Tự do báo chí – Lời tựa do Orwell đề nghị cho cuốn “Trại súc vật”
Th3 18, 2013
George Orwell
Phạm Nguyên Trường dịch
Tuy bối cảnh hoàn toàn khác biệt, tôi có cảm giác tiểu luận sau đây của George Orwell được viết cho chính độc giả Việt Nam hôm nay, gần 70 năm sau khi nó ra đời. Không thiếu người ưa trích dẫn những dòng chua chát và phẫn nộ của ông để bảo chúng ta rằng ở đâu cũng thế thôi, báo chí phương Tây cũng chẳng tự do gì. Song trường phái ráo hoảnh ấy thực ra không có gì cần tìm ở đây, vì những suy tư của tác giả Trại súc vật trong bài viết này cho thấy rằng tự do tư tưởng và tri thức, tự do báo chí và xuất bản là những giá trị đủ quý báu để những người yêu tự do tranh đấu bảo vệ, bất chấp kẻ thù của chúng là ai.
Phạm Thị Hoài
__________________
Ý tưởng về cuốn sách này xuất hiện từ năm 1937, nhưng mãi đến cuối năm 1943 mới được viết. Lúc đó tôi đã thấy rõ ràng rằng xuất bản là công việc cực kì khó khăn (mặc dù tình trạng thiếu sách lúc đó, bảo đảm rằng cứ có sách là bán được) và quả thật, đã có tới 4 nhà xuất bản từ chối. Nhưng chỉ có một nhà xuất bản từ chối vì lí do ý thức hệ mà thôi. Hai nhà xuất bản khác đã xuất bản những tác phẩm bài Nga trong suốt nhiều năm, còn nhà xuất bản thứ tư thì không có bất cứ lập trường chính trị nào. Một ông chủ xuất bản ban đầu đã chấp nhận, nhưng sau khi chuẩn bị thì lại quyết định sẽ tham khảo Bộ Thông tin [1], có lẽ Bộ này đã cảnh báo, hay ít nhất cũng đã khuyên là không nên in tác phẩm này. Đây là trích đoạn bức thư của ông ta gửi cho tôi:
Tôi đã nói với ông câu trả lời mà tôi nhận được từ một quan chức cao cấp của Bộ Thông tin về cuốn Trại súc vật. Tôi phải nhận rằng ý kiến của ông ta buộc tôi phải suy nghĩ một cách nghiêm túc… Chính tôi cũng thấy xuất bản cuốn sách này trong lúc này có thể là một việc làm rất thiếu thận trọng. Nếu câu chuyện ngụ ngôn chỉ nói về những nhà độc tài và những chế độ độc tài nói chung thì xuất bản sẽ không sao, nhưng chuyện này – hiện nay chính tôi cũng đã thấy – đã mô tả một cách cụ thể sự phát triển của các sự kiện ở nước Nga Xô-viết và hai nhà độc tài của họ, ngoài nước Nga ra thì không có chế độ độc tài nào như thế hết. Còn một việc nữa: câu chuyện sẽ không đến nỗi kinh tởm như thế nều đẳng cấp cai trị không phải là loài lợn [2]. Tôi nghĩ rằng đưa lợn thành giai cấp cầm quyền chắc chắn sẽ làm mất lòng nhiều người, nhất là những người hay tự ái, chắc chắn người Nga là như thế.
Cách suy nghĩ như thế không phải là triệu chứng tốt. Rõ ràng là chẳng ai muốn một cơ quan nào đó của chính phủ lại có quyền kiểm duyệt (trừ kiểm duyệt về an ninh, trong thời chiến không ai phản đối kiểm duyệt như thế) những cuốn sách mà chính phủ không tài trợ. Nhưng mối nguy hiểm quan trọng nhất hiện nay đối với quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận không phải là sự can thiệp trực tiếp của Bộ Thông tin hay của bất kì cơ quan nào khác. Nếu các nhà xuất bản và các biên tập viên cố gắng không cho in sách về một số đề tài nào đó, thì đấy không phải là vì họ sợ bị truy tố mà vì họ sợ dư luận xã hội. Ở nước ta, kẻ thù chính của nhà văn hay nhà báo chính là sự hèn nhát về mặt trí tuệ, và tôi có cảm tưởng là chúng ta chưa thảo luận nhiều về hiện tượng này.
