Lưu Hiểu Ba – Đảng Cộng sản Trung Quốc và hội chứng huy chương vàng Olympic
Th8 21, 2016
Phạm Thị Hoài dịch
Dưới chế độ chuyên chế của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, Thế Vận hội Mùa hè 2008 ở Bắc Kinh đã trở thành công cụ chính trị quan trọng nhất để thao túng và khuếch trương tinh thần dân tộc. Lịch sử một trăm năm của Thế Vận hội chưa bao giờ chứng kiến một sự đầu tư tài chính khổng lồ như thế từ ngân sách nhà nước và một làn sóng ái quốc hừng hực như thế. Thành công hay thất bại trong một cuộc thi đấu thể thao quốc tế trở thành biểu tượng cho chính trị và dân tộc ở Trung Quốc. Huy chương vàng Olympic nuôi dưỡng những hoang tưởng cuồng nhiệt về một dân tộc vĩ đại, nuôi dưỡng cái mặc cảm thừa kế từ thời Mao Trạch Đông rằng chúng ta phải vượt mặt mọi quốc gia trên hoàn cầu.
Nỗi ám ảnh huy chương vàng của chính quyền và các nhà ái quốc đã mang những biểu hiện bệnh lý, nó rất gần với cái khoái cảm kim tiền bệnh hoạn của giới nhà giàu mới nỏi. Họ say sưa đếm tiền trong túi. Tiếng đồng tiền xủng xoảng là âm thanh tuyệt diệu nhất trần đời trong tai họ và vàng là sắc màu mỹ lệ nhất thế gian.
Tôi không biết các nước khác có mê mệt huy chương vàng như Trung Quốc không, nhưng tôi biết chắc chắn là không nước nào bằng mọi giá quyết tiến hành một cuộc “đại nhảy vọt huy chương” như nước ta. Gắn liền với những khoản đầu tư tài chính cực đại mà toàn dân phải gánh, chiến lược Olympic của chính quyền độc tài mà hạt nhân là ý chí giành bằng được huy chương vàng quả thật đã liên tục nâng cao thành tích huy chương của chúng ta. Năm 1996 tại Atlanta Trung Quốc đứng thứ tư, năm 2000 tại Sydney đứng thứ ba, năm 2004 tại Athens đứng thứ nhì và cuối cùng, năm nay, tại sân nhà, đứng đầu bảng. Chỉ Trung Quốc mới có thể biến cả quốc gia thành một đền thờ huy chương vàng như thế. Mỗi huy chương giành được đều khiến cả dân tộc phát cuồng, như thể Trung Quốc sắp vượt qua Hoa Kỳ về mọi phương diện và chuẩn bị thành siêu cường số một. Toàn bộ nền thể thao Trung Quốc đã nhiễm virus thần tượng huy chương vàng, nó tuyệt đối lệ thuộc vào thành tích huy chương và coi đó là động cơ duy nhất. Hội chứng huy chương vàng đáng ngờ này trước hết kéo theo bốn mối nguy sau đây.
1. Thế Vận hội Bắc Kinh hoàn toàn là một chương trình nhằm đánh bóng uy tín của nhà nước độc đảng. Vì uy tín của đảng, trong vòng bảy năm chuẩn bị, chính quyền đã để dự án này ngốn những nguồn tài nguyên lớn nhất và màu mỡ nhất, khiến dân chúng không còn được bất kỳ một khoản đầu tư nào cho thể thao quốc dân. Các vận động viên Olympic được nâng lên hàng tối thượng, hưởng tất cả ưu đãi từ vật chất đến danh tiếng, trong khi đám đông các vận động viên không lọt vào giới tinh tuyển này chịu cảnh khốn khó ở cả hai phương diện đó. Nghịch cảnh này hoàn toàn tương thích với cái nghịch cảnh sinh ra từ sự thờ phụng tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, biến Trung Quốc thành thiên đường cho tầng lớp tinh hoa đặc quyền và địa ngục cho đám dân đen ngoài vòng quyền và lực.
