Triết học thoái vị – Đọc Hồi ký của Trần Đức Thảo
Nguyễn Trung Lương
Tư tưởng của Trần Đức Thảo đã được phát huy trong và qua thực tiễn xã hội chủ nghĩa Việt Namnhư thế nào? Ông không có địa vị trong Đảng, thậm chí chưa “đáng” được làm đảng viên. Dưới mắt của Đảng ông hoàn toàn không có thẩm quyền tư tưởng. Đấy là hoàn cảnh chính trị ông đã lâm vào và chắc chắn là để biến hoài bão triết học của mình thành hiện thực ông phải biết nhân nhượng; đức tính cấp thiết và cập nhật của thời cuộc là nhẫn nhục. Theo tôi, đây chính là khởi điểm của con đường triết học bất hạnh của họ Trần mà ta có thể nhận ra được qua thổ lộ của ông trong Hồi ký.
Điều đáng kinh ngạc là Trần Đức Thảo, xuất xứ từ hiện tượng học, một phương pháp tư duy có tính phê phán triệt để với chủ trương bác bỏ mọi tiền kiến, đã nhanh chóng thích nghi với cách ứng xử của một tín đồ thường tình của chủ nghĩa Mác-Lê. Ông viết: “…khi về tới Việt Bắc [đầu năm 1952], tôi đã trấn an những mối lo lắng lý luận của tôi bằng cách tiếp nhận chủ nghĩa Marx theo những sự kiện biểu hiện trên thực tế, và tôi đã tự nhủ rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết xong cả rồi.” Theo lời của Lenin được lưu truyền lại thì chủ nghĩa Marx có thể trả lời mọi câu hỏi, kể cả những câu hỏi chưa đặt ra! Trần Đức Thảo “đã tự nhủ rằng tất cả các vấn đề đã được giải quyết xong cả rồi”(!). Trong một quan niệm triết học vừa lạc quan vừa hồn nhiên như thế thì làm sao có thể có chỗ cho những nỗi trăn trở triết học; triết học tất nhiên phải thoái vị, triết gia xuống cấp thành quản lý viên triết học.
Đọc tiếp »