Tác giả

Danh mục

Trang

Diễn từ nhận giải Dịch thuật của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh

Th3 30, 2013

Phạm Duy Hiển

pro&contra – Dịch giả Phạm Duy Hiển được biết đến với hai bút danh chính là Phạm Minh Ngọc và Phạm Nguyên Trường. Hôm qua, 29-3-2013, ông đã đọc diễn từ sau đây trong lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 6 tại TPHCM.

_____________

Thưa quý vị và các bạn,

Tôi thật xúc động và hãnh diện khi được biết Hội đồng Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh quyết định trao giải thưởng về dịch thuật năm 2012 cho tôi – nhất là khi Quỹ này lại mang tên một nhà ái quốc vĩ đại, một người đã giành cả đời mình cho sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, rất được nhân dân ngưỡng mộ và kính yêu.

Nhân dịp này, xin cho tôi được nói đôi lời về bản thân và một vài điều tâm huyết của mình.

Tôi tốt nghiệp ngành vật lí kĩ thuật năm 1975, và cũng như các bậc thầy và các bậc đàn anh trong ngành vật lí đi trước; ngoài chuyên môn và cũng là lĩnh vực kiếm sống, tôi còn quan tâm đến văn học, triết học và xã hội học. Từ khi mạng Internet lan truyền một cách rộng rãi, tôi bắt đầu dịch và công bố trên mạng, cụ thể là trên website talawas.org  một vài tác phẩm văn học. Những dịch phẩm này đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của ban quản trị mạng cũng như của bạn đọc gần xa. Nhưng chính cá nhân tôi lại thấy rằng trong tình hình có nhiều biến chuyển; xã hội, có thể nói, đang đứng trước ngã ba đường như hiện nay, sách văn học và dịch sách văn học không đáp ứng được nhu cầu nội tâm của chính mình và có thể là của cả bạn đọc nữa. Vì vậy mà tôi bắt đầu tìm và dịch những tác phẩm thuộc thể loại khác, ban đầu chỉ là những bài báo, viết về kinh tế và xã hội. Và trong quá trình tìm tòi đó, tôi đã bắt gặp tác phẩm có tên là The Road to Serfdom của Friedrich von Hayek. Tôi đã mạnh dạn viết thư cho Nhà xuất bản Tri Thức xin được cộng tác và xuất bản tác phẩm này vì tôi biết rằng Nhà xuất bản đang có kế hoạch dịch từ 500 đến 1.000 tác phẩm kinh điển của thế giới. Thật may cho tôi là Giáo sư-Tiến sĩ Chu Hảo, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản đã có hồi âm hầu như ngay lập tức. Bức thư ngắn gọn, và những lời trọng thị, chân tình của ông đã động viên tôi rất nhiều và đấy cũng là bước ngoặt quan trọng trong quá trình dịch thuật của tôi. Một thời gian ngắn sau đó, tác phẩm này, mà tôi dịch là Đường về nô lệ đã được xuất bản, đúng như mong đợi của tôi. Kể từ đó, lần lượt những tác phẩm khác như: Chế độ dân chủ – Nhà nước và xã hội, Về trí thức Nga, Lược khảo Adam Smith, Thị trường và đạo đức, và gần đây là tác phẩm Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử – 1660-1783 đã được Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành. Bên cạnh đó, những tác phẩm chưa được xuất bản, nhưng đã và đang lưu hành trên mạng như Giai cấp mới, 1984, Trại súc vật, Vòng tròn ma thuật và một vài tác phẩm khác vẫn thường xuyên nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Bây giờ nhìn lại, đấy đều là những tác phẩm thuộc dòng khai dân trí mà 100 năm trước Phan tiên sinh đã chỉ cho chúng ta.

