Tác giả

Chuyên mục

Trang

Lời an ủi cho thể thao Việt Nam

Th8 17, 2012

Phạm Thị Hoài

Thể thao chưa bao giờ là một nhu cầu thiết thân của người Việt. Nó luôn đứng cuối bảng giá trị trong đời sống chúng ta, may ra chỉ xếp trên vệ sinh một bậc [1]. Đa số người Việt không biết bơi, không biết chơi một môn thể thao nào, coi vươn vai buổi sáng đã là tập thể dục, nhìn những vận động viên leo núi và lướt sóng như bọn rửng mỡ, ngưỡng mộ những chiếc xe đua nằm im trong garage, lấy rung đùi làm vận động cơ thể chủ đạo, bẻ ngón tay và vặn cổ răng rắc để luyện xương cốt, và hoan hỉ đẩy dế, gà, chó, trâu thay người ra đấu trường. Người Việt đặc biệt say mê bóng đá, nhưng là bóng đá trong sổ cá độ và trên màn hình thay vì trên sân cỏ. Môn thể thao toàn dân số một ở Việt Nam, đặc biệt phổ biến ở nam giới, chỉ chú trọng phát triển cơ bắp ở vùng miệng: môn nhậu.

Quan hệ của người viết những dòng này với thể thao cũng thật là nhạt nhẽo. Tôi lớn lên trong chiến tranh. Hoạt động chân tay và cơ bắp không thiếu, nhưng đói vàng mắt mà chân đất đi bộ mỗi ngày mười mấy cây số đến trường ở nơi sơ tán, cưỡi trâu, trèo cây, ngụp lặn ao hồ, săn chim, chạy oanh tạc, vác củi, kín nước, bắn súng, tập trận giả… thì không thể gọi là vận động do sở thích. Còn ở trường, những buổi tập thể dục giữa giờ là trò diễn tuồng với những cánh tay nhàm chán nâng lên hạ xuống theo loa phóng thanh và các tiết thể dục là kết tinh của sự vô nghĩa. Làm thế nào để thành thật say mê ba động tác “bên phải, quay!”, “bên trái, quay!” và “đi đều, bước!” của nền thể thao chính quy trong chừng ấy năm học? Làm thế nào để tin rằng xếp đội hình là kĩ năng vận động cơ thể căn bản nhất mà thanh thiếu niên Việt Nam cần làm chủ trước khi bước vào đời? Khi dạy thiếu nhi “5 điều“, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, người duy nhất trong các nhà lãnh đạo Việt Nam được đánh giá là có tư tưởng về thể dục thể thao, đã quên phắt thể thao.

Đến bây giờ, thể thao đối với cá nhân tôi vẫn chỉ là một bổn phận với mình, nghĩa cử với hãng bảo hiểm y tế và để chứng tỏ với con trai rằng mẹ chưa phải là một trường hợp vô vọng. Mỗi kì Thế vận hội, lễ khai mạc luôn khiến tôi nhớ đến định nghĩa của Milan Kundera về kitsch [2] trong Đời nhẹ khôn kham, ngoài ra tôi bất giác có thiên hướng nghĩ bậy rằng thể thao là thuốc phiện cho nhân dân. Tôi thành thực không thấy kỉ lục chạy 100 mét hết 9,63 giây có thể truyền cho mình cảm hứng gì, cứ chạy đến vòng thứ sáu trên sân vận động là lương tâm tôi cắn rứt vì biết bao trang sách hay cần đọc (và có thể viết, nếu may mắn) đã phải nhường chỗ cho thời gian hành xác này. Mười tiếng đồng hồ ngồi bên computer trôi đi với tôi như trong chớp mắt, trong khi ba mươi phút luyện Kieser bằng cả một thế kỉ. Tóm lại, tôi đáp ứng đúng định kiến của người Đức rằng người Việt là một giống người nhỏ bé, nhanh nhẹn, chăm chỉ, giỏi thích nghi và kém thể thao.

Từ hình dung của người Đức về thể thao[3] thì dĩ nhiên chúng ta kém, rút cuộc thì họ đang phải tiêu hóa nỗi đau xa xỉ rằng từ vị trí cường quốc thể thao số 3 trong lịch sử, chỉ thua hai thế lực khổng lồ là Hoa Kì và Nga, nay đã tụt xuống hàng thứ 6, thậm chí không giữ được vị trí số 5 như bốn năm trước ở Bắc Kinh. Nhưng từ góc nhìn của chúng ta thì các vận động viên Việt Nam đều đã vượt qua chính mình, như báo chí trong nước khẳng định. Vỏn vẹn 2 huy chương bạc trong lịch sử 8 lần tham dự Thế Vận hội mùa Hè kể từ năm 1980 tất nhiên không thể gọi là nhiều, thua cả thành tích của một quốc gia chỉ có 350.000 dân là Quần đảo Bahamas, nhưng còn hơn Bangladesh, đông dân hơn ta nhiều và chưa một lần đoạt kể cả huy chương đồng. Không bằng phần lớn anh em Đông Nam Á[4], nhưng hơn đứt hai hàng xóm Lào và Campuchia. Biết rằng chậm tiến như Mông Cổ, lạc hậu như Ghana, bán khai như Namibia người ta vẫn giành huy chương, nhưng thể lực của họ khác, trong khi dự án giải mã gene để cải tạo nòi giống, nâng cao thể lực trí lực của người Việt mới đang ở giai đoạn “xúc tiến thực hiện”, mà vận động viên Việt Nam tham gia Thế vận hội lần này lại chỉ được “tăng khẩu phần dinh dưỡng và thuốc bổ” cấp tốc trước ngày thi đấu vài tháng [5]. Nghe như chuyện từ thời tem phiếu bao cấp, dù trên gương mặt của các cán bộ thể thao tháp tùng đoàn Việt Nam đi London ta có thể tìm thấy khá nhiều thông tin, trừ biểu hiện suy dinh dưỡng.

Trong mọi thất bại đều có ít nhất một cái may. Chính thể thao, lĩnh vực khiêm tốn nhất trong đời sống xã hội ở Việt Nam chứ không phải một cái gì to tát khác, đã lẳng lặng thắp một tín hiệu rằng nền độc tài chính trị mà chúng ta đã chán ngấy ở quốc gia này có thể đang ngầm chuyển hóa. Việt Nam đã tự nguyện không đứng chung chiến lũy dựng bằng huy chương của ba nước cộng sản Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba. Các vận động viên Bắc Hàn đến London để khiến thế giới phải “khâm phục sức mạnh tinh thần của CHDCND Triều Tiên, vốn đang nổi lên như một quốc gia mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch đáng kính Kim Jong Un”. Các vận động viên Việt Nam đến London để thấy mình quá nhỏ bé trước cái sân chơi lớn đócoi việc đi đông, về đủ đã là một thành tích đáng kể.

Và lần đầu tiên chúng ta được nhẹ nhõm biết rằng mình không hề mắc căn bệnh thành tích, độc đoán đày đọa con người để săn đuổi mề đay làm công cụ đánh bóng chế độ, như Trung Quốc. Không cần trả những cái giá phi lí và phi nhân tính như vậy, thể thao Việt Nam vẫn có thể bội thu. Bí quyết rất giản dị: thu hút các tài năng thể thao gốc Việt trên thế giới về thi đấu cho quê hương. Nhìn từ khía cạnh chiến lược ấy, thất bại của đoàn Việt Nam tham dự Olympic London năm nay chẳng qua là để vuột ba tấm huy chương của Carol Huỳnh và Marcel Nguyễn.

© 2012 pro&contra



[1] Tôi rất thích xem các quảng cáo tìm bạn. Theo thống kê riêng của tôi, khi tự giới thiệu mình, trong 10 người Việt may ra có một người cho biết thích thể thao, phần lớn nữ giới “thích nội trợ” và “sống nội tâm”, nam giới thì nhấn mạnh “nghề nghiệp ổn định” và “vui vẻ hòa đồng”. Trong 10 người Đức, kể cả những người ở tuổi trên 60, ít nhất là 7 người, không phân biệt nam nữ, cho biết thích thể thao, ít nhất 4 người cho biết rõ loại thể thao nào.

[2] Ông thị trưởng London Boris Johnson từng vận động tranh cử  như sau: “Tôi đảm bảo là nếu bầu cho Đảng Bảo thủ, ngực vợ bạn sẽ to hơn và cơ hội sở hữu một chiếc BMW M3 của bạn sẽ lớn hơn.” Nếu phải vận động tranh cử cho Đảng Cộng sản, ông thị trưởng Bắc Kinh Vương Kì Sơn chắc cũng hứa hẹn BMW, nhưng sẽ bỏ qua kích cỡ của “ngực vợ bạn”. Chỉ riêng chi tiết đó đã thấy họ khác xa nhau, cũng như Trương Nghệ Mưu và Danny Boyle. Trường phái London muốn bạn bật cười. Trường phái Bắc Kinh muốn bạn thần phục. Song thẩm mĩ của lễ khai mạc ở Bắc Kinh và lễ khai mạc ở London, theo tôi, về toàn cục là chung một dòng, dòng hyper-kitsch.

[3] Cách đây hơn một thế kỉ, bá tước Otto von Bismarck (1815-1898), Thủ tướng đầu tiên của Đế chế Đức, tuyên bố: “Dùng mọi phương tiện để chống chính phủ là quyền căn bản và là thể thao của mọi người Đức” (Gegen die Regierung mit allen Mitteln zu kämpfen ist ja ein Grundrecht und Sport eines jeden Deutschen.) 

[4] Theo một cựu cán bộ lãnh đạo ngành thể thao, trình độ thể thao của khu vực Đông Nam Á là thấp nhất thế giới và các nước quanh ta đều không đạt được mục tiêu trong Thế vận hội này. Vậy Việt Nam đâu phải là ngoại lệ lẻ loi.

[5] Theo một cựu cán bộ lãnh đạo ngành thể thao khác, vận động viên Việt Nam hiện nay “chỉ được ăn no chứ chưa đủ chất và phù hợp từng môn”.

Categories: Thể thao

Tags: