Tác giả

Chuyên mục

Trang

Sám hối muộn

Th12 11, 2012

Hoo Nam Seelmann

Phạm Thị Hoài dịch

Giữa lúc cuộc Chiến tranh Bảy năm ở châu Âu thế kỉ 18 gào lên đòi nhiều tinh thần ái quốc hơn nữa, nhiều chủ nghĩa dân tộc hơn nữa, để xương chồng cao hơn, máu chảy tràn hơn và quốc gia này xiết cổ quốc gia kia chặt hơn, tác gia Khai sáng lớn của văn học Đức Gotthold Ephraim Lessing viết trong thư gửi một người bạn năm 1759, rằng ông “chẳng có khái niệm gì về tình yêu Tổ quốc” và ông coi tình yêu đó là một sự “yếu ớt anh hùng” (heroische Schwachheit) mà ông sẵn lòng không có nhu cầu. Đoạn thư này nay đã trở thành kiến thức phổ thông tại Đức, quốc gia từng gieo thảm họa xuống đầu nhân loại vì tinh thần “Nước Đức đứng trên tất cả” (Deutschland über alles) của mình. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, chủ nghĩa Đại Hán cũng bắt đầu mang bóng dáng của tinh thần ấy. Lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc luôn là một trong những tình cảm dễ bị lợi dụng, dễ công cụ hóa và dễ tha hóa nhất của con người.

Bài báo dưới đây kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về sự tha hóa lòng yêu nước khi nó đi đôi với chủ nghĩa đế quốc, ở một khu vực ít ngờ đến nhất: trong giới Phật giáo Nhật Bản, bắt đầu từ chính giai đoạn huy hoàng được bao người khâm phục: giai đoạn Minh trị Duy tân.

Người dịch

____________________

Những lời của thiền sư Nhật Harada Daiun Sogaku nói với đồng bào mình năm 1944 thật đáng giật mình: “Mọi thần dân đều phải sẵn sàng chết trong danh dự. (…) Đối mặt kẻ thù, phải hạ sát; phải tiêu diệt cái Ngụy và mở đường cho cái Chân – đó chính là những giáo lí căn bản của Thiền.” Vị thiền sư ấy gọi giáo lí của mình là “Thiền thời chiến”. Nhật Bản đang đứng giữa cuộc Chiến tranh Thái Bình dương và đã có dấu hiệu thua trận. Việc một nhà sư kêu gọi giết quân thù cho thấy điều gì đã xảy ra với Phật giáo Nhật Bản trong những thập niên của chủ nghĩa đế quốc. Trong Phật giáo, không sát sinh là một điều răn có trọng lượng đặc biệt, vì thế mà các nhà sư đều ăn chay. “Con đường hoàng đạo” của Phật giáo Nhật Bản không những cho thấy một sự đứt đoạn với truyền thống này, mà còn chỉ ra tình trạng tôn giáo bị lôi kéo hoàn toàn vào chính trị. Chính nước Nhật là ví dụ cho thấy quan hệ giữa tôn giáo và quyền lực chính trị có thể phức tạp tới mức nào.

Thời Gia tộc Tokugawa (1600-1868) thống trị, Phật giáo gần như là quốc giáo tại Nhật. Mỗi hộ dân đều phải thuộc về một ngôi chùa gần nhà, vì thế chùa chiền tăng vọt lên đến con số 469.934. Phật giáo đến Nhật Bản vào thế kỉ thứ 6, qua ngả Triều Tiên. Như thường thấy ở khắp các nước Đông Á, nó cộng sinh với tôn giáo bản địa là Thần đạo. Tín ngưỡng vật linh cổ xưa này chung sống với Phật giáo mà không xảy ra một xung đột nào đáng kể và từ đó nảy sinh những hình thức lai tạo mới. Trước thời Minh trị Duy tân, Nhật hoàng không nắm thực quyền chính trị và rất gắn bó với Phật giáo. Nhiều người trong hoàng tộc sống cuộc đời nhà sư trong chùa.

Cuộc Minh trị Duy tân đã biến đổi nước Nhật tận gốc rễ và mô hình để Nhật Bản noi theo là phương Tây đầy sức mạnh. Chính qua đó, Nhật Bản tìm cách thoát khỏi số phận bị phương Tây chinh phục làm thuộc địa. Địa vị của Nhật hoàng được nâng lên, ở tâm điểm của quyền lực chính trị và các tướng quân (shogun) bị tước quyền. Thần đạo được nâng thành quốc đạo, để Nhật hoàng có được một hào quang tín ngưỡng. Thế là bỗng nhiên Phật giáo có nguy cơ bị đẩy ra bên lề. Các nhà dân tộc chủ nghĩa mới xuất hiện khước từ Phật giáo như một sản phẩm ngoại lai, vì nó xuất xứ từ Trung Quốc. Nhật Bản tìm cho mình những hệ tư tưởng mới và quay lưng lại với toàn bộ phần châu Á còn lại bị coi là lạc hậu. Người Nhật bỗng mang danh một “dân tộc được tuyển chọn”.

