Tác giả

Danh mục

Trang

Bi kịch, đau xót nhìn từ Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản

Th5 13, 2012

Phạm Hồng Sơn

Mới hơn  4 tháng đầu năm 2012 ở Việt Nam đã xảy ra ba vụ cưỡng đoạt đất có đổ máu: Tiên Lãng (Hải Phòng): 05/01/2012, Văn Giang (Hưng Yên): 24/04/2012 và Vụ Bản (Nam Định): 09/05/2012.

Đất là một trong những tài nguyên hiếm, nguồn lực cơ bản cần cho sự sinh tồn, phát triển của con người. Đối với Việt Nam, nước có mật độ dân số đứng vào nhóm chật chội trên thế giới[i], thì đất lại càng hiếm và quí giá hơn nữa.

Theo kinh tế học, có hai cách cơ bản để việc phân bổ các nguồn lực hiếm trong xã hội được công bằng, đó là thông qua: thị trường và nhà nước.

Cách phân bổ của thị trường có thể tóm gọn qua cụm từ đầy tính gợi hình của Adam Smith: “bàn tay vô hình” (invisible hand). Bàn tay phân bổ vô hình chính là sự tương tác, tự điều phối, cân chỉnh của vô số những dự định, ước muốn vô cùng đa dạng, luôn biến đổi, không thể biết hết, và không một lực lượng nào có thể kiểm soát được hết của con người trong thị trường, gọi là quan hệ cung-cầu, trên hai nguyên tắc có tính nền tảng là sự tự nguyện (không cưỡng ép) và cùng hưởng lợi (hai bên cùng thấy có lợi). Bình thường, khi một giao dịch về đất  trên thị trường được thực hiện cũng đồng nghĩa với việc cả bên bán (giao) và bên mua (nhận) đều hài lòng vì đều đã thu được lợi ích (hoặc ít ra là họ tự nghĩ rằng đã thu được lợi ích) qua giao dịch trên cơ sở quyết định cuối cùng là của chính họ. Nhưng bản chất của con người là bất định và bất toàn nên sự phân bổ của thị trường sẽ có những khiếm khuyết như lừa đảo, cưỡng ép, nhầm lẫn, bất lực v.v.

Chính những khiếm khuyết đó của thị trường mới làm cho cách phân bổ thông qua nhà nước trở nên cần thiết và quan trọng. Nhưng vai trò quan trọng đó của nhà nước không có nghĩa, như đã từng bị hiểu lầm, rằng nhà nước phải thay thế hoàn toàn thị trường hay phải can thiệp vào tất cả các phân bổ (giao dịch) của thị trường. Bởi nhà nước cũng là những con người cụ thể, nếu lại được hoàn toàn quyết định cho các giao dịch thì cũng sẽ lại phạm vào những khiếm khuyết của thị trường. Nói cách khác sự phân bổ của nhà nước đối với các nguồn lực hiếm trong xã hội để đảm bảo tính công bằng thì phải và chỉ là để trám sửa (bổ khuyết và sửa chữa) các khiếm khuyết của thị trường: giữ cho mọi giao dịch được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, minh bạch. Nhà nước phải sẵn sàng đứng giữa, chứ không phải đứng trên, các bên có xung đột trong một phân bổ (giao dịch) của thị trường, để lắng nghe các bên, tìm hiểu và cuối cùng là phán xét không thiên vị. Nghĩa là để có thể có được vai trò “trám sửa” đó, nhà nước (dù hiểu theo nghĩa nào) phải ít nhất là một nhà nước không bị khống chế bởi (hoặc không phải của) một cá nhân, một đảng phái hay một nhóm người nào trong xã hội – thị trường.

