Tân Việt Nam – Sáu điều mong mỏi lớn
Th4 14, 2013
Phan Bội Châu
Võ Văn Sạch dịch và chú thích
Tân Việt Nam, tác phẩm còn ít được biết đến của Phan Bội Châu, viết có thể vào khoảng năm 1906-1907 ở Nhật Bản, là một cuốn sách mỏng trình bày quan niệm của tác giả về một nước Việt Nam mới, với mô hình chính trị dân chủ và mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa – hiểu theo thuật ngữ hiện đại. Bố cục cuốn sách gồm hai phần. Phần đầu (Thập đại khoái) trình bày mười điều sung sướng trong một nước Việt Nam duy tân thành công. Đó là:
- Không có cường quốc nào bảo hộ
- Không có bọn quan lại hại dân
- Không có người dân nào mà không được thỏa nguyện
- Không có người lính nào mà không được vinh hiển
- Không có loại thuế nào mà không công bằng
- Không có hình pháp nào mà không thỏa đáng
- Không có sự giáo dục nào mà không hoàn thiện
- Không có nguồn địa lợi nào mà không được khai thác
- Không có ngành công nghệ nào mà không phát đạt
- Không có ngành thương nghiệp nào mà không được mở mang.
Phần cuối (Lục đại nguyện) bàn về sáu điều mong mỏi lớn để đạt được thành công đó. Tôi xin phép đảo lại thứ tự, giới thiệu Lục đại nguyện trước Thập đại khoái. Bản điện tử này được thực hiện từ ấn bản của Cục Lưu trữ Nhà nước năm 1989, do Võ Văn Sạch dịch và chú thích, Đinh Xuân Lâm viết lời giới thiệu.
Phạm Thị Hoài
_____________
Tâm tư của người nước ta không phải là không thông minh, tai mắt người nước ta không phải là không tinh xảo, tay chân khí phách không phải là không hùng tráng, nhưng tại sao trong nước thì xưng là vua của dân, bên ngoài thì lại chịu làm bề tôi, cam chịu ở dưới của kẻ khác? Kể từ đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh cho đến Pháp ngày nay thì sự nô lệ đã khá là đấy đủ rồi, thế là bởi tại sao? Là tại vì mọi người không có ý chí mạo hiểm, tiến thủ, cho nên an phận ngu hèn, tự vui bề mềm yếu. Chỉ biết lấy việc ăn uống, trai gái làm điều kinh bang tế thế tuyệt vời, coi cửa nhà, tấm phản là đất trời cao rộng. Người khác ngồi ỉa đái lên đầu mình mà vẫn lì lợm mà nói: “Ta chỉ biết an phận”. Dân tộc khác có nuốt hết giống nòi mình thì cũng cứ ngạo nghễ mà nói: “Ta sẽ chờ đợi thời cơ”. Than ôi! Gặp thời cạnh tranh xâu xé, lòng người dữ như con rắn độc, con chim chiên đuổi con chim sẻ, con rái cá đuổi bắt con cá, có ai là miệng Phật đâu? Các anh mà không lo tiến thủ thì người ta sẽ diệt các anh, các anh mà không chịu mạo hiểm thì ai người ta thương các anh! Người nước ta cho đến nay mà còn chưa biết phấn khích lên được hay sao? Xin mọi người hãy giương mày mở mặt, hãy vì non sông mà rửa thẹn. Người ta đều có thể trở thành anh hùng mà sao mình lại chịu thua kém hèn? Người ta đều có thể là bá vương, sao mình lại chịu làm tôi tớ? Mọi người đều có tấm lòng phấn đấu như thế thì mọi người đều có thể được độc lập. Chí tiến thủ càng mạnh, lòng mạo hiểm càng hùng, thì việc bắt sư tử, bắt cọp bằng tay không, câu cá kình ngoài biển lớn nếu sức một người không được thì hợp sức 10 người lại sẽ thành, sức 10 người không đủ thì hợp sức 100, 1000 người lại thì chắc chắn sẽ thành công. Nếu cả nước mọi người đều cùng ý chí, cùng anh hùng thì người Pháp một ngày không thể ở yên được trên đất nước ta. Đó là điều duy tân tiên phong thứ nhất.
