Tác giả

Chuyên mục

Trang

Hôn nhân bình đẳng và vô điều kiện

Th8 4, 2012

Lê Trần Huy Phú

pro&contraTừ hôm qua, 03/8/2012 đến hết cuối tuần này, lần đầu tiên Ngày hội của Người Đồng tính (Viet Pride)  diễn ra tại Hà Nội, một tín hiệu rõ ràng về sự cởi mở hơn của xã hội Việt Nam trong lĩnh vực này. Trong bài viết sau đây, tác giả Lê Trần Huy Phú phân tích những thực trạng và xu thế của hôn nhân đồng giới tại Việt Nam và trên thế giới, để khẳng định quyền bình đẳng và vô điều kiện của nó.

___________

Sau sự việc Nguyễn Hoàng Bảo Quốc và Trương Văn Hên làm lễ thành hôn với nhau, có sự chứng kiến của hai họ nhưng bị chính quyền sở tại cản trở, “trục xuất” và phạt hành chính, truyền thông trong nước đề cập nhiều đến hôn nhân đồng giới [i]. Kế đó, công luận cũng biết rằng Bộ Tư pháp đang thu thập ý kiến nhằm sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, có cả vấn đề hôn nhân cùng giới. Ngày 12.07.2012, bộ này đã tổ chức Hội thảo “Nhận diện những bất cập trong luật hôn nhân và gia đình năm 2000 nhìn từ thực tế”, ghi nhận nhiều ý kiến chống đối việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

Trước đây, tôi đã bàn về đồng tính luyến ái, cả về mặt “bệnh học” lẫn xã hội, trong đó ít nhiều liên quan đến vấn đề hôn nhân [ii]. Dù chưa hẳn đầy đủ, các ý kiến của tôi có thể là những nội dung chính yếu trả lời cho những lập luận chống đồng tình yêu đồng giới nói chung và hôn nhân của nó nói riêng. Tuy vậy, trong bối cảnh tranh luận hiện nay, cần có thêm tiếng nói góp vào, cùng làm rõ vấn đề.

1. Hôn nhân đồng giới: thực tế và diễn dịch

Lý do hàng đầu, được nại dẫn nhiều nhất để không chấp nhận hôn nhân đồng tính, là nó trái với truyền thống văn hóa và phong tục tập quán. Quan điểm này không chỉ “có phần độc đoán và cố chấp”, mà còn phi lý tính trong phương pháp tiếp cận.

Phong tục tập quán là một trong những khía cạnh của ý thức xã hội, và thuộc vào nhóm ý thức xã hội thông thường. Ý thức xã hội vốn thường lạc hậu so với tồn tại xã hội nói chung và thực tại xã hội nói riêng, mà trong đó phong tục tập quán chính là cái lạc hậu nhất. Lấy cái ý thức xã hội thông thường, mà là cái lạc hậu nhất, để xác định một quan niệm, một khái niệm, tức đưa nó vào phạm vi của ý thức lý luận, mà ở đây là ý thức lý luận pháp lý, liệu không phải là lấy cái lạc hậu và sự bảo thủ làm nền tảng phương pháp luận trong hoạt động lập pháp sao?

Thiết nghĩ, không cần phải dẫn chứng ở đây về những trường hợp mà pháp luật về hôn nhân và gia đình đã không chấp nhận pháp lý hóa những phong tục tập quán cổ hủ và bảo thủ, hoặc xâm phạm đến quyền tự do cá nhân. Hơn ai hết, các nhà luật học thuộc lĩnh vực này biết rõ điều đó, và cần tránh việc vận dụng nước đôi tiêu chí phong tục tập quán.

Ngoài ra, cho rằng truyền thống văn hóa và phong tục tập quán Việt Nam có bề dày lịch sử, khác biệt với phương Tây, nên không thể hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, là một lý lẽ thừa. Không chỉ Việt Nam, không chỉ phương Tây, mà bất kỳ nơi đâu trên trái đất cũng không có truyền thống và phong tục về tính dục và hôn sự loại này. Cho dù tính dục đồng giới có ở mọi thời, mọi nơi, mọi thành phần xã hội, và ít nhiều phản ánh trong văn hóa, nghệ thuật, nhưng lịch sử chỉ ghi nhận một thời gian ngắn (so với toàn bộ tiến trình nhân loại) của một ít thành bang Hy Lạp cổ đại có sự phóng khoáng trong đời sống tình dục, không phân biệt giới tính. Bởi vậy, nếu khăng khăng lấy phong tục tập quán ra làm lý do, thì trên khắp thế giới, không ở đâu và không bao giờ, ngay cả tính dục phi dị tính cũng đã không thể nào tồn tại chứ đừng nói đến hôn nhân của nó.

Người ta thường lầm tưởng, rằng phương Tây, mà tiêu biểu là Hoa Kỳ, dễ chấp nhận  tính dục cùng giới hơn Việt Nam. Thực tế thì ngược lại. Tại Hợp chúng quốc, để tính dục thiểu số, về cơ bản, trở thành bình thường trong nhận thức chung, thì đã trải qua một cuộc đấu tranh thật sự cam go và lâu dài cả về mặt xã hội lẫn khoa học, cả pháp lý lẫn tôn giáo, cả ở lĩnh vực dân sự lẫn quân sự…, mà nhiều khi cái giá phải trả là sinh mạng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, từ trước đến nay, nhìn chung không có sự kỳ thị gay gắt đối với LGBT (“lesbian, gay, bisexual, transgender”, tức “người đồng tính nữ, đồng tính nam, người lưỡng tính, người chuyển giới). Quá trình nhìn nhận xã hội và đấu tranh (nếu có thể gọi như vậy) của cộng đồng này, tính từ hành động đơn lẻ công khai tự khẳng định tính dục của mình hoặc từ quan điểm ghi nhận của người khác, chỉ mới bắt đầu khoảng hơn một thập niên nay nhưng đã nhận được chuyển biến nhanh chóng và tích cực từ xã hội. Kết quả bước đầu đó, so với tiến trình tương tự ở các nước phát triển hay các nước cùng châu lục, ngoài những nhân tố khác, không thể không có phần của truyền thống khoan dung, dễ tiếp nhận và chuyển hóa cái mới của văn hóa Việt (mà trong trường hợp này, “cái mới” là nhận thức mới về tính dục thiểu số).

Do vậy, từ lý luận cho đến thực tế, lấy truyền thống văn hóa và phong tục tập quán để ngăn cản hôn nhân cùng giới, thì đó không phải là vấn đề của chính truyền thống văn hóa và phong tục tập quán, mà là vấn đề của việc diễn dịch truyền thống văn hóa và phong tục tập quán nhằm phục vụ cho việc ngăn cản.

Tiếp cận đúng đắn cho vấn đề này (và cả những vấn đề khác) không thể là lấy cái định kiến mang danh truyền thống ra làm cơ sở, mà phải căn cứ trên chính thực tạixu thế của nó.

Thực tại của vấn đề ở đây là tính dục đồng giới và hôn nhân. Hiện nay, dòng chủ lưu đã có cái nhìn tích cực hơn, nhưng đương nhiên vẫn còn những ý kiến thiếu cơ sở hặc diễn giải sai lệch về đồng tính. Vì thế, vẫn cần nói thêm về nó sau khi đã bàn đến hôn nhân.

2. Hôn nhân: cốt lõi và đa dạng, xã hội và sinh vật, lịch sử và pháp lý

Một khi vấn đề hôn nhân cùng giới được đặt ra, nếu định nghĩa hôn nhân, người chống sẽ nhấn mạnh sự kết hợp giữa nam và nữ, người ủng hộ sẽ nói về sự kết hợp giữa hai con người. Sẽ không bên nào chịu bên nào, bởi xuất phát điểm là thái độ và cách hiểu của họ về hôn nhân, là theo kiểu hôn nhân truyền thống hay phi truyền thống. Nhưng dù với nhận thức nào chăng nữa, cũng phải qua sự xét đoán bằng lý trí, căn cứ vào bản chất cốt lõi của vấn đề, chứ không thể bằng những nhận định cảm tính và trên cơ sở của tiền kiến.

Hôn nhân được Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam định nghĩa là “thể chế xã hội kèm theo những nghi thức xác nhận quan hệ tính giao giữa hai hay nhiều người thuộc hai giới tính khác nhau (nam, nữ), được coi nhau là chồng và vợ, quy định mối quan hệ và trách nhiệm giữa họ với nhau và giữa họ với con cái của họ…” (mệnh đề A). Để phân biệt với hôn nhân đa phu hoặc đa thê, định nghĩa này còn được bổ sung bằng từ “Hôn nhân cá thể”, là “sự kết hợp giữa hai người hai cá nhân thuộc hai giới tính khác nhau thông qua các bước với những nghi thức nhất định để thành lập gia đình, thực hiện các chức năng chủ yếu là tái sản xuất nòi giống, giáo dục con cái và sản xuất kinh tế…” (mệnh đề B)[iii].

