Điền vào dấu ba chấm: Đất nước của…
Th8 20, 2020
Phạm Thị Hoài
Đoạn thơ về đất nước trong đề thi tốt nghiệp THPTQG môn văn năm nay tự nó không có gì đáng bàn. Thơ chính mạch vinh danh quê hương đất nước con người mọi thời đều là sản phẩm dễ tiêu hóa và tiêu thụ, không lo phản ứng phụ. Hay dở cũng không đáng bàn, tất cả đã chuẩn hóa, khen chê ngoài đáp án là trượt. Thi văn ở Việt Nam ngày nay không khác thi bằng lái, miễn sao thuộc luật, dĩ nhiên không cần phân biệt đó là một con ngựa sắt cổ lỗ cả về động cơ lẫn khí thải hay một sáng tạo hiện đại của công nghệ xe hơi. Vì thế chê bai rằng tập hợp những câu ngắn dài “cố thuộc mà khó thuộc” đó “xa lạ với thơ“ là nhầm địa chỉ. Nhân tiện, không phải để bênh vực tác giả Nguyễn Khoa Điềm, người có những dòng thơ đáng đọc hơn hẳn đoạn trích vừa nhắc, mà để hỏi nhỏ bộ lạc thơ dễ thuộc: Có thi phẩm tiếng Việt nào, kể cả Kiều, thơ hơn jờ joạcx của Trần Dần? jờ joạcx không khó thuộc, mà không thể thuộc, mỗi lần đọc lại bằng mắt là một lần phát hiện những chùm sáng khác đi qua một thấu kính khác. Hôm nọ lơ thơ bình minh tôi bóc lịc mịch ngày, thuộc đến đó thì còn khả dĩ, kể cả cụm lịc mịch, và cái lơ thơ bình minh đó có thể in đậm vào trí nhớ vì những bình minh khác đã quá nhàm. Nhưng tiếp theo thì trí nhớ từ chối. Không phải vì nó chợt khó tính hay đã quá tải. Nó từ bỏ chức năng để nhường cho ta cảm giác tinh khôi mỗi lần gặp lại: xuống hàng, 8 khoảng trống, tôi đi, xuống hàng, song song cơn mưa to juỳnh juỵch jạng đông, xuống hàng, tôi gặp, xuống hàng, 2 khoảng trống, một con nữ vận động viên, xuống hàng, ướt, xuống hàng, jượt, xuống hàng, toàn thân, xuống hàng, chạy joạch vòng mưa, xuống hàng, jòng jòng, xuống hàng, 1 – 9 – 6 – 3 min mét nữ, xuống hàng, xuống hàng, jờ jạchx nở jòn jọtx. Tôi không khuyên đưa thơ Trần Dần vào chương trình ngữ văn phổ thông, thơ ấy ngoài đáp án, thí sinh sau tay lái có thể thiệt mạng.
Đáng bàn là đề thi muốn gì với đoạn thơ ấy. Có thể lấy bất kỳ một văn bản nào: giấy triệu tập lên đồn công an, đơn xin tự thú của Trịnh Xuân Thanh, bài quảng cáo bột giặt, hướng dẫn sử dụng que thử thai, một đoạn Luật Phòng cháy Chữa cháy… làm văn mẫu và yêu cầu so sánh với một tác phẩm văn học bất kỳ thuộc chương trình. Tôi tin sẽ có những bài luận thú vị, những thí sinh đầu hàng và những phụ huynh đòi hoàn học phí. Nhưng đem một văn bản đã học chán chê, đã phân tích nát bét và ôn đi ôn lại nhừ tử ra để yêu cầu phân tích đích thị cái “tư tưởng” được nêu đích danh, tôi không rõ toàn bộ chuỗi thao tác rất đặc trưng cho thi cử kiểu Việt Nam này sẽ dẫn tất cả các bên tham gia đến bờ vực nào. Đầu vào và đầu ra giống hệt nhau, đó là sự lăng nhục cho những phần mềm học sâu, trợ lý Alexa của Google mà mỗi ngày tôi mắng mấy trận mày ngu quá, không nghĩ ra điều gì hay hơn à, cũng ngàn lần sáng tạo hơn. Song nhà trường vẫn năm này qua năm khác đào tạo thành công những cấp độ động não ở con người mà trí tuệ nhân tạo đã bỏ qua từ mấy thế hệ.
Nhưng đáng bàn hơn cả là “tư tưởng Đất nước của Nhân dân” mà thí sinh được yêu cầu phân tích. Nhân dân vô danh, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm, giữ lúa, giữ lửa, giữ tiếng nói và tên đất tên làng, tác giả liệt kê những việc nhân dân thường làm và kết luận đất nước này là đất nước của nhân dân. Tốt thôi, tôi ủng hộ nhân dân, nhưng chẳng có gì ở đó để “phân tích”, chẳng lẽ có thể phân tích “tư tưởng” Sắc đẹp của Phụ nữ qua đoạn miêu tả dung mạo hấp dẫn của Thúy Vân và Thúy Kiều? Song hoàn toàn có thể và nên đặt quan niệm về vẻ đẹp của phụ nữ hay quan niệm về đất nước trong bối cảnh các thời đại và không chỉ trong sách vở. Tiếp cận theo cách đó, “đất nước của nhân dân” ngày nay nhiều phần là một cách nói sáo mòn và lừa mị.
