Tác giả

Chuyên mục

Trang

Văn tế văn sĩ

Th6 24, 2021

Phạm Thị Hoài

Một thời gian dài, tôi tâm niệm tự cáo phó là việc đương nhiên với một người viết. Con dấu tối hậu trên trang cuối tấm hộ chiếu ở cõi tạm này ta phải đích thân đóng, để chắc chắn đã làm chủ cuộc đời mình chí ít một lần, dù có thể đã “buông lỏng lãnh đạo” nó ở tất cả các giờ phút trọng đại trong kiếp tồn tại mà mình ngẫu nhiên tham dự và trình diễn. Chí ít một lần giữ quyền đánh giá sự nghiệp của mình, ở thời điểm thân xác sắp khao cho giòi bọ, tác phẩm chuẩn bị làm mồi cho thời gian. Dấu vết tinh thần của không ít người viết còn sớm tàn hơn dấu vết thể xác. Song một ngày, lướt qua những dòng văn điếu khi lại một tác giả vừa qua đời, tôi bỗng nhẹ nhõm bỏ ngay ý định đó. Tự cáo phó là dại dột. Người ở lại chắc chắn sẽ rộng lượng với tôi hơn tôi khi tôi ra đi. Không phải vì nghĩa tử nghĩa tận gì đó linh tinh, mà vì trước cái chết mọi thứ đều thành tương đối. Phần lớn lầm lỗi đều dễ thể tất và chiếc quan tài giấy mực thường lớn hơn kích cỡ người xuống mồ.

Văn cúng nhà văn vì thế khá giống nhau, rút cuộc thì đa số người viết đều loanh quanh trên dưới một mặt bằng chung nào đó của tài năng và tầm vóc, để làm cái việc mà họ hoàn toàn không mơ ước là tôn bật một thiểu số xuất sắc. Thiểu số ấy có thể sống sót ngay cả khi bị bồi thêm vài cú chôn từ những phu mộ văn chương chơi bẩn. Hai ngày sau khi Edgar Allan Poe qua đời, một bài viết ký tên Ludwig xuất hiện trên tờ New-York Daily Tribune và sau đó hàng loạt tờ khác đăng lại, tuyên bố rằng cái chết của Poe khiến nhiều người bàng hoàng nhưng ít ai phải đau xót, vì đó là một thiên tài điên loạn, tiểu sử thì bê bối, đời sống thì bệ rạc, tư cách thì bê tha nghiện ngập, bản tính thì đố kỵ nhỏ nhen, kém thân thiện, thiếu trung thực, lạnh lùng giễu cợt, khinh bỉ con người, trơ lì trước đạo đức và danh dự, là nhà văn thì chỉ giỏi vẽ vời làm màu, là nhà phê bình chỉ cắm đầu mổ xẻ câu chữ, là nhà thơ tuy có độc đáo, song lại nhờ một sự nhạy cảm bệnh hoạn, một trí tưởng tượng mịt mù u ám, và trên tất cả là một tham vọng thô lậu: thành đạt, để có quyền cười nhạo cái thế giới đã khiến lòng tự phụ của mình bị tổn thương. Bài báo ký cái tên lạ hoắc ấy hóa ra là của nhà phê bình Rufus Wilmot Griswold, người thế chân Poe chủ biên một tạp chí văn chương, được chính ông giao di cảo văn học của mình để quản lý, độc quyền xuất bản các tác phẩm của ông và định đoạt cho ông một số phận văn học đáng ngờ bằng một cuốn tiểu sử đầy ảnh hưởng và cũng đầy bịa đặt bỉ ổi. Song một phần tư thế kỷ sau, Poe phục sinh và bất tử, bài cáo phó rắp tâm hạ ông xuống một huyệt mộ văn học thảm hại cũng bất tử theo, còn tác giả của nó rơi vào cõi vô tăm tích. 