Thưa quý vị và các bạn

Khi được tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, học giả trẻ tuổi nhất trong Hội đồng Khoa học của Quỹ, thông báo rằng tôi được trao giải thưởng lần này, tôi đã rất mừng vì nghĩ rằng từ đây về sau những tác phẩm do mình dịch sẽ dễ dàng tiếp cận với độc giả hơn. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, sau khi đã suy nghĩ một cách thấu đáo hơn, tôi nhận thấy rằng mình chưa đóng góp được bao nhiêu. Tôi coi đây là sự ưu ái rất lớn mà Quỹ Văn hóa Phân Châu Trinh đã dành cho tôi và tôi coi đây cũng là phần thưởng chung cho tất cả những người đã giúp đỡ và hợp tác trong công việc dịch thuật của tôi suốt mấy năm vừa qua. Nhân dịp này, tôi xin được cám ơn Ban Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, cám ơn các bạn Hồ Thị Hòa, Hoàng Thanh Thủy, Nguyễn Phương Loan và một số biên tập viên của Nhà xuất bản Tri Thức mà tôi không thể kể hết tên ở đây, những người đã giúp đỡ và cộng tác rất hiệu quả với tôi trong thời gian vừa qua. Tôi cũng xin đặc biệt cám ơn anh Đinh Tuấn Minh, một nhà kinh tế học trẻ, người đã rất nhiệt tình trong việc hiệu đính những tác phẩm viết về kinh tế học do tôi dịch trong thời gian qua. Tôi cũng xin được gửi lời cám ơn nhà văn Phạm Thị Hoài, người đã động viên tôi rất nhiều trong những bước đầu trên con đường dịch thuật của tôi.

Thưa quý vị và các bạn

Nói đến dịch thuật, người ta thường nhấn mạnh khía cạnh truyền bá kiến thức của nó. Điều đó tất nhiên là đúng. Nhưng còn một khía cạnh nữa: ảnh hưởng của dịch thuật đối với ngôn ngữ thì dường như thường bị lãng quên. Và khi nói tới ảnh hưởng của dịch thuật đối với ngôn ngữ, người ta thường nhắc tới Martin Luther, người đã dịch Kinh Tân ước (vào năm 1522) và Kinh Cựu ước (vào năm 1534) từ tiếng Latin sang thổ ngữ của miền trung nước Đức và đã khiến cho bộ phận ngôn ngữ ấy sau này trở thành ngôn ngữ chuẩn của nước Đức. Dù không có những nghiên cứu về ảnh hưởng cụ thể của dịch thuật đối với tiếng Việt, nhưng tôi tin chắc rằng việc dịch Tam tạng kinh điển của đạo Phật, dịch các trước tác của Khổng giáo và các tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc sang chữ Nôm và sau này là sang chữ Quốc ngữ, cũng như việc dịch các tác phẩm văn học và khoa học từ tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga sang tiếng Việt đã có những đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển của tiếng Việt hiện đại. Chỉ cần đọc một vài tác phẩm viết cách đây khoảng 100 năm và so sánh văn phong của những tác phẩm đó với những tác phẩm được xuất bản gần đây, chúng ta cũng sẽ thấy ngay rằng tiếng Việt đã rõ ràng, mạch lạc, trong sáng và hiện đại hơn rất nhiều. Tôi tin chắc rằng các dịch giả tiền bối đã có công rất lớn trong quá trình hiện đại hóa đó.

Về phần mình, dù dịch tác phẩm nào, về kinh tế học, xã hội học hay triết học, trước khi ngồi vào bàn phím tôi đều tự nhắc nhở mình câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn; tiếng ta còn thì nước ta còn”. Tôi hiểu rằng, trải qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc, tổ tiên của chúng ta, những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương đã dứt khoát không chịu dùng tiếng nói của kẻ cai trị, dứt khoát chỉ dùng tiếng Việt và hơn thế nữa, còn Việt hóa nhiều từ Hán, làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú thêm. Và cùng với sự phát triển của tiếng Việt, tinh thần dân tộc cũng gia tăng để đến lúc nhân dân ta tự nhận thức được rằng “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, hay nói như chúng ta ngày nay là “độc lập dân tộc”. Đấy chính là tinh thần đã hun đúc nên chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc. Trải qua hơn một ngàn năm nữa, ngày nay chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng tiếng Việt đã phong phú đến mức có thể thể hiện được mọi cung bậc của tình cảm và đủ sức chuyển tải được những khái niệm khó khăn nhất của tất cả các ngành khoa học hiện đại. Và cùng với sự phát triển của xã hội, tiếng Việt vẫn tiếp tục phát triển và sẽ còn phát triển mãi. Tôi cho rằng dịch thuật và các dịch giả của chúng ta sẽ có những đóng góp xứng đáng trong quá trình phát triển đó. Đồng thời, tôi cũng tin rằng, dù có xảy ra những chuyện như thế nào, dù đất nước ta có trải qua những cuộc khủng hoảng về kinh tế, về xã hội và thể chế như thế nào đi nữa, nhưng nếu những người đang sống trên dải đất hình chữ S từ mũi Cà Mau tới Mục Nam Quan và mấy triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài còn tiếp tục coi tiếng Việt là một trong những di sản quý báu nhất mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, tiếp tục giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, tiếp tục vun bồi để cho tiếng Việt ngày càng phong phú thêm, ngày càng trong sáng hơn thì nước Việt Nam ta nhất định sẽ còn như học giả Phạm Quỳnh đã nói. Tôi luôn tự nhắc mình rằng, là một người phu chữ, tôi xin mượn chữ của nhà thơ Lê Đạt để gọi mình như thế, nếu một giây phút nào đó mình lơ là với tiếng Việt, viết những câu chữ thiếu trong sáng và khó hiểu thì đấy là lúc mình đã mắc tội với tổ tiên và có lỗi với những thế hệ tương lai.