Bất kì người có đầu óc vô tư và có kinh nghiệm làm báo nào cũng đều đồng ý rằng trong thời gian chiến tranh, kiểm duyệt của chính phủ không gây cho người ta quá nhiều khó chịu. Khác với chế độ toàn trị, chúng ta không bị “hướng dẫn”, mặc dù có lí do để nghĩ rằng người ta sẽ làm như thế. Những lời phàn nàn của báo chí là có căn cứ; nhưng nói chung, chính phủ đã xử sự một cách lịch sự và có thái độ khoan dung đối với ý kiến của thiểu số còn làm người ta phải ngạc nhiên. Ở Anh, thực tế khủng khiếp nhất của chế độ kiểm duyệt trong lĩnh vực văn chương chính là tự kiểm duyệt.
Những ý tưởng không được nhiều người ưa chuộng bị bịt miệng, còn những sự kiện phiền phức thì bị giấu đi mà không cần chính phủ phải cấm đoán. Bất cứ người nào từng sống một thời gian dài ở nước ngoài cũng đều biết có những tin tức giật gân – tức là tin tức đáng in bằng chữ đậm ngay trên trang nhất – lại không được báo chí Anh đăng, không phải do chính phủ Anh can thiệp mà là do mọi người đã thỏa thuận ngầm là nhắc đến sự kiện đó là “không tốt”. Đối với báo chí hàng ngày thì đấy là điều dễ hiểu. Phần lớn báo chí Anh nằm trong tay những người giàu có, những người có đủ lí do để nói dối về một số đề tài quan trọng. Nhưng sự kiểm duyệt bị che đậy như thế cũng diễn ra với sách báo, tạp chí và cả kịch nghệ, phim ảnh và truyền thanh nữa. Mỗi thời điểm lại có một quan điểm chính thống nào đó, đấy là tập hợp những ý tưởng mà những người có tư duy lành mạnh chấp nhận mà không cần bàn cãi. Không có ý kiến nào bị cấm nói, nhưng “không nên” nói; y như ở thời Victoria “không nên” nói đến quần trước mặt phụ nữ vậy. Bất kì ai có ý thách thức quan điểm chính thống đang thịnh hành cũng thấy rằng người ta đã tìm cách bịt được miệng mình ngay lập tức. Ý kiến thực sự không được nhiều người ưa hầu như không bao giờ có điều kiện xuất hiện trên báo chí hàng ngày hay trên những tờ tạp chí mang tầm trí thức cao.
Hiện nay quan điểm chính thống đang thịnh hành là hâm mộ vô điều kiện nước Nga Xô-viết. Mọi người đều biết điều này, và hầu như mọi người đều làm như thế. Tất cả những lời phê phán Liên Xô nghiêm túc, tất cả những lời tố cáo những sự kiện mà chính phủ Liên Xô muốn che giấu đều khó có thể được in. Và sự thông đồng bao trùm lên cả nước này là nhằm bợ đỡ nước đồng minh của chúng ta, thật kì quặc, lại diễn ra trong bối cảnh của thái độ khoan dung thực sự về mặt trí tuệ. Vì, mặc dù bạn không được phê phán chính phủ Liên Xô, nhưng phê phán chính phủ ta thì lại được. Tấn công Stalin thì khó có người in, nhưng tấn công Churchill thì được, ít nhất là trong sách và tạp chí. Trong năm năm chiến tranh, trong đó có hai hay ba năm phải chiến đấu một mất một còn, đã có biết bao nhiêu sách báo kêu gọi dàn xếp hòa bình được xuất bản mà không bị chính phủ can thiệp. Hơn thế nữa, chúng được xuất bản mà không gây ra nhiều lời phản đối. Khi chưa dính dáng đến uy tín của Liên Xô thì nguyên tắc tự do ngôn luận được giữ ở mức chấp nhận được. Có những đề tài bị cấm đoán khác, tôi sẽ nói sau, nhưng thái độ đang thịnh hành đối với Liên Xô là triệu chứng đáng ngại nhất. Nó được hình thành một cách tự phát, chứ không phải do hành động của bất cứ nhóm áp lực nào.
