Tác giả

Chuyên mục

Trang

Xa cộng sản, gần con người: Đi dây ở Đông Âu (1)

Th4 28, 2013

Tony Judt

Phan Trinh dịch

Bài liên quan: Xa cộng sản, gần con người: Bể dâu ở Tây Âu

Giới thiệu của người dịch:

Như Tony Judt trình bày trong phần trước, có thể nói vui rằng: so với đồng sự ở phía Đông, trí thức Tây Âu sướng thật, họ tự do, muốn theo cộng sản thì theo, muốn bỏ thì bỏ, muốn thậm thụt thì thậm thụt, chẳng chết anh Tây nào.

Ngược lại, ở Đông Âu và các nước tương tự, theo cộng sản cũng chết – chết lâm sàng, vì bám theo một chủ nghĩa sai lầm tất yếu vùi đất nước xuống dưới hầm tai vạ và cuối cùng vứt cả đảng vào hố rác lịch sử – nhưng không theo cũng chết, vì chế độ nắm trong tay cả lập pháp, hành pháp, tư pháp, lẫn quân đội, công an, báo chí, luôn tự cho mình đúng và cưỡng bức mọi người tuân phục. Ai chống đối sẽ bị đẩy vào chỗ chết, chết ngay hay chết dần dần, trong tù, trong nhà thương điên, trong đồn công an, hay trên ruộng đồng, trên rừng, ngoài biển…

Trên đe dưới búa như thế nhưng những con người khát khao sự thật và có trách nhiệm với đồng loại vẫn cứ như mầm cây đội đất ngoi lên, vẫn cứ như nước len lách mọi kẽ hở để xuyên qua núi đá. Họ đi dây giữa hai bờ vực, dù có thể rớt bỏ mạng bất cứ lúc nào. Sợi dây họ bước lên trên cũng không thẳng một đường, mà cong cong, ngoài vòng chính trị.

Họ không đấu tranh, họ bảo vệ: bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền công nhân, bảo vệ dân oan bị ngược đãi, bảo vệ hòa bình… đôi khi nghe như bảo thủ. Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc, KOR ở Ba Lan và những kiến nghị, tuyên ngôn, hành vi phi chính trị khác ra đời trong hoàn cảnh này. Họ làm những việc mình có thể làm, thay vì những việc mình muốn làm, hoặc cần phải làm, như người ở “đàng ngoài” thường cổ vũ.

Tên họ cũng khó gọi. Không ai thích được gọi là “phản kháng”, vì nghe chẳng khác gì lời mời “Tù ơi, mở cửa ra!” Người ngoài nhắc đến họ như những nhà bất đồng, nhà dân chủ, người phê phán, nhà phản biện, hay công dân tự do,… nhưng chế độ chỉ một mực xem họ là tội phạm, hoặc tội phạm sẽ thành.

So cả hai, có thể thấy trí thức sống trong lòng chế độ cộng sản và trí thức ở ngoài tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng không hẳn đã có cùng mẫu số. Trong bối cảnh Việt Nam, khoảng cách trong và ngoài không phải không có, dù giữa thời internet. Hy vọng rằng sự thấu hiểu sẽ xóa tan những ngộ nhận chủ quan của cả trong lẫn ngoài, bằng không thì người đang đi dây trong lòng chế độ, và cả người đang cố đi dây nối liền trong và ngoài nữa, sẽ rất dễ lãnh đạn từ cả hai phía.

_______________

Chính trị qua ngả “phi chính trị”

Năm 1975, ông Zdeněk Mlynář [i], một người cộng sản Tiệp Khắc phe cải cách, đã viết “Thư ngỏ, gửi bè bạn cộng sản và chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu”, kêu gọi họ lên tiếng chống đàn áp trí thức tại Tiệp Khắc. Việc làm nghịch lý này cho thấy rằng ảo tưởng về khả năng cộng sản tự sửa đổi quả là rất khó loại bỏ. Tuy nhiên, vào lúc đó, những người như Mlynář chỉ là thiểu số, niềm tin của ông vào chủ nghĩa xã hội và vào những cảm tình viên tại phương Tây đã làm kinh ngạc cả những trí thức phê phán chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu.

Những trí thức này, lúc đó chưa được gọi là những “nhà phản kháng” (từ ngữ mà bản thân người được mô tả không hề thích), hầu hết đều tránh giáp mặt chế độ, tránh xa cả thứ ngôn ngữ “xã hội chủ nghĩa” chế độ quen dùng. Sau những gì xảy ra năm 1968 [Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc, đè bẹp cải cách và đàn áp kéo dài], thì thứ ngôn ngữ kia, với những từ ngữ rôm rả như “hòa bình”, “công bằng”, “hữu nghị “, vốn đã xơ cứng, nghe lại càng giả dối hơn, nhất là với những người hoạt động tích cực trong thập niên 1960. Hầu hết trong số họ là sinh viên, học giả, nhà báo, kịch tác gia, nhà văn… nạn nhân chính trong những vụ đàn áp tại Tiệp Khắc, vào khi mà đảng, dưới quyền Gustáv Husák (ngài “chủ tịch hay quên”), tính toán chính xác rằng: hy vọng tốt nhất để lập lại trật tự là dùng những cải thiện vật chất để trấn an dân chúng, trong lúc vẫn phải tích cực trấn áp tiếng nói phản kháng và cả những ký ức về quá khứ.