Nước ta nhân khẩu không phải là không đông, đất đai không phải là không phì nhiêu, tài sản không phải là không dồi dào. Theo sổ công sưu của Pháp thì người nước ta có 25 triệu, nhưng kể toàn thể thì dân số không dưới 50 triệu người, thế thì dân phải nói là đông. Diện tích nước ta rộng hơn 25 vạn vuông Anh, năm thứ kim loại quý đều có cả, năm giống lúa cũng đều có, đất đai thì mầu mỡ phì nhiêu. Lúa gạo Sài Gòn (Nam Kỳ), của cải Bắc Kỳ có thể nuôi người Thanh, Ấn Độ, Mã Lai, Tiêm La, Diến Điện no đủ, huống hồ còn kể đến các ông Tây, bà đầm, chó Tây, ngực Tây, bồi Tây mặc sức bòn rút bóc lột ăn uống no say phè phỡn biết bao của cải nhà ta nữa. Thế thì phải nói của cải nước ta cũng lắm chứ. Người nước ta đông, đất đai phì nhiêu, tài sản dồi dào như thế, dù làm việc gì mà chẳng thành công được. Thế nhưng mà con người vẫn khốn nạn, chịu làm nô lệ, sản vật bị tan nát hao mòn, buôn bán thì quẫn bách, nghề nông thì đình đốn, bách công thì sứt mẻ vụng về! Ô hô! Trời có phải là eo hẹp với ta đâu? Đất có phải là hiểm trở đối với ta đâu? Xét lí do vì sao như thế mới hay rằng: Chẳng qua người trong nước ta không có tinh thần yêu mến, tin yêu nhau, cho nên mới coi anh em đồng bào như người nước Tần, nước Việt, đối xử đồng chủng như giặc thù. Nhà nào cũng đắp tường ngăn dậu, cửa nhà nào cũng khoét lỗ đắp hang, đưa nửa đồng tiền cho anh em mà nặng như 5 cân, bạn bè thân thuộc cách nhau gang tấc mà lòng xa vạn dặm, lại còn chửi bóng gió lẫn nhau; đau ốm không quan tâm lẫn nhau. Nhà tôi cứ hát xướng mặc cho nhà anh than khóc; xóm Đông cứ việc no say mặc cho xóm Tây đói khát. Đương khi giang sơn tro tàn cần cộng sức chân tay lại giúp đỡ mà sao lại còn riêng danh, riêng lợi, lìa đức, lìa lòng? Chủng tộc sắp bị diệt như sợi tơ sắp đứt, nỡ nào lại còn giơ cánh tay đánh nhau? Họa đã đến gần cả ba họ mà sao anh em vẫn đánh nhau ở trong nhà, ghen ghét nhau, ngờ nhau. Thật hết chỗ nói? Than ôi! Thế lực có đông đủ mới thành, cơ sở phải tập trung đầy đủ mới nên được vậy! Diễn một trò vui, làm một tiệc vui, chí ít cũng có tới vài mươi người, huống chi lo liệu cái lợi hàng ức triệu. Dựng công lao lại cho núi sông mà bảo lấy tâm lực của một vài người làm để làm, quyết không thể nào làm được! Chi bằng hãy kết đoàn thể, liên tính tình, tập trung mưu kế, hợp tiền của, vứt bỏ hết lòng ghen ghét nhau, cùng nhau một đường sống chết. Lấy của cải của nghìn vạn người làm của chung, lấy sức của ngàn vạn người làm sức chung, áo tôi anh mặc, cơm tôi anh ăn, anh đau ốm tôi mang thuốc cho anh uống, nhà tôi tối lấy đèn anh mà thắp sáng, ngàn vạn người chung vai mà gánh vác, nặng mấy cũng mang nổi. Ngàn vạn người chung tay mà đỡ, yếu mấy cũng vực lên được. Người nước ta ai ai cũng thành thực cùng thương yêu nhau, tin nhau như thế thì trong mắt ta còn thấy có người Pháp nữa hay không? Đó là điều duy tân tiên phong thứ hai.
