Tác giả

Danh mục

Trang

Lịch sử của bệnh dịch

Th7 30, 2013

Nguyễn Hoàng Văn

Nhà văn Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu và những kẻ a tòng trong vụ đấu tố luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan nên tìm đọc công trình nghiên cứu History of Shit của Dominique Laporte [i].

Họ cần đọc để may ra ngộ thêm, sáng thêm một vài điều. Họ cần đọc để hiểu rằng bất cứ thứ gì liên quan đến con người và cuộc sống, dù vĩ đại hay bé tí, dù thanh cao hay ghê tởm như là shit, sản phẩm của quá trình bài tiết, cũng đều đáng để nghiên cứu cả. Và họ cần đọc để hiểu rằng, chính họ, như những quân binh chỉ điểm và đấu tố, cũng rất đáng trở thành đối tượng nghiên cứu trong một công trình hàn lâm tương tự.

Trong cuốn sách trên Laporte đã nhìn lại lịch sử văn minh qua cách thức mà nhân loại ứng xử trách nhiệm với cặn bã bài tiết mà mình thải ra: theo từng thời kỳ, những thế cách ấy đã tăng tiến một cách phù hợp với những tiến trình văn minh khác, trong đó có tiến trình hình thành ý thức cái Tôi, ý thức về con người cá nhân, đặc biệt là cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng. Nói cho gọn thì đây là sự phát triển của “văn hoá bài tiết”: càng ý thức về những tác động từ sự “bài tiết” của mình, nhân loại càng đường hoàng và chính trực hơn trong việc thể hiện trách nhiệm trước những đống bài tiết mình thải ra.

Từ chuyện bài tiết sinh học này, hãy nhìn đến sự bài tiết ý thức – tư tưởng của những hệ thống cầm quyền.

Sự sống là một tiến trình trao đổi chất, ở đó từng hệ thống hấp thụ chất dinh dưỡng bên ngoài và thải hồi những cặn bã sau một tiến trình xử lý. Để sống thì hệ thống sinh học của từng cá nhân phải trao đổi chất qua tiến trình hô hấp, tiêu hoá và bài tiết. Và để sống, từng hệ thống cầm quyền phải tiến hành công việc tương tự về mặt ý thức và tư tưởng: “hô hấp” và “tiêu hoá” để hấp thụ những tư tưởng mới của thời đại và thải hồi cái đã lỗi thời.

Vấn đề cần nêu ra ở đây cũng là “văn hoá bài tiết” và nói theo ngôn ngữ tuyên giáo của hệ thống toàn trị là phải “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.  Nếu cá nhân không được phép vô trách nhiệm trước những thứ mà cơ thể mình bài tiết thì hệ thống chính trị cũng không được dửng dưng trước những cặn bã nó thải ra. “Không được phép vô trách nhiệm” hay “dửng dưng” chỉ là một cách nói. Một cách bình dân, nôm na, có thể nói thẳng là “ỉa bậy” hay “ỉa vất”: cá nhân không đuợc ỉa vất, chế độ cầm quyền không được ỉa vất.

Thế nhưng những bằng chứng lịch sử hiển nhiên lại cho thấy rằng cái hệ thống toàn trị hô hào “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là một hệ thống chuyên ỉa vất, chuyên ứng xử vô trách nhiệm, luôn phủi tay trước những đống cặn bã mà nó thải ra. Nó ỉa bậy trên phương diện ý thức – tư tưởng đến độ, cho đến nay, sau gần ba phần tư thế kỷ, vẫn chưa chịu xây cho mình một cái hố xí hai ngăn.

Một thời, hệ thống toàn trị xây dựng sự sống còn của mình trên tư tưởng đấu tranh giai cấp cứng nhắc theo mô hình Stalinist hay Maoist mà hai thí dụ đau đớn nhất là phong trào đấu tố địa chủ trong Cải cách Ruộng đất vào thập niên 50, là phong trào đấu tố văn nghệ trong vụ Nhân văn – Giai phẩm vào thập niên 60. Nhưng để tiếp tục sống còn thì phải thải hồi những tư tưởng cứng nhắc ấy và, theo góc độ “văn minh bài tiết” mà Laporte đã chỉ ra, hệ thống trị vẫn chưa đủ trưởng thành để bài tiết một cách đàng hoàng và tử tế trong tinh thần “dám chịu trách nhiệm”.