Bị đẩy lui vào bóng tối, sống chui – cuộc sống chui đúng nghĩa trong trường hợp Tiệp Khắc, nơi rất nhiều giáo sư đại học và nhà văn phải làm nghề đốt lò, đun hơi – người bất đồng chính kiến rất khó dự phần vào những tranh luận chính trị với kẻ đàn áp mình. Thay vào đó, sau khi thoát vòng kim cô chữ nghĩa cộng sản và những tranh cãi loay hoay để cải thiện chế độ trong những thập niên trước, họ đã biến yếu thành mạnh và tập trung cổ xúy những đề tài phi chính trị. Trong những chủ đề này, nhờ vào Thỏa ước Helsinki, “quyền con người” trở thành chủ đề dễ khai thác nhất.

Luật ông đập lưng ông

Mọi bản hiến pháp trong các nước khối Xô-viết đều long trọng nhắc đến quyền công dân, bổn phận công dân; vì vậy, những quyền bổ sung được Hội nghị Helsinski thông qua đã trang bị cho những nhà bất đồng tại đây một lối đi thông thoáng có tính chiến lược. Nói theo sử gia Tiệp Khắc Petr Pithart, thì mục tiêu của những nhà bất đồng không phải là đòi thêm một vài quyền hạn mình chưa có – đòi như vậy chẳng khác gì mở đường cho chính quyền gia tăng đàn áp – nhưng là yêu cầu thực hiện những quyền hạn đã được công nhận và long trọng ghi trong luật pháp. Điều này tạo cho những người bất đồng một hình ảnh “đối lập” ôn hoà, thậm chí bảo thủ nữa, trong khi đẩy đảng cầm quyền về phía bị động.

Xem trọng từng chữ của luật pháp “xã hội chủ nghĩa” không chỉ là một thủ thuật hay chiêu thức khiến nhà cầm quyền cộng sản lúng túng, mà còn có ý nghĩa khác. Trong những xã hội khép kín, nơi mọi thứ đều được xem là chính trị – còn bản thân chính trị lại bị ngăn cấm – thì “quyền con người” mở ra một lối thoát, một khe hở xuyên qua bức màn bi quan đen tối bao phủ Đông Âu suốt “thập niên câm lặng 1970”, một dấu chấm hết cho nạn độc chiếm ngôn-ngữ-như-quyền-lực của chế độ. Hơn nữa, quyền cá nhân được ghi trong hiến pháp, về bản chất, là bằng chứng chính thức cho sự tồn tại của con người, và con người có những quyền hạn mà người khác và cả cộng đồng phải tôn trọng. Những quyền hiến định này xác lập một không gian tách bạch giữa một bên là những cá nhân tay trắng và bên kia là một nhà nước toàn năng.

Xã hội dân sự

Phong trào đấu tranh cho nhân quyền, như nhận định của Miklós Haraszti, một lý thuyết gia trẻ Hungary, xác nhận rằng điều cần thiết không phải là sửa đổi để có một chủ nghĩa cộng sản tốt đẹp hơn, mà là sự thiết lập, hay tái lập, một xã hội dân sự (“tư sản”). Cái nghịch lý trong việc bẻ ngược lộ trình của Marx, và thay thế xã hội xã hội chủ nghĩa bằng xã hội tư sản này, cũng là suy nghĩ của các trí thức tại Praha và Budapest. Như đồng nghiệp người Hungary của Haraszti, ông Mihály Vajda, giải thích thì: sự siêu việt của xã hội tư sản chắc chắn đáng mơ ước hơn “nền chuyên chính công dân, một kinh nghiệm lịch sử không thể chịu đựng được” ở nước họ.

Ý nghĩa lớn của nỗ lực tái lập xã hội dân sự – một ý niệm vẫn còn mơ hồ với mục tiêu không chắc chắn, nhưng được giới trí thức đối lập Đông Âu tán thành rộng rãi từ giữa thập niên 1970 trở về sau – nằm ở chỗ nó gián tiếp công nhận rằng sau những gì xảy ra vào năm 1968 thì khả năng tự cải tổ của đảng và nhà nước là một con số không to tướng. Ít ai thực sự chờ đợi lãnh tụ Husák ở Praha, hay Honecker tại Bá Linh, (quan chức Xô-viết thì càng không), sẽ thừa nhận tính chính đáng của những vận động cho quyền con người hoặc nghiêm chỉnh tôn trọng hiến pháp của chính họ. Nói về quyền con người trên lý thuyết là để minh họa rằng nó vắng mặt trên thực tế, là để nhắc mọi người trong và ngoài nước biết rằng những xã hội này mất tự do đến đâu. Thay vì tấn công trực diện vào nhà cầm quyền cộng sản, những người đối lập mới đã cố tình tâng bóng bổng qua đầu họ.