Tinh thần nô lệ mà phần lớn giới trí thức Anh đã ăn phải và việc nhắc đi nhắc lại những lời tuyên truyền của Nga kể từ năm 1941 trở đi có thể làm người ta phải kinh ngạc, nếu trong một vài trường hợp trước đây họ chưa từng có hành động như thế. Trong một loạt vấn đề còn gây tranh cãi, người ta nhắm mắt chấp nhận ngay quan điểm của Nga và sau đó thì quảng bá cho nó, bất chấp sự thật lịch sử và thái độ tử tế của người trí thức. Chỉ xin dẫn ra một ví dụ: BBC kỉ niệm 25 năm ngày thành lập Hồng quân mà không nhắc tới Trotsky. Có khác gì kỉ niệm chiến thắng Trafalgar mà không nhắc tới Nelson, nhưng giới trí thức Anh không hề có hành động phản đối nào. Trong những cuộc đấu tranh nội bộ tại những đất nước bị chiếm đóng, báo chí Anh hầu như bao giờ cũng đứng về phía những lực lượng được Nga ủng hộ và phỉ báng phe chống đối, ngay cả khi để làm như thế người ta phải ỉm đi các sự kiện. Đặc biệt rõ là đại tá Mihailovich, lãnh tụ của những người Chetnik ở Nam Tư [3]. Ở Nam Tư, người Nga ủng hộ nguyên soái Tito, họ lên án Mihailovich là cộng tác với Đức. Báo chí Anh lập tức vồ lấy lời kết án này: những người ủng hộ Mihailovich không có cơ hội trả lời, còn những sự kiện trái ngược với lời kết án thì đơn giản là không được đưa lên mặt báo.
Tháng 7 năm 1943, người Đức đưa ra khoản tiền là 100.000 đồng tiền vàng thưởng cho ai bắt được Tito và khoản thưởng tương tự cho việc bắt giữ Mihailovich. Báo chí Anh làm ầm lên về tiền thưởng cho việc bắt giữ Tito nhưng chỉ có một tờ nhắc tới tiền thưởng cho vụ bắt giữ Mihailovich (lại in chữ nhỏ): còn cáo buộc cộng tác với Đức thì vẫn tiếp tục. Những hiện tượng tương tự như thế cũng từng xảy ra trong cuộc Nội chiến ở Tây Ban Nha. Lúc đó lực lượng Cộng hòa mà Nga quyết tâm tiêu diệt cũng bị báo chí cánh tả ở Anh phỉ báng, mọi lời biện hộ cho họ, ngay cả dưới dạng những bức thư cũng đều không được công bố. Hiện nay, người ta không chỉ coi những lời chỉ trích gay gắt Liên Xô là đáng bị lên án, mà trong một số trường hợp người ta còn che giấu cả sự kiện là có những lời chỉ trích như thế. Ví dụ, ngay trước khi chết, Trotsky đã hoàn thành cuốn tiểu sử về Stalin. Có thể giả định rằng cuốn này cũng không hoàn toàn khách quan, nhưng chắc chắn là bán được. Một nhà xuất bản Mĩ đã thu xếp để phát hành và sách đã được đem in – tôi tin là một số bản đã được gửi đi rồi – thì Liên Xô tham chiến. Việc in ấn chấm dứt ngay lập tức. Báo chí Anh không nói một lời nào, thế mà rõ ràng là sự tồn tại của cuốn sách và việc cấm đoán nó là một tin đáng để người ta nói tới, dù chỉ vài dòng.
Quan trọng là phải phân biệt giữa sự kiểm duyệt mà giới trí thức Anh tự khoác lên mình và sự kiểm duyệt mà đôi khi các nhóm áp lực ép họ phải làm. Ai cũng đều biết rằng một số vấn đề không thể được đưa ra bàn thảo vì đụng chạm tới quyền lợi của ai đó. Nổi tiếng nhất là vụ ồn ào về những loại thuốc chữa bệnh độc quyền. Nhà thờ Thiên Chúa giáo có ảnh hưởng đáng kể trong báo giới và ở mức độ nào đó, có thể ngăn chặn được những lời phê phán chống lại mình. Những vụ bê bối có dính líu tới các linh mục hầu như không bao giờ được đưa ra công khai, trong khi một linh mục Anh giáo mà gặp rắc rối thì chắc chắn sẽ trở thành tin chính. Hiếm khi có tác phẩm bài Thiên Chúa giáo nào được đưa lên sân khấu hay màn ảnh. Bất kì diễn viên nào cũng có thể nói với bạn rằng vở kịch hay bộ phim tấn công hay chế giễu nhà thờ Thiên Chúa giáo chắc chắn cũng đều bị báo chí tẩy chay và có nhiều khả năng là sẽ thất bại. Nhưng chuyện này cũng không sao hoặc ít nhất là có thể hiểu được. Tổ chức lớn nào cũng tìm mọi cách bảo vệ quyền lợi của nó, chả nên chống lại bộ máy tuyên truyền công khai làm gì. Hi vọng tờ Daily Worker [4] công bố những sự kiện không hay ho về Liên Xô có khác gì hi vọng tờ Catholic Herald tố cáo Giáo hoàng. Nhưng tất cả những người có suy nghĩ đều biết Daily Worker và Catholic Herald là những tờ báo như thế nào rồi.