Định nghĩa này quả đã ở tầm khái quát hóa và “cốt lõi hóa” cần có, có độ phổ quát cao trong cách hiểu truyền thống về hôn nhân, và là căn cứ cho những người chống hôn nhân đồng giới nhất quyết rằng đã là hôn nhân thì chỉ là hôn nhân dị giới[iv]. Thế nhưng, xét từ chính tiêu chí khái quát hóa và cốt lõi đó, định nghĩa này vẫn mang khiếm khuyết.

Mệnh đề A bao hàm cả hôn nhân phi cá thể, đồng thời không xác định lý do của hôn nhân, tức cũng bao hàm cả những hôn nhân không xuất phát từ tình cảm. Tuy nhiên, trong khi định nghĩa một cách bao quát, ghi nhận cả những hình thức hôn nhân bất bình đẳng, cổ hủ và tiêu cực để bảo đảm khái quát hóa tính đa dạng hôn nhân có trong lịch sửthực tế, nó lại mâu thuẫn về mặt khoa học khi không ghi nhận thực tế của hôn nhân đồng giới, hiện đã là một hình thức trong sự đa dạng hôn nhân trên thế giới.

Mệnh đề A chỉ nói chung chung về nội dung của hôn nhân, và theo tôi, dừng lại ở đấy đã đủ cho một định nghĩa cô đọng nhất. Nhưng nội dung này đã được tiếp tục cụ thể hóa ở mệnh đề B, với ba chức năng chủ yếu của gia đình, mà “sản xuất nòi giống” ở vị trí đầu tiên. Cụm từ “sản xuất nòi giống” tuy nhẹ nhàng hơn “duy trì nòi giống”, nhưng ý tưởng chung đó, ở đâu cũng vậy, luôn là lý do hàng đầu để chối bỏ hôn nhân chung giới tính. Vấn đề này, tôi đã phản biện tương đối toàn diện, ở đây chỉ xin vắn tắt.

Tiếp nối giống nòi là điều đương nhiên, nhưng khi mà xuyên suốt lịch sử, chưa bao giờ có, và hiện cũng không hề có, đe dọa tự nhiên nào về sự tuyệt chủng của loài người, mà lấy đạo lý sinh tồn làm điều tiên quyết để áp đặt lên một thiểu số người, là việc làm phi lý. Trong bối cảnh không đe dọa đó, quan hệ giữa người với người là quan hệ của con người xã hội chứ không phải của con người giống loài, nên cái đạo lý hàng đầu là đạo lý hành xử của con người với nhau chứ không phải đạo lý sinh tồn của loài. Và do vậy, nói đến trách nhiệm xã hội của con người, trước tiên đó phải là trách nhiệm đối với đời sống xã hội chứ không phải trách nhiệm phối giống cho loài.

Nếu cho rằng, đại ý: anh đã được sinh ra thì anh phải có trách nhiệm sinh sản để nối tiếp sinh tồn, thì đó là một ý kiến “đổi chác” kiểu vật đổi vật của cái thuở giao dịch thô sơ. Một khi không có đe dọa về giống loài, mà xã hội chỉ đặt ra vấn đề về chất lượng cuộc sống, thì người đồng tính ái vẫn hàng ngày thực thi trách nhiệm xã hội của mình một cách bình đẳng với người dị tính ái. Qua công việc từ phân công lao động xã hội, họ là những tác nhân góp phần vào sự sinh tồn xã hội và sinh tồn giống loài.

Ngoài ra, nói việc duy trì nòi giống ở con người được thực hiện chủ yếu và chính thức qua hôn nhân, thì chính xác; còn nói ngược lại, cho rằng nội dung, chức năng của hôn nhân là để duy trì nòi giống, thì đã vô tình hạ thấp giá trị của nó. Loài vật không cần hôn nhân cũng có thể duy trì giống nòi. Tạp hôn và quần hôn của con người cũng thừa khả năng duy trì giống nòi. Bởi vậy, đi đến chỗ nói hôn nhân là để “giải quyết nhu cầu sinh lý” thì lại càng bất tín, vì đã hoàn toàn hạ cấp hôn nhân và không cố ý mà nâng cấp những hình thức “giải quyết sinh lý” khác.

Giá trị của hôn nhân, với tư cách một định chế xã hội, là cái cao quý hơn nhiều so với một “định chế sinh vật”. Cái cao quý đó, đơn giản chính là điều mà mệnh đề A đã khái quát, là quan hệ giữa các bên phối ngẫu với nhau và với con cái của họ, tức quan hệ và đời sống gia đình.

Gia đình là cơ chế định hình hôn nhân. Không có hôn nhân chung chung mà phải là hôn nhân được cụ thể hóa bằng gia đình. Vậy tiêu chí của hôn nhân và gia đình là gì? Đã là định chế xã hội, nó trước hết phải được xét bằng tiêu chí xã hội, không thể tiên quyết bằng tiêu chí giống loài hay “sinh lý”.

Nguyên Thống đốc California, Gray Davis, vào ngày 19.09.2003, khi ký Đạo luật về Quyền và Trách nhiệm Đối ngẫu Gia đình (Domestic Partners Rights and Responsibilities Act of 2003) nhằm trao các quyền và nghĩa vụ tương tự như các quyền và nghĩa vụ hôn nhân cho các cặp sống chung đồng giới, đã nói rằng: Một gia đình là gia đình không phải vì phái tính, mà vì những giá trị của nó, như sự phó thác cho nhau, tin cậy vào nhau, và tình yêu của nhau. Điều mà Gray Davis nói, chính là nội dung và bản chất cốt lõi nhất của hôn nhân và gia đình, nó đúng cho cả quan hệ đối giới lẫn cùng giới, và cũng lý giải vì sao chung sống đồng giới cũng cần đến hôn nhân như chung sống dị giới.

Với hôn nhân pháp lý dị giới, mọi quyền lợi của vợ chồng, con cái và những người có liên quan được pháp luật bảo hộ. Hôn nhân thực tế dị giới, dù sẽ khó khăn hơn khi nảy sinh vấn đề pháp lý, nhưng vì vẫn được xã hội (và có thể cả pháp luật) thừa nhận, nên việc giải quyết dù có thể không được trọng vẹn thì cũng sẽ không bị bế tắc.

Trong khi đó, ở trường hợp cùng giới, cho dù chung sống với nhau như gia đình dưới hình thức “chung sống không đăng ký” hay được xem là hôn nhân thực tế chăng nữa, do không được cả xã hội và luật pháp thừa nhận, việc xử lý các vấn đề pháp lý giữa họ với nhau và với những người liên quan sẽ không chỉ đơn giản là hoàn toàn bế tắc, mà còn mặc định tước đoạt của họ nhiều quyền và quyền lợi chính đáng. Chẳng hạn, khi một trong hai người qua đời, người kia (và con cái) sẽ không có quyền thừa kế; khi một người lâm bệnh, người còn lại (hoặc con cái của họ với nhau, từ việc nhận nuôi hay sinh sản kỹ thuật) sẽ không có quyền quyết định việc chữa trị, mà cũng không có cả quyền (đồng thời là nghĩa vụ) chăm sóc cho bạn đời (hoặc cha, mẹ), là những điều mà các cặp dị tính mặc nhiên có.

Tổng quát, một khi không có sự nhìn nhận pháp lý, thì dù có yêu thương, gắn bó đến đâu, có chung sống dưới bất kỳ hình thức nào, trước pháp luật, các cặp đồng giới (và con cái chung) vẫn chỉ là “người dưng” với nhau, không có được bất cứ địa vị pháp lý nào khi phát sinh tình huống pháp lý liên quan đến họ. Do vậy chỉ có hôn nhân pháp lý đồng giới (hoặc hình thức hôn sự ở tên gọi khác) mới giải quyết rốt ráo được vấn đề, dành sự bảo hộ pháp lý đầy đủ cho tính dục đồng giới.

Tuy nhiên, do bị chi phối bởi tiền kiến về hôn nhân dị tính, để chống lại việc công nhận hôn nhân đồng tính, ngoài những luận điểm tương đối nặng ký, vận dụng những khái niệm ít nhiều mang tầm học thuật, như đạo lý sinh tồn và khế ước xã hội (không phổ biến ở Việt Nam), lại có những ý kiến vin vào những lý do đôi khi rất ngây ngô về mặt khoa học, logic lẫn pháp luật, nhưng lại nhân danh chính những điều đó. Có thể kể đến các ý như: hôn nhân đồng tính là trái tự nhiên, gây rối loạn xã hội, không bền lâu, xúc phạm đến hàng triệu triệu gia đình Việt Nam, chỉ có số ít quốc gia công nhận hôn nhân đồng tính, v.v.

