Tác giả

Chuyên mục

Trang

Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca? (2)

Th10 6, 2013

Từ Linh

(Xem kì 1 hoặc toàn bài trong bản PDF)

6. Thiếu phản biện, thừa nể nang?

Trong sinh hoạt trí thức, chính trị, xã hội, tôn giáo của người Việt hải ngoại, nhìn chung, có lẽ cũng còn quá ít “văn hóa phản biện” trong khi có quá nhiều “văn hóa nể nang”.

Ở Việt Nam, người phản biện rất dễ bị chụp mũ là “phản động”, là “chống cộng”.

Còn ở hải ngoại, người phản biện lại rất dễ bị chụp mũ là “phản bội”, là “thân cộng”, thậm chí “tay sai Việt Cộng”.

Trong nước, nếu tôi chống Tàu xâm lược biển đảo, nếu tôi nói tới dân chủ, đa đảng, đa nguyên thì rất có thể tôi sẽ bị bỏ tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước, tìm cách lật đổ chế độ.

Ngoài nước, nếu tôi có ý kiến rằng:

– Hãy có phản biện, hãy có đối lập trong cộng đồng hải ngoại, để chân lý được nhìn từ nhiều góc cạnh…

– Hãy không mang cờ, không mang khẩu hiệu, chỉ mặc áo trắng đến cầu nguyện cho người tù lương tâm tuyệt thực (như một nhóm bạn ở Munich, Đức, đã kêu gọi và thực hiện vào ngày 1/8/2013 nhân vụ Điếu Cày); hoặc mang cờ vàng ba sọc đỏ hoặc cờ đỏ sao vàng đều được, miễn có mặt biểu tình chống Trung Quốc xâm lược (như nhóm người Việt trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Hamburg, Đức, đã làm ngày 16/7/2011)…

thì rất có thể tôi sẽ bị xem là thiếu thận trọng, là đụng phải vấn đề nhạy cảm, là vô tình hay cố ý xóa mờ ranh giới Quốc-Cộng, hoặc tôi nên im đi thì hơn, hiện trạng ra sao cứ để vậy, cho “ổn định”…

Phải chăng cộng đồng người Việt ở ngoài vẫn chưa có văn hóa phản biện công khai lành mạnh, trong đó người phản biện có thể yên tâm rằng mình sẽ không bị cô lập hay loại trừ, chưa nói đến được bảo vệ hay được khuyến khích phản biện?

Phải chăng một phần vì cộng đồng được hình thành trên căn bản những “hội bạn” tự nguyện, lấy thiện chí làm năng lượng, vì vậy nhiều cảm tính? Đã là bạn mà cứ phản biện, đối lập thì mất vui, khó đoàn kết?

“Quyền phản biện” – bản chất là quyền tự do ngôn luận, quyền được nói – vẫn còn là xa xỉ, và có lẽ là vấn đề lớn của không chỉ cộng đồng hải ngoại, mà còn của cả dân tộc Việt Nam.

Nói thêm:

Tôi tin rằng, chỉ khi nào QUYỀN PHẢN BIỆN được tôn trọng khắp nơi: trong gia đình (giữa cha và con, dù con chỉ 8, 9 tuổi, thay vì chỉ có cha nói con phải nghe; giữa vợ và chồng, thay vì chồng “chúa” vợ “tôi”), trong trường học (giữa thầy cô với học trò, thay vì mọi lời thầy cô đều đúng), trong công ty (giữa nhân viên và ban giám đốc, thay vì lời tổng giám đốc phải được tuân thủ như lời giáo chủ), trong nhà thờ (giữa linh mục với giáo dân, thay vì cha phán con phải nghe), trong nhà chùa (giữa sư thầy và Phật tử, thay vì mọi lời thầy đều vàng ngọc), trong nhà thương (giữa bác sĩ và bệnh nhân, thay vì chẩn đoán của một bác sĩ là đúng tuyệt đối), trong nhà dưỡng lão (giữa người chăm sóc và người già, thay vì người già được xem là không biết gì), trong cả nhà thổ (giữa khách làng chơi và kiều nữ, thay vì khách là Thượng đế muốn gì cũng phải chiều)… rồi rộng hơn nữa, có phản biện thực chất trong sinh hoạt trí thức, làm tin, làm văn hóa nghệ thuật, làm blog, làm phê bình (giữa người viết, người diễn với người đọc, người xem, có bênh, có chống, thay vì mọi người im lặng mặc kệ những phát ngôn một chiều), và cứ thế, cứ thế, quyền phản biện được tôn trọng trong từng cơ quan nhà nước, trong hàng ngũ chính phủ, trong nội bộ Đảng, và xã hội có hẳn những lực lượng phản biện đối diện thẳng với Đảng Cộng sản… thay cho cảnh mọi người phải ngậm miệng tuân theo “chân lý của một người” hay vài người… Có như vậy thì mới hy vọng dân tộc ta có thể tiếp cận được thực tại của chính mình và biết cách sửa đổi hiệu quả hơn.

Tôi cũng tin rằng báo chí tự do đúng nghĩa và tư pháp độc lập thực sự là hai điều kiện tối quan trọng, ít nhất là để sự thật khách quan được nhìn nhận và thượng tôn.

Trong khi thiếu phản biện, chúng ta dường như lại quá thừa nể nang, và rất dễ rơi vào hai thái cực: Một mặt thì “nể nhau thái quá”, không dám nói, không dám nhắc tên nhau dù bất đồng, bất bình, bất mãn, nói lời thật thì cứ sợ mất lòng. Mặt khác thì ngược lại, ta cũng rất dễ “giận” nhau, dễ kết luận vội vã về nhau, dẫn đến cơm canh chua cay, chén đĩa bay, chia tay. Mà đã chia tay thì “không đời nào” nhìn mặt nhau, dù vô tình đi ngược chiều đụng phải nhau trên phố vào đúng ngày Quốc hận, Quốc khánh, hay vào dịp lễ hội văn hóa đề cao tình đồng bào nào đó.

Chẳng trách, nhiều người không muốn, vì không thể, nằm chung.

Chẳng trách, có nhân sĩ trí thức tuy rất thích hòa tấu nhưng chỉ “dám” độc tấu, với suy nghĩ “An toàn trên hết. Mình không đụng đến ai, cũng không ai đụng đến mình.”

(Nghĩ như vậy có phải ta lại tiếp tục lọt vào bẫy chia rẽ của “thế lực thù địch”, tức của người cộng sản, hay không? Khó thật!)

7. “Thế lực thù địch”?

Người cộng sản Việt Nam thường dùng cụm từ “thế lực thù địch” để quy chụp những ai họ không thích nằm chung, và điều này đã đẩy họ cách xa với cả những ai vốn có cảm tình với họ, xa cả những đảng viên ủng hộ họ, và xa cả những sinh viên, thanh niên, trí thức trẻ yêu nước thuần túy.

Nhưng chụp mũ có lẽ là chuyện phụ, chuyện chính nằm ở chỗ chế độ độc tài toàn trị cộng sản và những sai lầm họ phạm phải, những chính sách họ thi hành suốt mấy chục năm nay đã là cú nổ lớn “Big Bang” khiến hàng triệu người Việt bị hất văng ra khỏi đất nước, như những thiên thạch bị bắn ra xa và trở thành kẻ lưu vong trong những vũ trụ khác.

Buồn thay, cú Big Bang ấy vẫn còn sức xé toạc và cách ly khó cưỡng lại, cho đến tận bây giờ.

Nói thêm:

Nhân nói về sự phân hóa từ di sản cũ và về “quyền phản biện”, tôi xin phép đưa ra vài suy nghĩ sau đây, liên quan đến vụ Hòa thượng Thích Quảng Độ công bố “Cáo bạch” từ chức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), và “Thư trình” yêu cầu ngài tiếp tục lãnh đạo.