Tổng số vốn đầu tư cho Thế Vận hội Bắc Kinh là 43 tỉ USD (con số do Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic tiết lộ là 70 tỉ USD), gấp 4 lần ngân sách cho toàn bộ hệ thống y tế năm 2007 và gấp ba lần ngân sách giáo dục. Không phải riêng các nước thế giới thứ ba mà cả các quốc gia cường thịnh cũng không dám vung tay xa xỉ đến thế. Chỉ một chính quyền độc tài, bất chấp mọi quyền lợi và nhu cầu của dân chúng, mới có thể cho phép mình độc đoán xổ tiền cho cuộc đua của quyền lực rồi thản nhiên gửi hóa đơn cho dân chúng như vậy.
2. Để giành ngôi đầu bảng, các vận động viên Trung Quốc đã chấp nhận đánh mất phẩm giá và quyền riêng tư của mình. Họ được tuyển vào các lò luyện của nhà nước từ lúc còn ở tuổi mẫu giáo, tuân thủ những chế độ huấn luyện khổ ải và dinh dưỡng hà khắc, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài không khác gì trong trại lính, từ bỏ không chỉ các quyền tự do mà cả các quan hệ cá nhân. Tiển Đông Muội, vô địch Judo, người duy nhất trong đội tuyển Olympic là mẹ, không được phép gặp con suốt 18 tháng tập huấn trước ngày khai mạc. Tào Lỗi, vô địch cử tạ, bị ém tin thân mẫu qua đời, đám tang không được dự. Phụng sự dân tộc, họ trả giá bằng những hậu quả khủng khiếp về sức khỏe. Chẳng hạn, được tuyển khi còn quá nhỏ, võng mạc của các mầm non nhảy cầu chưa đủ ổn định nên dễ tổn thương trong nước. Quách Tinh Tinh, vô địch nhảy cầu, mắt đã hỏng tới mức có nguy cơ mù hẳn. Báo cáo sức khỏe của đội tuyển quốc gia môn nhảy cầu cho biết 26 trong số 184 vận động viên đã bị bong võng mạc.
3. Thành tích huy chương vàng của Trung Quốc biểu dương “sức mạnh toàn năng” của nhà nước độc đảng, vì thế nó trở thành sứ mệnh chính trị lớn lao nhất, huy động toàn bộ các hệ thống đảng, nhà nước, quân đội, nhân dân, thương mại, giáo dục vào cuộc. Số nhân lực tham gia xây dựng các nhà thi đấu và cơ sở hạ tầng, số lao động, tình nguyện viên và nhân viên an ninh, tất cả không chỉ bỏ xa mọi Thế Vận hội trong lịch sử, mà để đảm bảo rằng đội ngũ khổng lồ đó là những thành phần chính trị đáng tin cậy, họ còn phải trải qua vô số những đợt tuyển chọn, sát hạch và tập huấn. Nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là nở một nụ cười thường trực và rè rè lượn quanh khách và phóng viên nước ngoài để sẵn sàng cung ứng một dịch vụ tối hảo. Vì “sức mạnh toàn năng” của nhà nước đảng trị, người ta trắng trợn lừa dối, từ giọng hát nhép của một cô bé và 29 dấu chân giả trong màn bắn pháo hoa ở lễ khai mạc đến tuổi khai gian của các vận động viên và nụ cười giả của các tình nguyện viên. Mọi bất đồng đều bị triệt tiêu, từ lệnh “Cấm phê phán” đối với truyền thông trong nước đến phương châm “Chỉ được phép ca ngợi” đối với truyền thông quốc tế, từ việc trục xuất những người nước ngoài biểu tình đến sự im lìm trong khu vực chính thức cho phép biểu tình tại ba công viên. Chính sách “sức mạnh toàn năng” đã trưng bày trước thế giới những sân vận động và cơ sở hạ tầng hạng nhất, một công tác tổ chức mẫu mực và hậu cần xuất sắc, một Bắc Kinh như pháo đài tuyệt đối an toàn. Song đằng sau cái chứng chỉ hảo hạng đó, mặt trái của những tấm huy chương vàng, là tương lai đen tối của nhân quyền và cơn ác mộng hiện thực của người dân Trung Quốc.