Nó không bao giờ “sai lầm” hay “ấu trĩ”, chỉ có “một thời sai lầm và ấu trĩ”. Nó không có lỗi, chỉ “lịch sử” và “thời đại” là có lỗi. Nó thải, nhưng không nhận đó là chất thải. Nó bài tiết, nhưng không dám vứt thẳng vào hầm tiêu. Không thừa nhận là chất thải, cũng không dám vứt vào hầm cầu, nó đã hiện nguyên hình là một hệ thống ỉa bậy.

Trở lại với câu chuyện Nhã Thuyên và công trình nghiên cứu về nhóm Mở Miệng. Lịch sử chắc chắn sẽ lặp lại và một mai, khi quyền “Mở Miệng” được công nhận hay, ít ra, được đối xử công bằng và tử tế, cái chu kỳ ỉa bậy và “từng một thời ấu trĩ” kia cũng sẽ lặp lại. Nó lặp lại để những kẻ đang hăng hái lập công bằng cách chỉ điểm hay đấu tố sẽ kết thúc sinh mệnh văn nghệ hay “nghiên cứu” của mình tương tự sự nghiệp chỉ điểm và đấu tố của những bậc quân binh đi trước trong thập niên 50 và 60, những tên tuổi hiên đang trôi nổi trong đống chất thải vô thừa nhận của hệ thống toàn trị.

Có người gọi đoàn quân chỉ điểm và đấu tố ấy là những nhà “phê bình kiểm dịch” nhưng gọi vậy e không chính xác [ii]. “Kiểm dịch” là để ngăn ngừa bệnh dịch. Còn những cây bút ấy, khi đã tự nguyện nhảy vào hàng ngũ của đống chất thải vô thừa nhận, đã là hiện thân của một thứ mầm dịch, thứ dịch đã và đang phá hoại sự phát triển bình thường của nền văn học nói riêng và của đất nước nói chung [iii].

Như thế, nếu có một dự án nghiên cứu toàn diện về hệ thống toàn trị, cần có một chương trình nghiên cứu đặc biệt, chuyên sâu về quá trình ỉa bậy của hệ thống, cái quá trình “không dám chịu trách nhiệm” với những cặn bã gây dịch mà nó liên tiếp thải ra. Nhìn lại lịch sử nhân loại qua lăng kính bài tiết, Laporte đã có công trình đặc sắc History of Shit và chúng ta, nếu nhìn lại một chặng đường của đất nước trong phối cảnh riêng về chất thải mà hệ thống toàn trị đã bài tiết, chúng ta sẽ có gì?

Một History of Plague, Lịch sử của bệnh dịch chăng?

Từ History of Shit đến History of Plague: đáng gọi như thế lắm vì cái ổ dịch một thời của đất nước đang ngo ngoe sống lại, đang âm thầm truyền nhiễm và đang cố gây không khí khủng bố qua những hành động chỉ điểm và đấu tố một luận văn cao học.

30.7.2013

© 2013 Nguyễn Hoàng Văn & pro&contra



[i] Dominique Laporte, (2001), History of Shit. Cambridge: The Massachusetts Institutes of Technology Press. [Nguyên tác: Histoire de la Merde, bản Anh ngữ của Nadia Benabid và Rodolphe el-Khoury .]

[ii] Trần Đình Sử, “Phê bình kiểm dịch”, 17-7-2013

[iii] Về phong trào đấu tố luận văn cao học “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hoá” (Bảo vệ năm 2010 tại khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) của Nhã Thuyên, có thể đọc các bài viết: Phạm Thị Hoài. “Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn” (10.7.2013) và: Trần Đình Sử. “Cuộc phê phán luận văn của Đõ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ” (26.7.2013).