Những việc này diễn ra trên không gian công luận, ít nhiều vừa phản ảnh lại vừa ảnh hưởng đến cái nhìn của người Việt về nhau, nên xin phép đặt ra ở đây.

Dù rất nể nang những người được đề cập, nhưng tôi vẫn tin phản biện sẽ ích lợi hơn im lặng. Xin được nói ba điều sau:

1. Thật ngạc nhiên là trong Thư trình của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế – cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa đạo, GHPGVNTN – đề ngày 31/8/2013, được 12 vị tu sĩ và cư sĩ có tiếng gửi cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, cũng có dòng chữ này (người viết gạch dưới để nhấn mạnh):

”Sau năm 1975 ở hải ngoại những thế lực chống phá Phật giáo mở nhiều chiến dịch vu cáo Phật giáo Việt Nam nói chung và GHPGVNTN nói riêng là ‘thân cộng’, đi với cộng sản để làm sụp đổ chế độ Cộng hòa Miền Nam. Các thành viên của Giáo hội gặp vô số khó khăn trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.”

Câu hỏi xin đặt ra là: Phải chăng đoạn văn trên, vô tình hay cố ý, gây ấn tượng rất xấu cho “thế lực” mà Thư trình gọi là “chống phá”, và gây cảm tưởng rằng “thành viên của Giáo hội” là phía nạn nhân, trong khi “cộng đồng người Việt ở hải ngoại” là phía làm hại?

2. Trong Cáo bạch của Hòa thượng Thích Quảng Độ, đề ngày 30/8/2013, (tuyên bố rời bỏ vị trí lãnh đạo GHPGVNTN và lý do) có nhắc đến việc Hòa thượng Thích Chánh Lạc bị “liên tục tố cáo” là đã:

“vi phạm trọng giới Dâm và Vọng với những bằng chứng cụ thể, minh bạch, không thể chối cãi”.

Câu hỏi xin được đặt ở đây là: Vậy thì Hòa thượng Thích Chánh Lạc đương nhiên là có tội, hay mới chỉ bị “tố cáo”? Và có phải hội đồng kỷ luật của Giáo hội đã vừa làm công tố, vừa là bồi thẩm, vừa là quan tòa cùng lúc? Còn người bị tố cáo thì sao, có được ai biện hộ hoặc tự biện hộ không?

Thiết nghĩ, một tu sĩ, hay thành viên một tổ chức, trước hết vẫn là một công dân được luật pháp bảo vệ, và “anh vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội”, và chỉ có tội sau khi tòa kết luận anh có tội.

Tôi không biết Hòa thượng Thích Chánh Lạc là ai, tôi cũng kính trọng Hòa thượng Thích Quảng Độ, qua những gì được đọc về ngài hay do ngài viết. Nhưng nói tới “tội” của một người theo cách như thế, trong một Cáo bạch phổ biến rộng rãi, có lẽ là điều không ổn.

3. Trong Cáo bạch và Thư trình còn có những câu chữ khẳng định khác.

Theo Cáo bạch (30/8), những người bênh vực Hòa thượng Thích Chánh Lạc đã:

“… thỉnh ý Chư Tăng cả năm Châu Lục tất cả đã đồng tình lưu giữ Hòa thượng Thích Chánh Lạc… “.

Trong Thư trình (31/8) cũng có câu:

“… trên hết và sau hết, chính Ngài [Thích Quảng Độ] là niềm hy vọng và sự tin tưởng cho tất cả những ai thật sự ưu tư cho tiền đồ của quê hương và Phật giáo”,

và câu:

“… ai cũng dễ dàng nhận thấy được là trong tất cả sự vận động công luận quốc tế thì chỉ nghe đến danh và đức của Ngài đã là một thông điệp hiền hòa, thuyết phục và sáng giá…”.

