Tác giả

Danh mục

Trang

Lá thư từ Bắc Kinh

Th5 19, 2014

Phạm Thị Hoài

Những năm cuối đời, các chuyến đi chữa bệnh của Hồ Chủ tịch tại Trung Quốc mỗi đợt một dài hơn. Năm 1966: một tháng, từ 16/5 đến 16/6. Năm 1967: 3 tháng 13 ngày, từ 10/9 đến 23/12. Chỉ một tuần sau ông lại đi Bắc Kinh, lần này 3 tháng 20 ngày, từ 1/1 đến 21/4/1968, trùng với lịch tiến hành giai đoạn 1 của vụ Tổng Tiến công và Nổi dậy Tết Mậu Thân [1].

Vấn đề vai trò mờ nhạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự vô hiệu hóa Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, người cũng trong thời gian này ngẫu nhiên đi dưỡng bệnh ở nước ngoài, trong vụ Tết Mậu Thân đã được một số nhà nghiên cứu đặt ra. Ở thời điểm này, thực quyền và sự minh mẫn của của ông Hồ còn lại bao nhiêu để có được một vai trò dù mờ nhạt, có thể thấy rõ qua bức thư ông viết từ Bắc Kinh gửi người cầm quyền thực sự ở Hà Nội, ông Lê Duẩn. Toàn văn bức thư như sau:

Thư gửi đồng chí Lê Duẩn

Chú Duẩn thân mến,

Nhớ lại hồi Nôen năm ngoái, Chú có ý khuyên B. đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, B. rất tán thành.

Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em.

Cách đi, B. sẽ làm công trên một chiếc tàu thuỷ. Cùng đi sẽ có hai chú Bảo và Kỳ. Việc này B. tự thu xếp, dễ thôi.

Lúc đến anh em trỏng chỉ phụ trách đón khi tàu cặp bến Miên và đưa B. đến nhà anh Sáu, anh Bảy.

Ở lại. Tuỳ điều kiện mà quyết định: ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ trong một tháng. Hoạt động thế nào, sẽ cùng anh em trỏng bàn định.

Có lẽ Chú và đồng chí khác e rằng sức khoẻ của B. không cho phép B. đi chơi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khoẻ tiến bộ mau hơn.

Lịch trình đi thăm – cần mươi ngày để chuẩn bị.

Vượt biển độ 6 ngày.

Từ bến tàu đến địa điểm độ dăm hôm.

Vậy nhờ Chú tính ngày cho khớp, một mặt cho B. biết trước để chuẩn bị, một mặt cho anh em trỏng biết để chờ đón.

Để đảm bảo thật bí mật, Chú chỉ nên bàn việc này với một số ít đồng chí trong B.C.T.

Mong chờ Chú trả lời.

*

Trước khi đi Rumani, hai đồng chí Côn và Lành có ghé thăm Bắc Kinh và ở lại chơi mấy hôm, rất vui vẻ.

Sức khoẻ của B. không ngừng tiến bộ, càng gần ngày ấm, càng tiến bộ hơn. Chúc Chú và tất cả anh em mạnh khoẻ.

Chào thân ái và quyết thắng

B.

Viết ngày 10-3-1968

Bản chụp bút tích bức thư lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

***

Dĩ nhiên kế hoạch “Bác lại xuống tàu” lần này không được phê chuẩn. Ở những người đã gần đất xa trời, mơ mộng tuổi trẻ thường trỗi dậy, đôi khi mãnh liệt tới mức điên rồ, song đề nghị “vô trỏng”, Nam tiến bằng cách vi hành vượt biển, “xuống làm công trên một chiếc tàu thủy”, có thể vẫn nghề phụ bếp, như chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ở Bến Nhà Rồng năm nào của vị Chủ tịch 78 tuổi, bệnh tình trầm trọng, hàng ngày phải tiêm kháng sinh, chườm gừng, châm cứu, chạy điện tim phổi… quả là vượt quá sự lẫn trí thông thường của tuổi già. Nó trình bày một cảm giác bất lực của một con người thấy mình đã thừa ra, vô dụng. Cách đất nước mấy ngàn cây số, tầm quan trọng của vị nguyên thủ quốc gia bây giờ đóng khung trong những hoạt động dưỡng lão: nghe tin thắng trận ở miền Nam, nghe ngâm thơ, xem liên hoan văn nghệ, gửi thư khen chiến sĩ bắn rơi máy bay Mỹ, phụ lão trồng cây giỏi, nông dân có thành tích nuôi trâu bò và thâm canh tăng năng suất lúa, và làm thơ chữ Hán cảm thán về việc bị bác sĩ Trung Quốc cấm hút thuốc và uống rượu. Cuộc viếng thăm 3 ngày cuối tháng Một của tướng Võ Nguyên Giáp, trên đường từ nơi dưỡng bệnh ở Hungary về Hà Nội qua Bắc Kinh, có vẻ mang lại cho những tháng ngày nhàn tản ấy một mầu sắc chính trị tầm thượng đỉnh quốc gia nhất định, song theo tác giả Huy Đức trong bộ sách Bên thắng cuộc, trong khi “cả ‘Cha già Dân tộc’ và ‘Anh cả của Quân đội’ vẫn đang ‘an trí’ ở Bắc Kinh thì những binh đoàn chủ lực miền Bắc bí mật áp sát các đô thị miền Nam. ‘Ngày 29 tháng Chạp ta’, vào lúc sáu giờ chiều, Hồ Chí Minh ‘nhận được điện của Bộ Chính trị và Trung ương chúc mừng Bác Hồ năm mới'”. Hai con người lừng danh ấy được nhấc êm khỏi thời cuộc, trong giai đoạn quyết định của cuộc cách mạng dân tộc mà họ là những người khai sinh. Lá thư từ Bắc Kinh của Hồ Chí Minh rụt rè như một lời nài xin, lẩm cẩm, tội nghiệp.

Dù những nghi vấn khổng lồ về thân thế ông Hồ còn treo đó, càng ngày nhiều khoảng tối về sự nghiệp của ông càng sáng tỏ, một phần không nhỏ bằng chính những tư liệu chính thống. Nhưng câu hỏi sau đây có lẽ sẽ không sớm được giải đáp: Hóa đơn khám chữa bệnh cho Hồ Chủ tịch có bị phía Trung Quốc tính vào tổng số trên 800 tỉ (Dollar hay Nhân dân tệ?) – theo tuyên truyền hạch tội “Việt Nam vô ơn” của nhà cầm quyền Trung Quốc – mà Hà Nội bị coi là nợ Bắc Kinh cho chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc chiến tranh chống Mỹ không?

_________

Ảnh: Mít-tinh ủng hộ Hồ Chủ tịch tại Bắc Kinh 1965. Ảnh của Marc Riboud.

© 2014 pro&contra


[1] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 10. Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, 1996.