Václav Havel

Với những người bất đồng như Haraszti, hoặc Adam Michnik ở Ba Lan – tác giả luận văn “Chủ nghĩa tiến hóa mới”, một luận văn vạch ra hầu hết đường lối chiến lược của phe đối lập Ba Lan những năm sau đó – thì thời điểm giữa thập niên 1970 chính là bước ngoặt, tách rời hiện tại của họ với thời tuổi trẻ hăm hở đi theo chủ nghĩa Marx với những hứa hẹn kinh tế và xã hội các loại của nó. Với những người chưa hề bị lôi kéo vào các cuộc tranh cãi về chủ nghĩa Marx, như Václav Havel, thì sự chuyển đổi diễn ra dễ hơn nhiều. Là con của một doanh nhân giàu có tại Praha, gia đình bị nhà cầm quyền cộng sản tước đoạt tài sản năm 1948, Havel không có bất cứ sự phấn khích cách mạng nào như những bạn trẻ dấn thân cùng thời, ông cũng không giữ vai trò tích cực gì trong những cải cách dẫn đến biến cố 1968. Nhìn chung, quan hệ giữa Havel và chủ nghĩa cộng sản luôn nằm ở thế đối đầu, phần lớn là vì gốc gác tư sản của mình, nhưng chưa bao giờ đó là một quan hệ có màu sắc chính trị.

Nhưng rồi trải qua thập niên 1970 và 1980, sau khi bị quấy nhiễu, bắt bớ, vào tù vì các hoạt động của mình, Havel cũng đã trở thành một nhân vật chính trị tột bậc. Nhưng “thông điệp” của ông vẫn dứt khoát không có màu chính trị. Ông kiên định lập trường rằng không cần phải tranh cãi với nhà cầm quyền làm gì. Cũng chẳng cần, về cơ bản, nói hết sự thật, mặc dù biết rằng trong một chế độ được dựng trên dối trá thì điều này rất quan trọng. Điều duy nhất có ý nghĩa trong hoàn cảnh đó là “sống trong sự thật”, chỉ vậy thôi, còn mọi thứ khác đều là thỏa hiệp – ông cũng cho rằng: “Ngay việc thành lập một lực lượng chính trị cũng khiến người ta phải chơi trò chơi quyền lực, thay vì giương cao sự thật.”

Như Havel giải thích trong luận văn viết năm 1984 về mục tiêu và chiến thuật của phe đối lập còn non yếu tại Tiệp Khắc, thì mục tiêu chính là hành động độc lập, bất kể chế độ tìm cách áp đặt mình ra sao, là cứ sống như là mình thực sự tự do. Đây rõ ràng không phải là bài thuốc cho đại đa số quần chúng, và Havel hiểu điều này, ông viết: “Đây có lẽ là những phương thức không thực tế trong hoàn cảnh hôm nay, và rất khó áp dụng trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, tôi không biết cách nào khác tốt hơn.”

Lập trường của Havel không phải không có tiền lệ. Trước đó không lâu, Ludvík Vaculík, phát biểu tại Đại hội Lần thứ Tư của Công đoàn Nhà văn Tiệp Khắc năm 1967, đã đề nghị với đồng nghiệp của ông một chiến lược sống “như là” tương tự đề nghị của Havel. Ông nói: “Chúng ta nên ra vẻ như là những công dân…, diễn thuyết như là những người lớn và độc lập trước pháp luật.” Trong không khí lạc quan hơn của thập niên 1960, Vaculík và những người khác vẫn hy vọng nhà cầm quyền sẽ nhượng bộ hay đáp ứng nguyện vọng của họ cách nào đó. Nhưng khi Michnik hay Havel cổ vũ cho chủ trương tương tự thì hoàn cảnh đã khác. Không còn có thể khuyên nhủ nhà cầm quyền nên điều hành đất nước ra sao, mà chỉ có thể đề xuất cho người dân cả nước – bằng cách làm gương – cách sống sao cho hợp lẽ.