Thành thực mà nói, loài người đã sống trong Thời của Lý trí từ lâu, sắp qua rồi, nhưng sao ngôn ngữ được dùng như vừa nêu, những cụm từ như “cả năm châu… tất cả… tất cả những ai thực sự ưu tư… ai cũng dễ dàng nhận thấy… chỉ nghe đến…” và ý nghĩa của nó, nghe cứ như ngôn ngữ từ một thời xa xôi nào đó.

Người trí thức trẻ hôm nay sẽ nghĩ gì khi đọc những điều trên? Phải chăng thay vì được thuyết phục xuôi, có thể họ sẽ bật lên nhiều nghi vấn ngược?

Tôi xin chân thành cúi đầu trước những vị đáng kính và thưa rằng: Xin đừng khẳng định như chân lý phổ quát những điều mới chỉ là ý kiến, suy nghĩ, giả thuyết, hay mong muốn của một số người.

Tôi kính trọng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi kính trọng các tu sĩ, nhưng cũng như mọi người và mọi tu sĩ, tôi kính trọng trí tuệ, từ bi và lòng dũng cảm mà đạo Phật đề cao.

8. Hiệu quả mờ?

Những điều vừa nêu ở trên: Tiềm năng chưa được khai thác, hội đoàn tự phát, thành công nhờ những cá nhân, thiếu phản biện, cảm tính lấn lý tính, thêm vào tác động phân hóa từ ngoài và từ xa xưa, cộng với quyền chọn lựa riêng của từng người… dẫn đến tình trạng chung là: Nhân sĩ, trí thức, cả người bình thường nữa, dù rất thiện chí muốn làm điều tốt cho cộng đồng và đất nước, họ cứ tiếp tục đứng xa nhau và tránh xa các tổ chức chính trị.

Hoặc nói như Giáo sư Nguyễn Văn Bông:

“… công dân thích có một lập trường chính trị trong những tổ chức không mục tiêu chính trị hơn là tham gia thẳng thắn vào đảng phái chính trị.”[i]

Rút cuộc là cộng đồng 4 triệu người đến nay vẫn chưa có khả năng quyên góp tài lực, huy động nhân lực và vận động quyền lực một cách hữu hiệu cho những việc chung, như bảo vệ quyền lợi, phát huy tiềm năng cho người Việt hải ngoại, góp sức đấu tranh vì nhân quyền, tự do, dân chủ cho Việt Nam.

Khả năng phối hợp hành động khi cần thiết của cộng đồng cũng chưa hiệu quả, chẳng hạn như lôi cuốn dư luận thế giới chú ý đến một tù nhân lương tâm đang tuyệt thực, tổ chức biểu tình, cầu nguyện khắp nơi có người Việt, thu thập vài trăm ngàn chữ ký khi cấp bách…

Phản ứng thưa thớt, chưa xứng với nội lực và tiềm năng của cộng đồng người Việt hải ngoại trong việc hỗ trợ tù nhân lương tâm Điếu Cầy tuyệt thực vào tháng 7/2013 là một ví dụ điển hình.

Đáng tiếc là chưa có một cuộc nghiên cứu xã hội học nào đủ thấu đáo, sâu rộng và cập nhật về đề tài cộng đồng người Việt, về các nhân sĩ trí thức gốc Việt, về các hội đoàn người Việt để mọi người có một cái nhìn chính xác hơn.

Phải chăng sự thiếu vắng này cũng cho thấy sự lỏng lẻo của khối hàng triệu người Việt hải ngoại, dù tồn tại 38 năm nay?

9. Làm gì?

Cộng đồng người Việt hải ngoại có phát huy được tiềm năng không? Nhân sĩ trí thức có thể đứng ngồi cạnh nhau không?

Chúng ta mong là có.

