90 phút yêu nước
Th1 31, 2018
Phạm Thị Hoài
Je schlechter das Land, desto bessere Patrioten
Johann Wolfgang Goethe
Khổng tử từng bàn về đủ vấn đề trọng đại. Quan điểm của ông về tam cương ngũ thường thế nào, chúng ta biết. Chúng ta cũng biết ông lúng túng với phụ nữ, vừa không dám gần vì sợ họ nhờn, vừa không dám xa vì lo họ oán. Ông phản đối màu tía và kịch liệt phê phán việc thái thịt lộn xộn. Cái gì cũng phải nghiêm chuẩn mực, thịt thái ra trên thớt phải vuông vắn, đúng lập trường. Đàn bà thái miếng thịt không ra hồn là đồ bỏ. Nếu tôi không nhầm, ông đã li dị vợ vì chính lý do đó. Nhưng Đức Khổng không thực sự dạy bảo điều gì về lòng yêu nước, ngay cả trong cái nghĩa lỗi thời nhất của nó: ái quốc là trung quân. Sinh và tử ở nước Lỗ, song nhà trí thức suốt đời lưu vong, lang thang như một con chó nhà tang từ nước này sang nước khác chỉ vì không được một bậc minh quân trọng dụng ấy biết trung với vua nước nào? Thủ cựu đến từng kẽ ngón tay, ông bất đắc dĩ trở thành một cosmopolite, chỉ trung thành với các giá trị phi biên giới mà mình theo đuổi. Trong toàn bộ hệ thống Nho giáo, tôi chỉ có cảm tình với công dân thế giới Khổng Khâu.
Một nhà tư tưởng cổ đại khác ngay sau Khổng tử, lần này ở phương Tây, Diogenes, thì không bất đắc dĩ mà đầy ý thức định nghĩa mình là một kosmopolítēs, cổ xúy một chủ nghĩa thế giới vượt qua mọi quốc gia. Ông cũng tự nhận mình là một con chó nhưng không phải chó nhà tang mất chủ và cũng trái hẳn với họ Khổng, ông xa lánh mọi quyền lực chính trị và phóng khoáng đến từng sợi lông chân.
Họ rất khác nhau, các công dân thế giới, nhưng đều thận trọng với khái niệm “Tổ quốc”, dị ứng với cái gọi là tinh thần ái quốc, hoài nghi lòng tự hào dân tộc và phê phán chủ nghĩa dân tộc. Voltaire, vào tù ra tội ở Pháp và lưu vong cả chục năm ở nhiều nước, bảo tình yêu Tổ quốc là sự pha trộn của tự ái và thành kiến. Goethe, công thành danh toại mọi đàng, chỉ xa xỉ xuất ngoại hai năm sang Ý để tìm cảm hứng, bảo chủ nghĩa yêu nước làm hỏng lịch sử; ông cũng bảo, nghệ thuật và khoa học thì có, nhưng nghệ thuật yêu nước và khoa học yêu nước thì không. Einstein, công dân vô quốc tịch, công dân Thụy Sĩ, công dân Áo-Hung, công dân Đức tự nguyện thôi quốc tịch, công dân Mỹ và gần cuối đời suýt trở thành Tổng thống Israel, ghét cay ghét đắng “cái trò Tổ quốc Tổ qiếc phiền hà” (die leidige Vaterländerei). Oscar Wilde, Karl Krauss, Heinrich Heine, Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzsche…, những bộ óc thông tuệ, đều tránh xa cái tự sự Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc. Đáng sợ nhất là lòng tự hào của một dân tộc bị hạ nhục và khủng khiếp nhất là những người không có gì khác để tự hào. Chết cho một Tổ quốc là vô nghĩa so với làm cho Tổ quốc ấy thành một nơi đáng sống. Khổ cho đất nước nào cần đến những công dân ái quốc cuồng nhiệt.