Dưới chủ kiến dị tính bất di bất dịch, hôn nhân đồng tính khó mà thoát khỏi cái nhãn trái tự nhiên. Nhưng xét về mặt khoa học và đạo lý, sẽ không như vậy.

Về nhận thức, khi khoa học đã nhìn nhận tính dục đồng giới là bình thường (chứ không phải bệnh), thì không thể xem là nó trái tự nhiên. Về tự thân, loại tính dục này vốn đã không trái tự nhiên bởi nó chính là sản phẩm của tự nhiên. Thực tế đó được ghi nhận ở mọi thời, mọi nơi và mọi giai tầng, chứ không phải đến môi trường của cuộc sống ngày nay hay xuất phát từ cuộc sống phương Tây mà ra, hoặc chỉ khu trú ở một thành phần xã hội nào đó. Ngoài ra, nó cũng có cả ở con người lẫn con vật, vốn là những “chủ thể” không cần biết gì đến tự nhiên hay không tự nhiên ở tính dục của mình, mà chỉ mặc nhiên tuân thủ cái tự nhiên đã có trong nó. Nhưng như trên có đề cập, khác với thế giới loài vật, ở thế giới loài người, tính dục mang tính người được phát triển lên, ở tầm định chế xã hội chứ không còn là “định chế sinh vật”.

Từ cảm xúc giới tính, con người đi đến tình yêu, để rồi từ đó mà đạt đến sự kết tinh cuối cùng, là hôn nhân và gia đình. Trên nền tảng sinh học không thể thay đổi, như tình yêu dị giới, tình yêu đồng giới cũng có cái đích kết tinh đó. Nếu chỉ dừng lại ở việc thừa nhận quan hệ đồng giới mà không thừa nhận sự kết tinh xã hội của nó, là đã dùng quyền lực buộc nó phải dừng lại ở sự kết tinh sinh học của tình cảm, tức tình dục thuần túy.

Thừa nhận người đồng tính và quan hệ đồng tính nhưng không cho kết hôn đồng tính, trên cơ sở lập luận duy trì nòi giống và chỉ có gia đình tự nhiên của nam và nữ, đồng nghĩa với việc người đồng tính hoặc không được lập gia đình, hoặc buộc phải lập gia đình dị tính.

Một mặt, để tuân thủ sự tự nhiên (dị tính) của gia đình, người đồng tính muốn lập gia đình thì phải là gia đình dị tính. Mặt khác, do đồng tính (được khoa học thừa nhận) là tự nhiên, không bị cấm đoán, nên người đồng tính đã lập gia đình dị tính vẫn có thể quan hệ “ngoài luồng” theo thiên hướng của mình. Logic của vấn đề là như vậy, mà thực tế cũng đã là như vậy. Một khi đã có rào chắn pháp lý, người có thiên hướng này không đi đến được hôn nhân mà họ muốn, kết tinh tình cảm của họ buộc phải dừng lại ở mức cuối cùng là tình dục, thì hiện tượng gia đình “hai mang” là không tránh khỏi. Lúc này, đâu mới là điều phi tự nhiên và gây xúc phạm hay tạo nên “rối loạn” đây, thừa nhận hôn nhân đồng giới hay cấm đoán để tạo điều kiện phổ biến hóa “gia đình hai mang”?[v]

Giải quyết thế lưỡng nan này như thế nào? Để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình dị tính, ta sẽ ra luật cấm đàn ông hoặc đàn bà có gia đình không được quan hệ tình dục với người cùng giới chăng? Về mặt pháp lý, điều đó phi lý, vì một khi hôn nhân đồng giới không được thừa nhận thì cũng không thể chế tài tương ứng do không tương thích về nội hàm và ngoại diên của khái niệm gia đình. Ngoại tình đồng tính không tạo nên gia đình đồng tính, và vì thế gia đình dị tính không thể nào bị phá vỡ.

Hay là, giải quyết triệt để hơn, ta phải có luật để cấm tiệt quan hệ đồng giới? Điều này bất khả thi, vì Việt Nam không phải là nơi theo một tôn giáo cực đoan hay một thể chế hà khắc nào đó, mà bối cảnh ngày nay cũng không phải như thời trung cổ.

Vậy, để dung hòa, ra luật quy định rằng đã là người đồng tính thì không được kết hôn (dị tính) chăng? Giải pháp nực cười này chẳng những phi lý, phi đạo lý, mà còn phi pháp.

Xét mọi lẽ, không thừa nhận pháp lý hôn nhân đồng giới chỉ là buộc người đồng giới phải lập gia đình dị giới, đẩy nhiều gia đình dị giới giả tạo vào cảnh không hạnh phúc, khiến cả người đồng giới lẫn dị giới đều là nạn nhân của định kiến.

Thế nhưng, dù có kết hôn, hôn nhân đồng giới không được bền lâu, do vậy, không nên công nhận. Phải vậy chăng?

Những người nêu ý kiến đó có biết rằng vào ngày 12.02.2004, Phyllis Lyon và Del Martin, khi đã là hai lão bà 79 và 83 tuổi, vẫn háo hức xếp hàng cùng với nhiều cặp đồng giới khác, chờ Tòa Thị chính San Francisco cấp hôn thú để được chính thức công nhận là bạn đời của nhau sau khi đã chung sống 51 năm, dù biết rằng chứng thư đó chỉ tạm bợ vì cuộc chiến pháp lý chống lại họ còn tiếp diễn[vi].

Mới đây, cũng tại Hoa Kỳ, Dân biểu liên bang 72 tuổi Barney Frank đã thành hôn với đối ngẫu đồng giới thua ông 30 tuổi, Jim Ready. Để có ngày này, họ đã giữ mối quan hệ tình cảm kể từ lần đầu gặp nhau vào năm 2005. Ready còn thừa nhận đã “mê” Frank từ rất lâu, khi biết Frank đang tại chức nhưng dám công khai mình là gay (1987).

Cặp hôn phối Đinh Công KhanhNguyễn Thái Nguyên, cưới nhau từ năm 2006 cũng là ví dụ về một tình yêu và hôn nhân đồng giới bền lâu, bất chấp những khó khăn mà cả hai gặp phải.

Nhưng dù sao, mọi điển hình đều chỉ là những trường hợp riêng biệt. Vậy thì trên bình diện chung ra sao?

Công trình công bố vào tháng Năm 2004 của Viện Nghiên cứu Thống kê Max Planck (Max Planck Institute for Demographic Research) mang tên Thống kê về “Hôn nhân” Đồng giới tại Na Uy và Thụy Điển (The Demographics of Same-sex “Marriages” in Norway and Sweden) là khảo cứu sớm nhất có đề cập đến việc ly dị của các cặp đồng tính. Theo đó, trong khoảng thời gian 1993-1999, tại hai nước này có 222.000 cặp đối giới kết hôn và 17.800 cặp đối giới ly dị (8%). Đối với các cặp cùng giới (cả nam và nữ), các con số tương ứng là 2.819, 370 (13%). Báo cáo cho rằng tỷ lệ ly dị cao hơn ở các cặp cùng giới là do không có sự gắn bó bằng trách nhiệm cha mẹ chung, không chịu nhiều áp lực của quy phạm về sự cần thiết kết hợp lâu dài, cũng như do động cơ đi đến hôn nhân của họ.

Có những điều mà báo cáo này không thể nói lên vào lúc đó. Trong thời gian lấy mẫu, chưa nước nào công nhận hôn nhân đồng tính, và đến cả chục năm sau (2009) điều đó mới diễn ra ở hai nước này. Việc giải tỏa bệnh lý cho đồng tính luyến ái ở tầm thế giới chỉ vừa bắt đầu (1992) và thông tin đó vẫn chưa phổ cập rộng khắp [vii]. Việc nuôi chung con của họ (từ con riêng hay con nuôi) thì càng khó khăn hơn cả việc sống chung, vì định kiến xã hội trong việc này vẫn rất lớn. Dù vào năm 1993, Na Uy đã cho phép đăng ký đối ngẫu đồng giới nhưng trong bối cảnh chung đó, các cặp loại này không thể thoát ly những bấp bênh vốn có đối với họ.

Cũng trong khoảng thời gian tiến hành khảo cứu trên, một con số khác được đưa ra từ giới tâm lý học vào năm 1997, cho thấy con số ly dị tại Đan Mạch ở hôn nhân dị giới và đồng giới tương ứng theo thứ tự là 46% và 17%.