Hãy tưởng tượng một ngày không xa sẽ có một Đại Hội nghị Người Việt Toàn cầu, như một thứ Hội nghị Diên Hồng mới, để từ đó hình thành một cơ quan đại diện và điều phối có thực chất, một tiếng nói chung có thực chất, quy tụ được nhân tài và tài chính để có thể thực hiện những cuộc vận động lớn lao, trong đó có những việc tưởng chừng dễ dàng như: ra một tờ báo, một đài phát thanh, một kênh truyền thông chuyên nghiệp bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nhằm phổ biến sự thật về Việt Nam cho thế giới biết, thay vì để mặt trận thông tin cho nhà nước cộng sản Việt Nam thao túng, với sự kháng cự tự phát của những nhà báo viết blog tự do, một số báo giấy, báo mạng của người Việt hải ngoại, và một số báo đài quốc tế.

Hiện nay, có lẽ các cơ quan thông tấn, các cơ quan nhân quyền quốc tế như Amnesty International, Nhà báo Không Biên giới, Human Rights Watch… đang rất cần một đối tác uy tín, có thể nói lên tiếng nói khách quan, trung thực, đa chiều, thấu đáo về thực tại Việt Nam, thay vì bên trong thì chỉ dựa vào một số thông tín viên tại chỗ, còn bên ngoài thì… cứ hỏi giáo sư Carl Thayer, thường xuyên là giáo sư Carl Thayer, lúc nào cũng giáo sư Carl Thayer. (Thì giáo sư nhận định sắc sảo nên mới hỏi chứ sao? Vâng, đúng vậy chứ sao!)

Phải chăng, chúng ta dư sức để làm được một đài phát thanh và truyền hình chuyên nghiệp như Democratic Voice of Burma (DVB) (Tiếng nói Dân chủ Miến Điện) đặt trụ sở ở Oslo, Na Uy, hay tờ The Irrawaddy của người Miến Điện lưu vong, đặt trụ sở ở Chiang Mai, Thái Lan?[ii]

Phải chăng chúng ta cũng có thể có được một Liên Cộng đồng Việt Nam, tương tự như Liên Cộng đồng Do Thái Bắc Mỹ (The Jewish Federation of North America)[iii], để từ đó có thể họp Hội đồng Khoáng đại mỗi năm, quyên được 3 tỉ USD cho việc công ích, đưa ra bàn luận để giải quyết đủ mọi vấn đề của người Việt khắp nơi: từ chuyện tù nhân lương tâm trong nước, đến chuyện trẻ em vùng cao ăn cơm thiếu thịt chân không dép, làn sóng người Việt tị nạn mới đến Úc, vấn đề người Việt cao niên dưỡng lão, sức khỏe hô hấp và tâm thần của người làm nail, việc hỗ trợ học sinh tài năng nghèo, nghệ sĩ cần điều kiện sáng tác, người trẻ muốn học hỏi văn hóa lịch sử Việt, muốn làm từ thiện, việc lên tiếng bênh vực cho tự do ngôn luận ở Việt Nam, đến những cuộc vận động cho nhân quyền và dân chủ của người Việt, cũng như cho những vấn đề khác của con người toàn cầu.

10. Những người áo vải?

Tiềm năng thì nhiều, nhưng bắt đầu từ đâu?

Nghịch lý, nhưng có lẽ lại hợp lý, là có thể mọi sự sẽ bắt đầu với chính những trí thức “độc tấu”. Họ sẽ tụ lại thành song tấu, ngũ tấu, nhị thập bát tấu, và dần dần thành cả một dàn nhạc đại giao hưởng.

Tôi không dám tiến cử, chỉ xin phép được nêu tên một số nhân sĩ trí thức, tuy thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng hy vọng có thể làm chất xúc tác cho một cuộc vận động lớn, thay đổi bộ mặt của cộng đồng 4 triệu người Việt ở hải ngoại, nhất là trong giai đoạn có nhiều biến động trong nước, và thay đổi tích cực là điều luôn cần chuẩn bị và thúc đẩy. Tất nhiên, “danh sách” không đầy đủ, chỉ phản ảnh chủ quan của người viết, cũng chỉ để tham khảo và tưởng tượng. Thứ tự tên tuổi cũng cũng không có giá trị cao thấp.

