Lạc quan đen
Th1 3, 2012
Phạm Thị Hoài
Mở đầu blog, tôi muốn chia sẻ với bạn một trong những tác phẩm nghệ thuật mà tôi thích nhất, của một trong những tác giả mà tôi yêu nhất, đó là bức “Hai người đàn ông gặp nhau, người này tưởng người kia ở địa vị cao hơn mình” (Zwei Männer, einander in höherer Stellung vermutend, begegnen sich), còn có tên khác là “Chào” (Begrüßung), của Paul Klee thời ông còn chưa xuất hiện trước công chúng (1903).
Tuy hai nhân vật trong tranh được nhận dạng là Wilhelm II. (1859-1941), hoàng đế cuối cùng của Đế chế Đức, người bên trái, và Franz Joseph I (1830-1916), hoàng đế Áo, người bên phải, nhưng họ là ai không quan trọng lắm. Quan trọng là động tác khom lưng cúi gối phổ biến trong toàn cõi nhân gian và cả ở những tầng cao nhất.
Gặp động tác này ở Việt Nam, bạn có thể yên tâm rằng lưng của người Việt không cong hơn, đầu gối của người Việt không nhũn hơn so với các bộ phận cơ thể này ở những dân tộc khác. Có nghĩa là cơ hội đứng thẳng của chúng ta không ít hơn so với bất kì một dân tộc nào.
Trong tinh thần này, tôi lại chia sẻ với bạn một bức họa lạc quan hơn nhiều, cũng của Paul Klee, bức “Thiên thần đầy Hi vọng” vẽ năm 1939, một năm trước khi ông qua đời. Đó là thời kì khổ đau, hoạn nạn, bệnh tật, thời kì đen tối nhất trong cuộc đời Klee: Các tác phẩm nghệ thuật của ông bị chính quyền Đức Quốc xã xếp vào danh mục “Nghệ thuật vô loài” (Entartete Kunst). Ông bị đuổi việc, tước đoạt mọi chức danh và buộc phải rời khỏi Đức, mặc dù mang quốc tịch nước này. Ông chào chia tay với các đồng nghiệp tại Đức bằng câu: “Thưa quý vị, mùi xác chết đang sực lên tới mức đáng ngại ở châu Âu” (Meine Herren, es riecht in Europa bedenklich nach Leichen).
Ở hoàn cảnh ấy, hi vọng là điều duy nhất còn lại. Nhà thơ Trần Dần, cũng trong một hoàn cảnh u ám, tặng lại cho chúng ta ba chữ lạc quan đen.
© 2012 pro&contra
Categories: Nghệ thuật
Tags: Đức Quốc xã, Paul Klee