Cho đa số cố lắm chỉ lên đến thường thường bậc trung, công thức truy điệu là một  pha trộn ít nhiều khéo léo giữa nỗ lực bày tỏ lòng thành và nỗ lực tránh thành thật. Một nhà văn xoàng ra đi thực ra là được giải thoát khỏi sự tầm thường khốn khổ của cái nghiệp văn vẻ tự buộc. Thực ra là một an ủi trong nỗi đau ly biệt, thậm chí một ân huệ cho văn chương. Song chúng ta không nói thế. Trong văn tế, chúng ta đem hết chân tình trân trọng một con người đã miệt mài trên con đường chữ nghĩa và để lại những trang văn bình dị nhưng chứa chan tình người. Cứ qua đời là các nhà văn đều trúng giải thương tiếc. Văn đàn thông báo mất mát. Hoặc khoảng trống. Về nguyên tắc là không ai lấp nổi. Nhưng tất nhiên vẫn còn lại những tác phẩm truyền cảm hứng, lay động tâm hồn nhiều thế hệ và sống mãi trong lòng bạn đọc. Những tác phẩm giàu tính nhân văn, có tầm vóc tư tưởng và chiều sâu văn hóa, gửi gắm thông điệp sâu sắc về những giá trị đích thực. Những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc đời và âm vang sự sống. Của một người trọn đời đi tìm cái Đẹp, đam mê sáng tạo, tâm huyết với nghề cầm bút, nặng lòng với văn chương, cháy hết mình trong tình yêu nghệ thuật (ngoài ra còn biết lắng nghe ý kiến phê bình, ưu ái hoặc có công phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ viết văn trẻ), luôn ấp ủ những chủ đề về quê hương đất nước, trăn trở suy ngẫm về thân phận con người, bền bỉ đồng hành cùng lịch sử dân tộc và thời đại. Bằng ngôn ngữ sống động chân thực. Từ một cuộc đời mẫu mực đầy yêu thương và một tâm hồn nhạy cảm, vị tha, với những rung động sâu xa. Đã góp phần làm nên, đã là gương mặt tiêu biểu của, đã gây ấn tượng với, đã khá thành công ở. Và đã được tặng những giải thưởng cao quý như giải B (không có giải A).

Thể loại văn tế văn sĩ này không cần đến trí tuệ nhân tạo dụng võ. Một phần mềm đơn giản là đủ. Cho cả những đúc kết sự nghiệp dễ nhớ, bằng văn vần, lắp ghép từ tên các tác phẩm. Cho cả những biến tấu tâm tình, mới hôm nào ngồi họp cùng anh, ngoài trời mưa lâm thâm; tháng trước nói chuyện điện thoại chị còn hồ hởi; lần gặp cuối ông đã yếu nhưng ánh mắt vẫn tinh anh, nụ cười vẫn sảng khoái; trên giường bệnh bạn vẫn một lòng thiết tha, cuộc đời yêu như vợ của ta ơi; để rồi khi nhắm mắt ai cũng thanh thản, đắc thiền với tỷ lệ ngang đảng viên trúng cử Quốc hội. Tùy quan hệ cá nhân, có thể chọn cả cách gọi người vừa khuất. Là người Bạn lớn, người Anh lớn, người Chị lớn, người Thầy lớn, người Văn lớn. Hoặc tiện nhất: người hiền. Vừa khỏi rắc rối viết hoa viết thường, vừa theo kịp trào lưu, đú trend trong tiếng Việt mới. Người hiền sớm muộn cũng vào đề thi môn Ngữ văn, mạng xã hội cần những lăn tăn thời vụ.     

Nghề nào cũng có lộc của nó. Cáo phó văn chương tạm ứng một bonus ngoại lệ cho một sự nghiệp văn học mà thời gian rồi sẽ tính sổ. Nhưng trái với hình dung nhẹ dạ của chúng ta, thời gian không có lý do gì để phải đúng đắn, khách quan, công bằng và minh bạch hơn những cơ chế thẩm định khác. Nó nhấn chìm ức vạn ghe thuyền văn vẻ bé nhỏ trong cái bụng đại dương của nó, song cũng đánh đắm cả những con tàu lớn. Nó lùa những ông hoàng và thần dân hạng bét của vương quốc văn chương vào cùng một xó quên lãng. Hai phẩm chất đáng tin cậy nhất của nó là vô tình và độc đoán. Nên trước khi thời gian ra tay, món tạm ứng hương khói hậu hĩnh nên đem ra dùng ngay, vả lại nghề văn ngày nay đã đủ mất giá để chẳng lộc linh cữu nào có thể đền bù.