Đó là giáo sư Lê Xuân Khoa, nhà báo Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng), ông Nguyễn Gia Kiểng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, giáo sư Phạm Xuân Yêm, giáo sư Hà Dương Tường, ông Võ Văn Ái, nhà toán học Ngô Bảo Châu, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc), nhà báo Đinh Từ Thức, nhà văn Tưởng Năng Tiến, nhà văn Phạm Thị Hoài, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc-Tuấn (tienve.org), nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, nhà văn Đinh Từ Bích Thúy (damau.org), thầy Thích Nhất Hạnh, Giám mục Nguyễn Văn Long (Úc)… Cũng rất mong các vị ở hải ngoại làm việc với các nhân sĩ trí thức uy tín tại Việt Nam như: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn, giáo sư Tương Lai, tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nhà báo Huy Đức, nhà văn Phạm Đình Trọng, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà văn Võ Thị Hảo, nhà báo Đoan Trang, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Anh Ba Sàm, Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Ngọc Chênh… và các vị đáng kính như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, các linh mục Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam…

Bên cạnh đó, vẫn có những người âm thầm, chưa hoặc ít ai biết tới, nhưng đầy tài năng và tâm huyết, ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Tiệp, Hungary, Nga, Hàn, Nhật, Đài Loan, Hongkong, Singapore, Úc, New Zealand, Việt Nam… Hãy tìm đến họ.

Lại tưởng tượng:

Rất có thể cuộc tụ hội sẽ bắt đầu với việc giáo sư Lê Xuân Khoa viết thư gửi cho nhà báo Đỗ Quý Toàn, ông Nguyễn Gia Kiểng và giáo sư Nguyễn Huệ Chi.

Cũng rất có thể cuộc tụ hội sẽ bắt đầu bằng việc Thầy Thích Nhất Hạnh mở một khóa tu cho những nhân sĩ, trí thức nêu tên ở đây để giúp mọi người buông bỏ gánh ưu tư nghi ngại, làm hòa với mình, làm bạn với phiền não của mình, sống trong hiện tại, ngay bây giờ, ở đây, cùng nghe một tiếng chuông, hít vào một hơi đầy phổi, rồi thở ra nhẹ nhàng, mỉm một nụ cười hàm tiếu, không còn thấy mình “một mình”, mà thấy mình với người ngồi cạnh bên là một.

(Tôi thành thật tin rằng: Nụ cười an lạc kia là hạt mầm gieo vào lòng người và cần được mỗi người nuôi dưỡng với nỗ lực không ngừng. Nhưng sẽ không có giác ngộ “ăn liền”, hay giác ngộ “lệ thuộc” theo kiếu “có thầy là có giải phóng”, “có thầy là có giác ngộ”. Nếu có thì đó chỉ là những ảo giác chóng qua.)

***

Thật cảm động khi đọc những dòng này, nói về cha ông chúng ta:

“Sử viết rằng: Mùa xuân năm Bính Thân 1416 ở Lũng Nhai, Lam Sơn, Lê Lợi cho lập đàn cao một trượng rồi cùng Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi và các nghĩa sĩ làm lễ tế trời đất, kết nghĩa ăn thề nguyện đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau trừ ngoại xâm cứu trăm họ.

Lúc ấy Lê Lợi chân thành nói: “Ta là người mặc áo vải chuyên nghiệp cày cấy nay vì trừ bạo mà nổi binh, lòng không nghĩ đến việc xưng vương xưng bá”.[iv]

Đúng là các nhân sĩ trí thức hiện nay cũng áo vải – không áo thụng quan quyền – cũng đang làm công việc “cày cấy” chuyên môn riêng mình, nhưng hy vọng đây sẽ là lúc họ tụ họp, vì “trừ bạo mà nổi binh, lòng không nghĩ đến xiệc xưng vương xưng bá.”

