Tác giả

Chuyên mục

Trang

Bài mới nhất

Vào cuộc

Th3 31, 2012

Cao Hùng Lynh

Trong những năm gần đây, từ “vào cuộc” xuất hiện một cách dày đặc trên báo chí nhà nước, bên cạnh những từ như “quyết liệt,” “trăn trở,” “bức xúc.” Thử google “vào cuộc,” ta gặp nhan nhản các tựa đề bài báo, chẳng hạn, như sau: Cơ quan chức năng vào cuộc vụ “Rợn người đò ngang Nam Phong”, Vụ xì nước đập thủy điện Sông Tranh 2: Bộ Xây dựng vào cuộc, Công an vào cuộc điều tra chất tạo nạc, Thủ tướng vào cuộc vụ đại gia thủy sản nợ tiền nông dân, Quốc hội vào cuộc chuyện lạm thu tiền trường, Đoàn ĐBQH Hải Phòng vào cuộc vụ Tiên Lãng, Mặt trận Tổ quốc vào cuộc vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng,… Tại sao có hiện tượng “vào cuộc?”

Dễ thấy, “vào cuộc” tạo cảm giác chủ ngữ của nó không liên can gì đến những rợn người đò ngang hay xì nước đập thủy điện. Và tất nhiên, khi tính nghiêm trọng của sự việc được/bị gia tăng đến mức độ Tiên Lãng, thì “vào cuộc” sẽ lập tức… vào cuộc, hòng làm cho tình trạng liên can của chủ ngữ cũng theo đó mà thoái dần về phía ngược lại, phía zéro. Do vậy, “vào cuộc”, xét cho cùng, đã đẩy chủ ngữ ra bên ngoài mọi sự, để hắn ta có thể lừng lững bước vào trong cuộc, với tư thế của một phán quan mặt sắt, mà ban phát công lý, đương nhiên là ảo, cho dân đen. Thế là “vào cuộc”, như một chiếc khăn, được sử dụng để lau sạch những lem lúa trên khuôn mặt khó coi của chủ ngữ.

Đọc tiếp »

Biên bản

Th3 27, 2012

Biên bản

Nguyễn Viện

Huế, năm 1968. Khi ấy ông H làm cán bộ đội tuyên truyền, nhìn thấy người bạn bị trói cùng với một đám “ngụy quân, ngụy quyền”. H hỏi T: “Sao ông lại ở đây?”. T bảo: “Tôi cũng không biết tại sao”. H nói với người chỉ huy: “Anh này là người của chúng tôi”. T được thả ra và xung vào nhóm đào công sự cho bộ đội Thanh Hóa. Mồ hôi chưa đổ bao nhiêu, một quả pháo rơi xuống, T bị thương và được chuyển về hậu phương chữa trị, nghiễm nhiên trở thành một chú thương binh bộ đội Cụ Hồ, thuộc tỉnh đội Thanh Hóa.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân thất bại, H cũng phải bỏ Huế chạy ra miền Bắc.

Đấy là một chiến trường khác, không súng đạn nhưng cũng không kém phần máu me của thân phận trí thức.

Họ đã thoát chết. Bây giờ cả hai đều là bạn tôi.

Tôi hỏi H này và một H khác cũng từng là sinh viên tranh đấu ở các đô thị miền Nam: “Theo chỗ tôi thấy, hình như đám tranh đấu các ông không được mấy trọng dụng sau ngày chiến thắng?”

H bảo: “Đó là vấn đề quan điểm”.

Nhưng H khác kể tôi nghe câu chuyện này: “Sau ngày giải phóng, ông Lê Đức Thọ vào Sài Gòn, ông nói với các đồng chí của mình về những người trí thức miền Nam theo cộng sản, đại ý: “Bọn tiểu tư sản trí thức này không tin được. Rồi cũng sẽ có ngày chúng nó quay lại chống mình”.

H bảo, “Khi tôi ở miền Bắc, tôi đã chứng kiến cái cảnh kiêu binh của bọn bần cố nông, tức cái đám bần cùng dốt nát nhưng được xem là cốt cán của chế độ. Cũng như tôi đã thấm đòn thân phận trí thức và nhận ra sự đểu cáng tột cùng của cái cơ chế bần cố nông kiêu hùng làm chủ đó”.

Tôi nói: “Và rồi đúng theo quan điểm lý luận về giai cấp. Thằng tiểu tư sản trí thức như ông đã quay lại chống Đảng?”