Việt Nam hiện nay, ngoài yếu tố đất chật người đông, vẫn thuộc những nước đang phát triển, nghĩa là các tiềm năng, nhu cầu và sự gia tăng về kinh doanh còn rất lớn do đó điều chắc chắn là các giao dịch, phân bổ về “đất” (một trong bốn thành tố cơ bản của nguồn lực cần cho kinh doanh: đất, vốn (tiền), nhân công và tinh thần kinh doanh) sẽ còn gia tăng rất mạnh. Và đương nhiên các giao dịch, phân bổ bất thường, bất công về đất trên thị trường cũng sẽ gia tăng và cần phải có tác động, điều chỉnh của nhà nước để lập lại công bằng. Nhưng đáng tiếc, cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế, nhà nước ở Việt Nam hiện nay chỉ là một cơ quan cấp dưới của một đảng chính trị hiện tồn hợp pháp duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam –  một nhóm người chỉ chiếm khoảng 03% dân số hoặc chiếm ít hơn nữa nếu chỉ tính 14 người trong Bộ Chính trị. Một hệ thống quyền lực nhà nước từ trung ương tới địa phương và ở mọi ngành quyền lực, từ lập pháp, hành pháp hay tư pháp cho tới cả hệ thống báo chí (“quyền lực thứ tư”) đều chỉ do một tổ chức (đảng) lãnh đạo, bổ nhiệm hay đề cử thì đương nhiên hệ thống nhà nước đó sẽ không thể có vị thế độc lập hay trung gian (dù chỉ là tương đối) trên thị trường-xã hội được. Chưa kể các thành viên, những con người luôn có những ham muốn tự nhiên về kinh tế, của hệ thống nhà nước đó lại rất có thể chính là một chủ thể trong các giao dịch, phân bổ đất trên thị trường. Do đó, một điều tất yếu là chừng nào Nhà nước Việt Nam hiện nay còn là của một nhóm người (không do toàn dân lựa chọn và bầu ra) và kinh tế còn phát triển thì những giao dịch, phân bổ bất công về đất (và nhiều nguồn lực quí hiếm khác như rừng, biển, đảo, kể cả chủ quyền quốc gia v.v.) sẽ còn tiếp diễn, gia tăng và không thể có cơ chế hữu hiệu để lập lại công bằng. Và xấu hơn nữa là nhà nước hiện nay đương nhiên sẽ nghiêng về phía, hoặc đồng thời là, những chủ thể có sức thao túng về kinh tế hay chính trị (suy cho cùng cũng là kinh tế) trên thị trường, không kể là nội tộc hay ngoại bang.

Trở lại ba vụ cưỡng đoạt đất có đổ máu ở trên, diễn tiến trong cả ba vụ đó đều cho thấy rất rõ ràng Nhà nước Việt Nam đã không chỉ không giữ vai trò độc lập (đứng giữa) cho các bên trong tranh cãi về đất mà còn dùng vũ lực để buộc một bên (những người nông dân) phải từ bỏ quyền sử dụng đất hợp pháp cho phía bên kia (các thành phần kinh doanh đang cần đất). Thực tế này một lần nữa chứng minh rằng một đảng, bất kể với tên gọi và danh nghĩa gì, khi đã trở thành một tổ chức siêu quyền lực nằm trên hệ thống nhà nước thì việc sử dụng cái quyền lực nhà nước đó vào việc gì ( kể cả để huy động toàn dân chống đế quốc hay cấm toàn dân chống ngoại xâm; để cấm hoàn toàn tư nhân kinh doanh hay tha hồ thao túng, câu kết với giới kinh doanh, v.v.) là hoàn toàn tùy thuộc vào việc đảng đó thấy lợi hay hại cho quyền lực của nó mà thôi. Việc cướp đất của người này để cấp cho người kia trong những ngày qua chỉ là một trong vô vàn những ý định tự quyết của cái đảng độc quyền đó. Ngay cả lương tâm, nhân phẩm, quyền con người và lòng yêu nước cũng còn bị trấn áp, khinh rẻ, bác bỏ thì còn thứ gì cái đảng đó không dám chiếm đoạt? Cái bi kịch dở khóc dở cười của hai phóng viên chính thống trong vụ Văn Giang vừa qua cũng chỉ là hệ quả nhỏ của cái logic tất yếu trong cướp đoạt. Không bao giờ có kẻ cướp nào lại để cho người khác chứng kiến, ghi lại cảnh cướp đoạt của chúng.

Đương nhiên trong kỷ nguyên thông tin Internet hiện nay, ngoại trừ những kẻ được lợi lộc từ kẻ cướp hoặc có đầu óc không bình thường, không ai lại lên tiếng ủng hộ sự “cướp đoạt”.