Ở Vương quốc Anh, Đạo luật Đối ngẫu Dân sự (Civil Partnership Act 2004) đã có hiệu lực từ tháng Mười hai 2005. Tháng Tám 2008, có một con số cho thấy chưa tới 1% các cặp đăng ký theo định chế này kết thúc bằng ly dị.

Tại Hoa Kỳ, có thông tin cho biết trong khoảng thời gian 2003-2008, ly hôn có tỷ lệ cao hơn ở những bang cấm hôn nhân đồng giới, và có tỷ lệ thấp hơn ở những bang chấp nhân hôn nhân loại này. Mới nhất, là thông tin về ly hôn trong khoảng thời gian 2000-2010, được cung cấp từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention).  Lấy các con số từ  sáu bang đã hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới trước năm 2011 (Massachusetts, Connecticut, Iowa, Vermont, New Hampshire, Washington D.C.) [viii] đặt vào biểu đồ, cho thấy suốt 11 năm đó, so với tỷ lệ trung bình trên toàn quốc, chỉ có tỷ lệ ly hôn đồng giới ở Vermont và New Hampshire có phần nhỉnh hơn, ngoài ra, bốn bang còn lại đều thấp hơn[ix].

Ở Việt Nam, nếu dựa vào vài bài báo hoặc ý kiến riêng tư để kết luận hôn nhân đồng giới sẽ không bền lâu, là vô căn cứ. Còn, trong khi thông tin về sự ngắn ngủi của các hôn sự đồng tính được đưa ra là để cảm thông với bối cảnh nhiều bất lợi của họ, mà lại dùng cho mục đích ngược lại, tức phủ nhận sự cần thiết hợp pháp hóa, là việc làm cần xét lại về mặt đạo đức.

Nhưng dù có không nại lý do không bền lâu, thì khi xét định chế hôn nhân trong tiến trình lịch sử, đó cũng không thể là điều được viện dẫn. Cho dù có sinh sản và có con chung, hôn sự dị giới, khi chưa được pháp lý hóa cũng chỉ là loại hôn sự không bền lâu (và cả vô trách nhiệm). Tạp hôn và quần hôn là vậy. Hôn nhân đa thê và đa phu là vậy. Chỉ đến khi hôn nhân được định chế hóa về mặt xã hội mới tạo ra được sự ràng buộc. Hôn nhân tôn giáo và hôn nhân dân sự dưới hình thức pháp lý chính là sự định chế hóa về mặt xã hội đó. Về tiến trình, hiện nay, hôn sự đồng giới cũng đang ở giai đoạn tương tự như hôn sự dị giới khi chưa được định chế hóa xã hội.

Bởi vậy, pháp lý hóa hôn nhân cùng giới là để họ ràng buộc với nhau về mặt quan hệ xã hội và đạo lý, không buộc họ phải dừng lại ở quan hệ sinh học và sinh lý, chứ không phải ngược lại, vì họ không ràng buộc về mặt xã hội mà không hợp pháp hóa. Pháp lý hóa hôn nhân cùng giới là để bảo vệ cho gia đình đối giới lẫn cùng giới, chứ không phải ngược lại, để bảo vệ cho gia đình đối giới mà không hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.

Xét mặt lịch sử là thế. Xét mặt pháp lý cũng sẽ bác bỏ viện nại dẫn sự bền lâu. Một khi hôn sự con người là vấn đề mà pháp luật có trách nhiệm xử trí, thì không thể đặt bất kỳ lý do nào ra để thoái thác hoặc dùng tính cưỡng hành của nó để triệt tiêu thực tế. Cho rằng hôn nhân đồng giới không ổn định có thể đe dọa định chế hôn nhân, vậy thử đối chiếu: phải chăng vì tình trạng ly hôn (dị giới) ngày càng cao trong thế giới hiện đại sẽ làm định chế này ngày càng bấp bênh, nên phải xét lại sự tồn tại của nó? Phải chăng việc sống thử và chung sống (dị giới) không hôn nhân, hay tình trạng con không cha của những người mẹ đơn thân… cứ tăng tiến, khiến suy giảm sự hấp dẫn của hôn nhân, bào mòn tính thiêng liêng của gia đình mà ta phải dùng luật pháp để triệt tiêu những hiện tượng xã hội đó?

Cho dù ly hôn (dị giới) có cao đến đâu, tình trạng mẹ đơn thân có phổ biến đến đâu, và hiện tượng người sống độc thân (có quan hệ tình dục phi hôn nhân) có phổ biến đến đâu, thì luật pháp cũng không thể chế tài, bởi đơn giản, nó chỉ đóng vai trò là tác nhân chứng thực và điều giải, chứ không phải là chủ thể ra quyết định như chính các đối ngẫu. Hôn sự cùng giới cũng không nằm ngoài nguyên tắc pháp lý đó.

3. Hôn nhân đồng giới: cố định và xu thế

Thế nhưng, sau khi xét bản chất cốt lõi của hôn nhân, xét cả khía cạnh lịch sử lẫn xã hội, xét cả mặt sinh học lẫn pháp lý, cho dù có thuận về hôn nhân đồng giới, thì do còn ít nước công nhận, và ở châu Á chưa nước nào công nhận, nên Việt Nam không nên công nhận hôn nhân cùng giới?

Cách nhìn “phụ thuộc” như thế, không chỉ ở hôn nhân, mà ở bất cứ lĩnh vực nào và vấn đề gì, cũng thể hiện một tâm thế thụ động, thiếu tích cực, phi thực tế và không hiệu quả. Không những thế, về mặt phương pháp luận, nó đứng trên một tiếp cận hoàn toàn sai lầm là không nhìn vào xu thế của đối tượng mà lấy sự tĩnh tại để mặc địnhcố định.

Nếu phải phụ thuộc vào số đông, thì vào năm 1961, Illinois đã không trở thành nơi đầu tiên hủy biện pháp hình sự đối với kê giao, để rồi sau đó, trong những năm 1970 và 1980, các bang khác của Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới theo bước.

Nếu e dè là “cổ xúy” đồng tính thì năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) đã không bao giờ trở thành tổ chức khoa học đầu tiên khởi phát cái công việc mà hàng nhiều thế kỷ qua không nơi đâu làm, là hậu thuẫn chuyên môn cho sự tồn tại sinh học và xã hội của tính dục đồng giới.

Nếu ngại mình là thiểu số quyền lực duy nhất “thân gay” thì vào năm 1982, Wisconsin đã không trở thành bang đầu tiên thông qua luật bảo vệ các quyền dân sự của người đồng tính, để giờ đây việc phân biệt đối xử với họ là điều bị lên án trong chuẩn mực chính thức của xã hội văn minh.

Nếu phải nhìn sang các nước quanh mình, Đan Mạch đã không trở thành quốc gia đầu tiên nhìn nhận pháp lý sự kết hợp đồng giới vào năm 1989, để rồi đến năm 2001, Hà Lan là nước đầu tiên hợp pháp hóa đầy đủ cho hôn phối loại này mà không ngần ngại trong nước sẽ rối loạn, ngoài nước sẽ “dị nghị”.

Đến nay, ngoài Hà Lan, các quốc gia đã công nhận hôn nhân đồng giới trên toàn lãnh thổ là Bỉ (2003), Canada (2005), Tây Ban Nha (2005), Nam Phi (2006), Na Uy (2009), Thụy Điển (2009), Iceland (2010), Bồ Đào Nha (2010), Argentina (2010), Brazil (2011), Đan Mạch (2012).

Tại Hoa Kỳ, hôn nhân pháp lý của các cặp đồng giới đã có hiệu lực ở sáu bang là Massachusetts (2004), Connecticut (2008), Iowa (2009), Vermont (2009), New Hampshire (2010), và New York (2011), cộng với Thủ đô Washington (2010). Hai bang đã có luật thừa nhận nhưng phải đợi chung quyết của cử tri vào tháng Mười một 2012, là Washington và Maryland. Ngoài ra, còn có những bang chưa hoặc không pháp lý hóa hôn nhân nhưng công nhận kết hợp dân sự (Civil Unions) hoặc đối ngẫu gia đình (Domestic Partnerships), mà ngoài Washington (2007) và Maryland (2008), là Hawaii (1997), California (1999), Maine (2004), New Jersey (2007), Oregon (2008), Colorado (2009), Wisconsin (2009), Nevada (2009), Illinois (2011), Rhode Island (2011), Delaware (2012). Đó là chưa kể nhiều vùng tự quản của người da đỏ bản địa cũng đã công nhận hôn nhân đồng giới.

Tại Mexico, hôn nhân đồng giới được công nhận tại Mexico City (2010) và bang Quintana Roo (2012).