Còn một điều nữa, thưa quý vị và các bạn

Cụ Phan Châu Trinh đã dành cả đời mình cho sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Làm một công việc vĩ đại như thế chỉ bằng ngòi bút và tiếng nói thì tự do ngôn luận chính là phương tiện hữu hiệu nhất. Cụ sẵn sàng hi sinh tự do thân thể của mình, cụ đã từng đập đá ở Côn Lôn, thậm chí Cụ sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình để bảo vệ quyền làm người căn bản đó. Tôi tin rằng hương hồn Cụ sẽ đồng ý khi tôi trích dẫn Voltaire, triết gia người Pháp, rằng tự do ngôn luận là: “Mặc dù tôi ghét cay ghét đắng điều bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết để bạn được quyền nói điều đó”. Và tôi cũng tin rằng hương hồn Cụ sẽ đồng ý khi tôi trích dẫn George Orwell, một nhà văn lớn người Anh, rằng: “Nếu tự do có một ý nghĩa nào đó thì đấy chính là quyền nói cho người ta nghe những điều người ta không muốn nghe”. Lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, ước mong mang tri thức từ những chân trời xa xôi về để khai sáng cho đồng bào của mình và cuộc đấu tranh kiên cường cho tự do của chí sĩ Phan Tây Hồ là những bài học vô giá mà kẻ hậu sinh là tôi không bao giờ dám quên hay dám lơ là.

Đấy là những điều tâm huyết mà tôi xin được thưa cùng quý vị và các bạn trong ngày hôm nay.

Cuối cùng, tôi xin chúc Hội đồng Quản lý Quỹ Phan Châu Trinh, Hội đồng Khoa học của Quỹ, và những người đã và sẽ nhận giải thưởng cao quý này sức khỏe dồi dào, để chúng ta có đủ sức giương cao mãi ngọn cờ khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của nhà cách mạng Phan Châu Trinh; đủ sức trao ngọn cờ đó cho những cánh tay rắn chắc và đáng tin cậy của các thế hệ đi sau, để cho tinh thần khai sáng của Người trường tồn mãi mãi cùng dân tộc chúng ta.

Thưa quý vị và các bạn

Nhân ngày giỗ chí sĩ Phan Tây Hồ, 24 tháng 3, sáng nay tôi đã cùng một vài bạn trẻ đến thắp nhang tại khu lưu niệm chí sĩ ở số 9 Phan Thúc Duyện, quận Tân Bình. Bây giờ, tại diễn đàn trang trọng này, một lần nữa xin được nghiêng mình trước anh linh của Người. Xin Người phù hộ cho tất cả chúng ta.

Xin cám ơn.

Nguồn: Blog “Một cửa sổ nhìn ra thế giới” của Phạm Nguyên Trường

Ảnh: Lễ trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 6 ngày 29-3-2013 tại TPHCM. Ông Phạm Duy Hiển là người thứ hai từ bên trái. Ảnh: Tuổi Trẻ.