Trí thức và quần chúng

Trong thập niên 1970, nói rằng giới trí thức Đông Âu có thể “đề xuất cho người dân cả nước” cách sống đúng nghĩa thực ra nghe cũng hơi quá – hầu hết giới trí thức không ở vị trí có thể đề xuất điều gì có ý nghĩa ngay cho trí thức giống mình, nói gì đến đề xuất cho quần chúng. Giới trí thức, nhất là tại Hungary và Ba Lan, hầu hết không biết về điều kiện sinh sống và lập trường của công nhân tại các trung tâm công nghiệp, càng không biết gì về hoàn cảnh của nông dân. Thực vậy, như hai nhà phản kháng Hungary, Iván Szelényi và George Konrád, từng nói rằng hệ thống chính trị cộng sản đặt “trí thức trên con đường dẫn đến quyền lực giai cấp”, thì cũng có thể nói rằng chính nhờ cộng sản mà khoảng cách có tính truyền thống Trung Âu giữa “giới trí thức” và “quần chúng” lại xuất hiện lần nữa, nặng nề hơn (trước đây, khoảng cách này tại những xã hội quý tộc như Hungary và Ba Lan rõ nét hơn là tại Tiệp Khắc bình dân, nhưng từ 1948, khi cộng sản lên nắm quyền, thì mâu thuẫn giai cấp tại Tiệp Khắc cũng được đào sâu, dù gượng gạo).

Ba Lan: KOR

Xã hội đầu tiên dẹp bỏ được hàng rào chia cắt trí thức và quần chúng vừa kể chính là Ba Lan. Năm 1976, sau một loạt các cuộc biểu tình phản đối giá thực phẩm leo thang đến chóng mặt, chế độ đã phản ứng mạnh, đánh đập, bắt bớ công nhân tại các thị trấn công nghiệp Ursu và Radom. Trong một phản ứng có thể coi là giúp chấm dứt sự thờ ơ của cả công nhân lẫn trí trức về các cuộc biểu tình của nhau, Jacek Kuroń và một số đồng nghiệp đã công bố thành lập Ủy ban Bảo vệ Công nhân (KOR) vào tháng 9, 1976. Mục tiêu của KOR, cũng như của Ủy ban Bảo vệ Nhân quyền và Dân quyền (ROPCiO) thành lập vào tháng 10 cùng năm, là công bố cho mọi người biết về những vụ xâm phạm quyền tự do dân sự của công nhân, hỗ trợ họ về pháp lý, và thành lập một mặt trận chung. Ba năm sau, tháng 12, 1979, những trí thức lãnh đạo KOR – gồm một số người Do Thái, người Công giáo, người cộng sản cũ, và những thành phần khác – đã viết và phổ biến một văn bản có tên là “Hiến chương Quyền Công nhân”

Tiệp Khắc: Hiến chương 77

Sự hình thành – hoặc đúng hơn, sự khẳng định – một không gian dân sự độc lập tại Ba Lan đã ra đời từ một xung đột có tính xã hội. Trong khi đó, bên kia biên giới, tại Tiệp Khắc, với bối cảnh chính trị ngột ngạt hơn, không gian dân sự này đã hình thành từ một cơ hội có tính pháp lý. Vào tháng 1, 1977, một nhóm công dân Tiệp Khắc đã ký vào văn bản (ban đầu được phổ biến như tuyên ngôn đăng trên một tờ báo Tây Đức) phê phán chính quyền không tôn trọng các điều khoản về nhân quyền được ghi trong Hiến pháp Tiệp Khắc, cũng như trong Đạo luật Cuối của Hiệp định Helsinki 1975, và các hiệp ước của Liên hiệp Quốc về quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, là những hiệp ước mà Tiệp Khắc đã ký tên thỏa thuận – riêng Sắc lệnh Helsinki 120 thì còn được chính thức đưa vào Luật pháp Tiệp Khắc nữa.[ii]

Những người ký tên vào văn bản này (sau được biết đến như “Hiến chương 77”) mô tả chính họ như “một tập hợp không ràng buộc, không chính thức, mở rộng, quy tụ những con người… kết nối với nhau bằng khát khao dấn thân, với tư cách cá nhân và như một tập thể, cho sự tôn trọng quyền con người và quyền dân sự tại đất nước chúng ta và trên thế giới.” Họ thận trọng nhấn mạnh rằng Hiến chương 77 không phải là một tổ chức, không có quy chế gì, không có cơ cấu tổ chức gì thường trực, và “không hình thành nền tảng cho bất cứ hoạt động chính trị đối lập nào”, một quy định nhằm giữ cho hoạt động của họ luôn ở trong vòng pháp luật tại Tiệp Khắc.

Hiến chương 77 là thành quả của một nhóm rất nhỏ những cá nhân dũng cảm không đại diện cho ai ngoại trừ chính họ: 243 người ký tên vào văn bản gốc, và trong một thập niên sau đó thu hút được chữ ký của 1.621 người khác (trên dân số 15 triệu). Phát ngôn viên đầu tiên của Hiến chương 77 là Havel, Jiří Hájek (ngoại trưởng Tiệp Khắc dưới thời Dubček) và cụ Jan Patočka, triết gia hàng đầu của Tiệp Khắc, tất cả họ đều là những cá nhân riêng biệt, không có địa vị hay thế lực xã hội nào. Nhưng điều này không ngăn cản nhà cầm quyền đáp trả dữ dội, họ chụp mũ Hiến chương 77 là “một văn bản chống nhà nước, chống chủ nghĩa xã hội, xách động mị dân, tuyên truyền bịp bợm”. Mỗi người một kiểu, những người ký tên đã bị bêu xấu, bằng ngôn ngữ y như trong các phiên đấu tố thập niên 1950, là “phản bội và làm loạn”, là “tôi tớ trung thành và tay sai đế quốc” và là “bọn phiêu lưu quốc tế”. Những người ký tên bị trả đũa và đe dọa, hình thức trừng phạt gồm cả đuổi việc, không cho con cái học hành, treo bằng lái, bị trục xuất ra nước ngoài và mất quyền công dân, bị quản thúc, xét xử, bỏ tù.