Điều làm người ta lo ngại là khi nói đến Liên Xô và chính sách của nó, không thể hi vọng có những lời phê phán sáng suốt, thậm chí trong nhiều trường hợp là sự trung thực không màu mè từ những người cầm bút và các nhà báo theo trường phái tự do, tức là những người không bị ai ép phải thay đổi quan điểm. Stalin là nhân vật bất khả xâm phạm và một số lĩnh vực của chính sách của ông ta là những vấn đề không được bàn tới. Từ năm 1941, nguyên tắc này hầu như đã được mọi người tuân thủ, nhưng nguyên tắc này còn có hiệu lực lớn hơn là đôi khi người ta vẫn nghĩ từ trước đó 10 năm. Suốt thời gian đó, những lời phê phán chế độ Xô-viết từ phía Tả khó được ai nghe. Có nhiều sách báo bài Nga được xuất bản, nhưng hầu như đều từ quan điểm Bảo thủ và hiển nhiên là thiếu trung thực, lạc hậu và với những động cơ bẩn thỉu. Từ phía bên kia cũng tuôn ra một số lượng sách báo tuyên truyền ủng hộ Nga lớn không kém và cũng bất lương không kém, và bất kì người nào có ý định thảo luận các vấn đề quan trọng một cách nghiêm túc cũng đều bị họ tẩy chay.
Thực ra, bạn có thể xuất bản những cuốn sách bài Nga, nhưng làm như thế là chắc chắn bạn sẽ bị báo chí nghiêm túc lờ đi hay họ sẽ xuyên tạc quan điểm của bạn. Cả ở chỗ công cộng lẫn chỗ riêng tư bạn đều được cảnh báo rằng đấy là “việc không nên”. Điều bạn nói có thể là đúng, nhưng “không hợp thời” và có thể có lợi cho lực lượng phản động nào đó. Người ta thường biện hộ cho thái độ như thế bằng cách nói rằng tình hình quốc tế và nhu cầu cấp bách của liên minh Anh-Nga đòi hỏi như thế; nhưng rõ ràng đây chỉ là sự hợp lí hóa thôi. Giới trí thức Anh hay phần lớn giới này đã bị nhiễm lòng trung thành mang tính dân tộc chủ nghĩa đối với Liên Xô và trong thâm tâm họ nghĩ rằng chỉ cần một chút nghi ngờ sự sáng suốt của Stalin đã là báng bổ rồi. Các sự kiện ở Nga và các sự kiện ở những nước khác phải được đánh giá theo những tiêu chuẩn khác nhau. Những người suốt đời chống án tử hình lại nhiệt tình ủng hộ không biết bao nhiêu vụ hành quyết trong giai đoạn thanh trừng 1936-1938, và việc đưa lên báo nạn đói ở Ấn Độ, trong khi che giấu nạn đói ở Ukraine cũng được họ coi là thích đáng. Và nếu chuyện này đã xảy ra trong giai đoạn tiền chiến thì bầu không khí trí thức hiện nay cũng chẳng tốt đẹp gì hơn.
