Và cuối cùng người Đức đã thắng
Th7 15, 2014
Phạm Thị Hoài
Bóng đá lí trí hay bóng đá cảm xúc, đó là câu hỏi truyền thống chia rẽ giới hâm mộ túc cầu. Những phiên bản khác của nó là: bóng đá chiến thuật hay bóng đá cảm hứng, kĩ thuật hay nghệ thuật, hiệu quả hay thẩm mĩ, thực dụng hay trình diễn, tỉ số hay sáng tạo, lạnh lùng hay bốc lửa… Thậm chí bóng đá văn xuôi hay bóng đá thơ.
Tôi biết đến nhận định của nghệ sĩ Ý đa tài đa tình và mê đá banh Pier Paolo Pasolini rằng bóng đá châu Âu đậm chất văn xuôi, bóng đá Nam Mỹ đậm chất thơ trước khi làm quen với bóng đá. Làm quen qua chàng trai tí hon của tôi từ thuở còn nhờ mẹ buộc hộ dây giày, một trong bảy triệu cầu thủ của Hiệp Hội Bóng đá Đức DFB cuối tuần nào cũng như cuối tuần nào quần nhau; trung bình mỗi cuối tuần trên toàn nước Đức diễn ra 100.000 trận đấu có ghi sổ, có tính điểm, có trọng tài và trọng tài có chứng chỉ thổi còi. Chỗ của chàng là trong khung thành. Giữ gôn ở đất nước của Sepp Maier, Oliver Kahn và Manuel Neuer không phải là nghề dở nhất. Chàng đã chăm chỉ gãy tay một lần, trật khớp nhiều lần và sở hữu một hồ sơ nắn xương từ thuở chưa biết đọc. Vinh quang còn lại sau một đời thủ môn là hai bàn tay không ngón nào chưa gãy. Vận tốc của trái bóng sút vào gôn có thể lên đến 120 km/ giờ, người có lí trí bình thường không xông ra hứng một vật nặng gần nửa cân đang lao vun vút như thế. Đứng sau khung thành cầu nguyện cho con, mắt xích duy nhất trong chuỗi liên tưởng văn chương và bóng đá có ý nghĩa đối với tôi là cựu thủ môn một đội bóng vô danh châu Phi, Racing Universitaire d’Alger: Albert Camus. Ông không làm thơ. Những tác giả châu Âu như Per Olov Enquist – cũng một thủ môn, Péter Esterházy – tiền vệ, Javier Marías – cổ động viên trung thành của Real Madrid, và tất nhiên Kafka – fan của đội bóng Do Thái SC Hakoah Wien khi ấy đang nổi như cồn, họ đều viết văn xuôi hảo hạng.
Ngôn ngữ thơ của bóng đá Nam Mỹ mà điển hình là bóng đá Brazil được chính nhà xã hội học danh tiếng nhất của đất nước này, ông Gilberto Freyre, khắc họa: đó là những phẩm chất bất ngờ, thanh thoát, uyển chuyển, và ngẫu hứng cá nhân. Nếu thật là thế thì đội tuyển Brazil trong trận thua 1:7 đã cạn kiệt cảm hứng thi ca, đã bán sạch những ưu thế của thơ để mua về những nhược điểm của văn xuôi. Sân Mineirão hôm ấy đã trở thành Ground Zero của Thời đại Brazil ngự trị suốt nửa thế kỉ. Song đã từ nhiều năm nay, cầu thủ Brazil duy nhất thỉnh thoảng cho tôi một cảm giác về sự lãng mạn của bóng đá không phải là Pelé huyền thoại, không phải là Ronaldo hoành tráng, dĩ nhiên không phải là Neymar chưa kịp lớn đã sắm vai người khổng lồ, mà là Ronaldinho, nhoẻn cười khoe trọn răng lợi nhấp nhô cả những khi hụt lưới hay mất bóng. Nếu chất thơ, theo định nghĩa của Pasolini, đặc biệt nằm ở nghệ thuật nhồi bóng và cảm hứng tấn công thì quả nhiên Nam Mỹ có một thiên tài thi ca, Messi. Trớ trêu thay thiên tài này chỉ tỏa sáng ở châu Âu sau khi bị chính quê hương mình lạnh nhạt. Đặc biệt trong mùa World Cup này, hầu như lúc nào tôi cũng chỉ thấy một Messi lạc lõng, một Messi cô đơn lang thang bách bộ ở đâu đó trên sân, nhìn mây ngắm cỏ, cách xa các đồng đội Argentina, hoàn thành chỉ tiêu mỗi trận chạy không quá 3 km và chạm không quá chục lần vào bóng. Có thể đó là ngoại lệ dành cho một thứ thi ca xuất thần, đặc tuyển, trong khi phần còn lại của bóng đá Nam Mỹ, không có ngoại lệ, từ chủ nhà trở đi, vượt xa châu Âu trong nghệ thuật chơi xấu. Nếu bóng đá châu Âu là bóng đá Thái dương thần và bóng đá Nam Mỹ là bóng đá Tửu thần, vẫn theo Gilberto Freyre, thì rất nhiều cầu thủ Nam Mỹ có lẽ đã chơi bẩn vì quá chén. Đỉnh cao của những cơn say cuồng bạo ấy là trận thuần túy Nam Mỹ, giữa chủ nhà và nước láng giềng Columbia.