Thời nay, người nước ta nói trong mắt không thấy có xe hơi, tàu thủy; trong tai không nghe tiếng súng Tây, pháo Tây, trong lòng không biết việc học theo Tây, kĩ xảo của Tây, thực không phải thế. Thế thì mắt thấy gì mà như mù, tai nghe gì mà như điếc, lòng biết gì mà như dại như say là tại sao? Xét nguyên nhân thì một là người nước ta sống một cách nhớn nhác, hai là sống một cách dằng dai theo nếp cũ mà không chịu đổi mới. Các môn học như quang học, động học, hóa học, lí học khi nghiên cứu tới chúng thì cho rằng khó khăn vất vả, có bắt chước theo thì cũng lơ mơ, mù tịt. Người lớn tuổi ngày càng không còn mấy, người trẻ tuổi thì vợ con trói buộc. Xe hơi, tầu thủy để cho người khác làm cả, còn ta thì làm đầy tớ cho người Pháp. Súng Tây, pháo Tây để cho người Pháp làm, còn ta thì làm chó cho người Pháp. Ta không có học thuật như Tây, nhưng cũng đường đường là một ông tiến sĩ, cử nhân Việt Nam! Ta không có kĩ nghệ như Tây, nhưng mà cũng đàng hoàng là người thông sự ở Phủ Toàn quyền, là người phán sự ở Tòa Công sứ! Suy ra như thế thì thấy rằng kiến thức, khả năng bàn luận của ta làm sao mà biết hỏi đáp được văn mình là cái gì? Vả lại mọi thứ vật dụng tinh xảo, bền đẹp, nếu mình không chế tạo ra thì ở trên trời rơi xuống chăng? Một cái đài cao đẹp nếu chẳng phải do xây đắp nên thì nó ở dưới biển trồi lên hay sao? Sự nghiệp văn minh nếu không từng bước thực hiện thì tự nó đến với mình sao được? Người ta có máy móc, sao ta không tự mình mà làm? Người ta biết đổi mới, sao chỉ riêng mình là cổ hủ? Viêc học tập tinh thông các nghề ở Anh, Nhật, Đức, Mỹ tuy nhanh cũng phải đến hai năm, ta cũng đừng cho đó là điều khó. Các khoa học về binh, công, nông, thương tuy họ học nhanh cũng phải đến năm năm, ta chớ cho rằng học tinh tường như thế mà chán nản. Muốn học kĩ năng của các nước, trước hết phải học ngôn ngữ, văn học, luyện cách phát âm, cách nói của các nước đó thật nhuần nhuyễn đã, hoặc một năm, hoặc hai năm, nếu là người có chí thì phỏng có khó gì. Ta muốn lên vũ đài của văn minh, muốn hấp thụ hết những tinh túy của nước ngoài, đều phải tự mình đi khắp các kinh đô, đô thành của các nước, dù phải chịu cảnh đắt đỏ gạo châu củi quế, dù tốn kém tiền bạc thì người có sức lực há sợ gì tốn kém. Ta muốn vượt lên trên chiến lũy của văn minh, nếu nước khác phải đi một tháng mới đến đích, thì ta phải gắng sức đi đến đích chỉ một vài tuần, người khác có đôi chân đi được ngàn dặm thì ta phải cố đi được vạn dặm. Mới đầu thì ta lấy họ làm thầy, sau ta sẽ lại làm thầy của họ. Nước Nhật Bản bân giờ, có khác gì nước Việt Nam ngày mai. Đó là điều duy tân tiên phong thứ ba.
Sóng gió lớn thì biển phải dâng, ai có mắt cũng đều thấy rõ. Mưa dông to sấm chớp rầm trời, hỏi hồn nào mà không tỉnh lại? Người nước ta bây giờ nói đến yêu nước, đánh chuông trống yêu nước cũng biết bao rồi. Tuy nhiên, chỉ nói thôi mà không làm, đó là lời nói ở đầu lưỡi vậy. Biết mà không làm thì sự hiểu biết đó có khác chi hồ bột ở trong lòng. Núi sông ta đã 50 năm nay như say mà chết. Ô hô! Có thể như vậy được sao? Chí khí của kẻ trượng phu còn đương sống đây, sao không biết bay nhảy theo thời? Tôi xin bái chúc đồng bào ta: kính xin bày tỏ cùng đồng bào ta có hai phương kế phải thực hành.
- Tưới máu tươi mà trừng phạt kẻ gian nô, hãy vì việc nghĩa mà trả thù cho đồng bào;
- Đem mồ hôi nghĩa mà mưu nghiệp tốt, hãy quyên góp tiền mà mưu nghiệp lớn.
Tôi rất hổ thẹn vì không có khả năng làm được như thế, còn như đồng bào ta đây có ai mà không được? Mười ông Nhiếp Chính, trăm ông Kinh Kha [i] thì trong thế giới này không có khả năng nào mà không làm được! Một ông Tử Phòng, hai ông Lỗ Túc [ii] thì núi sông đều có thể chuyển xoay gánh vác được. Đó là điều duy tân tiên phong thứ tư.
