái được rất lớn bắt đầu từ kiến nghị của chúng tôi.” Trích từ Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: Trăn trở về thế hệ tiếp nối. Xem tại đây: http://boxitvn.blogspot.com/2013/04/giao-su-nguyen-hue-chi-tran-tro-ve-he.html. (ND)
Categories: Những cuộc cách mạng ở Đông Âu
Tags: Andrei Sakharov, George Konrád, Ostpolitik, Phong trào hòa bình, trí thức Đông Âu