Tác giả

Chuyên mục

Trang

Về “sến”, nhân dịp ra mắt bản điện tử của Marie Sến trên Amazon Kindle

Th3 5, 2021

Phạm Thị Hoài

Hiếm có từ nào trong tiếng Việt mà nguồn gốc thiếu chắc chắn, ta Tây Tàu hỗn loạn, nhưng lại gợi nhiều liên tưởng và hợp với tính cách Việt như sến. Là người Việt thì phải sến súa. Đó là ý tưởng kích thích tôi viết cuốn tiểu thuyết này.

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của cái tên Marie Sến:

Con sen

Con sen chỉ người hầu gái ở các gia đình khá giả, thường ở thành thị trong xã hội Việt Nam khoảng từ đầu thế kỷ hai mươi. Có thuyết cho đó là vế nữ của thằng quýt, chỉ hạng dân đen vô danh (Quýt làm Cam chịu) đã tồn tại từ lâu trong tiếng Việt, tuy lại có thuyết cho rằng thằng quýt chính là quất nô (), từ tích Lý Hoàng trồng ngàn gốc cam quýt trong sách Tương dương ký, được nhắc tới trong Tam quốc chí. Còn sen trong con sen, có thuyết cho đó là dạng Việt hóa của tiếng Pháp servante, con hầu, khác với con ở trong xã hội Việt Nam trước thời thuộc Pháp. Dù xuất phát từ đâu, thằng quýt con sen chỉ tôi tớ nô bộc, tức hạng tiện dân, thấp kém về mọi phương diện. 

Nếu sến bắt nguồn từ sen trong con sen thì vì sao sến hiếm khi xuất hiện ở miền Bắc trước 1975? Vì tầng lớp con hầu người ở đã biến mất trong xã hội mới, với một giới lãnh đạo tự định nghĩa là công bộc, đầy tớ của nhân dân? (Thời hậu xã hội chủ nghĩa, con sen nay đã thành con sin, Việt hóa của ô-sin, người giúp việc, theo bộ phim truyền hình Nhật Oshin.)

Mari Phông-tên

Con sen theo người Bắc 54 di cư vào miền Nam vốn chuộng một từ khác: ở đợ. Họ và những phụ nữ quê mùa nghèo khó khác ở thành phố thường đến máy nước công cộng (fontaine) giặt giũ, rửa ráy, vừa sinh hoạt vừa hò hát những điệu bình dân mùi mẫn. Báo chí gọi đùa họ cho sang là những Mari đờ la Phông-tên.

Maria Schell

Có thuyết cho rằng Marie Sến là tên Việt hóa của Maria Schell, diễn viên đóng vai nàng Grushenka trong phim Anh em nhà Karamazov theo tiểu thuyết cùng tên của Dostoevsky, được chiếu đầu những năm 60 ở các đô thị miền Nam. Maria Schell lẳng lơ, quyến rũ, rên rỉ, quằn quại, bốc lửa trong phim Hollywood lâm ly nhanh chóng kéo theo một làn sóng Marie Sến ngoài đời.

Sentimental

Có thuyết cho rằng sến là dạng Việt hóa ngắn gọn của sentimental, đa sầu đa cảm, tâm hồn diết da trái tim chảy nước.

Đàn sến

Nguyên là tần cầm (), từ bính âm qín, đọc là shin, chuyển thành sến, đàn sến là một nhạc cụ của miền Nam, cho các hình thức âm nhạc cổ truyền đặc trưng của miền Nam như cải lương, vọng cổ, đờn ca tài tử, nhưng lại cũng thích hợp với phong trào tân nhạc Bolero, rồi gắn liền với nhạc tân cổ giao duyên làm mưa làm gió ở miền Nam trước 1975. Dòng nhạc đó thích hợp với gu bình dân đa cảm, là si-rô cho đám đông, dĩ nhiên cũng được các con sen ưa chuộng. Tùy liên tưởng mà từ đó sến có thể gợi thêm những ấn tượng khác: thiết tha, não nề, nỉ non, than thở, cải lương, lãng mạn, đồng bóng, đua đòi, rẻ tiền, hời hợt, phô phang, rởm…

Tôi đã tìm cách dựng nên một Marie Sến từ chỗ không biết gì chính xác về Marie Sến. Vậy Marie Sến của tôi là một phỏng đoán nữa về sến, để thêm một nét có thể nữa vào chân dung người Việt.

Marie Sến được Thanh Văn ấn hành lần đầu năm 1996 tại California, chưa bao giờ được xuất bản tại Việt Nam và từ hôm nay được xuất bản điện tử trên Amazon Kindle.

5/3/2021