Tác giả

Chuyên mục

Trang

Nếu các nhân vật hư cấu đi bầu

Th12 15, 2020

Phạm Thị Hoài

Khó có thể tìm ra người ủng hộ Trump trong giới tác giả văn học và điện ảnh Mỹ, nhưng những nhân vật hư cấu nổi tiếng, hiện thân sống động của xã hội, văn hóa và tính cách Mỹ qua các thời đại và bối cảnh khác nhau, họ chọn ai làm tổng thống của mình? Một số chuyên gia đã trả lời câu hỏi này trên trang 2paragraphs, khi Donald Trump đánh bại Hillary Clinton bốn năm trước.  

Đại gia Gatsby

Theo Maureen Corrigan, giáo sư tại Đại học Georgetown, thoạt nhìn thì việc Jay Gatsby trong Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) của F. Scott Fitzgerald chọn Trump có vẻ quá hiển nhiên. Hai đại gia này đều sở hữu một bản năng trơ tráo để không từ một thủ đoạn vụ lợi nào cho bản thân, kể cả những phương tiện mờ ám hay thậm chí đạp lên luật pháp. Cả hai đều chung gu trọc phú lố bịch, Trump Tower là phiên bản nhôm kính của lâu đài Gatsby ở West Egg. Cả hai đều chia sẻ ảo ảnh khập khiễng về một quá khứ vàng son đã mất: Trump thì “Make America Great Again”, Gatsby thì quyết phục hồi thời đắm say của một tình yêu chỉ còn tàn tích.

Nhưng Gatsby sẽ không đời nào chọn Trump. Những tương đồng bề ngoài không át nổi sự ghê tởm của chàng với tất cả những gì mà Trump đại diện, vì Trump chính là nhân vật Tom Buchanan trong đời thực, kẻ tình địch đã nẫng mất nàng Daisy của chàng. Đọc bản thảo, biên tập viên lừng danh Maxwell Perkins của NXB Scribner phải thốt lên rằng ra đường mà gặp nhân vật tởm lợm này ông sẽ nhận ra ngay và lập tức tránh xa. Gatsby, tự tay gây dựng cơ đồ, không thể ưa cả Trump lẫn Tom Buchanan, những kẻ rỗng tuếch háo danh chỉ may mắn sinh ra để tiêu tiền của người khác, để vênh vang bằng thứ quyền năng bịp bợm, để phun ra một mớ lộn xộn, chẳng hạn về biến đổi khí hậu và da trắng thượng đẳng, và để không thể không sỗ sàng thọc tay vào phụ nữ. Gatsby, trước hết là một gã si tình mộng mơ nên làm sao có thể ưa một kẻ vũ phu vô tri như Trump tức Buchanan. Chàng sẽ bầu cho Hillary Clinton, dù bà ấy, cũng như nàng Daisy, không còn xứng với khả năng mở to mắt mà ngạc nhiên của chàng.

Nhân tiện: Leonardo DiCaprio, diễn viên đóng vai đại gia Gatsby trong bộ phim cùng tên năm 2013, bền bỉ chống Trump từ rất sớm

Luật sư Atticus Finch

Theo Patrick Chura, giáo sư tại Đại học Akron, luật sư và dân biểu Atticus Finch chắc chắn bầu cho Trump, và điều này đúng cho cả Atticus Finch nhiệt thành bênh vực một người da đen để bảo vệ lẽ phải trong Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird), lẫn Atticus Finch, vẫn dấn thân, nhưng đầy thiên kiến và đứng hẳn về phe chia rẽ chủng tộc trong phần tiếp theo, Hãy đi đặt người canh gác (Go Set a Watchman), đều của Harper Lee. Người dẫn truyện, cô bé Scout ngây thơ trong phần I đã tự hào và kính trọng ngước mắt nhìn lên người cha nghiêm minh, vị anh hùng dám thách thức định kiến của đám đông vì “điều duy nhất bất chấp đa số là lương tâm”. Hai mươi năm sau, trong phần II, cô sinh viên luật Scout từ thành phố New York cấp tiến về quê, bang Alabama ở miền Nam nước Mỹ và kinh ngạc nhận ra cũng người cha ấy bây giờ có chân trong Hội đồng Công dân Da Trắng, truyền bá những ấn phẩm mà tiến sĩ Nazi Goebbels chỉ đáng xách dép. Ông tâm niệm rằng người da đen lạc hậu không thể học chung trường và chung quyền bầu cử thiêng liêng chỉ dành riêng cho những người đủ năng lực gánh vác trách nhiệm công dân. Tu chính án 15 vì vậy không dành cho họ. Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp của Trump, khi là tổng chưởng lý ở chính bang Alabama ấy từng gây nhiều tai tiếng vì đã hạch sách đe nẹt người da đen lớn tuổi đi bầu cử. Câu nói đùa để đời của ông ta là: tôi thấy KKK cũng OK nếu họ không xài cần sa.