Tại Australia, ngoài Australian Capital Territory (Hạt Thủ đô) đã nhìn nhận hôn nhân (1994), các bang sau đã pháp lý hóa hình thức kết hợp khác: Tasmania (2003), Victoria (2008), New South Wales (2010) và Queensland (2012).

Israel thì từ năm 1994 đã thừa nhận hình thức chung sống không đăng ký (Unregistered Cohabitation) với một số quyền lợi của cặp phối ngẫu.

Hàng loạt quốc gia khác cũng nhìn nhận pháp luật đối với kết hợp dân sự hoặc đối ngẫu có đăng ký: Pháp (1994), Greenland (1996), Đức (2001), Phần Lan (2002), Vương quốc Anh (2004), Brazil (2004), Luxembourg (2004), Thụy Sĩ (2005), New Zealand (2005), Slovenia (2006), Czech (2006), Ecuador (2008), Uruguay (2008), Colombia (2009), Công quốc Andorra (2009), Hungary (2009), Áo (2010), Ireland (2010), Công quốc Liechtenstein (2011). Trong đó, ít nhất Đức, Phần Lan, Brazil, Ireland đã đưa vào chương trình nghị sự để thông qua luật hôn nhân đồng giới.

Ở châu Á, thường được xem là bảo thủ hơn, các động thái liên quan đến việc hợp pháp hóa chung sống và hôn nhân đồng giới vẫn được thực hiện.

Tháng Mười một 2008, Tòa Thượng thẩm Nepal ra phán quyết bảo đảm quyền cho các nhóm tính dục thiểu số, trong đó có hôn nhân. Tiến trình nhìn nhận vốn đã cởi mở ở nơi này, nay dường như tăng tốc hơn dưới chính quyền hòa giải dân tộc có sự tham gia của những người Maoist.

Tại Trung Quốc, vào các năm 2000, 2004, 2006 và 2007, dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đã được giới thiệu, tuy chưa lần nào đưa đến kết quả.

Bên kia eo biển Đài Loan, vào năm 2003, chính phủ hòn đảo này đã đề xuất công nhận hôn nhân cùng giới.

Năm 2004, Quốc vương Campuchia khi đó là Norodom Sihanouk đã lên tiếng hậu thuẫn cho hôn nhân của những người cùng phái tính [x].

Nhật Bản thì tuy vẫn xem hôn nhân là giữa hai giới nhưng từ năm 2009 đã cho phép công dân kết hôn đồng giới bên ngoài lãnh thổ. Đây được xem là động thái tiến tới công nhân kết hôn đồng giới trong nước.

Trên đây chỉ là liệt kê không đầy đủ, nhưng dù có nêu đầy đủ chăng nữa, vấn đề cũng không nằm ở những con số tuyệt đối, mà ở xu thế và thực chất của sự việc. Như đã nói, nếu Hà Lan (hay nước nào khác) căn cứ rằng không có nước nào công nhận hôn nhân đồng giới thì có lẽ mãi mãi chẳng có nơi đầu tiên làm việc đó. Sau Hà Lan, nếu nơi nào cũng cho rằng chỉ có một nước công nhận, thì mãi mãi chẳng có một tiến trình ngày càng tăng tiến đối với hôn nhân cùng giới.

Bởi vậy, khi lấy bối cảnh thế giới, với người đi sau, nhìn vào hôn nhân cùng giới là nhìn vào xu thế của một quá trình tăng tiến, chứ không phải nhìn vào một thiểu số cố định. Trong vài thập niên tới, con số này vẫn sẽ là thiểu số, nhưng là thiểu số đáng kể và ngày một tăng.

Nếu tiếp cận theo kiểu cố định và tĩnh tại, vấn đề sẽ bị lệch lạc. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, nhìn vào con số các bang đã hợp pháp hóa hôn nhân hoặc công nhận những hình thức chung sống khác của người cùng giới, người có cách nhìn tĩnh có thể chỉ đơn giản cho rằng nơi cởi mở như thế mà vẫn chỉ ít bang chấp nhận, trong khi thực tế đó là xứ sở ít cởi mở hơn châu Âu và, do sự bó buộc của cấu trúc chính trị và tôn giáo, gần như ít cởi mở nhất ở châu Mỹ trong vấn đề này. Thế nên, khi một con số chấp nhận hôn sự hay kết hợp đồng giới được thêm vào tổng số, là kết quả của một quá trình đấu tranh pháp lý và chính trị kéo dài nhiều năm, nhiều thập niên, và là thắng lợi to lớn của xu thế ngày càng được chấp nhận, chứ không phải là thể hiện cái yếm thế của con số nhỏ. Cũng thế, nhìn vào con số 50% người Mỹ chấp nhận hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, người ta có thể lạnh lùng cho là “chỉ bấy nhiêu” mà không biết rằng đó là thành quả hết sức khích lệ của xu thế tăng tiến, bởi vào năm 1996, số người ủng hộ chỉ là 27%, nhưng rồi cứ thể tăng dần vào những lần khảo sát.

Vào năm 2004, hôn nhân đồng giới là vấn đề chính trị có tính cách “ăn thua” trong bầu cử tổng thống, nhưng đến năm nay, cử tri Mỹ đã không lấy đó làm chuẩn mực cho lá phiếu của mình. 60% người được hỏi cho rằng quan điểm ủng hộ hôn nhân đồng giới của Tổng thống Obama không ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của họ. Và bản thân việc Tổng thống Obama công khai ủng hộ hôn nhân đồng giới chỉ một ngày sau khi North Carolina thông qua tu chính cấm hôn phối đồng giới (08.05.2012) có giá trị không chỉ là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên làm việc đó, mà còn ở chỗ nó phản ánh sự thay đổi hết sức lớn lao của xã hội Mỹ. Việc ông nói vẫn tôn trọng quyết định về hôn nhân của các bang không phải là ông lưỡng lự, mà nền chính trị Hoa Kỳ vốn như thế, liên bang không trực tiếp quy định về hôn nhân [xi].

Vậy thì, cho rằng chỉ thiểu số quốc gia trên thế giới chấp nhận hôn nhân đồng tính để không chấp nhận điều đó ở Việt Nam, rốt cuộc cũng chỉ là một lý do thừa, bởi nó sẽ mãi đơn giản là thiểu số thuần túy nếu tiếp cận theo kiểu tuyệt đối hóa con số, nếu không thấy một tiến trình ngày càng đi tới của thực tế.

4. Đồng tính: tự nhiên và môi trường, thật – giả và điều kiện

Trong cuộc tranh luận không chính thức hiện nay [xii], có những quan điểm thực tế hơn, chấp nhận hôn nhân đồng giới nhưng có điều kiện. Các ý kiến này cho rằng có đồng tính thật và đồng tính giả, nên vấn đề là cách nào để ngăn người đồng tính giả lợi dụng. Có thể đây là cách để người ủng hộ quyền hôn nhân cùng giới “lèo lách” trong luồng ý kiến chống đối. Tiếc rằng, cách làm này thật sự không nên có.

Vài năm trước, đã có lúc rộ lên những bài báo cho rằng phần nhiều của hiện tượng đồng tính là sự a dua, đua đòi, thử nghiệm quan hệ khác lạ. Nhưng cũng từ truyền thông, việc xác định đồng tính luyến ái không thể tập nhiễm bởi không phải là bệnh, đã giúp có cái nhìn ngày càng trung thực hơn. Tuy nhiên, cách nhìn tập nhiễm đó nay lại được thể hiện dưới dạng phát biểu chính thức để lượng định chính sách. Hơn thế, vẫn có ý kiến được dẫn lại, cho rằng bản chất của đồng tính luyến ái hiện chưa được các chuyên gia y tế tại Việt Nam thống nhất, chỉ ít bác sĩ tin rằng đó là bẩm sinh.

Có thể nói ngay, các chuyên gia có thẩm quyền khoa học và tầm ảnh hưởng thế giới đã xác quyết về điều này từ lâu, và các nghiên cứu có độ xác tín cao vẫn đang ngày càng bổ sung bằng chứng hậu thuẫn cho sự xác quyết đó. Nhấn mạnh môi trường như là nguyên nhân lớn hơn hoặc ngang bằng với nguyên nhân tự nhiên của đồng tính luyến ái, là thiếu căn cứ. Xu hướng chủ đạo của giới nghiên cứu khoa học thế giới vẫn là tìm hiểu các nguyên nhân và khác biệt tự nhiên giữa các thiên hướng tính dục.

Vẫn không thừa khi nhắc lại rằng:

Năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi Danh sách các Triệu chứng và Rối loạn về Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders).

Năm 1975, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association) ra tuyên bố ủng hộ việc làm của các đồng sự tâm thần học. Và hai tổ chức khoa học này, với uy tín và số lượng chuyên gia đông đảo bậc nhất thế giới, đã luôn tiên phong đưa ra quan điểm chuyên môn thúc đẩy các quyền dân sự và pháp lý của các cộng đồng tính dục thiểu số.