Thần Phật phân li chính thức bắt đầu từ năm 1868. Tên Phật không được phép đem đặt cho thần nữa. 40.000 ngôi chùa phải đóng cửa và các nhà sư phải lấy vợ. Ở nhiều vùng, Phật giáo chết hẳn. Trong tình thế hiểm nguy cấp bách ấy, cơ hội duy nhất để sống còn của Phật tử là xiển dương tinh thần yêu nước. Để gột bỏ cái tai tiếng ngoại lai, họ nhấn mạnh lòng trung thành với Nhật hoàng. Chỉ có một số ít các Phật tử Nhật cưỡng lại trào lưu mới đầy định mệnh này và phải trả giá cho sự phản kháng của mình bằng những phiên tòa xử kẻ phản đạo và bằng cái chết. Những học giả Phật giáo danh tiếng, được trọng vọng, đưa ra các học thuyết nhằm biện minh chiến tranh, thực dân hóa và hành động giết người. Vị thiền sư Nhật nổi tiếng ở phương Tây là D. T. Suzuki đã viết như sau: “Binh sĩ của chúng ta coi mạng sống của họ nhẹ tựa lông hồng, còn lòng hiến dâng cho bổn phận lại nặng như núi Thái Sơn. Ngã xuống nơi chiến trường, họ chẳng phải ân hận điều gì. (…) Nếu ta hoàn thành bổn phận đúng với vị trí của mình thì làm gì có hành động nào tự trong bản chất là phi tôn giáo…”

Bước ngoặt của Phật giáo tại Nhật Bản theo chủ nghĩa yêu nước mở đường cho công cuộc truyền đạo ở nước ngoài, điều mà trước đây người Nhật mới chỉ thấy ở các tín đồ Thiên Chúa giáo. Bây giờ, theo chân quân đội tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược các nước châu Á lân bang, các nhà truyền đạo Phật giáo Nhật Bản tràn sang Triều Tiên và Trung Quốc. Chùa chiền và cơ sở truyền đạo mọc lên khắp nơi. Năm 1910, Triều Tiên trở thành thuộc địa của Nhật. Tại đây chính quyền thực dân Nhật thâu tóm quyền cai quản và tài sản của chùa chiền. Trụ trì là người Nhật, và Phật giáo Triều Tiên bị Nhật hóa cao độ. Năm 1945, khi Triều Tiên được giải phóng, người ta thống kê được 487 chùa Nhật từ nhỏ đến lớn. Một sự chia rẽ đau xót trong Phật giáo Triều Tiên tồn lại, hậu quả đến nay còn nhận ra.

68 năm sau ngày Nhật Bản thua trận, ngày 16-9-2012 tại Dongkuksa, ngôi chùa Nhật duy nhất còn sót lại ở Triều Tiên, một tấm bia tưởng niệm được khánh thành. Nhà sư Nhật Shoko Ichinohe đã đến dự. Ông nói: “Cho đến tận bây giờ các Phật tử Nhật Bản vẫn chưa có can đảm thể hiện lòng sám hối về sự dính líu của mình vào cuộc chiến. Nay tôi đến đây để làm việc đó.” Bia tưởng niệm đề hàng chữ: “Nhân danh truyền đạo, Phật tử Nhật Bản đã cùng tham dự vào những hành động tàn bạo của nhà nước Nhật Bản tại châu Á. Đã hủy diệt những nền văn hóa khác, đã xâm phạm quyền con người của kẻ khác và áp đặt cho họ văn hóa Nhật. Điều đó trái với giáo lí của Phật.” Vậy là các Phật tử Nhật đã bày tỏ lòng can đảm của mình khi tranh cãi Nhật – Hàn còn kéo dài.

________________

Nhà báo Hoo Nam Seelmann sinh năm 1950 tại Hàn Quốc, hiện sống tại Thụy Sĩ.

Chú thích ảnh: Hai nhà sư đeo mặt nạ chống hơi cay tại một ngôi chùa ở Tokyo năm 1942. Ảnh: Popperfotos/Getty

Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Späte Reue“, NZZ 12-11-2012

Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra