Để hiểu Putin, hãy đọc „1984“ của George Orwell
Th9 16, 2014
Timothy Snyder
Phạm Thị Hoài dịch
Ai muốn hiểu thái độ của Nga với Ukraine hiện nay, hãy đọc 1984 [1], tác phẩm kinh điển của George Orwell. Cuốn sách này dẫn chúng ta, nhiều khi chính xác kinh hoàng, đến những sự kiện đang diễn ra. Nga đã hiển nhiên xâm chiếm Ukraine , nên dễ nhất là bắt đầu bằng „Chiến tranh là hòa bình“ [2], một trong những khẩu hiệu của đế chế hư cấu trong câu chuyện của Orwell. Rốt cuộc thì đến nay mỗi cố gắng đàm phán và thỏa thuận ngừng bắn đều chắc chắn kèm theo một sự leo thang mới của Nga, rõ ràng điều đó không có gì là ngẫu nhiên.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc gia khác thì chúng ta phải hiểu rằng, đó chẳng qua là để xoa dịu sự phẫn nộ quốc tế gần đây nhất, như cuộc hội đàm vừa rồi ở Minsk [3], đi kèm bằng sự can thiệp tiếp theo của quân đội, pháo và xe tăng Nga vào chiến trận.
Nhưng chúng ta phải dấn sâu hơn một chút vào luận lí Orwell để hiểu cuộc chiến tranh rất lạ lùng này, một cuộc chiến để Putin cực đoan hóa nền chính trị Nga, phá hủy trật tự hòa bình ở châu Âu, gạt phăng những dự kiến tương lai của người châu Âu – và thậm chí đánh thức nguy cơ một cuộc chiến tranh nguyên tử. Mọi nỗ lực đi tìm lí do của cuộc chiến vô nghĩa đến độ hư vô này đều cho thấy, hoặc nó bị giả mạo, hoặc nó chứa đầy những mâu thuẫn tự thân, hoặc cả hai. Để hiểu cái biến cố khủng khiếp, khiến người ta giết và người ta chết không hề có một nguyên cớ rõ ràng này, ta phải nhớ lại một số khái niệm then chốt của Orwell: „Eurasia“, „song tưởng“ [4] và „học yêu Big Brother“.
Euroasia
Trong 1984 của Orwell có một cường quốc tên là Euroasia, Đế chế Á-Âu. Đáng chú ý là học thuyết đối ngoại quan trọng nhất của Nga cũng trùng tên ấy, học thuyết Á-Âu. Trong thế giới phản địa đàng của Orwell, Euroasia là một quốc gia đàn áp, hiếu chiến, chiếm toàn bộ miền Bắc lục địa châu Âu và châu Á, từ Bồ Đào Nha đến Eo biển Bering. Trong chính sách đối ngoại của Nga, Euroasia là một dự án hội nhập tất cả các nước – như bạn có thể đoán trước – từ Bồ Đào Nha đến Eo biển Bering. Euroasia của Orwell thực hành một chủ nghĩa Tân Bolshevik. Lí thuyết gia Á-Âu đầu đàn của Nga, Alesandr Dugin, từng tự xưng là một nhà „Bolshevik dân tộc“. Ông ta, một tác giả có ảnh hưởng lớn, từ lâu đã tác động nhằm triệt tiêu quốc gia Ukraine và gần đây kêu gọi Nga hãy xóa sổ Ukraine.
Song tưởng
Orwell có thể giúp chúng ta nhận ra tương lai mình sẽ ra sao, nếu chúng ta ngây thơ thử tìm cách hiểu thế giới qua các cơ quan truyền thông Nga chính thống. Hệ thống tuyên truyền của Nga về Ukraine là song tưởng thời nay. Như Orwell đã diễn tả, nó đòi hỏi người ta „đồng thời đại diện cho hai quan điểm ngược nhau mà vẫn tin ở cả hai“. Bộ máy tuyên truyền Nga ngày ngày chế biến ra hai mặt của cùng một sự kiện, mà cả hai đều sai và mặt này mâu thuẫn với mặt kia. Ta hãy xem vài trong số những luận điểm mà cứ lặp lại liên tục trong vòng tám tháng là sẽ thành quen tai đó.
Một mặt, Nga bảo mình phải đem quân chiếm đóng Ukraine, vì nhà nước Ukraine đàn áp nhân dân. Trong thực tế, Ukraine là một quốc gia dân chủ, có tự do ngôn luận và về mọi phương diện đều tự do hơn Nga. Mặt khác, Nga bảo mình phải can thiệp vì nhà nước Ukraine không còn hiện diện. Trong thực tế, nhà nước Ukraine hoạt động không thua gì nhà nước Nga, trừ trong các lĩnh vực rắc rối là chiến tranh, mật vụ và tuyên truyền.
Một mặt, Nga bảo mình phải ra tay vì người Nga ở Ukraine bị ép phải nói tiếng Ukraine. Điều này sai. Người Nga ở Ukraine được tự do chọn ngôn ngữ theo ý mình hơn nhiều so với người Nga ở chính nước Nga. Phần lớn những người nói tiếng Nga ở Ukraine không thật sự là người Nga, cũng như không phải tất cả những người nói tiếng Anh đều là người Anh. Mặt khác, Nga bảo ngôn ngữ Ukraine không tồn tại. Nó tồn tại quá đi chứ. Ngôn ngữ Ukraine có một truyền thống văn học kiêu hãnh và đang được hàng triệu người sử dụng.
Một mặt, Nga bảo mọi người Ukraine đều theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Trong thực tế, phe cực hữu chỉ chiếm được vỏn vẹn 2 % số phiếu trong đợt bầu Tổng thống vừa rồi, ít hơn ở bất kì một nước châu Âu nào. Mặt khác, Nga bảo làm gì có dân tộc Ukraine trên đời. Trong thực tế, những cuộc thăm dò dư luận cho thấy điều ngược lại. Người Ukraine là những người yêu nước. Trong những tháng ngày cách mạng, hàng triệu trong số họ đã sẵn sàng dấn thân cho Tổ quốc và hàng ngàn đã tự nguyện mạo hiểm mạng sống nơi chiến trường.
Nào, bạn đã đủ chóng mặt chưa? Ví dụ cuối cùng nhé: Một mặt, Nga bảo là phải tiến hành chiến tranh để cứu thế giới khỏi họa phát xít. Thực sự thì chính Nga là nơi giới cực hữu có ảnh hưởng mạnh và chính nguyên thủ quốc gia của Nga đã theo đúng thể thức của Hitler mà tuyên bố xâm chiếm một quốc gia khác để bảo vệ đồng bào kiều dân. Đồng minh chính trị của Nga là những đảng cực hữu ở châu Âu, kể cả những đảng phát xít và Tân Quốc xã. Mặt khác, Nga lại bảo phát xít là tốt. Ở Nga, Hitler trong tư cách nhà lãnh đạo quốc gia đã được phục hồi danh dự, trong khi người Do Thái bị quy trách nhiệm cho vụ Holocaust, còn người đồng tính thì bị coi là tay chân của mạng lưới âm mưu quốc tế.
Học yêu Big Brother
Mỗi vấn đề đều được hệ thống tuyên truyền Nga cung cấp hai mặt như thế. Chúng ta, ngược lại, cho rằng sự thật nằm ở đâu đó giữa những mặt khác nhau. Nhưng giữa những luận điệu cố tình sai và cố tình mâu thuẫn thì không thể có sự thật. Mà chỉ có sự hoang tưởng, hoặc, như Orwell diễn tả, sự nhận thức thông tuệ rằng hãy „học yêu Big Brother“, học yêu Lão Đại ca, nhân vật thủ lãnh toàn trị, ngự xa tắp ở nơi không ai với tới, trong cuốn tiểu thuyết. Trong 1984, người ta học yêu Lão Đại ca bằng cách hi sinh những gì mình quý giá nhất. Ở Ukraine, đó chính là chủ quyền quốc gia mà Putin đang đòi người Ukraine phải hi sinh, bằng việc chia cắt đất nước này và thành lập một Novorossiya (Tân Nga) sát biên giới Đông Nam của Putin.
Đã quá nhiều lần chúng ta tìm cách đoán điều gì đang diễn ra trong đầu Putin. Chúng ta đem nét mặt, cử chỉ và những phát ngôn của ông ta ra diễn giải, thay vì đối mặt với thế giới của các sự kiện trần trụi. Có thật cần phải biết ông ta là con đẻ tinh thần của ai không? Mà có ai thật sự biết điều đó, kể cả chính Putin? Ông ta là một diễn viên lớn trong vai tự đánh bóng bản thân. Nếu cần thì thậm chí ông ta can thiệp vào cả truyện tranh cho trẻ em và chủ xướng những chương trình truyền hình bàn về nguồn gốc rất có thể là thần thánh của chính mình.
Cuối cuốn tiểu thuyết 1984, một thành viên chính quyền của Big Brother đang tra tấn một nạn nhân buông ra nhận định: „Quyền lực không phải là phương tiện. Mà là mục đích.“ Putin có nghĩ gì trong đầu, có nói gì và làm gì, tất cả đều không ngoài một mục đích: bảo vệ và củng cố quyền lực của bản thân. Đàn áp ở Nga, chiến tranh ở Ukraine và bất an ở châu Âu là cái giá kinh dị phải trả cho sự tự nống mình lên của nhà lãnh đạo quốc gia này. Thay vì tiếp tục nhìn mãi vào mắt kẻ tư duy song tưởng ấy, chúng ta nên nghĩ xem mình trân trọng điều gì và có thể làm gì để bảo vệ nó thì tốt hơn. Nếu Ukraine trở thành một phần của Tân Nga thì châu Âu sẽ hóa thành cõi Á-Âu và phương Tây sẽ sụp đổ. Đó sẽ không phải vì sức mạnh quân sự của Nga, mà vì sự suy nhược tinh thần của chính chúng ta.
_________
Timothy Snyder là giáo sư sử học tại Đại học Yale và tác giả cuốn Bloodlands: Europe Between Hitler and Stalin (20109, được trao giải Hannah Arendt 2013. Bài viết này đăng trên trang Politico. Bản dịch tiếng Đức trên Tagesspiegel ngày 8/9/2014.
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra
[1] Xem bản dịch của Phạm Minh Ngọc, talawas 2004
[2]Nguyên văn tiếng Anh trong 1984: “War is peace; Freedom is slavery; Ignorance is strength” (Chiến tranh là hòa bình; tự do là nô lệ; ngu dốt là sức mạnh).
[3] Hội đàm giữa Putin và Tổng thống Ukraine Poroshenko tại Minsk cuối tháng 8/2014
[4] Nguyên văn tiếng Anh trong 1984: doublethink, khái niệm của Newspeak (Tân ngữ)
Categories: Kiểm duyệt, Thế giới
Tags: 1984, Big Brother, Euroasia, George Orwell, Newspeak, Putin, song tưởng, Ukraine