Dù chậm hơn nhưng đến năm 1992, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã loại tính dục đồng giới khỏi Danh sách Phân loại các Chứng bệnh trên Thế giới, Phiên bản 10 (International Classification of Diseases, 10th Edition).

Trước và sau năm 1992, nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng như lý thuyết đã cho thấy những nguyên nhân và khác biệt sinh học giữa tính dục dị giới và đồng giới.

Đến năm 2005, nhóm khoa học gia tại Đại học Illinois (University of Illinois) ở Chicago, do Brian Mustanski đứng đầu đã công bố một nghiên cứu chưa từng có, cho rằng “Không có một gay gene thuần nhất, [mà] thiên hướng tính dục là một đặc trưng phức hợp, vì thế không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta phát hiện vài vùng DNA liên quan đến sự thể hiện thiên hướng này. Dự đoán tốt nhất của chúng tôi là có những hệ đa gene có sự tương tác tiềm tàng với môi trường, giải thích cho những khác biệt trong thiên hướng tính dục” [xiii].

Năm 2008, nhóm nghiên cứu của Niklas Langstrom tại Học viện Y khoa Karolinska (Karolinska Institutet) công bố báo cáo mang tên Các Tác động Di truyền học và Môi trường đối với Hành vi Tính dục Đồng giới, qua Khảo cứu Quần thể Song sinh tại Thụy Điển (Genetic and Environmental Effects on Same-sex Sexual Behavior: A Population Study of Twins in Sweden). Cho đến nay, về tương quan giữa yếu tố môi trường với tính dục đồng giới, công trình mới nhất này được xem là có độ khả tín hơn cả[xiv]. Vậy chữ “môi trường” trong báo cáo có định lượng và định tính như thế nào?

Qua thông cáo báo chí, kết quả của nghiên cứu cho thấy “Về tổng thể, môi trường mà các cặp song sinh chia sẻ (bao gồm thái độ gia đình và thái độ xã hội) lý giải cho 0-17% việc chọn bạn tình, các nhân tố di truyền học lý giải 18-39%, và môi trường riêng biệt lý giải 61-66%. Môi trường riêng biệt của cá nhân gồm có, chẳng hạn, bối cảnh của thai kỳ và việc sinh sản, tổn thương về thể chất và tâm lý (ví dụ tai nạn, bạo lực, và bệnh tật), các nhóm đồng đẳng, và trải nghiệm tình dục.”

Như vậy, gia đình và xã hội có ít ảnh hưởng nhất đến việc chọn giới tính của đối tượng trong quan hệ tính dục, nhóm tác nhân hoàn toàn tự nhiên có mức độ vừa phải, và bối cảnh riêng biệt của cá nhân có nhiều tác động nhất.

Nếu xét khả năng “tập nhiễm”, ngoài môi trường được chia sẻ mà bất cứ đâu trên thế giới này cũng không cổ xúy cho “chọn lựa” đồng tính, thì trong nhóm môi trường riêng, chỉ còn lại một khía cạnh khả dĩ “lây lan” được, là nhóm đồng đẳng. Nhưng lưu ý rằng, với ngôn phong gãy gọn và chính xác của báo cáo khoa học, các nhà nghiên cứu đã không dùng từ “nhóm bạn”, “nhóm người” hay “nhóm xã hội”, mà là “nhóm đồng đẳng” (peer groups), tức nhóm có chung một hay nhiều đặc điểm nào đó, nên khó mà suy diễn rằng sự “dị đẳng” giữa đồng tính và dị tính khiến người dị tính bị “lây nhiễm”. Và cũng cần biết rằng công trình này không xác định nguyên nhân của đồng tính luyến ái, mà chỉ xác định mức độ tác động của các nhân tố đến việc lựa chọn bạn tình [xv], nên việc đồng tính hay dị tính ở đây không phải là kết quả.

Bên cạnh đó, môi trường tác động đến xu hướng tình dục được giới khoa học thế giới nghiên cứu cũng không phải là loại môi trường “tập nhiễm”, mà phần lớn cũng tập trung vào môi trường sinh học, cùng vài yếu tố thuộc môi trường văn hóa.

Như vậy, về mặt khoa học, việc tập nhiễm từ môi trường có chứng cứ hết sức yếu ớt. Về mặt logic tự nhiên, thì lại càng vô lý hơn. Như tôi từng đề cập, nếu nói môi trường gây ra đồng tính, ta sẽ chứng kiến một thế giới tràn ngập đồng tính, bởi môi trường sống chung toàn nam hay nữ là khá phổ biến (doanh trại, ký túc xá…). Và tại sao lại nghĩ rằng thiểu số đồng giới có thể lây nhiễm cho tuyệt đại đa số dị giới mà không suy diễn ngược lại, rằng với sự tập nhiễm ưu thắng từ người dị giới, xu hướng đồng giới sẽ tuyệt chủng đến nơi? Thậm chí, nói cho tận cùng, nếu có sự đua đòi của người dị tính (để thành đồng tính), thì với bản chất tính dục vốn có của mình, trong môi trường quan hệ xã hội và tình dục dị tính áp đảo, trước sự khó khăn của cuộc sống đồng tính, thì số a dua đó cũng sẽ dễ dàng và nhanh chóng từ bỏ để mặc nhiên hưởng thụ đời sống dị tính.

Thực tế thì, vì không phải do tập nhiễm, vì không thể có sự chuyển đổi từ dị tính thật sang đồng tính giả, nên mọi mưu toan hoán đổi xu hướng tính dục đều bị lên án và không được thừa nhận về mặt khoa học, cho dù là bằng biện pháp y học tàn bạo hay “phương pháp hưởng thụ” của liệu pháp tình dục khác giới (Sex Tharepy).

Tại Hoa Kỳ, từ những năm 1970, bắt đầu có những tổ chức tiến hành hoán cải tính dục cho người đồng tính và lưỡng tính. Năm 1998 và 2000 Hiệp hội Tâm thần học đã phát hành tuyên bố, lên án mạnh mẽ việc làm này. Năm 2001, Tổng Y sỹ Hoa Kỳ phát hành một báo cáo, trong đó khẳng định “không có bằng chứng khoa học vững chắc cho việc xu thướng tính dục có thể thay đổi được”. Các hiệp hội khoa học có liên quan và các tổ chức chính thống về công tác xã hội và gia đình tại Hoa Kỳ đều lần lượt lên tiếng chống lại những trị liệu loại này. Năm 2009, Hiệp hội Tâm lý học lại ra một quyết nghị, cảnh báo các chuyên gia về sức khỏe tâm thần không được thúc đẩy hay hứa hẹn việc thay đổi tính dục khi cung cấp trợ giúp cho những người đang buồn khổ vì xu hướng tính dục của mình [xvi].

Mới đây nhất, vào tháng Tư 2012, nhà tâm thần học nhiều ảnh hưởng, từng đóng vai trò quyết định trong việc loại đồng tính ái khỏi trạng thái bệnh lý vào năm 1973, Robert Spitzer, đã tuyên bố rút lại khẳng định cho rằng người đồng tính có thể thay đổi. Năm 2001, ông công bố một báo cáo có kết luận như thế. Nay ông đưa ra lời xin lỗi đến cộng đồng đồng giới, đến những người đã phí thời gian và công sức khi chịu đựng liệu pháp hoán đổi vì tin rằng ông đã chứng minh được hiệu quả của trị liệu thay đổi tính dục.

Ngoài ra, tháng Năm vừa rồi, Thượng viện California đã thông qua luật cấm dùng các liệu pháp hoán đổi xu hướng tính dục đối với trẻ vị thành niên.

Như vậy, rõ ràng, việc điều trị để người đồng tính hết đồng tính là hoàn toàn phi khoa học và phi lý. Điều đó cũng bác bỏ quan niệm do a dua, đua đòi, hay bị tập nhiễm mà thành đồng tính, bác bỏ cái gọi là đồng tính giả. Thực tế, ngoài Việt Nam, không có bất kỳ nơi nào khác trên thế giới có khái niệm “đồng tính giả” [xvii], cho dù ở những thế lực hay tổ chức bài gay hoặc chủ trương hoán đổi tính dục của họ.

Vì thế, dùng “hiện tượng” đồng tính giả để không công nhận hay công nhận có điều kiện hôn nhân cùng giới, không chỉ là vô căn cứ, mà còn chứa đựng những bất công vô lối khác.