Dù biết rằng bể dâu biến cải, 13 năm sau đó, Lê Lợi vì ngờ vực mà sai giết Phạm Văn Xảo, lại cho 42 lực sĩ về trại Sơn Đông bắt Trần Nguyên Hãn đang ở ẩn về kinh trị tội, khiến ông uất ức dọc đường nhảy xuống sông tự vẫn, và Nguyễn Trãi thì bị tước hết quan chức và tống ngục…, nhưng tôi tin rằng kết cuộc này không làm giảm quyết tâm “trừ bạo” của những người áo vải lúc ban đầu. Họ thấy đúng thì làm, thế thôi, vì nếu nghĩ đến an nguy cho bản thân đầu tiên thì họ đã chỉ đứng một mình, mãi mãi đứng một mình, và đất nước này có lẽ đã mất từ lâu.

Câu chuyện trên được đạo diễn Trần Văn Thủy kể lại khi nói về phim Hà Nội trong mắt ai, và ông đã kết trường đoạn phim này bằng câu hỏi dành cho những pho tượng trong chùa Tây Phương – biểu tượng của chế độ, của lịch sử, của vua chúa, của cộng đồng – như sau:

(Màn hình hiện lên những pho tượng trong chùa Tây Phương)

… Những pho tượng lặng im. Các vị nói gì với hậu thế? Đất nước tồn vinh phải chăng bởi có người tài; người tài tạo dựng nên dung mạo và sự trường tồn của chính các vị đó![v]

Và dung mạo của Lê Lợi, của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo ra sao thì lịch sử cũng đã nói cho hậu thế rõ. Không ai lẫn vào ai.

11. Xuân không én?

Mùa xuân đã đến Đông Âu vào năm 1989, đã đến Ả Rập vào năm 2010-2011. Mùa Xuân Miến Điện 2013 thì đang diễn ra từng ngày. Còn chúng ta, đến bao giờ mới thấy được Mùa Xuân Saigon, Mùa Xuân Hà Nội, hay Mùa Xuân Việt Nam?

Phải chăng xuân chưa đến một phần vì những con chim én của mùa xuân vẫn cứ bay một mình một cõi, không chịu, hoặc không thể, quần tụ lại, và có khi lại thấy như thế là đỡ phiền toái?

Chợt quên hẳn Phạm Duy ướt mưa thu Paris, mà nhớ câu thơ Trần Dần:

Tôi khóc những chân trời không có người bay

Lại khóc những người bay không có chân trời.

© 2013 Từ Linh & pro&contra


[i] Nguyễn Văn Bông, Luật Hiếp pháp và Chính trị học, bản điện tử trên trang www.procontra.asia, kì 9.

[ii] Xem www.dvb.nowww.irrawaddy.org

[iii] Trên trang nhà của The Jewish Federations of North America (JFNA) có dòng giới thiệu tóm tắt như sau, xin lược dịch: Liên Cộng đồng Do Thái (JFNA) đại diện cho 153 Liên đoàn và trên 300 Cộng đồng Do Thái khác nhau, mỗi năm quyên góp được 3 tỉ đô-la Mỹ, đáp ứng các nhu cầu về an sinh, xã hội, giáo dục của cộng đồng. Phong trào Liên Cộng đồng Do Thái đứng trong Top 10 các tổ chức từ thiện tại Châu Mỹ, nhắm mục đích bảo vệ và củng cố lợi ích của người Do Thái toàn thế giới thông qua các giá trị truyền thống là tikkum olam (cải thiện đời sống), tzedakah (nhân ái và công bằng) và Torah (học làm người Do Thái).

[iv] Trích từ Chuyện nghề của Thủy, của Trần Văn Dũng, Lê Văn Thủy, Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2013,  trang 163.

[v] Như trên, trang 165-166.