VONS: bảo vệ người bị ngược đãi

Phản ứng gay gắt với những người ký tên vào Hiến chương 77, và đòn thù của chính quyền nhằm đàn áp một thế hệ những nhạc sĩ trẻ (nhất là nhóm “Người Nhựa Vũ trụ”), đã thúc đẩy việc thành lập nhóm hỗ trợ họ vào tháng 4, 1978, có thên “Ủy ban Bảo vệ Người bị ngược đãi” (VONS), với mục tiêu tương tự như mục tiêu của KOR. Nhà cầm quyền tại Praha phản ứng bằng cách bắt sáu nhân vật lãnh đạo của VONS, trong đó có Havel, và vào năm sau đó, xử họ tội phá hoại. Tháng 10, 1979, họ bị kết án tù, có án lên tới năm năm.

Sau những biến động vào năm 1968 thì tất cả các chế độ cộng sản tại Đông Âu (ngoại trừ Rumani dưới quyền Ceaușescu) đều áp dụng đường lối mà Kadár đã dùng ở Hungary. Họ không còn giả vờ tìm kiếm sự trung thành thật lòng của kẻ bị trị nữa, mà chỉ đòi quần chúng tỏ vẻ tuân phục bằng những dấu hiệu bên ngoài là đủ. Một trong những mục tiêu của Hiến chương 77 – tương tự mục tiêu của VONS hoặc KOR – là giúp đồng bào vượt qua sự thờ ơ với việc chung của đất nước. Đặc biệt, Havel còn nhấn mạnh đến việc đừng để nhà cầm quyền thỏa mãn khi thấy nhân dân hạ mình tuân phục một cách vô tình chỉ vì không muốn bị nhòm ngó. Còn nếu cứ tuân phục thì chế độ có thể xem như đã đặt được “một trạm gác trong đầu mỗi công dân” – một đề tài được mô tả trong tiểu luận kinh điển “Power of the Powerless[iii] với ví dụ về anh hàng rau treo trong cửa hàng mình khẩu hiệu “Vô sản thế giới, đoàn kết lại!”

Bảo vệ môi trường

Trong nỗ lực vượt qua sự thờ ơ và sợ hãi của quần chúng, có một số đề tài do trí thức dấn thân đưa ra dễ được quần chúng tán đồng hơn những đề tài khác. Thảm họa môi trường chẳng hạn. Tại Slovakia, theo con số chính thức được chế độ đưa ra, có 45% trong 5.600 km sông ngòi tại Slovakia bị ô nhiễm “ở mức nguy hiểm” vào năm 1982. 4/5 nước giếng ở phía đông nước cộng hòa này không thể dùng cho người uống được. Nguyên nhân chính là do dùng quá nhiều phân bón tại các nông trại tập thể trong vùng, làm đất bị nhiễm độc và mùa màng thất bát, như đã từng xảy ra tại các vùng đất đen ở Liên Xô.

Vào đầu thập niên 1980, khu vực phía bắc Bohemia có mức ô nhiễm không khí tệ hại nhất Châu Âu, vì dùng than nâu (rẻ tiền) trong sản xuất công nghiệp và điện. Trong 73,5 tỉ kwh điện sản xuất từ vùng này, có đến 64 tỉ kwh được sản xuất từ các lò đốt than nâu, vốn thải ra lượng lưu huỳnh cực lớn. Hậu quả là đến năm 1983, có đến 35% rừng trên toàn Tiệp Khắc đã chết hoặc đang chết, và 1/3 tất cả các nguồn nước tại Tiệp Khắc đều bị ô nhiễm nặng đến mức không thể dùng, kể cả trong công nghiệp. Tại ngay thủ đô Praha, chính quyền bắt buộc phải thành lập một dịch vụ đặc biệt tại bệnh viện để điều trị các chứng bệnh đường hô hấp trẻ em. Nhà văn Ivan Klíma, trong truyện ngắn “Âm mưu ngày Giáng sinh”, mô tả không khí tại thủ đô Tiệp Khắc bằng dòng này: “Một làn sương đục, lạnh, có mùi khói, mùi lưu huỳnh và mùi khó ở.”

