Thoái hóa
Th1 4, 2012
Phạm Thị Hoài
Trong bài “Lạc quan đen” đăng ngày 03.01.2012, tôi đã dịch khái niệm tiếng Đức Entartete Kunst trong ngôn ngữ của Đế chế Đức Quốc xã là “Nghệ thuật vô loài”.
Bạn Phạm Kỳ Đăng đề nghị chuyển thành “Nghệ thuật vong loài”. Vong loài gần với entartet hơn hẳn vô loài, cảm ơn gợi ý của bạn.
Tôi đã không hài lòng khi chọn vô loài. Trong tiếng Việt, thoái hóa là khái niệm chính xác nhất để dịch entartet, nhưng tôi đã không chọn. Vì sao?
Viết đi viết lại cụm từ “Nghệ thuật thoái hóa” mấy lần, lần nào một cụm từ khác cũng chen lên, từ nọ nối từ kia chui vào và bịt kín lỗ thông hơi của tư duy, khiến tôi không còn nghĩ ngợi gì được nữa. Đó là cụm từ “cán bộ thoái hóa biến chất”. Tôi tống nó đi thật nhanh để lấy chút dưỡng khí và chọn một giải pháp kém mĩ mãn hơn: vô loài, cốt sao tránh được thoái hóa và thoát nạn ngạt thở “cán bộ thoái hóa biến chất”.
Không phải đôi khi, mà trong nghề dịch ta thường xuyên bị đóng đinh vào những liên tưởng bướng bỉnh, ngoan cố, mù quáng. Ta trung thành với chúng còn hơn với bạn đời của mình. Ai may mắn thì tỉnh ngộ được một lần. Hai lần ít khi xảy ra. Ba lần thì đã thành á thánh. Phê bình dịch thuật nên xuất phát từ nhận thức rằng chúng ta không là thánh.
Lần này tôi may mắn. Tôi lấy lại được sự trong trắng khi đứng trước “cán bộ thoái hóa biến chất”. Tôi nhận ra là nó có một nội dung, chứ không vô nghĩa như những tràng còi xe bấm và bóp từ sáng đến tối trên mọi nẻo đường Việt Nam, dù người ta cũng nổ và xả nó ra từ đợt chỉnh huấn này đến đợt chỉnh đốn kia trong mọi chặng đường lịch sử Việt Nam hiện đại. Tôi nhìn sâu vào bản chất của thoái hóa trong cán bộ mà Đảng và Nhà nước ta đã định nghĩa và thấy nó không có gì khác nó trong nghệ thuật mà Đảng và Nhà nước Đức Quốc xã đã định nghĩa. Tôi quyết định sửa Entartete Kunst thành “Nghệ thuật thoái hóa”.
Tuyệt đại đa số các tác phẩm bị chính quyền Hitler xếp vào hạng thoái hóa nay là những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại. Sẽ rất chua chát, nếu cán bộ thoái hóa Việt Nam cũng có một hậu vận rực rỡ như vậy.
© 2012 pro&contra
Categories: Dịch thuật