Nhưng xin quay trở lại với cuốn sách của tôi. Đa số trí thức Anh phản ứng một cách đơn giản: “Đáng lẽ ra không nên xuất bản”. Đương nhiên là những nhà phê bình nắm được nghệ thuật gièm pha, không tấn công nó về mặt chính trị mà tấn công nó về mặt văn chương. Họ sẽ bảo rằng đây là cuốn sách chán ngắt, ngớ ngẩn, chẳng nên tốn giấy in làm gì. Có thể là đúng như thế, nhưng rõ ràng là câu chuyện không chỉ có thế. Người ta không nói rằng “không nên in cuốn sách này” chỉ vì nó là cuốn sách không hay. Nói cho cùng, hàng đống rác rưởi vẫn được xuất bản mỗi ngày, nhưng có ai bận tâm đâu. Giới trí thức Anh hay phần lớn giới này sẽ phản đối cuốn sách vì nó phỉ báng Lãnh tụ của họ và (theo quan niệm của họ) là có hại đối với sự tiến bộ. Nếu cuốn sách này nói ngược lại thì họ sẽ không phản đối, ngay cả khi về mặt văn chương nó có kém hơn đến 10 lần thì cũng không sao. Sự thành công của Câu lạc bộ sách cánh tả [5], xin đưa ra một ví dụ như thế, trong bốn đến năm năm qua chứng tỏ rằng các thành viên của nó sẵn sàng tha thứ cho cả sự dối trá lẫn sự cẩu thả, miễn là tác phẩm nói những điều họ muốn nghe.
Vấn đề ở đây rất đơn giản: Mọi ý kiến – dù không được nhiều người hâm mộ đến đâu, thậm chí là ngu xuẩn đến đâu đi nữa – có được quyền trình bày hay không? Đặt vấn đề theo cách ấy thì hầu như bất kì người có học nào ở Anh cũng cảm thấy buộc phải nói: “Có”. Nhưng đặt vấn đề một cách cụ thể, và hỏi: “Phê phán Stalin thì sao? Vấn đề này có được nói không?” thì câu trả lời sẽ thường là: “Không”. Khi quan điểm chính thống đang thịnh hành bị thách thức thì nguyên tắc tự do ngôn luận cũng tiêu ma. Nhưng khi người ta đòi hỏi tự do ngôn luận và tự do báo chí, người ta không đòi hỏi tự do tuyệt đối. Khi còn xã hội có tổ chức thì nhất định phải có hoặc bao giờ cũng sẽ có một mức độ kiểm duyệt nào đó. Nhưng như Rosa Luxembourg đã nói, tự do nghĩa là “tự do dành cho người khác”. Voltaire cũng nói hệt nguyên tắc như thế: “Tôi ghét cay ghét đắng điều bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết để bạn được quyền nói điều đó”. Nếu tự do tri thức – chắc chắn đấy đã và vẫn là chỉ dấu đặc trưng của nền văn minh phương Tây – còn có ý nghĩa nào đó thì nó có nghĩa là mọi người đều có quyền nói và in cái mà anh ta cho là sự thật, miễn là điều đó không làm hại cho phần còn lại của xã hội. Cho đến mãi thời gian gần đây, cả chế độ dân chủ tư sản lẫn các phương án của chủ nghĩa xã hội ở phương Tây đều coi nguyên tắc này là đương nhiên. Chính phủ của chúng ta, như tôi đã chỉ ra bên trên, dường như vẫn còn tôn trọng nguyên tắc này. Những người dân thường trên đường phố, một phần có thể là do họ không quá bận tâm với các tư tưởng cho nên không có thái độ bất dung vẫn lờ mờ cảm thấy rằng: “Tôi cho là mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến của mình”. Chỉ có, hay ở mức độ nào đó, chủ yếu là, giới trí thức văn chương và khoa học – những người phải bảo vệ tự do – lại là những người bắt đầu khinh thường nó, cả trên lí thuyết cũng như trong thực tế.