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa thì nhà nước chính là kẻ gây ô nhiễm, nhưng xã hội lại là người chịu khổ. Vì vậy, ô nhiễm là đề tài mọi người đều quan tâm. Nó cũng ngầm mang tính chính trị: vì sao quá khó để bảo vệ môi trường? Câu trả lời rất đơn giản, vì chẳng có ai quan tâm áp dụng những biện pháp phòng ngừa ô nhiễm ngay từ đầu. Chỉ có những biện pháp hiệu quả và đồng bộ được nhà nước chấp thuận mới có thể bắt buộc các cấp cải thiện tình hình, nhưng khốn nỗi, những biện pháp này lại không thể đến từ một nhà cầm quyền vốn khuyến khích sự phí phạm ngay từ đầu. Bất cứ quản đốc nhà máy hay nông trại nào đủ thận trọng, dám chấp nhận giảm “chỉ tiêu”, để tự đưa ra những sáng kiến ngăn ngừa ô nhiễm đều sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng. Hệ thống kinh tế cộng sản tự bản chất sẽ tàn phá môi trường nơi nó vận hành, và điều này ngày càng có nhiều người hiểu ra.[iv]

Tự kiểm duyệt

Trong khi đó, cũng dễ hiểu thôi, người cầm bút và các học giả lại quan tâm nhiều hơn đến vấn đề kiểm duyệt. Trở ngại trong việc được phép xuất bản, hoặc biểu diễn, khác nhau tùy từng nước cộng sản. Ở Tiệp Khắc năm 1969, nhà cầm quyền đã đàn áp không chút nao núng: không chỉ hàng ngàn người cầm bút và nghệ sĩ nam nữ bị cấm xuất bản hay biểu diễn trước công chúng, mà một loạt rất nhiều những đề tài, nhân vật hay sự kiện cũng bị cấm nhắc tới. Ngược lại, ở Ba Lan, Giáo hội Công giáo với những thiết chế và  báo chí của mình, đã tạo ra được một không gian an-toàn-một-nửa, trong đó một số tự do trong sinh hoạt văn học và trí thức được thực thi, dù mọi người vẫn phải thận trọng.

Nhưng điều đáng nói ở đây, tương tự như ở Hungary, đó là kiểm duyệt lại thường là tự kiểm duyệt. Để có thể tiếp cận với khán giả, các trí thức, nghệ sĩ, học giả luôn bị cám dỗ phải tự điều chỉnh tác phẩm của mình, phải cắt xén hoặc rào đón lập luận để tránh những phản bác chính thức có thể có. Cái lợi về vật chất và nghề nghiệp mà hành động tự kiểm duyệt mang lại không hề nhỏ, nhất là trong các xã hội nơi văn hóa và nghệ thuật được xem như những công cụ quan trọng; bù lại, cái giá phẩm hạnh phải trả vì mất tự trọng cũng có thể rất lớn. Y như nhà văn Heine đã viết 150 năm trước, bằng lời lẽ khiến nhiều trí thức Đông Âu có thể hiểu ngay, rằng: “những đao phủ tư tưởng kia đã biến chúng ta thành lũ tội phạm. Người cầm bút … phải liên tục phạm tội giết con: hắn giết chết đứa con tinh thần của mình, vì sợ đến khiếp vía phán đoán của kẻ kiểm duyệt.”

Im lặng và in chui

Tự kiểm duyệt là hình thức đồng lõa một phần. Một hình thức đồng lõa khác là im lặng – cuộc đào tẩu nội tâm của “Ketman” trong tác phẩm Captive Mind [trí tuệ ngục tù] của Czesław Miłosz. Nhưng, những người đã mở miệng, đã phổ biến chui tác phẩm tự đánh máy và sao chép bằng giấy than của mình, lại cũng đối diện với một thực tại không sáng sủa gì, đó là họ trở nên gần như vô hình, vì ý tưởng và tác phẩm nghệ thuật của họ bị giới hạn trong một nhóm khán giả ít ỏi, khép kín – họ trải qua tình trạng mà một trí thức Tiệp Khắc đã cay đắng gọi là tình trạng tự sướng nhờ phát hành các tác phẩm chui samizdat cho cùng một số khoảng 2000 trí thức, bản thân số trí thức này cũng viết cho cùng đối tượng đọc.

Dũng cảm không tạo ra chất lượng

Thêm vào đó, lòng dũng cảm cũng không bảo chứng cho chất lượng. Sự bất phục tùng, đối kháng, và mối nguy hiểm thường có của việc viết chui, mang lại cho tác phẩm (nhất là với người ái mộ ở phương Tây) một hơi hướng lãng mạn, và đôi khi, những đề cao quá đáng. Những ý tưởng độc đáo và tiến bộ dĩ nhiên có thể bừng nở và lớn mạnh trên đống phân hổ lốn đang phân hủy của khối Xô-viết – trong đó, những tác phẩm của Havel và Michnick là xuất sắc nhất, nhưng không nhất thiết là đại diện duy nhất cho những Fleurs du Mal [cánh hoa đớn đau] mọc lên từ chủ nghĩa cộng sản.[v] Nhưng đối với nhiều người khác, việc không được xuất bản chính thức không có nghĩa là tác phẩm của họ có chất lượng. Không có “nàng thơ kiểm duyệt” nào ở đây (từ ngữ của George Steiner). Chế độ không thích anh không có nghĩa là anh có tài.