Tôi rất hài lòng sống với những tư tưởng đó, nhất là ở quê hương thứ hai. Được hỏi, thế ông không yêu nước Đức hay sao, người sẽ trở thành tổng thống thứ ba ở quốc gia này đã đáp gọn: “Tôi chẳng yêu nước nào hết, tôi chỉ yêu vợ“. Khi nhập quốc tịch, tôi không phải cam kết một bổn phận quốc gia dân tộc nào ngoài tôn trọng hiến pháp. Trong đó không có quy định về những hồn thiêng, truyền thống, anh hùng, phong tục, ẩm thực, quốc hồn quốc túy bất khả xâm phạm của đất nước có 22,5% dân số gốc ngoại quốc này.
Song cứ hai năm tôi lại cho phép mình yêu nước vài lần, mỗi lần 90 phút. Mùa vô địch bóng đá châu Âu và mùa vô địch bóng đá thế giới. Ở đây là đất nước quê hương thứ hai mà tôi đã gắn bó hơn nửa đời và có lẽ cả phần đời còn lại. (Những độc giả quan niệm rằng sinh ra là người Việt, mãi mãi chỉ có một Tổ quốc rồng tiên, xin cứ đem gươm ra mài. Tôi đã nói kĩ về điều này ở một bài khác.) Nhưng làm cổ động viên cho đội tuyển Đức đòi hỏi một lòng ái quốc dày dạn, bởi thứ bóng đá bị coi là thực dụng, hiệu quả, đến từ kỷ luật, cơ bắp và thần kinh thép chứ không từ con tim khó làm ta ngây ngất. Yêu một cánh chim dễ hơn yêu một cỗ xe tăng. Hơn nữa, yêu đi liền với run. Nhưng run thế nào được, nếu định nghĩa bất hủ của cựu cầu thủ và bình luận viên bóng đá Gary Lineker vẫn bất hủ: “Football is a simple game; 22 men chase a ball for 90 minutes and at the end, the Germans win“. Bóng đá là một trò chơi đơn giản; 22 người đàn ông đuổi theo một quả bóng trong vòng 90 phút và cuối cùng thì người Đức thắng. Bạn có thể xuống hầm lấy thêm bia, ra ngoài làm điếu thuốc, post mấy dòng cảm xúc nữa lên phây, quay lại thì vẫn thế, cuối cùng người Đức lại thắng. Nếu chơi tốt thì họ vô địch, chơi dở họ vào chung kết hoặc tệ lắm là bán kết. Chẳng có gì để hồi hộp. Một tình yêu tỉnh queo.
Lòng ái quốc bóng đá ở người Việt sinh ra một mối tình khác hẳn. Bây giờ nó có một cái tên. U23. Đứng tim, ngộp thở, run rẩy, phó thác tất cả cho định mệnh. Đơn giản vì không ai dám tin và không thể tin, song đất nước không tên trên bản đồ thể thao thế giới này lần đầu tiên bỗng thấy le lói một cơ hội chiến thắng. Thậm chí vô địch. Mà không mất gì nhiều lắm. Điều phải làm duy nhất là lên một cơn địa chấn và khấn “Bác Hồ” sống khôn chết thiêng cho chúng con gỡ tỉ số hòa. Từ chấm phạt đền, vận may sẽ giải quyết phần còn lại. Một tình yêu gửi vào định mệnh. Bóng đá là may rủi và gay cấn bởi may rủi, nhưng bóng đá hiện đại đứng xa định mệnh có lẽ bằng đúng khoảng cách từ bóng đá Đức đến bóng đá Việt, từ vị trí đứng nhất bảng xếp hạng hiện tại của Fifa đến vị trí thứ 112.