Một trong những hiện tượng kì quặc của thời đại này là người Tự do chạy làng. Ngoài lời tuyên bố của Marx mà mọi người đều biết rằng “tự do tư sản” chỉ là ảo tưởng thì nay xu hướng cho rằng chỉ có thể bảo vệ chế độ dân chủ bằng những biện pháp toàn trị lại đang lan tràn khắp nơi. Yêu dân chủ thì phải thì phải tiêu diệt kẻ thù bằng mọi phương tiện, người ta nói như thế. Vậy, ai là kẻ thù của dân chủ? Hóa ra đấy không chỉ là những người tấn công nó một cách công khai và có ý thức; mà cả những người tuyên truyền những học thuyết sai lầm, gây nguy hiểm “một cách khách quan” đối với nó cũng trở thành kẻ thù của nó. Nói cách khác, bảo vệ chế độ dân chủ đòi hỏi phải loại bỏ sự độc lập về tư tưởng. Luận cứ này được sử dụng nhằm biện hộ cho những vụ thanh trừng ở nước Nga. Những người yêu nước Nha nồng nhiệt nhất cũng khó mà tin rằng tất cả các nạn nhân đều mắc những tội lỗi mà họ bị cáo buộc: nhưng những ý kiến trái chiều của họ đã làm thiệt hại cho chế độ “một cách khách quan” và vì vậy mà tàn sát họ không chỉ là việc làm đúng đắn mà còn cần phải bôi nhọ họ bằng những lời buộc tội dối trá nữa. Luận cứ tương tự cũng được sử dụng nhằm biện hộ cho những lời dối trá có chủ đích trong báo chí cánh tả về những người theo phái Trotskyist và những nhóm theo phái Cộng hòa khác trong cuộc Nội chiến ở Tây Ban Nha. Nó cũng được sử dụng để giải thích cho những vụ ồn ào nhằm chống lại habeas corpus [6] khi Mosley [7] được thả vào năm 1943.
Những người này không biết rằng nếu anh khuyến khích những biện pháp toàn trị thì đến một lúc nào đó chúng sẽ được sử dụng nhằm chống lại anh chứ không phải vì anh nữa. Chỉ cần biến việc bỏ tù bọn phát xít mà không cần xét xử thành thói quen thì có khả năng là quá trình này sẽ không dừng lại ở bọn phát xít. Một thời gian ngắn sau khi tờ Daily Worker từng bị đàn áp lại được tái bản, tôi có giảng bài tại trường cao đẳng dành cho người lao động ở phía nam London. Thính giả là công nhân và những người có học của giai cấp trung lưu lớp dưới – tương tự như thính giả mà ta thường thấy ở các chi nhánh của Câu lạc bộ sách cánh tả. Bài giảng đề cập đến vấn đề tự do báo chí và khi kết thúc, tôi ngạc nhiên thấy rằng có mấy người đứng dậy hỏi: tôi có nghĩ rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm tờ Daily Worker có phải là sai lầm hay không? Khi tôi hỏi tại sao thì họ bảo rằng tờ báo này không có tinh thần ái quốc và không được cho xuất bản trong thời gian chiến tranh. Tôi phát hiện ra là mình phải bảo vệ tờ Daily Worker, tờ báo đã từng phỉ báng tôi không biết bao nhiêu lần. Nhưng những người này học ở đâu được quan điểm thực chất là toàn trị như thế? Không nghi ngờ gì là họ đã học được từ chính những người cộng sản!
Lòng khoan dung và sự tử tế đã ăn sâu bén rễ ở nước Anh, nhưng đấy không phải là nhất thành bất biến, đôi khi những tình cảm đó phải được nuôi dưỡng bằng những cố gắng mang tính tự giác. Kết quả của việc tuyên truyền những học thuyết toàn trị là nó làm suy yếu cái bản năng, mà nhờ nó những người tự do biết được cái gì nguy hiểm, còn cái gì thì không. Vụ Mosley thể hiện rõ điều này. Năm 1940 bắt giam Mosley là hoàn toàn đúng, dù từ quan điểm pháp lí ông ta có phạm tội hay là không. Lúc đó chúng ta đang chiến đấu để giành lấy quyền sống, chúng ta không thể để một kẻ phản bội tiềm tàng tự do đi lại được. Nhưng giam trong tù trong năm 1943 mà không đưa ra tòa thì lại là một sự vi phạm trắng trợn. Việc không ai nhận ra điều này là một triệu chứng chẳng hay ho gì, mặc dù đúng là những vụ phản đối chống lại việc phóng thích Mosley một phần là giả tạo và một phần là để thể hiện những sự bất bình khác. Mười năm “chống phát xít” vừa qua đã đóng góp gì vào quá trình trượt dài sang cách thức tuy duy theo kiểu phát xít và nó đã kéo theo những sự bất cẩn [trong việc lựa chọn phương tiện – ND] như thế nào?