Vì vậy, danh tiếng của cả một số những trí thức nổi tiếng nhất cũng nhăn nhúm và teo tóp lại khi tác phẩm của họ được bày ra giữa thị trường tư tưởng tự do. George Konrád tại Hungary chẳng hạn, những luận văn khá dễ dãi có tên “Phản chính trị” được khen ngợi rộng rãi vào thập niên 1970, nhưng ông là một trong nhiều người gần như không còn được ai nhắc tới sau năm 1989. Những người khác như nhà văn nữ Đông Đức Christa Wolf hiểu rất rõ rằng chính những gian truân của việc cầm bút dưới chế độ cộng sản đã cho bà những đề tài mãnh liệt, và một nguồn năng lượng nhất định nào đó (và một vị thế xã hội nữa). Đó cũng là một trong những lý do vì sao nhiều trí thức trong các xã hội cộng sản chấp nhận từ chối cơ hội di dân ra nước ngoài hoặc sống lưu vong – họ tin rằng thà là bị ngược đãi trong nước mà có ảnh hưởng, còn hơn tự do mà chân không chạm đất, đầu không đụng trời, chẳng dính líu vào đâu.

Milan Kundera            

Nỗi sợ không dính líu vào đâu nằm phía sau một trăn trở khác rất phổ biến trong những năm này, đó là thiết tha mong cho Đông Âu được “trở về” với Châu Âu càng sớm càng tốt. Giống như mối quan tâm về kiểm duyệt, trăn trở này cũng chỉ giới hạn trong hàng ngũ trí thức – đúng ra là với phần lớn người cầm bút tại các tỉnh phía tây Đế quốc Habsburg cũ [tức Trung Âu], nơi lạc hậu và kém phát triển được áp đặt theo lệnh của Liên Xô đã gây ra nhiều tai ương đau đớn. Người phát ngôn nổi tiếng nhất, đại diện cho trăn trở này, là nhà tiểu thuyết, nhà biên kịch Tiệp Khắc Milan Kundera, viết và sống lưu vong tại Paris. Đối với ông, bi kịch của Trung Âu (một từ được tái sinh và tái sử dụng để minh họa cho ý kiến của Kundera) nằm ở chỗ nó bị thôn tính bởi một nền độc tài ngoại lai, đến từ Châu Á [ám chỉ đế quốc Nga Xô-viết] [vi]

Bản thân Kundera không được trọng vọng nhiều ở quê hương mình, nơi mà cả chọn lựa lưu vong lẫn sự thành công của ông bị các đồng nghiệp xem nhẹ, họ là những người đã tự nguyện từ bỏ cả lưu vong lẫn cơ hội thành công để ở lại trong nước. Nhưng quan điểm chung của ông về Trung Âu cũng được chia sẻ rộng rãi, nhất là với độc giả phương Tây, vốn bị chỉ trích là đã sao nhãng, bỏ mặc một phương Tây “khác” ở sát nách phía Đông của họ – đề tài này cũng được Miłosz phác họa trong thập niên 1950 khi ông nói: “một chương trong cuốn sách tưởng tượng về thơ Ba Lan hậu chiến nên được dành để nói về cái nghịch lý, và thậm chí trò hề, trong cách đối xử của trí thức Tây Âu, nhất là trí thức Pháp, đối với Đông Âu.”

Trung Âu: nghiêng Tây

Với Kundera, người vốn hoài nghi những sáng kiến công dân như Hiến chương 77, thì hiện trạng của Tiệp Khắc thời cộng sản chỉ là cái đuôi nối dài của một vấn đề cũ hơn, đó là vấn đề bản chất và số phận của một quốc gia chẳng may nằm ở trung tâm Châu Âu, nơi các nước nhỏ, các dân tộc ít người luôn có rủi ro bị xóa sổ. Vì vậy, Kundera cho rằng mục tiêu của trí thức đấu tranh tại Tiệp Khắc và trí thức lưu vong là làm sao cho thế giới biết đến nỗi trăn trở này, thay vì mất thời giờ tìm cách thay đổi đế quốc Mạc-Tư-Khoa mang đậm màu độc tài phương Đông Trung cổ. Hơn nữa, theo Kundera, Trung Âu là “định mệnh của phương Tây ở dạng cô đặc”. Havel cũng đồng ý với nhận định này khi cho rằng: Chủ nghĩa cộng sản là tấm gương đen tối mà lịch sử đưa lên cho phương Tây soi thấy mặt mình.