Châu Âu chia tay với totaalvoetbal và tiqui-taca, đến lượt Nam Mỹ vĩnh biệt jogo bonito. Một tác giả Đức từng miêu tả lịch sử bóng đá với chương một là nền bóng đá người hùng nước Anh, chương hai là nền bóng đá siêu hình nước Đức, chương ba là nền bóng đá phản xạ Hà Lan và vĩ thanh là nền bóng đá mĩ thuật Brazil. Vĩ thanh ấy đã tắt. World Cup lần này có thể giàu kịch tính và cuối cùng cũng thành tựu trong một trận chung kết ở đẳng cấp cao, song về tổng thể, chưa bao giờ bản thân nghệ thuật bóng đá thoái hóa hơn để nghệ thuật phạm lỗi lên ngôi hơn. Không một đội tuyển nào bị loại oan vì đã hết mình cống hiến cho nghệ thuật ấy. Các ông lớn về vườn đều đáng về vườn. Các underdog đều chiến thắng đến hết tầm là hết. Trong khung cảnh ấy, duy nhất thực sự xứng đáng đăng quang là đội tuyển Đức. Không phải vì cuối cùng người Đức luôn chiến thắng. Cuối cùng họ đã thắng vì họ đã chơi một thứ bóng đá thanh khiết và đáng yêu nhất trong khả năng có thể ở thế giới bóng đá ngày hôm nay, một thế giới càng ngày càng xấu xí, thô bạo, thương mại hóa, đầy phô trương, bê bối, tham nhũng và mưu mô quyền lực. Họ, những người thừa kế một nền bóng đá tuy nhiều thành công nhưng luôn bị coi là thô thiển, đáng ghét. Xe tăng Đức không hóa thành đại bàng, cầu thủ Đức không thảnh thơi đếm cỏ trên sân và thai nghén thơ, không làm xiếc, không bay bổng, không làm cột ăng-ten đón ơn Chúa, không làm ngôi sao, họ thuần túy tuân thủ những yếu tố bắt buộc để có một nền bóng đá chất lượng cao: chiến thuật, kĩ thuật, thể lực, tài năng, ý chí, kinh nghiệm, tổ chức và một tập thể đồng lòng, một Mannschaft. Cú sút cuối cùng đưa họ lên ngôi vô địch không đẹp thót tim, mà đơn giản là hoàn hảo.
Tác giả của cú sút ấy là một chú nhóc trẻ măng, bằng đúng tuổi con trai tôi. Chàng đã rời khung thành từ lâu, đi theo một tình yêu thể thao khác. Bóng đá quả thật là chuyện rất phụ, dù là chuyện phụ tuyệt vời nhất thế gian, die schönste Nebensache der Welt theo cách nói của người Đức. Song dấu ấn của những năm tháng giữ gôn ở đội bóng tí hon trên sân vận động cạnh nhà ấy chắc chắn còn lại. Camus nói rồi, sau này dù cuộc đời đã dạy ông khá nhiều điều nhưng “ce que finalement je sais sur la morale et les obligations des hommes, c’est au sport que je le dois“. Cuối cùng thì những gì ông biết về đạo đức và bổn phận của con người đều là nhờ thể thao mà có. Môn thể thao của ông là bóng đá.
© 2014 pro&contra
Categories: Thế giới, Thể thao
Tags: Albert Camus, World Cup