Tiếng tăm về công đức, đường phố ngõ thôn đâu đâu cũng bàn tới, chỗ nào cũng cho là hay cả. Phong trào làm theo công đức, từ phụ nữ đến trẻ con nhi đồng, mọi người đều làm theo cả. Xin hỏi đồng bào ta ngay bây giờ: Da thịt đâu? Xương tủy đâu? Hồn phách đâu? Phải nên xem xét rõ để phân biệt hay không xét để phân biệt? Việc xem xét phải ở thực tế, việc nghiên cứu phải dựa vào hình ảnh có thực, không được bên Tây cái mâu và bên Đông cái thuẫn, không được như ngọc châu nước Tần với ngọc bích nước Triệu [iii]. Cung của người nước Sở thì người nước Sở mới được dùng [iv] không được lấy gì làm của riêng, dù là rất nhỏ cũng không được làm điều mờ ám. Từ một người cho đến một nước, hỏi có sự việc gì mà lại không thể làm được điều công đức? Ôi điều công đức! Đồng bào ai ai cũng nói đến công đức, mong mọi người hãy làm điều công đức. Người anh có lỗi lầm, không được hại người em. Người em có tài trí cũng phải dạy cho người anh cùng có. Tính mạng còn có thể đổi cho nhau được, huống hồ của cải tiền bạc lại không thể cho nhau được sao. Thân thể còn có thể cùng chung, huống chi là mảnh áo da ngựa không thể chung nhau được sao? Nước là nước ta, ta chỉ có biết có nước mà thôi. Mọi người ai ai cũng có tư tưởng hết lòng lo lắng, người nào cũng phải đem hết nghĩa vụ của mình ra đóng góp cho đất nước. Nếu anh đau ốm thì tôi thấy lo lắng buồn thương như cùng chung cái đau của một cơ thể, người kia cùng đi trên một con đường vất vả, há đâu phải hai con đường mà tính toán suy bì? Rồi sau đó sẽ tập hợp liên kết đông đảo tối đa con em ta lại để cùng tranh giành với một nhóm tối thiểu người Pháp, người Pháp liệu có may mắn thoát chết được không. Đó là điều duy tân tiên phong thứ năm.
Nói về đạo đức thì kẻ sĩ tránh nói về danh, nói về cốt cách của người anh hùng thì người ta tránh bàn tới điều lợi. Than ôi! Danh và lợi làm tổn thương tới đạo đức, cũng làm phương hại tới người anh hùng hay sao? Sợ rằng chưa biết rõ cái chân thực của những điều ham muốn đó thôi. Vì cái danh trong sớm tối mà xét rằng nó không bao giờ thay đổi, thì cũng tức là giữ lại một cái gì xấu xa nhất; vì cái lợi trước mắt nhưng một khi thế cục đã chuyển vần mà không chịu sửa đổi thì sẽ phải gặp một cái họa khôn cùng. Những điều ấy nếu gọi đó là danh thì không thể là cái danh thực được. Nếu thực sự ham muốn làm cái danh thực thì cái danh đó muôn đời cũng chẳng ai dị nghị. Cũng như các ông Hoa Thịnh Đốn [v], Tây Hương Long Thịnh [vi] cũng là vì cái danh thực mà đô thành nước Mỹ rất trọng cái giá trị tự do của ông, nên ở Đông Kinh dựng tượng đồng ông như là một mẫu đài kỉ niệm. Lòng hi vọng danh dự của hai người ấy, thật là điều sung sướng vô hạn. Mong rằng người nước ta ai ai cũng làm theo cái danh như thế. Những cái đó mà gọi là lợi thì cũng chẳng thể gọi là cái lợi chân chính. Nhưng nếu ham muốn làm điều thực thì cái lợi tất sẽ đến với mình mà muôn dân cũng được nhờ ơn. Như việc mở mang Châu Phi hao tổn biết bao là tiền của, như việc đào Kênh Tô Di Sĩ [vii] tốn biết bao mồ hôi xương máu. Hai việc đó rõ ràng là lợi phi thường vậy. Mất hơn mười năm phí tổn mà có được một châu lớn như thế, dời được nghìn vạn dân đến ở, tốn hơn 10 trăm triệu đồng mà chuyển được bao nhiêu hàng hóa từ biển Đông sang biển Tây. Con đường vận chuyển đó, tuy rằng đó là sự hi vọng lợi ích của một vài nước, nhưng cái lợi đã được thỏa nguyện. Mong người nước ta ai cũng đều làm được điều lợi.