Scout cũng nhận ra rằng Atticus Finch không hề tự diễn biến hay trải qua một bước ngoặt đột phá. Trước sau ông vẫn là một người cha tận tụy, một công dân yêu quê hương và kính Chúa, một tâm hồn bảo thủ, ưa thích kỷ cương trật tự, dị ứng trước sự tự do thái quá ở các bang miền Bắc và mong giữ nguyên hiện trạng thủ cựu ở miền Nam. Việc ông hiên ngang đứng canh trước tòa để ngăn đám đông hành hình anh da đen Robinson chẳng liên quan gì đến màu da, ông chỉ làm tất cả để duy trì an ninh và thiết lập trật tự. Lời biện hộ của ông cho Robinson thực ra phải hiểu là: chúng ta không kết án người đàn ông này vì anh ta vô tội, nhưng người da đen không xứng đáng được hưởng công bằng xã hội, và kẻ nào ở miền Bắc nói khác thì tức khắc là kẻ thù của chúng ta. Biện hộ cho một người da đen vô tội và đồng tình với địa vị bất khả xâm phạm của da trắng thượng đẳng. Tổ ấm chính trị của ông chính là phong trào cực hữu alt-right, căn cứ địa làm nên chiến thắng của Trump. Ở quê hương của Atticus Finch, bang Alabama, Trump dẫn 29 điểm và hơn Clinton 600.000 phiếu.

Nhân tiện: Nhà văn Harper Lee qua đời trước khi Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, song trong bức thư viết năm 1990 cho một người bạn gái, bà gọi khách sạn sòng bạc Trump Taj Mahal ở Atlantic City là địa ngục trần gian, là hình phạt khủng khiếp nhất của Thượng đế dành cho con chiên tội lỗi.

Ông bố bình dân Homer Simpson 

Theo Jonathan Gray, giáo sư tại Đại học Wisconson-Madison, Homer Simpson trong loạt phim hoạt hình Gia đình Simpson (The Simpsons) thường chỉ là một bản năng, một vô thức, phát ngôn cho bất kỳ một ý tưởng ngớ ngẩn nào vừa nảy ra trong đầu, nên có lẽ nhân vật này sẽ mến Trump vì ông ta khá giống mình. Hơn nữa, Homer thích những điệp khúc vô nghĩa nhưng ngắn gọn dễ lọt tai, “Monorail!” cũng hay – như trong tập 12 phần 4 – mà “Lock Her Up!” cũng tuyệt – như cổ động viên của Trump hò reo đòi tống bà Clinton vào tù. Nhưng những lần trước Homer không đi bầu, sao lần này lại đổi ý? Vì rất yêu con gái Lisa, đứa con tài năng nhất gia đình, và mong được con tha thứ cho biết bao khuyết điểm của bố chăng? Mà Lisa thì ủng hộ Hillary Clinton trăm phần trăm. Lisa theo nữ quyền, biết biến đổi khí hậu là có thật và tin tưởng ở nhập cư. Lisa không rảnh để bận tâm tới những chiêu trò phản tri thức và đám đông chỉ giỏi hò hét bắt nạt. Lisa tôn trọng bất kỳ ai làm tốt việc của họ vì Lisa cũng làm tốt việc của mình. Những thần tượng lớn nhất của Lisa là người da đen (Bleeding Gums Murphy) và Do Thái (Mr. Bergstrom). Động cơ thúc đẩy Lisa trước sau vẫn là quan tâm đến người khác, trong khi Trump chỉ thấy bản thân là trước hết và trên hết. Vậy Lisa sẽ không mất thời gian với Trump. Mà quả thật, theo tưởng tượng của cậu con trai cả Bart trong tập “Bart hình dung về tương lai” đậm vị tiên tri thì em gái cậu, chính là Lisa, sẽ thắng cử tổng thống Hoa Kỳ và phải xắn tay dọn dẹp đống hỗn loạn đổ nát mà vị tiền nhiệm để lại. Tên vị đó là Donald Trump. Ngay trước khi tập này lên sóng, Trump thất bại và rút lui khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000. Khi đó, ông ta là ứng viên của Đảng Cải cách (Reform Party).