Khi đặt ra việc giám định đồng tính thật, giả, sẽ không chỉ biến người đồng tính thành loại công dân cấp thấp có đăng ký, mà còn khiến họ thành một thứ quái dị cần giám sát, bởi chỉ có hàng hóa, vật phẩm mới phải giám định, chứ đã là con người, trừ trường hợp liên quan hình sự, không ai cần phải xác định “chất lượng” thật, giả. Khi đó, sẽ có những người nắm quyền sinh sát xã hội đối với số phận của người khác, mà tiêu chí để quyết định là sự tùy hứng. Vì ngoài những gay nữ tính hay lesbian nam tính có thể nhận dạng tương đối bằng cảm quan, tảng băng chìm của đại bộ phận còn lại sẽ không có gì để phân biệt ngoài sự thừa nhận của chính họ. Mà ngay cả những người được cho là “lộ” cũng có thể bị phủ nhận nếu cho rằng chỉ là do a dua, bắt chước về hình thể, diện mạo…

Không loại trừ khả năng có người do cuộc sống đưa đẩy mà rơi vào quan hệ đồng giới. Nhưng trường hợp này nằm ngoài chữ “đồng tính giả” ở mức phổ biến của quan niệm này, mà chỉ là sự chẳng đặng đừng, và khi có thể, người ta sẽ chủ động thoát ngay khỏi nó. Trừ khi bị ép buộc (cấu thành hình sự), sẽ chẳng ai vì sự chẳng đặng đừng mà lại tự nguyện đi đến hôn nhân đồng tính. Và cuộc sống luôn tự điều chỉnh cho những trường hợp cá biệt, nên không cần phải lấy đó làm thước đo tổng thể cho chính sách.

Chính sách đúng là chính sách căn cứ chủ yếu vào thực tế của chính đối tượng mà chính sách hướng đến, chứ không phải tiên quyết từ những đối tượng muốn cản trở hay triệt tiêu nội dung thụ hưởng hoặc chính đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong vấn đề hôn nhân đồng giới, cần căn cứ vào chính bản chất xã hội và bản chất khoa học, cùng với xu thế thực tại của nó, không thể căn cứ vào những nhãn mác hay những luận điểm, lập luận thiếu căn cứ, thừa định kiến.

Cộng đồng người đồng giới, họ làm gì nên tội để phải nhận lấy những ý kiến ẩn chứa sự miệt thị (nhưng hết sức ngây ngô), kiểu như công nhận hôn nhân, chung sống của họ là xúc phạm đến gia đình Việt Nam, kiểu như hôn phối của họ chỉ là sự ích kỷ, không đóng góp gì cho đất nước. Những người phát biểu những điều kỳ thị không biết rằng có thể mình đang xúc phạm đến chính đồng sự, đồng chí, bạn bè, người thân.

Bởi, họ, cộng đồng đồng giới và các nhóm thiểu số tính dục khác, hiện diện khắp nơi, đang hàng ngày hàng giờ âm thầm chịu đựng phân biệt đối xử mà chung tay xây dựng xã hội, qua phân công lao động họ đảm nhận. Chính người dị giới cũng thụ hưởng thành quả từ đó. Cấm đoán, ruồng rẫy chỉ càng khiến họ ngoài việc kiếm sống, sẽ xa lánh, sao nhãng công việc xã hội để lo toan khép kín cho “thân  phận” của mình. Đừng để đến lúc sự phân biệt đối xử sẽ đẩy bộ phận có kiến thức và kỹ năng cao, có năng lực tài chính trong số họ phải tìm đến một xứ sở xa xôi nhằm mưu cầu hạnh phúc [xviii].

Đóng góp và chịu trách nhiệm xã hội như người dị tính – không chút gia giảm – người đồng tính cần hôn nhân bình đẳng!

Yêu thương và chung sống với người mình yêu, là ước nguyện tự nhiên và tự nguyện của mỗi con người – không mảy may khác biệt – người đồng tính cần hôn nhân vô điều kiện!

5. Hôn nhân đồng giới: nhìn ra và nhìn vào, tiến bộ và định kiến

Từ sau khi Bà Trần Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội khi đó, lên tiếng về đồng tính luyến ái vào năm 2004, nhận thức của xã hội Việt Nam đã tiến một bước không nhỏ hướng đến khoan dung. Ý kiến của người tương nhiệm của bà lúc này, GS. Đào Trọng Thi, thể hiện điều đó. Ý kiến của quan chức hành pháp đầu tiên, Bộ trưởng Tư pháp, TS. Hà Hùng Cường, thể hiện điều đó. Không tránh khỏi thái độ bất khoan dung xuất phát từ sự hiểu biết không đầy đủ và từ định kiến, nhưng như đã có ý kiến, nếu pháp luật đi trước, chấp nhận hôn nhân đồng giới, xã hội sẽ chấp nhận.

Tám năm đã qua từ khi quan chức đầu tiên ở Việt Nam đề cập đến vấn đề tính dục phi dị tính. Thời gian đó đủ để một đứa bé mới vào lớp một nay đến tuổi dậy thì; đủ để một đứa trẻ năm cuối tiểu học nay đến tuổi trưởng thành; đủ để một thanh niên vừa đến tuổi trưởng thành, với đầy ước mơ và tự do, nay ở vào tuổi của những lo toan và ràng buộc cuộc sống; đủ để một người ở cuối tuổi thanh niên nay đứng trước ngưỡng trung niên, một người ở trung niên nay đứng trước ngưỡng cao niên. Tám năm, đủ để một thế hệ lớn lên, và đi qua, với bao phận người đồng tính ở mọi lứa tuổi phải sống trong nỗi đau của tình yêu hay vỏ bọc của gia đình dị tính. Liệu có từng ấy năm nữa trôi qua, với biết bao con người nữa phải ngậm ngùi trong tâm trạng và cuộc sống như thế?

Trong khi mãi ngó quanh để lấy lý do không hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trong nước, những người bảo thủ không biết rằng chính sự phần nào cởi mở của xã hội và sự mạnh dạn hơn của cộng đồng tính dục thiểu số Việt Nam lại là điều mà bên ngoài nhìn vào như niềm khích lệ cho chính họ.

Năm ngoái, sau đám cưới của cặp Phi và Nel, tờ báo khét tiếng diều dâu của Trung Quốc, Global Times, lại cho ra một bài viết đầy ngưỡng mộ, Đám cưới gay đem lại sự hài lòng cho công chúng Việt Nam (Gay marriage puts a smile on Vietnam public’s face). Qua sự kiện này, tác giả vạch ra hẳn hai bài học cho cộng đồng gay tại Trung Quốc [xix]. Và không dừng lại ở đó, đến truyền thông Hoa Kỳ cũng phải ghi nhận sự hồ hởi này của báo chí Trung Quốc.

Hiện nay cũng vậy, diễn biến về hôn nhân đồng giới và luật pháp cũng đang được truyền thông bên ngoài nhìn vào với thái độ phấn khích.

Trở thành nước đầu tiên tại châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, như một bước mới thăng tiến quyền công dân và quyền con người, hay dậm chân tại chỗ và ngó ra xung quanh để luôn là người đi sau, giờ đây, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng đồng giới và những người ủng hộ họ, sẽ tùy thuộc nhiều vào những người làm chính sách.

Để kết thúc, xin hãy nhìn sang Cuba. Ngay chính những người cộng sản nơi đây, tại Đại hội Đảng tiến hành vào tháng Giêng năm nay, đã chính thức lên tiếng chống lại sự kỳ thị giới tính. Chủ tịch Raul Castro, được con gái ông dẫn lời, cho rằng:

Chúng ta sẽ không tiến bộ nếu tiếp tục sống với những định kiến đó!

© 2012 pro&contra


[i] Khi tôi viết gần cuối bài này, lại có tin cặp Lê Phương – Kim Phượng làm đám cưới tại Bình Dương.

[ii] Xin được nhắc lại những bài viết chính:

Các nhà tâm thần học bảo vệ cho “bệnh” đồng tính luyến ái

Thư ngỏ gửi bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội

Gay: bẩm sinh, tâm-sinh lý, và trách nhiệm (Sau khi công bố bài này, một người nhận là tác giả của bài viết mà tôi đề cập đã liên lạc và cho biết đó là tâm sự anh viết tại một diễn đàn gay, chứ không có ý phổ biến rộng rãi để công kích đồng tính luyến ái. Khi ấy tôi đã nợ anh ta một điều, nay qua bài viết mới này, xin gửi đến tác giả đấy lời cám ơn chân thành, bởi bài viết vô tình đó đã cho tôi cơ hội trình bày một phản biện tổng quan về vấn đề này.)

[iii] Tôi sử dụng bản điện tử, được giới thiệu tại đây http://www.tinhte.vn/threads/725760/.