Đọc tiếp »

Giải thưởng Phan Chu Trinh dành cho ông Nguyễn Sự: vui, buồn và lo

Th3 25, 2012

Phạm Hồng Sơn

Ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy Hội An, vừa được trao giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” của Quĩ Văn hóa Phan Châu Trinh do những nỗ lực làm cho thành phố du lịch Hội An trở thành một mô hình thành công trong việc vừa phát triển, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nếu ai đó đã đến Hội An một lần và một số điểm du lịch khác của Việt Nam thì, có lẽ không cần phải đọc những bài viết tôn vinh gần đây về ông Nguyễn Sự, cũng có thể phải khâm phục tầm nhìn và tấm lòng của người lãnh đạo cao nhất của đô thị cổ đó – ông Nguyễn Sự.  Có thể nói ông Bí thư Nguyễn Sự của thành phố Hội An là một nhà chính trị tốt bụng, một ông quan tử tế, một ông “vua” hiền hết sức hiếm trong cái “thời đểu cáng đã lên ngôi”, cái tên do chính một người đi trước, một cựu đồng chí của ông đã đặt. Vì thế việc ông quan, nhà chính trị Nguyễn Sự được trao giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” không thể không là một tin mừng, một niềm vui không nhỏ đối với những người còn trăn trở với đất nước. Nhưng nếu xem lại quan điểm của Phan Chu Trinh, chúng ta sẽ thấy mẫu hình ông quan tử tế hay ông vua hiền lại không phải là điều mà Phan Chu Trinh tâm đắc, muốn đề cao hay tôn vinh.

Trong một bài diễn thuyết ở nhà Hội Việt Nam tại Sài Gòn vào cuối tháng 11 năm 1925, với chủ đề  “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”[i], Phan Chu Trinh đã nói về lịch sử và nguyên nhân tại sao mà nhiều nước Á Đông (trừ Nhật Bản) vẫn chìm trong lầm than của đau khổ, chậm tiến và xiềng xích bạo quyền trong khi nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản đã có những bước tiến lớn không chỉ về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, mà cả về những giá trị tinh thần mà ngày nay chúng ta gọi là nhân quyền (quyền con người).

Theo Phan Chu Trinh, nguyên nhân phía sau thực trạng tăm tối của các nước ở nhóm đầu là do xã hội vẫn mê mẩn đường lối “Quân trị chủ nghĩa, tức là nhân trị (người trị người)” hay còn gọi là tư tưởng đức trị trong việc quản lý, điều hành xã hội, đất nước.

Đọc tiếp »

Nước Đức đang hay

Th3 18, 2012

Nước Đức đang hay

Phạm Thị Hoài

Tổng thống Đức vừa được bầu hôm nay, ông Joachim Gauk, không đảng phái, nguyên là một mục sư Tin Lành, một nhà hoạt động nhân quyền thời CHDC Đức, người phụ trách việc xử lí di sản hồ sơ khổng lồ của mật vụ an ninh Đông Đức cũ (Stasi) trong 10 năm đầu tiên sau thống nhất. Đệ nhất phu nhân không phải là vợ ông, vì hai ông bà đã li thân từ hơn mười năm nay nhưng chưa li hôn, mà là bà Daniela Schadt, nhà báo, bạn đời của ông và dĩ nhiên chưa kết hôn với ông vì ông chưa li hôn. Nước Đức không thấy việc đó có gì đáng bàn, chỉ hơi khó xử nếu Giáo hoàng Biển Đức XVI, cũng là một người Đức, sang thăm chính thức. Thì tốt nhất là Giáo hoàng không sang thăm cho đỡ phiền.

Thủ tướng Đức, đã ở nhiệm kì thứ hai, bà Angela Merkel, là một phụ nữ cũng xuất thân từ Đông Đức, con gái một mục sư Tin Lành, tiến sĩ vật lí, mang họ của người chồng thứ nhất đã li hôn và hiện sống với người chồng thứ hai, một giáo sư hóa lượng tử tại Đại học Humboldt.

Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Philipp Rösler mới 39 tuổi, tiến sĩ y khoa, nguyên là trẻ Việt Nam mồ côi, sinh tại Sóc Trăng, được một gia đình Đức nhận làm con nuôi. Ông không biết tiếng Việt nhưng cũng không bị yêu cầu phải học tiếng Việt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Wolfgang Schäuble, tiến sĩ luật, một trong những bộ trưởng được đánh giá là làm việc hiệu quả nhất, bị liệt bán thân từ năm 1990 sau một vụ ám sát hụt và từ đó chấp chính trên xe lăn.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Guido Westerwelle, tiến sĩ luật, là người đồng tính luyến ái, sánh vai với bạn trai trong các thủ tục ngoại giao.

Thị trưởng thủ đô Berlin, ông Klaus Wowereit, cũng là người đồng tính luyến ái, nổi tiếng với lời tuyên bố “Tôi đồng tính luyến ái, và thế cũng là tốt”.

