Tác giả

Chuyên mục

Trang

Vào cuộc

Th3 31, 2012

Cao Hùng Lynh

Trong những năm gần đây, từ “vào cuộc” xuất hiện một cách dày đặc trên báo chí nhà nước, bên cạnh những từ như “quyết liệt,” “trăn trở,” “bức xúc.” Thử google “vào cuộc,” ta gặp nhan nhản các tựa đề bài báo, chẳng hạn, như sau: Cơ quan chức năng vào cuộc vụ “Rợn người đò ngang Nam Phong”, Vụ xì nước đập thủy điện Sông Tranh 2: Bộ Xây dựng vào cuộc, Công an vào cuộc điều tra chất tạo nạc, Thủ tướng vào cuộc vụ đại gia thủy sản nợ tiền nông dân, Quốc hội vào cuộc chuyện lạm thu tiền trường, Đoàn ĐBQH Hải Phòng vào cuộc vụ Tiên Lãng, Mặt trận Tổ quốc vào cuộc vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng,… Tại sao có hiện tượng “vào cuộc?”

Dễ thấy, “vào cuộc” tạo cảm giác chủ ngữ của nó không liên can gì đến những rợn người đò ngang hay xì nước đập thủy điện. Và tất nhiên, khi tính nghiêm trọng của sự việc được/bị gia tăng đến mức độ Tiên Lãng, thì “vào cuộc” sẽ lập tức… vào cuộc, hòng làm cho tình trạng liên can của chủ ngữ cũng theo đó mà thoái dần về phía ngược lại, phía zéro. Do vậy, “vào cuộc”, xét cho cùng, đã đẩy chủ ngữ ra bên ngoài mọi sự, để hắn ta có thể lừng lững bước vào trong cuộc, với tư thế của một phán quan mặt sắt, mà ban phát công lý, đương nhiên là ảo, cho dân đen. Thế là “vào cuộc”, như một chiếc khăn, được sử dụng để lau sạch những lem lúa trên khuôn mặt khó coi của chủ ngữ.

Nhưng hình ảnh vô can và trong sạch chưa phải là thứ duy nhất mà “vào cuộc” muốn dâng lên cho chủ ngữ của nó. “Vào cuộc” còn mang hàm ý xông vào để giải quyết vấn đề một cách quyết liệt. Với đặc tính này, nó dễ dàng xô chủ ngữ té sấp vào đức tính hết lòng vì dân, vì nước. Tính cách mạng, tính tiền phong của chủ ngữ, nhờ đó, có dịp đứng dậy, cố nhiên, trước ống kính truyền hình và trên các tít lớn nơi trang nhất của những tờ báo.

“Vào cuộc”, với những thành tựu đạt được như trên, đã đưa đến hệ quả là cả “hệ thống chính trị” của chủ ngữ, thoắt cái, đứng hẳn bên ngoài những vấn nạn xã hội mà nó trực tiếp gây ra. Và từ đó, các chủ ngữ của cả hệ thống chính trị lại có cơ hội cao giọng về chuyện chỉnh đốn, chuyện đạo đức cách mạng, chuyện làm theo tư tưởng vị này, tấm gương vị kia, và quan trọng hơn hết, chuyện tăng giá điện nước, xăng dầu cùng với các loại thuế má, lệ phí kiểu phí ông Thăng.

Đến đây, người viết mới sực nhớ một việc đáng ra phải làm ngay từ đầu, đó là: tra tự điển coi “vào cuộc” có nghĩa là gì. Google và tìm được như vầy: “vào cuộc”: bắt đầu tham gia thật sự vào một việc quan trọng. Đọc xong định nghĩa này, giật mình thấy động từ “vào cuộc” được luận bàn từ đầu đến giờ hầu như không mang nghĩa giống như tự điển, nhưng lại loáng thoáng mang cái nghĩa của động từ “la làng” nằm trong một câu thành ngữ tiếng Việt quen thuộc.

Tháng Ba, 2012

Bài đăng ngày 31.03.2012

© 2012 pro&contra