Ông giáo viên nước ngoài vừa bị cắt hợp đồng dạy tiếng Anh ở Việt Nam thực ra không sai về thông tin khi bịt mũi bảo, trời đất ơi, đó chỉ là một giải đấu vớ vẩn cỡ sinh viên đá bóng, việc gì mà cả nước phải ồn lên và đi vãi tung tóe như thế. Đá ở một chốn tỉnh lẻ, trong một sân vận động tầm thường, trước những khán đài không một bóng người. Thế giới chẳng hay biết sống chết ở Thường Châu liên quan gì đến mình. Bóng đá châu Á chỉ hấp dẫn các cựu cầu thủ, cựu huấn luyện viên, chuyên gia marketing của các câu lạc bộ châu Âu và Nam Mỹ bởi tiền Trung Đông và Trung Quốc. Đem cả vận mệnh đất nước 90 triệu chiến binh tiềm năng ra đặt vào cái giải vô danh vô thực ấy xem ra mất lý trí. Song bóng đá vốn phi lý trí, mà tình yêu định mệnh thì điên rồ. Thực ra cái may duy nhất của câu chuyện cổ tích bóng đá vừa đi vào lịch sử là các chàng Thánh Gióng nước Nam đã không phải chạm trán đối thủ phương Bắc. Thua cũng chết, thắng còn chết hơn.
Đôi khi tôi tự hỏi, trong một truyện cổ tích khác, đội tuyển Đức đấu với đội tuyển Việt ở chung kết World Cup, mình sẽ đứng về phía nào. Có 90 phút để yêu nước, chia cho mỗi bên một hiệp là công bằng. Song như cuộc đời, bóng đá là bất công. Nhân tiện, như cuộc đời, bóng đá là thử đi thử lại những thất bại dài dằng dặc cho một lần vào đích ngắn ngủi. Có lẽ tôi sẽ đứng hẳn về phía đội tuyển Việt, bất kể màu cờ. Không phải vì thương các em. Đó là nghề mỗi người tự chọn với tất cả vinh nhục, tôi cũng không chờ ai xót khi đánh vật mù mắt, tê tay và nát óc với các con chữ. Không phải vì bênh kẻ yếu, tôi không nghĩa hiệp đến thế. Càng không phải vì dòng máu Việt bất diệt, chủ nghĩa ái quốc người mình với nhau khắp địa cầu đơn giản là ngớ ngẩn. Mà vì bóng đá. Thiếu hồi hộp, đó chỉ còn là 22 người đàn ông chạy rông với một quả bóng trên sân cỏ. Và tôi chỉ có thể thót tim cho đội tuyển Việt, vì cuối cùng người Đức lại thắng.
Bóng đá là điều kỳ vĩ duy nhất trong cuộc đời không can thiệp vào cuộc đời. Nó khép lại với tiếng còi kết thúc. Trước khi tấn công một đất nước, không kẻ ngoại xâm nào nghiên cứu lòng ái quốc bóng đá và số lượng cờ trên má hay trên mông người hâm mộ ở đó. Ai hèn vẫn hèn. Ai ngu vẫn ngu. Ai lười vẫn lười. Ai đê tiện vẫn đê tiện. Ai ăn cắp vẫn ăn cắp. Ai vơ vét vẫn vơ vét. Ai thích nhậu nhẹt hơn rèn luyện thân thể vẫn nhậu nhẹt. Ai chém gió vẫn chém gió. Ai đạo đức giả vẫn đạo đức giả. Ai nuốt lời vẫn nuốt lời. Ai xấu trai vẫn xấu trai. Kẻ độc tài vẫn độc tài. Lòng người chia rẽ vẫn chia rẽ. Thực phẩm bẩn vẫn bẩn. Tham nhũng vẫn tham nhũng. Bệ rạc vẫn bệ rạc. Lầm than vẫn lầm than. Trái bóng tròn vô can. Phép màu chỉ diễn ra trên sân cỏ. Tôi mến bóng đá vì sự vô dụng khổng lồ của nó. 90 phút yêu nước vô hại là đủ và cần chấm dứt, khi trái bóng ngừng lăn.
Báo Trẻ 31/1/2018
Categories: Bài viết từ 2015 trên các báo khác, Thể thao
Tags: Goethe, U23 Việt Nam