Đọc tiếp »

Triết học thoái vị – Đọc Hồi ký của Trần Đức Thảo

Th3 9, 2012

Nguyễn Trung Lương

Tư tưởng của Trần Đức Thảo đã được phát huy trong và qua thực tiễn xã hội chủ nghĩa Việt Namnhư thế nào? Ông không có địa vị trong Đảng, thậm chí chưa “đáng” được làm đảng viên. Dưới mắt của Đảng ông hoàn toàn không có thẩm quyền tư tưởng. Đấy là hoàn cảnh chính trị ông đã lâm vào và chắc chắn là để biến hoài bão triết học của mình thành hiện thực ông phải biết nhân nhượng; đức tính cấp thiết và cập nhật của thời cuộc là nhẫn nhục. Theo tôi, đây chính là khởi điểm của con đường triết học bất hạnh của họ Trần mà ta có thể nhận ra được qua thổ lộ của ông trong Hồi ký.

Điều đáng kinh ngạc là Trần Đức Thảo, xuất xứ từ hiện tượng học, một phương pháp tư duy có tính phê phán triệt để với chủ trương bác bỏ mọi tiền kiến, đã nhanh chóng thích nghi với cách ứng xử của một tín đồ thường tình của chủ nghĩa Mác-Lê. Ông viết: “…khi về  tới Việt Bắc [đầu năm 1952], tôi đã trấn an những mối lo lắng lý luận của tôi bằng cách tiếp nhận chủ nghĩa Marx theo những sự kiện biểu hiện trên thực tế, và tôi đã tự nhủ rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết xong cả rồi.” Theo lời của Lenin được lưu truyền lại thì chủ nghĩa Marx có thể trả lời mọi câu hỏi, kể cả những câu hỏi chưa đặt ra! Trần Đức Thảo “đã tự nhủ rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết xong cả rồi”(!). Trong một quan niệm triết học vừa lạc quan vừa hồn nhiên như thế thì làm sao có thể có chỗ cho những nỗi trăn trở triết học; triết học tất nhiên phải thoái vị, triết gia xuống cấp thành quản lý viên triết học.

Đọc tiếp »

Nhân Ngày Phụ nữ: Ô buồn trên ngực

Th3 8, 2012

Nhân Ngày Phụ nữ: Ô buồn trên ngực

Phạm Thị Hoài

Có lẽ chưa bao giờ trong xã hội Việt Nam sự hấp dẫn giới tính của người phụ nữ được tinh giản thành công về hai bộ phận cơ thể, chân và ngực, như bây giờ.

Cả hai bộ phận đó vốn đều không phải là ưu thế của đàn bà Việt Nam. Một đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt của Chính phủ đặt chỉ tiêu cho năm 2020 là 157 cm chiều cao trung bình ở nữ giới so với 153 cm hiện tại. Chưa có chỉ tiêu cho ngực phụ nữ, nhưng theo quan sát của tôi, áo ngực của chị em ta thường ở cỡ 34A hay 36A.

Trước hết nói về chân. Chân dài trong tiếng Việt ngày nay đồng nghĩa với một người đàn bà có nhan sắc quyến rũ, ban đầu là người mẫu, hoa hậu, sau lan sang diễn viên, ca sĩ, rồi lan rộng ra nữa. Trước kia, hai chàng trai hỏi nhau tối nay đã hẹn với em nào, hay nàng nào chưa. Bây giờ họ hỏi, đã hẹn với chân dài nào chưa. Báo chí, chỉ trừ báo Nhân dân, thản nhiên chạy các tít với chân dài. Cả một con người, quy về cái bệ đỡ từ hông trở xuống. Tôi không cổ động cho  political correctness, nhưng trong trường hợp này thì ước gì nó can thiệp để trả lại cho phụ nữ phần bị tước đoạt. Chân dài dùng để chỉ một con người, theo tôi là một khái niệm kì thị và hạ nhân phẩm.

Đọc tiếp »

Phỏng vấn Lê Hồng Hà – Đảng chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội

Th3 6, 2012

Phỏng vấn Lê Hồng Hà – Đảng chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội

pro&contraÔng Lê Hồng Hà, cựu đại tá công an, năm nay 86 tuổi, là người đã tham dự Khóa I cho người Việt Nam về Chủ nghĩa Marx-Lenin tại Bắc Kinh năm 1949 và ở lại làm trợ giảng cho các khóa II, III đến năm 1952. Năm 1953 về nước phụ trách Trường Công an Trung ương (tiền thân của Học viện An ninh hiện nay). Năm 1958 là Chánh văn phòng Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, là Ủy viên Đảng Đoàn Bộ Công An từ năm 1956. Ông là người đã cùng ông Nguyễn Trung Thành (cựu Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng dưới thời ông Lê Đức Thọ), vào nửa cuối thập niên 1990, đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải minh oan cho những nạn nhân trong vụ án có tên “Vụ án chống Đảng theo chủ nghĩa xét lại làm tình báo cho nước ngoài” (tên thường gọi: “Vụ án xét lại chống Đảng”). Không lâu sau ông đã bị khai trừ khỏi Đảng (cùng ông Nguyễn Trung Thành) và bị vào tù một thời gian.

