Khi em là lưỡi dao
Th6 3, 2024
Phạm Thị Hoài
“Tiến sĩ Franz Kafka, một nhà văn Đức sống ở Praha, vừa qua đời hôm kia tại viện dưỡng liệu Kierling thuộc Klosterneuburg, ngoại ô Wien. Ít người biết đến ông, bởi ông độc vãng độc lai, một bậc thức giả khiếp sợ thế gian. Ông bị bệnh đường phổi đã nhiều năm và có đi điều trị, song lại chủ tâm duy trì và nâng đỡ bệnh bằng tâm trí. Khi trái tim và tâm hồn không còn kham nổi gánh nặng thì lá phổi nhận về phần mình một nửa để chia đều sức chịu tải, như ông từng viết trong một bức thư, và ông đã mang bệnh đúng như vậy. Nó cho ông một hệ giác quan tinh tế đến mức gần như siêu nhiên và một sự tinh luyện trí tuệ khước từ mọi thỏa hiệp đến mức đáng sợ. Với những ác quỷ vô hình, ông, một con người, đã trút lên căn bệnh toàn bộ gánh nặng của nỗi kinh hãi cuộc sống.
Ông là người nhút nhát, e sợ, hiếu hòa và hiền lương, nhưng sách ông viết thì tàn nhẫn và đau đớn. Với ông, thế giới là chốn cư ngụ của một nhân quần giằng xé và hủy diệt con người vô phương kháng cự. Ông quá thấu thị, quá thông tuệ để có thể sống; quá yếu ớt để có thể chiến đấu, như thường thấy ở những con người đẹp đẽ, cao quý; họ không thể đương đầu với nỗi sợ trước những hiểu lầm, bất lương và dối trá trí thức, bởi họ biết trước rằng mình bất lực; và cách mà họ thất bại khiến kẻ chiến thắng phải hổ thẹn. Ông thấu hiểu con người, như chỉ một con người với bộ óc vô cùng mẫn cảm mới có thể thấu hiểu, một con người cô đơn, nhận ra kẻ khác trong một tia chớp mắt, như thể tiên tri. Ông nhận thức thế giới theo một cách sâu thẳm và khác thường, chính ông là một thế giới sâu thẳm và khác thường.
Ông đã viết những cuốn sách quan trọng bậc nhất của văn học Đức mới, chứa đựng sự vật lộn của cả thế hệ hiện nay trên thế giới, tuy không một lời dụng ý. Đó là những tác phẩm chân thực, trần trụi và đau đớn, ngay cả khi dùng biểu tượng vẫn không thể hiện thực hơn, đượm vẻ giễu cợt khô khốc cùng cái nhìn tinh tường của một con người đã thấu tỏ thế giới này tới mức không còn chịu nổi và chọn cái chết, để tránh phải nhượng bộ, phải trốn chạy vào các kiểu lầm lạc dù sang trọng đến đâu của lý trí hay tiềm thức.
Tiến sĩ Franz Kafka là tác giả của Người đốt lò (bản dịch tiếng Tiệp đăng trên tạp chí Červen của Neumann), chương mở đầu một tiểu thuyết tuyệt vời còn chưa xuất bản; truyện Phán quyết, về xung đột giữa hai thế hệ; truyện Hóa thân, tác phẩm mạnh mẽ nhất của văn học Đức hiện đại; truyện Ở đảo trừng giới và các đoản văn Trầm tư và Thầy thuốc nông thôn. Bản thảo tiểu thuyết cuối cùng của ông, Vụ án, chờ xuất bản từ nhiều năm, là loại sách mà đọc xong, ấn tượng về một thế giới tuyệt đối khép kín khiến không cần thêm một lời nào nữa. Mọi tác phẩm của ông đều diễn tả nỗi kinh hoàng của những điều không thể lý giải bí ẩn, của tội lỗi ngoài chủ định giữa người với người. Ông, nghệ sĩ và con người, là một lương tri nhạy cảm tới mức vẫn nghe ra một điều gì đó khi những ai khác, ù điếc, chắc mẩm đang an toàn.”
*
Đó là cáo phó đầu tiên, đăng ngày 6/6/1924 trên nhật báo Národní Listy tại Praha, với những từ khóa vẫn dẫn lối cho những ngả đường khó khăn đến với Kafka, 100 năm sau khi ông qua đời ngày 3/6/1924. Tác giả là Milena Jesenká, khi ấy chưa đầy 28 tuổi, bạn tình chủ yếu qua thư của Kafka vỏn vẹn sáu tháng, người tâm giao nhất song cũng vật vã phức tạp nhất trong sáu phụ nữ đã đi qua đời ông. Bà cũng là dịch giả đầu tiên của ông, bản tiếng Tiệp truyện Người đốt lò là bản dịch duy nhất được công bố khi ông còn sống.
Tiến sĩ luật Franz Kafka, viên chức bảo hiểm viết văn trong giờ rảnh, người không muốn lưu lại bất kỳ một dấu vết văn chương nào, nay nằm trọn trong vòng tay ngưỡng mộ khóa chặt của nhân loại, thậm chí thành một minh tinh triệu like trên TikTok. Cả những người chưa từng đọc Kafka cũng biết trích dẫn ẩn dụ nổi tiếng của ông, rằng một cuốn sách phải như chiếc rìu bổ vỡ biển băng đông cứng trong ta. Những người có thể chưa từng yêu cũng nên biết một ẩn dụ Kafka khác: Trong bức thư gửi Milena Jesenká ngày 14/9/1920, ông viết:
“Có lẽ cũng không thực là tình yêu nếu tôi nói, với tôi, em là quý giá nhất; Là tình yêu, khi em là lưỡi dao, để tôi đào xới trong tôi.”
(Auch ist das vielleicht nicht eigentlich Liebe, wenn ich sage, du bist mir das Liebste; Liebe ist, dass du mir das Messer bist, mit dem ich in mir wühle.)
© pro&contra 2024
Categories: Văn học
Tags: Franz Kafka, Milena Jesenká