Nhân tiện, “hôn nhân” tại Luật Hôn nhân và Gia đình (“Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn”), dù có biện minh là định nghĩa theo luật học (chẳng hạn, trong những tình huống được diễn đạt kiểu “hôn nhân giữa ông x và bà y không hạnh phúc”), thì cũng đã nhầm lẫn giữa khái niệm “hôn nhân” và “đời sống hôn nhân”, giữa cách dùng khoa học (trong đó có luật học) với cách dùng phổ thông (diễn đạt “hôn nhân giữa ông x và bà y không hạnh phúc” chỉ là cách giản lược theo ngôn ngữ hàng ngày của diễn đạt “đời sống hôn nhân giữa ông x và bà y không hạnh phúc”).

[iv] Quan điểm của bà Hà Thị Thanh Vân, Phó trưởng ban Chính sách Luật pháp – Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hẳn là theo nghĩa rằng phải xem (và căn cứ) vào định nghĩa hôn nhân để thấy rằng hôn nhân chỉ là hôn nhân dị giới, nhưng diễn đạt của bà không được tốt cho lắm khi sử dụng từ ngữ, có thể khiến người đọc hiểu nhầm rằng phải xác định lại thuật ngữ hôn nhân để bảo đảm chỉ là hôn nhân dị tính, là việc mà thuật ngữ này hiện nay đã thể hiện rồi.

[v] Đó là chưa kể thực tế, việc phải sống che đậy nhưng không thể gột bỏ được sự tự nhiên tính dục cũng góp phần vào những vấn đề hình sự liên quan.

[vi] Ngày 12.08.2004, Tòa thượng thẩm California tuyên hủy 3.995 hôn thú đồng giới được cấp trong vòng một tháng từ ngày 12.02.2004 tại San Francisco, vì cho rằng thành phố đã vượt quá thẩm quyền. Ngày 15.05.2008, Tòa này ban hành phán quyết Về vấn đề Hôn nhân(In re Marriage Cases), tuyên rằng bất kỳ luật lệ nào thiên lệch đối với thiên hướng tính dục cũng bị đặt nghi vấn về tính hợp hiến. Trên cơ sở đó, ngày 16.06.2008, Martin và Lyon tổ chức lễ cưới đồng giới đầu tiên tại San Francisco. Martin an nghỉ ngày 27.08.2008 sau khi đã hoàn thành tâm nguyện và cuộc đấu tranh cả đời của mình.

Ngày 18.08.2008, Thượng Viện California thông qua Đạo luật về Quyền và Trách nhiệm của Đối ngẫu Gia đình (Domestic Partners Rights and Responsibilities Act of 2003). Ngày 19.09.2008, Thống đốc bang ký ban hành đạo luật này. Dù sau đó bang này thông qua Khoản tu chính 8 (Proposition 8) để ngăn chặn việc thừa nhận hôn nhân đầy đủ cho các cặp đồng tính, nhưng Đạo luật Thừa nhận Hôn nhân và Bảo vệ Gia đình (The Marriage Recognition and Family Protection Act) được ký thành luật ngày 12.10.2008, vẫn xem là hợp pháp những hôn sự đồng giới mà người của bang thực hiện tại bang khác trong khảng thời gian 16.06 – 05.11.2008.

[vii] Lúc đó, việc thương mại hóa Internet và World Wide Web cũng chỉ vừa bắt đầu.

[viii] Năm 2011, danh sách này được nối dài bằng New York. Maryland có thể sẽ là bang thứ tám chứng thực pháp lý cho các hôn sự đồng giới. Dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính đều đã được các cơ quan lập pháp tại đây thông qua vào tháng Hai 2012, được Thống đốc ký thành luật vào tháng Ba, và sẽ có hiệu lực vào tháng Giêng 2013. Tuy nhiên, phe chống đối đã thu đủ số chữ ký đòi trưng cầu dân ý trên vấn đề này, và sẽ được thực hiện vào tháng Mười một 2012, trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Thăm dò dư luận gần đây nhất (tháng Năm 2012) cho thấy 57% người được hỏi ý kiến tại đây ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, 37% chống lại.

[ix] Tại bài viết dẫn link, có hai biểu đồ. Trên mỗi biểu đồ, nhấn vào tên bang ở phía dưới để biết về tình trạng kết hôn hay ly hôn của bang đó.

[x] Dường như thời điểm có những động thái ủng hộ hôn nhân đồng giới ở Đài Loan, Campuchia và một số nơi khác, là vào lúc tại Hoa Kỳ, trận chiến này đang sôi sục với những thắng lợi nhất định. Sau đó, với việc George W. Bush tiếp tục giữ nhiệm kỳ hai Tổng thống, với chủ trương chống hôn nhân đồng giới, cùng với tiến trình chính trị nội bộ tại riêng những nước này, các bước xúc tiến cho hôn nhân cùng phái đã không được nối tiếp.

[xi] Dù đang thắng thế chính trị, Tổng thống George W Bush cũng chịu thất bại vào năm 2006 khi cố gắng tu chính hiến pháp liên bang nhằm ngăn chặn các bang chấp thuận hôn nhân đồng giới.

[xii] Việc đề cập ở đây những ý kiến ủng hộ đối với hôn nhân đồng giới là thừa. Tuy nhiên, tôi cũng xin được nhắc đến quan điểm của TS. Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, của TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, của GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, của GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc, của GS., TS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, của Trương Hồng Quang, Chuyên viên Bộ Tư pháp, của TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình, ĐH Luật TP.HCM, của Luật sư Cao Quang Thuần, Đoàn Luật sư TP.HCM, của Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, v.v…

[xiii] Công bằng mà nói, nghiên cứu của nhóm Brian Mustanski không thể đưa đến kết luận hoàn toàn rằng gene là nguyên nhân, bởi đây cũng chỉ là một trong nhiều hướng tìm hiểu về những chi phối và tác động đến tính dục đồng giới, nhưng nó là một bước tiến quan trọng, củng cố thêm nữa thuyết di truyền học về đồng tính luyến ái, chứ không phải là dấu chấm hết cho thuyết “gay gene” mà vài ý kiến khi đó vội vã đưa ra khi cắt khúc câu chữ của báo cáo này.

[xiv] Phương pháp nghiên cứu sinh đôi có tuy có ưu thế để khảo cứu yếu tố môi trường nhưng hạn chế bởi việc người tham gia lấy mẫu là tự nguyện và biết rõ về mình (theo chủ đề nghiên cứu). Công trình của nhóm Niklas Langstrom khắc phục được điều này, như được cho biết ở phần Dẫn nhập và Phương pháp, bởi họ thực hiện trên một lượng mẫu lớn nhất từ trước đến nay, là tất cả các cặp song sinh đăng ký khai sinh tại Thụy Điển trong khoảng thời gian 1959-1985.

[xv] Trong khi công trình của nhóm Brian Mustanski thì loan báo dứt khoát hơn: Các vùng gene chi phối xu hướng tính dục nam giới đã được nhận dạng (Genetic Regions Influencing Male Sexual Orientation Identified).

[xvi] Tại trang dẫn link, kéo xuống năm 2009, ở phần mang tên Resolution on Appropriate Affirmative Responses to Sexual Orientation Distress and Change Efforts.

[xvii] Quan niệm này được BS. Trần Bồng Sơn nêu ra đầu tiên với một động cơ tốt, nhưng đã bị sử dụng sai lạc sau này. Có một website lưu trữ các bài viết của BS. Sơn nhưng đang bị trục trặc kỹ thuật, không thể truy cập vào đó mà chỉ đến được trang ngoài.

[xviii] Tôi thường có những “khảo sát mini” khi tiếp xúc với người đồng tính. Có lúc tôi đã sốc khi tiếp xúc với những em 16, 17 tuổi, thông minh, ngoan hiền nhưng đã nghĩ rằng phải lo kiếm tiền từ sớm (kiếm tiền online) để dành dụm cho cuộc sống “ra riêng” sau này, vì gia đình sẽ không chấp nhận, người khác sẽ xa lánh. Các em không màng gì đến chuyện xã hội hay đặt việc học hành làm tiên quyết. Tôi thương cho sự ngây ngô của các em, mà cũng đau lòng vì sự kỳ thị đã có thể làm biến dạng giới trẻ đến như vậy.

[xix] Hai bài học: 1. Cha mẹ có bảo thủ vẫn có thể thuyết phục được, những giá trị thâm căn cố đế về gia đình vẫn có thể linh động để cho phép các quan hệ phi truyền thống, cho nên nỗi sự về sự phán xét của người khác [về tính dục của mình] có thể lớn hơn thực tế [của sự phán xét đó]. 2. Vận dụng sức mạnh của hình ảnh loan tải từ truyền thông để chứng tỏ giá trị của tình yêu đồng giới của mình.