Quan trọng là cần phải nhận thức được rằng sự sùng bái Nga hiện chỉ là triệu chứng của sự suy nhược của truyền thống tự do của phương Tây mà thôi. Nếu Bộ Thông tin can thiệp và dứt khoát cấm xuất bản cuốn sách này thì phần lớn giới trí thức Anh cũng sẽ chẳng thấy có điều gì làm họ phải bận tâm hết. Lòng trung thành một cách mù quáng đối với Liên Xô đang là quan điểm chính thống hiện nay, và khi nói đến quyền lợi được cho là của Liên Xô thì người ta sẵn sàng chấp nhận không chỉ kiểm duyệt mà còn cố tình xuyên tạc cả lịch sử nữa. Xin dẫn ra một ví dụ. Khi John Reed chết, ông chính là tác giả cuốn Ten Days that Shook the World (Mười ngày rung chuyển thế giới) — câu chuyện của người đã từng chứng kiến những ngày đầu tiên của cuộc Cách mạng Nga – bản quyền tác phẩm được trao cho Đảng Cộng sản Anh, tôi tin là Reed đã di chúc như thế. Mấy năm sau cộng sản Anh tìm mọi cách nhằm tiêu hủy những cuốn sách đã phát hành trong lần xuất bản đầu tiên, sau đó cho in bản đã bị cắt xén, xóa tất cả những đoạn có nhắc tới Trotsky và thậm chí bỏ cả lời giới thiệu do Lenin viết nữa. Nếu ở Anh vẫn còn giới trí thức cấp tiến thì hành động giả mạo này đã bị tất cả các nhà xuất bản chuyên về lĩnh vực văn học trong nước vạch trần và lên án rồi. Nhưng có rất ít hoặc không có lời phản đối nào. Đối với nhiều trí thức Anh, dường như đây là việc làm tự nhiên vậy. Và thái độ chấp nhận như vậy hay là sự thiếu tử tế một cách trắng trợn như thế chứng tỏ một cái gì đó lớn hơn là sự thán phục nước Nga đang là trào lưu hiện nay. Hoàn toàn có khả năng là trào lưu này sẽ không kéo dài được lâu. Theo tôi biết, có khả năng là khi cuốn sách này được xuất bản thì quan điểm của tôi về chế độ Xô-viết sẽ được mọi người chấp nhận. Nhưng như thế thì có ích gì? Thay một quan điểm chính thống này bằng quan điểm chính thống khác không chắc đã phải là tiến bộ. Kẻ thù là bộ óc hoạt động như thể cái máy hát, đồng ý hay không đồng ý với cái đĩa hát được đặt lên đó không phải là vấn đề.
Tôi biết rõ tất cả các luận cứ chống lại tự do tư tưởng và tự do ngôn luận – có những luận cứ khẳng định rằng không thể có tự do và những luận cứ khẳng định rằng không nên để cho tự do. Tôi trả lời đơn giản là những luận cứ đó không thuyết phục được tôi và nền văn minh trong hơn 400 năm qua của chúng ta được xây dựng trên những nguyên tắc ngược lại. Trong suốt thập niên qua, tôi tin chắc rằng chế độ ở Liên Xô chủ yếu là tồi dở, và tôi đòi quyền được nói như thế, mặc dù chúng ta là đồng minh của Liên Xô trong cuộc chiến tranh mà tôi muốn là chúng ta chiến thắng. Nếu tôi phải chọn một câu để biện hộ cho mình thì tôi xin chọn câu sau đây của Milton:
Theo những quy luật đã biết của quyền tự do cổ xưa.