Tuy nhiên, sự phản đối cướp đoạt dù căm phẫn, thống thiết đến mấy, cũng khó có thể hơn được mũi tiêm giảm đau cho con bệnh đang đau ruột thừa, nếu cứ mãi tránh né cái nguyên nhân gốc rễ của sự cướp đoạt. Những an ủi, động viên nạn nhân bị cướp đất của ngày hôm nay nếu lại góp thêm phần củng cố cho niềm tin yêu, sự kính trọng vào một đảng, một lãnh tụ đã từng gây ra bao cái chết oan khiên cho nông dân và đã nhón trọn những quyền, những tự do ít ỏi trong tay người dân sang hết tay đảng, thì cũng chẳng khác nhiều việc nói với cả dân làng đang nháo nhác tìm công lý rằng cứ yên tâm vì mọi chuyện đã có mẹ con Lý Thông lo rồi.

Đương nhiên sẽ là hoang tưởng nếu cho rằng phương thuốc cho những căn bệnh của đất nước có thể dễ dàng tìm thấy ngay trong một lần hay có thể đến chỉ từ một lối nghĩ, một cách làm. Nhưng nếu cứ nhất định không chịu tìm, không chịu thừa nhận nguyên nhân gốc của căn bệnh thì ước mong chữa trị bệnh cũng chỉ là một hoang tưởng hoặc một sự lừa dối mà thôi.

Việc tìm ra nguyên nhân sâu xa của bệnh tật, bất kể của con người hay xã hội, luôn phải là việc, là trách nhiệm hàng đầu của giới có học. Vậy khi giới “tinh hoa” của một xã hội đầy bệnh tật lại lảng tránh, lại không chịu nói thẳng ra cái nguyên nhân sâu xa của tình trạng bệnh hoạn của xã hội thì tầng lớp ít học, những nạn nhân chân lấm tay bùn của xã hội còn biết trông cậy vào ai? Nhưng chính đó lại là một bi kịch, một oái ăm của mọi xã hội bệnh hoạn kiểu toàn trị: sự bệnh hoạn xã hội không chỉ “trùm” lên giới có học mà còn “ăn” cả giới “tinh hoa”. Họ vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm của xã hội bệnh hoạn. Nhưng đó chưa hẳn đã là bi kịch chua chát nhất. Có bi kịch nào chua chát hơn người phải sống mòn trong chiếc lồng kiên cố lại vẫn nhìn kẻ đã tạo ra chiếc lồng với đôi mắt trìu mến và biết ơn vô hạn?

Nếu thật lắng tâm chúng ta có thể nghe thấy trong không gian thăm thẳm vẫn vẳng lên đâu đó những tiếng kêu, tiếng than da diết, não nề. Nhưng khó có thể biết được đó là những tiếng ai oán của ai, của người nông dân mới bị cướp đất hôm qua ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản hay của những nhà nông chịu khó, giỏi giang của dân tộc đã bị cướp đất, bị nhục mạ, bị cướp cả mạng sống cách đây hơn nửa thế kỷ, hay của ai khác nữa? Nhưng cái rất đau xót lại là nhiều người trong số họ đến chết vẫn tin, vẫn ngưỡng mộ, tôn kính cái tổ chức, cái con người đã dựng ra cái nhà nước chỉ biết phục vụ cho một đảng, “chỉ biết còn Đảng còn mình” – nguyên nhân gốc của những thống khổ, những băng hoại hết sức nan giải từ hơn 60 năm qua. Người nông dân, kẻ ít học, có mấy ai không nghe, không tin vào lời của những người, những tên tuổi có những bằng cấp, những danh vị, học vị luôn gợi ra sự uyên thâm, lỗi lạc như giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sử học…Thế mà rút cục những lời đó (nếu) lại không phải là sự thật hoặc chỉ là một nửa sự thật, thì còn đau xót nào lớn hơn?

© 2012 pro&contra



[i] Mật độ dân số của Việt Nam được xếp hạng 46/239 (Theo Countries of the World) hoặc 52/242 (Theo Wikipedia)