Vậy Homer tuy càu nhàu nhưng sẽ chiều con gái, sẽ đăng ký cử tri, sẽ bầu cho Hillary Clinton dù sẽ đội chiếc mũ in dòng chữ “Make America Great Britain Again” đi đến thùng phiếu. Và  tất nhiên bà Clinton sẽ thất cử, hai cha con Homer và Lisa con sẽ kinh hoàng chứng kiến ai là những kẻ hăng hái gia nhập nội các của Trump: lão Montgomery Burns giàu sụ keo kiệt, tay khủng bố Hank Scorpio thích làm thiên tài tuyên chiến với hệ thống và luật sư toàn thua Lionel Hutz.

Nhân tiện:

1) Người viết bài này đã nhiều lần thắc mắc mà chưa được giải đáp: nhân vật Lionel Hutz, gã luật sư luôn cháy túi, từng trấn an thân chủ trong một vụ tranh tụng vì giấy phạt đậu xe rằng cùng lắm thì bị án tử hình chứ có gì mà lo, huênh hoang tốt nghiệp khoa luật trường Princeton, dù trường này chưa bao giờ có khoa luật, vì sao nhân vật ấy ngoài tên phụ Miguel Sanchez còn có cái tên Việt là Dr. Nguyen Van Phuoc.

2) Tác giả Matt Groening, cha đẻ của Gia đình Simpsons, ngay trước đợt bầu cử lần này, 2020, cho raTrumpy’s Rhapsody” đầy chế nhạo vị tổng thống đương nhiệm.   

Kiến trúc sư Howard Roark 

Theo Shoshana Milgram Knapp, giáo sư tại Đại học Virginia Tech, Howard Roark trong Suối nguồn (The Fountainhead) của Ayn Rand sẽ cân nhắc kĩ những ý tưởng quan yếu của mỗi ứng viên. Suốt đời theo đuổi một tồn tại độc lập và tin tưởng mãnh liệt rằng quốc gia này xây trên nền tảng của chủ nghĩa cá nhân, chàng sẽ phản đối chủ trương Dân chủ phân phối tài sản và ủng hộ chủ trương Cộng hòa bảo vệ thành tựu của cá nhân tự do. Lá phiếu của chàng phản ánh hy vọng của chàng, rằng người thắng cử sau này sẽ hành động đúng như đã hứa với cử tri và sẽ không trở thành kẻ sống kiếp thứ sinh (second-hander) tồi tệ nhất – tức chỉ chạy theo quyền lực. Sau bầu cử, có lẽ Howard Roark sẽ nhận ra – cũng như Ayn Rand, tác giả của nhân vật này, đã nhận ra  – rằng các ứng viên hoàn toàn có thể phản bội những xác tín can đảm của mình. Nhưng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 1940, cũng như tác giả Ayn Rand, chắc Howard Roark đã không chọn ứng viên Dân chủ Franklin D. Roosevelt mà bầu cho ứng viên Cộng hòa Wendell Willkie. Khả năng chàng chọn Trump là rất cao.

Nhân tiện: Các tác phẩm của Ayn Rand, đặc biệt là Atlas vươn mình (Atlas Shrugged) được ví như Kinh thánh thế tục của những người theo Cộng hòa, đặc biệt là phong trào cánh hữu dân túy Tiệc Trà (Tea-Party).