4. Cuối cùng, tổn thất nghiêm trọng nhất từ thành tích huy chương vàng là nó tiếp sức cho những thế lực ngăn cản cải cách hệ thống chính trị lỗi thời tại Trung Quốc. Chính quyền cộng sản thì đắc thắng thấy chính sách quản lý thể thao quốc gia theo mô hình tập quyền của mình thành công rực rỡ. Đồng bào tôi thì lịm đi trong ảo tưởng rằng thành tích đó đã đủ chứng tỏ vị trí số một của Trung Quốc trên thế giới.
Và từ đó, rút cuộc họ đặt niềm tin vào tính hiệu quả của chính quyền cộng sản. Trương Nghệ Mưu, tổng đạo diễn lễ khai mạc Olympic, đã trả lời phỏng vấn như sau: “Chỉ có Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là đủ khả năng tổ chức một lễ khai mạc xa hoa tráng lệ nhường ấy, hoàn hảo đến từng chi tiết và kết thành một tổng thể, huy động được chừng ấy nguồn nhân lực, vật chất và tài chính.” Trong một cuộc họp báo, ông Ngụy Kỉ Trung, cố vấn Ủy ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh còn tự hào phát biểu rằng thành tích thể thao từng một thời rực rỡ của Liên Xô đã tan theo sự sụp đổ của đế chế Sô-viết, điều đó càng chứng tỏ mô hình tập quyền của Trung Quốc là chìa khóa của thành công.
Thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã nhiều lần vô địch cả về huy chương vàng lẫn tổng số huy chương Olympic. Tại Thế Vận hội năm 1988 ở Seoul, 55 huy chương vàng và tổng cộng 132 huy chương đã về tay các vận động viên Sô-viết, kỷ lục cho đến nay chưa quốc gia nào vượt qua. Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây cũng là một cường quốc thể thao, chiếm vị trí á quân trong các Thế Vận hội tại Montreal, Moskva và Seoul. Song những chiến công kỳ vĩ đó của mô hình tập quyền đã không ngăn nổi toàn bộ đế chế Sô-viết sụp đổ tàn tành.
Đi kèm với thương mại hóa và chủ nghĩa dân tộc trong thể thao ngày nay, huy chương vàng chắc chắn không thể là biểu hiện cho tinh thần thể thao chân chính của một dân tộc và lại càng không đại diện cho sức mạnh thực sự và trình độ văn minh của một quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc huy chương vàng còn gây nhiều tổn thất cho thể thao hơn cả sự thương mại hóa thể thao, nhất là khi các nhà nước độc tài đăng cai tổ chức những sự kiện thể thao quốc tế. Hệ thống quản lý thể thao tập quyền của nhà nước có thể biến các quốc gia đó thành các cường quốc huy chương vàng, song nó không thể nâng trình độ văn minh của một dân tộc. Trái lại, nó tác hại sâu sắc đến dân trí. Thể thao trở thành công cụ bắt buộc trong hệ thống tuyên truyền cho các nhà độc tài. Tinh thần thể thao bị giản lược vào tính hữu ích cho chủ nghĩa dân tộc. Ánh vàng của huy chương chỉ thuần túy là để chính quyền lấp lánh và kích thích một hình dung đầy hạn hẹp về tinh thần ái quốc.
Nếu các nhà quản lý và nhân dân Trung Quốc tiếp tục đắm mình trong hào quang huy chương vàng và mô hình lò luyện trong tay nhà nước, nền thể thao Trung Quốc sẽ vững bước đi tiếp con đường vừa chính trị hóa vừa hoang đàng, tất yếu dẫn đến tệ mù quáng sùng bái huy chương vàng. Đất nước huy chương vàng vĩ đại của chúng ta sẽ chẳng bao giờ lớn thành một quốc gia văn minh.
Bắc Kinh, 18 tháng Chín 2008
Nguồn: Bản gốc đăng trong nguyệt san Cheng Ming Monthly, Hongkong tháng Chín 2008. Bản lược dịch tiếng Việt dựa trên bản tiếng Đức, in trong tuyển tập Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, Fischer, Frankfurt am Main, tr. 172-184.
Báo Trẻ, 21/8/2016
Categories: Bài viết từ 2015 trên các báo khác, Thể thao, Trung Quốc
Tags: Lưu Hiểu Ba