Những người Ba Lan như Michnick không dùng cụm từ “Trung Âu”, hoặc nói nhiều về nhu cầu “về với Châu Âu”, một phần là vì, không như người Tiệp, trí thức Ba Lan có thể theo đuổi các mục tiêu gần hơn, dễ đạt hơn. Điều này không có nghĩa người Ba Lan và các dân tộc khác không mơ đến ngày sẽ được chia sẻ các lợi ích từ một Cộng đồng Châu Âu mới, hoặc không mơ đến ngày có thể thay thế câu chuyện huyền thoại thảm hại có tên chủ nghĩa xã hội bằng một câu chuyện thần thoại “Châu Âu” dễ chịu hơn nhiều. Họ không nói, vì họ có những ưu tiên cấp bách hơn, như ta sẽ thấy sau đây.

(Còn 1 kì)

Nguồn: Post War, Tony Judt, NXB Penguine Books, 2006, trang 566-577

Bản tiếng Việt © 2013 Phan Trinh & pro&contra


Chú thích (Các chú thích của người dịch sẽ viết tắt là ND. Các chú thích của tác giả sẽ viết tắt là TG)

[i] Zdeněk Mlynář là một trong những người cùng Václav Havel khởi xướng Hiến chương 77. Mlynář một thời là bạn học của Gorbachev. Ông là chồng của bà Klímová, người đặt tên “Cách mạng Nhung”. (ND)

[ii] Điều đáng chú ý là quyết định của chính quyền Tiệp Khắc thông qua Hiệp ước về Nhân quyền của Liên hiệp Quốc năm 1976 – và là quốc gia thứ 35 thông qua văn bản này – đã làm Hiệp ước trở nên có hiệu lực trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. (TG)

[iii] Tên tiểu luận “Power of the Powerless” được dịch bằng nhiều cách: Quyền lực của không quyền lực (Khải Minh, bản dịch năm 2006), Sức mạnh của thảo dân (Phạm Nguyên Trường, bản dịch năm 2012), cũng có thể dịch là “quyền lực của người không quyền lực” hay “quyền lực của người bị trị”, “quyền lực dân đen”… (ND)

[iv] Nhưng trong nội bộ những người chủ trương bảo vệ môi trường cũng có người nghĩ khác. Milan Šimečka, một nhà văn Slovak, đã cảnh báo các đồng nghiệp (trong số có cả Havel) rằng đừng đánh giá thấp lợi ích của hiện đại hóa: “Tôi chủ trương rằng ngay cả ô nhiễm đi kèm với phát triển công nghiệp thì vẫn tốt hơn là tình trạng hỗn loạn và hung bạo tràn lan trong một xã hội mà người dân không thể thỏa mãn những nhu cầu căn bản của mình.” Milan Šimečka, “A World With Utopias or Without Them”, Cross-Currents, Số 3 (1984), trang 26. (TG)

[v] Yugoslavia [Nam Tư] là một ngoại lệ so với các nước khác: “Vì chưa từng có một văn hóa chính thức hình thành tại Yugoslavia (không có nghĩa là không có những quan chức nhà nước trong sinh hoạt văn hóa), nên không thể có một đối trọng tự nhiên, tức một văn hóa chui, có tính thay thế và tồn tại song song, như được yêu thích rộng rãi tại các nước xã hội chủ nghĩa khác.” Dubravka Ugrešić, The Culture of Lies (1998), trang 37. (TG)

[vi] Đế quốc Nga Xô-viết được xem là mang tính độc tài Châu Á phần lớn vì di sản còn sót lại của gần 250 năm bị Mông Cổ đô hộ, thế kỷ 13-15. Các phương pháp cai trị được nước Nga Sa hoàng lẫn nước Nga Xô-viết áp dụng rộng rãi như trung ương tập quyền, tôn giáo bám vào nhà nước, quí tộc cung đình, trí thức ngoan ngoãn, đất đai toàn là của vua, nông dân là nông nô, hộ chiếu nội địa (một hình thức hộ khẩu)… được cho là vay mượn hoặc biến thể từ thời Mông Cổ cai trị. Hơn hai thế kỷ bị đô hộ cũng làm nước Nga chậm phát triển gần 200 năm so với Châu Âu, khiến Nga không tham gia vào những biến đổi tích cực ở Châu Âu trong thời kỳ Phục hưng và Cải cách. Một hệ quả là Nga thiếu hẳn một tầng lớp trung lưu độc lập, tác nhân cần có của những thay đổi kinh tế, xã hội, chính trị… Nước Nga ngày nay vẫn còn nhiều dấu vết của chế độ cũ cũng vì di sản này. Richard Pipes (1923-), một sử gia Mỹ gốc Ba Lan, giáo sư Đại học Havard, nghiên cứu sâu về đề tài này qua tác phẩm Russia Under the Old Regime xuất bản năm 1974, sách tham khảo của sinh viên ngành sử và chính trị ở các nước nói tiếng Anh. (ND)