Nữ chiến binh Katniss Everdeen 

Theo George A. Dunn, tác giả cuốn Triết và Đấu trường sinh tử: Phê phán phản bội thuần túy (The Hunger Games and Philosophy: Critique of Pure Treason), thật khó biết Katniss Everdeen trong bộ truyện Đấu trường sinh tử (The Hunger Games) của Suzanne Collins chọn ai hoặc thậm chí cô có đi bầu không, nhưng nhờ lá phiếu của những người như cô mà Trump thắng lớn trong cuộc bầu cử vừa rồi. Cô là một thiếu nữ chân quê giản dị vùng núi Appalachia chỉ thạo nghề săn bắn, cha thợ mỏ, xung quanh là những thân phận thảm hại của một cộng đồng nghèo khó, nuôi sẵn niềm nghi kị thâm căn với tầng lớp tinh hoa kiếm lời trên lưng những người thân yêu nhất của cô. Nếu hơn vài tuổi, chắc cô đã bầu cho Barack Obama cả hai nhiệm kỳ, chỉ để thêm khắc sâu niềm nghi kị ấy khi thấy cộng đồng của cô ngày càng sa sút. Nói vắn tắt: cô chính là hiện thân nhân khẩu học của bộ phận dân chúng ủng hộ Trump.

Nhưng Katniss như chúng ta biết là một chiến binh bất khuất chống bạo quyền, làm sao cô có thể chọn một kẻ không buồn giấu diếm khuynh hướng độc tài thô bạo như Trump? Có thể có những lý do khác được cô ưu tiên hơn. Có thể cô không thấy những gì chúng ta thấy. Rốt cuộc cô cũng đủ ngây thơ để đem tài năng phụng sự một tâm địa hắc ám như tổng thống Alma Coin và thậm chí còn tin những lời đường mật của bà ta là sẽ đánh đổ chế độ độc tài để khôi phục quyền lực của nhân dân.  

Xả thân qua bao trận sinh tử và trở thành một biểu tượng cách mạng, song Katniss không phải là một nhà hoạt động chính trị theo nghĩa truyền thống. Cô xa lạ với những giá trị trừu tượng như dân chủ, tự do hay công bằng xã hội. Động lực ở cô thuần túy xuất phát từ tình yêu gia đình và bạn bè. Nếu quyết định đi bầu, chắc chắn cô sẽ chọn ứng viên mà cô tin có thể đem lại cho đứa em gái Prim của mình một tương lai khả dĩ trong nền kinh tế suy sụp ở miền sơn cước. Như nhiều người khác, cô sẽ đặt cược vào lời hứa hão của Trump về hồi sinh ngành công nghiệp than đá. Cơ hội thắng cược của cô tất nhiên rất nhỏ. Không lâu sau, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, cô và những người cùng cảnh ngộ sẽ vỡ mộng, và họ sẽ phải rất kiềm chế để không bắn thẳng một mũi tên xuyên qua ngực Donald Trump.

Nhân tiện: Jennifer Lawrence, diễn viên đóng vai Katniss Everdeen trong bộ ba phim Đấu trường sinh tử, cho biết cô vốn sinh trưởng trong môi trường Cộng hòa, lần đầu được bỏ phiếu đã bầu cho John McCain, nhưng Trump đã khiến cô trở thành một trong những siêu sao màn bạc chống ông ta hăng hái nhất.

Thiếu niên nổi loạn Holden Caulfield

David Huddle, giáo sư tại Đại học Vermont, phát ngôn thay Holden Caulfield, cậu học trò 16 tuổi đứng trước ngưỡng trưởng thành và chỉ thấy một thế giới của người lớn ngập ngụa giả dối đang chờ mình trong Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye) của J. D. Salinger:

Okay, bạn biết tôi ghét giả dối, phải không? Thế giả dối nhất lịch sử nhân loại là ai? Là cái lão hôm nay bịp cả trăm lần và hôm sau bịp thêm trăm lần nữa, nhưng ngược hẳn những điều hôm qua vừa bịp. Lão giống hệt bộ phim về chính khách bịp bợm nhất thế giới, nhưng thay vì ra vẻ thân thiện và thực tế và sẽ làm những điều hay ho cho đất nước thì thủ thuật của lão là bựa toàn tập, có bao nhiêu đê tiện mửa ra hết. Lão phóng côn đồ ra đường nện người biểu tình. Lão rắp tâm trục xuất phân nửa người nước ngoài đến đây mưu cầu một cuộc sống dễ thở hơn, tống cổ luôn cả con cái họ, mà bọn nhóc đó nói tiếng Anh hơn đứt lão. Lão làm tình làm tội người Hồi giáo cho đến khi họ ước gì đừng bao giờ đặt chân lên mảnh đất này. Lão hùng hục chọc tức Trung Quốc. Lão phái lục quân, hải quân, không quân đi quét sạch Syria, Iraq và Iran, rồi tiến vào cuỗm hết dầu ở đó đem về, rồi sẽ phái Exxon sang dọp dẹp và biến một nửa Trung Đông thành khu lọc dầu, bơm nốt phần còn sót sang thẳng các trạm xăng ở Hoa Kỳ. Ngoài ra còn khối chuyện khác: lão huyênh hoang mình là ngôi sao truyền hình, nên sờ soạng chị em thì đương nhiên, có gì mà xoắn. Lão bảo mình giàu tới mức đám chúng ta đét biết thế nào mà hình dung, nhưng lão đét đóng thuế, đét trả công, nợ hàng triệu tiền lương nhưng phủi tay đét trả vì đét hài lòng với thợ. Lão dính cả chùm vụ kiện và cả đống vụ phá sản, nhưng đét biết xấu hổ mà lại nổ rằng mình phá sản rất nhà nghề. Không chắc lão thực sự là đàn ông. Biết đâu lão là một con robot siêu hạng do Nga tuồn sang để biến nước Mỹ thành bãi đất hoang. Nếu bạn có một bộ óc, một tâm hồn hay một trái tim, chắc chắn bạn phải khinh bỉ con người đó bằng từng thớ thịt, từng hơi thở của bạn. Nhưng tôi nói thật, tôi đã cố lắm nhưng không có cách nào căm ghét lão cho đủ, như lẽ ra phải ghét cho hết cỡ. Tôi đã huy động cả luân lý và tôn giáo. Chúa Jesus sẽ làm gì với lão? Hay Đức Phật? Hay Mẹ Teresa? Tôi đã luyện tập, tôi đã nhìn thẳng mình trong gương và tự nhủ: Mình không đủ sức căm ghét con người đó thì thật chẳng đáng đứng giữa đồng xanh trông trẻ. Nhưng vì sao vẫn không thành? Vì lão đáng căm ghét vô tận, đến mức cái phân mảnh mà tôi nắm được quá ít ỏi, không đủ lượng cần thiết để căm ghét lão cho xứng đáng. Hoặc vì tôi sinh ra cùng một cơn ác mộng và lão đến thẳng từ cơn ác mộng đó.

Chàng thanh niên mới lớn kết thúc trong tuyệt vọng, rằng ngày xửa ngày xưa có vài người đàn ông thông tuệ và giàu đức hạnh đã phát minh ra nước Mỹ. Bây giờ chẳng còn ai giống thế và người Mỹ hiện tại chỉ còn hùa nhau biến tất cả thành một siêu thị Walmart diện tích bằng trọn bang Texas với một bãi đậu xe khổng lồ bao quanh. Đôi khi người ta nhìn ra ánh sáng, còn chàng thì nhờ Trump mà nhìn ra một bóng tối đặc quánh và sâu thẳm, khiến tất cả chúng ta mờ mắt, như đui mù. Nên chàng đến sống ở thành phố chết Uranium City bên kia biên giới nước Mỹ, vì nếu phải sống trong đen tối thì thà chọn luôn hiện thực đen tối cho xong.

Nhân tiện: Đã có vài bản dịch Bắt trẻ đồng xanh, song tác phẩm lừng danh này không hề gây một tiếng vang đáng kể nào tại Việt Nam. Nhưng có thể hỗ trợ kiệt tác ế hàng này bằng cuốn Ứng viên đồng xanh (The Candidate in the Rye) của John Marquane về ba ngày dạt vòm của ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngay trước bầu cử. Chắc chắn gây bão và trở thành sách gối đầu giường không phải của thanh thiếu niên, mà của cha mẹ ông bà thanh thiếu niên Việt Nam.