Từ “cổ xưa” nhấn mạnh sự kiện: tự do tri thức là truyền thống đã ăn sâu bén rễ vào quá khứ xa xưa, không có nó thì nền văn hóa đặc trưng của phương Tây của chúng ta khó mà có thể tồn tại được. Nhiều nhà trí thức của chúng ta đang công khai quay lưng lại với truyền thống đó. Họ theo nguyên tắc là xuất bản hay cấm đoán, ca ngợi hay lên án cuốn sách không phải vì giá trị tự thân của nó mà họ làm thế vì lợi ích chính trị. Còn những người thực sự không chia sẻ những quan điểm như thế thì lại tán thành chỉ vì hèn nhát. Thí dụ cụ thể là nhiều người ủng hộ hòa bình to mồm đã không dám lên tiếng chống lại sự sùng bái chủ nghĩa quân phiệt Nga đang thịnh hành hiện nay. Theo những người ủng hộ hòa bình này, mọi biểu hiện của bạo lực đều là xấu xa, và tại mỗi giai đoạn của cuộc chiến họ đều kêu gọi đầu hàng hay chí ít là kí hiệp ước hòa bình trên cơ sở thỏa hiệp. Nhưng có bao nhiêu người trong số họ từng nói rằng chiến tranh là xấu ngay cả khi Hồng quân tham chiến? Rõ ràng là người Nga có quyền tự vệ, trong khi đối với chúng ta thì đấy là tội không thể nào tha thứ được. Chỉ có một cách giải thích: ước muốn đê hèn nhằm đứng vào đám đông trí thức với lòng yêu nước dành cho Liên Xô chứ không phải cho Anh quốc. Tôi biết rằng giới trí thức Anh có rất nhiều lí do để giải thích tính nhút nhát và thiếu tử tế của họ; thực ra, tôi thuộc lòng những luận cứ mà họ dùng để biện hộ cho mình. Nhưng như thế thì đừng nói đến việc bảo vệ tự do khỏi chủ nghĩa phát xít nữa. Nếu tự do có một ý nghĩa nào đó thì đấy chính là quyền nói cho người ta nghe những điều người ta không muốn nghe. Cho đến nay những người bình thường vẫn tán thành một cách vô thức nguyên tắc này và tuân theo nó. Nhưng ở nước ta – ở những nước khác không thế: ở nước Cộng hòa Pháp không như thế, ở Mĩ hiện nay cũng không như thế – những người tự do lại sợ tự do và những người trí thức muốn bôi bẩn trí tuệ. Chính vì muốn làm người ta chú ý đến sự kiện đó mà tôi đã viết lời giới thiệu này.
1945
Ghi chú: Lời giới thiệu này không được đưa vào tác phẩm và mãi về sau bản thảo mới được Ian Angus tìm ra. Lời giới thiệu này được công bố lần đầu trên tờ The Times Literary Supplement, ra ngày 15 tháng 9 năm 1972 với lời giới thiệu do giáo sư Bernard Crick viết dưới nhan đề: How the essay came to be written. Trong lần xuất bản tác phẩm này vào năm 2000, NXV Penguin đã xuất bản Lời nói đầu này như phụ lục (Phụ lục I), còn lời giới thiệu cho bản dịch sang tiếng Ukriane thì được in kèm thành Phụ lục II.
Nguồn: George Orwell, The Freedom of the Press
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Nguyên Trường & pro&contra
[1] Bộ Thông tin tồn tại trong những năm Thế chiến I và Thế chiến II. Sau này chuyển thành Cục Thông tin Trung ương, chuyên sản xuất và truyền bá tin tức về nước Anh – ND.
[2] Không rõ đây có phải là ý của ông… hay nó là sản phẩm của Bộ Thông tin, nhưng dường như có chỉ đạo của Bộ – ghi chú của chính Orwell.
[3] Mihalovich (1893-1946) — viên tướng người Serb, lãnh đạo phong trào du kích trong những năm 1941-1945. Bị kết án cộng tác với Đức và bị toàn án Cộng hòa Nhân dân Liên bang Nam Tư tuyên án tử hình – ND.
[4] Daily Worker – Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Anh, ra hàng ngày từ năm 1930 đến năm 1966 – ND.
[5] Câu lạc bộ được thành lập vào năm 1936 với mục đích xuất bản và truyền bá những tác phẩm giá rẻ theo xu hướng của các phong trào dân chủ-xã hội và lao động – ND.
[6] Habeas corpus – Luật bảo đảm cho người bị bắt tạm giam quyền được đưa ra xét xử trong thời hạn quy định để xác định tính hợp pháp của việc bắt giam. Được thông qua vào năm 1679 – ND.
[7] Mosley (1896-1980) — lãnh tụ của Đảng Phát xít Anh, kẻ tổ chức những cuộc tuần hành và đánh đập người Do Thái ở London. Hồi đầu cuộc chiến với Đức, bị tạm giam, nhưng được tha vào năm 1943 – ND.
Categories: Báo chí và truyền thông, Kiểm duyệt
Tags: Chiến tranh Thế giới II, Daily Worker, Phái Tả, Stalin, Tự kiểm duyệt