Song những ngày vừa rồi, đọc những dòng tưởng nhớ một nhà văn có tên tuổi vừa qua đời, tôi chỉ mong mâm cỗ cúng ông bớt đi nhiều món. Vẫn những thứ nhả ra từ phần mềm văn tế văn sĩ. Vẫn cái gì mà tâm hồn trong sáng, sức làm việc bền bỉ, bút lực dồi dào, vốn văn hóa dày dặn, khát khao sáng tạo, cần mẫn truy tìm mạch nguồn sống của dân Việt, bảo vệ những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Vẫn cái gì mà nhà văn chân chính, cây bút đích thực, tạo nên những giá trị không thể phủ nhận, dâng hiến cho sứ mệnh của văn chương. Vẫn cái gì mà sống trọn một đời người sống trọn một đời văn. (Có những đời người không sống trọn chăng? Là Khái Hưng chết phũ phàng vong thây ư? Có những đời văn không sống trọn chăng? Là Nhất Linh quyên sinh uất hận chăng?) Ông được gọi là hiện tượng, vì kỷ lục tuổi tác, kỷ lục nghìn trang mỗi đầu sách, kỷ lục trung thành với viết tay truyền thống, kỷ lục chung thủy với một nhà xuất bản, kỷ lục sách dày mà bán chạy và kỷ lục giải thưởng, những giải thưởng chính thống mà người ta thường chê bôi trong ngữ cảnh khác. Tất nhiên ông được gọi là người hiền, thậm chí là bậc “Phật văn”. (Chúng ta lại lên đường đi tìm tiên văn, thánh văn cho đủ bộ như mười mấy thế kỷ trước đời Đường chăng? Chỉ trừ quỷ văn. Eo ôi. Sợ lắm. Cấm.) Và những bài văn vần không thể tránh lại xuất hiện, nhặt tên tác phẩm này chắp tên tác phẩm kia. Người ta trầm trồ, tổng kết một sự nghiệp thế là tuyệt khéo. Thể loại phê bình văn học trà dư tửu hậu này sớm muộn cũng sẽ vào đề thi môn Ngữ văn.

Ông là người đẩy tôi vào tiểu thuyết. Khi ấy tôi vừa đốt sạch mấy trăm bài thơ để không bao giờ bén mảng đến thi phú nữa và mới viết được dăm trang truyện ngắn. Ông ngồi nghe tôi phán thánh phán tướng về Trư cuồng rồi bảo, viết tiểu thuyết là chạy đường dài, ăn nhau về cuối. Và thách tôi, có giỏi thì viết tiểu thuyết đi. Một người bạn chung chứng kiến cú thách đó, hứa thưởng mỗi trang một điếu thuốc nếu tôi vào cuộc. Tôi nhận lời, với tiểu thuyết Thiên sứ.

Tôi không còn thực sự dõi theo những sáng tác sau này của ông nữa. Ông đã rẽ sang một hướng khác và tìm được chỗ đứng trong dòng chủ lưu, từ “ngoại biên” trở lại “trung tâm”, lội ngược con đường từ “trung tâm” dạt sang “ngoại biên” ở khúc quanh trước đó của số phận, như nhận định của Lại Nguyên Ân[1] trong một bài viết cách đây đã lâu, cho đến nay theo tôi là đáng đọc nhất về nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Tôi mong ông tiếp tục được nghiên cứu và đánh giá nghiêm túc như thế, sau tất cả những văn tế văn sĩ hương khói mù mịt. Cách tiện nhất để chôn một sự nghiệp văn học là cấp cho nó đủ loại chứng chỉ phổ biến trên thị trường, kể cả chứng chỉ về một thời hoạn nạn. Thời “Trư văn” mà người ta khẽ nhắc, để ồn ào chuyển sang thời “Phật văn”.

(Tuần báo Trẻ, 24/6/2021)


[1] Lại Nguyên Ân, “Vài nét về đường văn Nguyễn Xuân Khánh”, 2012: http://lainguyenan.free.fr/TungDoanDuongVan/NguyenXuanKhanh.html