Cơ bản mà nói thì danh một ngày với danh muôn đời, danh nào hơn? Có cái lợi riêng của mình với cái lợi của cả nước thì lợi nào lớn hơn? Chọn lấy cái danh hay thì dù muốn chết cũng chẳng từ; vứt đi nghìn vàng cũng không tiếc để cầu cho được cái danh dự cũng cứ phải mua, đó mới là làm theo cái danh thực. Chọn được cái lợi lớn thì dù cái quyền lợi của nước phải lấy sắt và máu để giành lại, văn minh phải lấy thân mình, nhà mình ra mua đề cầu cho được cái lợi ích cũng cứ phải hợp lại, đó mới là làm theo cái lợi ích chân chính vậy. Người nước ta đều có hi vọng về danh dự và lợi ích thì nước Việt Nam ta lại không giàu không cường thịnh được sao? Đó là điều duy tân tiên phong thứ sáu.
Có làm được sáu điều mong muốn ấy thì mới có được mười điều sung sướng. Thực hiện được sáu điều mong muốn ấy thì tất cả mọi quyền hành tự ta ta cầm, khuôn phép tự ta ta đúc. Trời không thể đoạt được cái mong muốn đó của ta, đất không thể giữ được cái then chốt đó của ta. Nếu người trong nước ta đều đồng lòng thì việc dời đất trời, xoay sông núi đều làm dư sức. Người nước ta há lẽ nào lại tụt lùi mà không làm được hay sao? Gom chí khí của muôn người để xây nên thành cao ngút trời, góp trí tuệ lớn rung chuyển cả núi cao thì biển nào mà không lấp nổi. Xin cúi đầu lạy, xin cúi đầu chào nước Việt Nam mới muôn muôn năm! Đồng bào nước Việt Nam mới muôn muôn năm!
Nguồn: Phan Bội Châu, Tân Việt Nam, Cục Lưu trữ Nhà nước, Hà Nội, 1989, tr. 37-46
[i] Nhiếp Chính, Kinh Kha: hai người kiếm khách đời Chiến Quốc. Nhiếp Chính đâm Hàn Tường, Kinh Kha mưu sát Tần Thủy Hoàng. Sau người ta thường gọi chung hai người là Nhiếp Kinh. (Các chú thích trong bài đều của người dịch.)
[ii] Tử Phòng: tên tự của Trương Lương người nước Hàn. Sau khi Hàn bị Tần diệt, để báo thù, Trương Lương đã giúp nhà Hán diệt Tần, nhưng sau đó đã trả ấn phong hầu mà đi tu tiến. Lỗ Túc: tự là Tử Kinh, người nước Ngô thời Tam Quốc, là người có tráng tiết và hảo tâm, được Chu Du tiến cử lên Tôn Quyền. Có công giúp Chu Du đại phá Tào Tháo trong trận Xích Bích.
[iii] Tần là tên một nước mạnh đời Chiến Quốc ở vào đầu địa phận tỉnh Thiểm Tây bây giờ. Theo Sử kí, vua Tần tin vua Triệu có ngọc bích quý, muốn đoạt viên ngọc đó, bèn sai đưa thư vờ xin đổi 15 thành. Nhưng nhờ có mưu thần Lạn Tương Như mà vua Triệu vẫn giữ được viên ngọc quý đó mà không bị mất vào tay vua Tần.
[iv] Sở là một nước lớn đời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc – Hồ Nam bây giờ, nổi tiếng về giỏi săn bắn. Vua nước Sở đi săn bị mất cung, có người nói rằng cung đó lại do người nước Sở bắt được, không lạc đi đâu cả. Ý nói của ai thuộc người đó, không xâm phạm đến đất đai, tài sản của người khác.
[v] Hoa Thịnh Đốn: George Washington (1732-1799) là tổng tư lệnh trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho nước Mỹ. Năm 1789 được cử làm Tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
[vi] Tây Hương Long Thịnh: Saigo Takamori (1828-1877) là người có công đầu trong cuộc Duy Tân của Nhật Bản, từng giữ chức vụ tham mưu đại đô đốc từ năm Minh Trị và từng làm đại tướng lạc quân, có nhiều công lao trong việc xây dựng nước Nhật hùng cường.
[vii] Kênh Tô Di Sĩ: kênh Suez nối liền Địa Trung Hải với Hồng Hải, chiều dài 161 Km từ Port Said đến Cảng Suez. Việc đào kênh để rút ngắn con đường biển nối liến Âu Á do kĩ sư Ferdinand de Lesseps đế xuất thực hiện và khánh thành vào năm 1869.
Categories: Tư liệu
Tags: Phan Bội Châu, Tân Việt Nam