Phạm Hồng Sơn thực hiện

Phạm Hồng Sơn: Thưa ông Lê Hồng Hà, với cương vị là người đã tham gia Cách mạng tháng Tám, Kháng chiến chống Pháp và chứng kiến Kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ Đổi Mới, xin ông cho biết tình hình Việt Nam hiện nay có những vấn đề gì đáng lưu tâm nhất?

Lê Hồng Hà: Tình hình chung hiện nay tôi thấy có ba vấn đề lớn nhất. Thứ nhất là sự đánh giá của ĐCSVN về chính ĐCSVN và về hiện trạng đất nước nói chung là sai lầm. ĐCSVN vẫn cố tô vẽ cho thực trạng hiện nay những điều không có, vẫn tự khoe khoang, huyênh hoang rằng nhờ mình thì đất nước mới có nhiều điều tiến bộ. Ví dụ Đảng luôn cho lịch sử của dân tộc từ khi có Đảng là một bản anh hùng ca. Theo tôi, về công cuộc giải phóng dân tộc thì có thể là anh hùng ca nhưng về việc xây dựng và phát triển đất nước thì từ khi có ĐCSVN đến giờ đó là một quãng lịch sử thất bại. Và giải phóng dân tộc vừa qua cũng không như Đảng nói là nhờ chủ nghĩa Marx-Lenin mà cái chính là do nhân dân đã tiếp thu, tiếp nối được truyền thống yêu nước của dân tộc. Chủ nghĩa Marx-Lenin nếu có chỉ có một phần nhỏ là tập hợp được đoàn kết giữa công nhân và nông dân thôi. Còn thực tế đã cho thấy Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN thì càng phát triển lại càng tụt hậu về nhiều mặt so với các nước trong khu vực. Xây dựng và phát triển đất nước mà lại theo chủ nghĩa Marx-Lenin thì sai hoàn toàn. Chủ nghĩa Marx-Lenin là một học thuyết đấu tranh giai cấp, là một học thuyết phản phát triển.

Đọc tiếp »

Hai con số

Th3 5, 2012

Phạm Thị Hoài

Sau hai tuần kể từ ngày 14.2.2012, Kiến nghị khẩn cấp của công dân Việt Nam về vụ Tiên Lãng nhận được 1361 chữ kí, thu thập trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

Gần như cùng thời gian đó, từ ngày 7.2.2012, Thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang và đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam nhận được 124898 chữ kí, thu thập trên website của Tòa Bạch ốc Hoa Kỳ, lúc tôi viết những dòng này.

Khoảng cách giữa hai con số này càng nổi bật, nếu đem tỉ lệ 1361 trên 90 triệu người Việt trong nước, chưa kể người Việt ở nước ngoài, đặt cạnh tỉ lệ 124898 trên vỏn vẹn 2 triệu người Việt tại Mỹ.

Cho đến nay những kiến nghị khởi xướng ở trong nước, có sự tham gia của cả người Việt ở nước ngoài, thường không vượt quá con số 2000 chữ kí. Tôi đã tin rằng Kiến nghị Tiên Lãng sẽ phá nhiều lần kỉ lục đó. Sự kiện Tiên Lãng hiện diện ở mức chưa từng có trên truyền thông Việt Nam từ nhiều thập kỉ nay. Sức chấn động của nó lan đến tận những tầng lớp xã hội vốn không ở hoàn cảnh có thể quan tâm tới những vấn đề nằm ngoài cuộc sinh tồn thường nhật của mình, để kí vào những kiến nghị chẳng hạn như Kiến nghị dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Bối cảnh của sự kiện Tiên Lãng, sau kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng cho phép người tham gia kí tên có thể trút bỏ nỗi sợ bị coi là chống phá, phản động, một nỗi sợ đã kéo dài và chi phối lối sống của người Việt tới mức xứng đáng trở thành di sản văn hóa Việt Nam. So với Kiến nghị thả tự do cho Cù Huy Hà Vũ mà dù nhóm khởi xướng đã thận trọng “chưa mở rộng ra những người nằm trong các tổ chức bị Nhà nước Việt Nam coi là ‘chống phá nước CHXHCN Việt Nam’” nhưng vẫn bị quây bởi vị trí bấp bênh của 51% bàng thống và 49% đối lập, Kiến nghị Tiên Lãng rộng đường hơn rất nhiều, thậm chí có thể trở thành kiến nghị của công dân đầu tiên đường hoàng tiến vào khu vực chính thống. Nhưng nó dừng lại ở 1361 chữ kí.

Đọc tiếp »