Trừ Thân vương quốc Liechtenstein không có nhân dân riêng mà thuê nhân dân lân bang, Công quốc Monaco toàn triệu phú, nhân dân không có chỗ và Tây Sahara có nhân dân nhưng nhân dân đi tị nạn hết thì đất nước nào trên thế giới này không của nhân dân? Đề cao nhân dân không phải là sáng tạo riêng của các nhà nước dân chủ nhân dân, kể cả Bắc Triều Tiên hiện tại và Khmer Đỏ một thuở, mà bắt nguồn từ các cuộc cách mạng dân chủ tư sản trước đó hai trăm năm. Trước khi trở thành di sản quý báu của “tư tưởng Hồ Chí Minh”, nguyên văn cụm từ chính quyền/nhà nước “của dân, do dân, vì dân” đã vang lên trong câu kết Diễn văn Gettysburg của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln ngày 19.11.1863: “and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth“. Dù sao, ông Hồ là một dịch giả đặc biệt, như ông đã dịch thật rung động câu mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1776 để mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam năm 1945. Thời hưng thịnh công nông binh, văn nghệ sĩ trí thức giầm chân chờ được kết nạp vào hàng ngũ nhân dân mà vẫn nguyên phận dự bị. Dễ hiểu là chân dung nhân dân mà họ miệt mài khắc họa luôn vươn cao trong tư thế cầm búa, cầm liềm và cầm súng, tuyệt đối không cầm bút. Nhân dân trong đoạn trích thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng vậy, làm lụng, nuôi con, đánh giặc, anh hùng, có chút tri thức thì nhất định đến từ văn hóa dân gian. Quan niệm về đất nước của những chủ nhân ông thuở “be bờ đắp đập” ấy không còn cung cấp một cảm hứng nào đúng tầm thời đại này.
Song vượt qua mọi thời đại, đất nước xứ sở nào cũng muốn tìm thấy mình trong một định nghĩa ít nhiều trường tồn. Người Pháp thật may mắn: tình yêu nói tiếng Pháp, Paris là thành phố của ánh sáng và ái tình, nước Pháp là đất nước của trái tim xao xuyến. Những lần đến Paris, tôi không thấy l’amour đầy đường; đời thường đi métro là tất cả trừ lãng mạn – đặc biệt tuyến 13 – và giá cắt cổ cho một bữa sáng với café và miếng không khí tẩm bột nướng giòn đáng gọi là khủng bố hơn là sexy. Nhưng không vô cớ mà đất nước ấy được tình yêu ghé môi đóng dấu.
Ý cũng không là đất nước của cuộc sống ngọt ngào tí nào khi vào nhóm đứng đầu bảng tử thần ký tên SARS-CoV-2. Những ngày bình an tiền Covid, không mất ví ở Ý là du khách đã mãn nguyện và ngoài ra còn không bị tương một bịch rác vào đầu ở Napoli, không bị tắc xi ở Venezia và hầu bàn ở Roma cắt cổ, không bị ăn cướp bởi xe ngựa, cảnh sát và cây xăng thì nên ghé Vatican cảm ơn phép màu của Thượng đế. Tuy thế, bất chấp bao nhiêu kinh nghiệm xương máu và khóa đào tạo “Làm thế nào để sống sót ở Ý”, mùa Thu này tôi sẽ chỉ có một nỗi nhớ, nhớ Bella Italia, dolce vita.
Đức thấy mình là đất nước của các nhà thơ và nhà tư tưởng, Land der Dichter und Denker. Thời Nazi, đó là đất nước của cai ngục và đồ tể, Land der Wächter und Schlächter, và trước đó nó đã được Karl Krauss, nhà văn Áo lừng danh với ngòi bút cay nghiệt, đổi thành đất nước của thẩm phán và đao phủ, Land der Richter und Henker. Bây giờ cả thơ ca, tư tưởng, cai tù, đồ tể lẫn thẩm phán và đao phủ đều không đóng góp gì cho GDP, Đức trở thành đất nước của xe hơi, bia và bóng đá, song Mercedes, BMW, VW, Bundesliga và chỉ số BMI ngày càng khuếch đại của những vại bia biết đi vẫn không thể cạnh tranh với huyền thoại thi ca và tư tưởng.
Huyền thoại “đất nước của những cơ hội vô tận” cũng sẽ sống mãi với Hoa Kỳ, ngay cả những khi nó là đất nước của những xung đột vô tận. Israel mãi mãi là miền đất hứa. Thái Lan là đất nước của nụ cười. Lào là đất nước triệu voi. Nhật là xứ sở mặt trời mọc. Buhtan là vương quốc của hạnh phúc. Úc là đất nước của chuột túi. Thụy Điển là đất nước của Ikea. Brazil là đất nước của bóng đá. Hàn quốc là đất nước của K-pop. Hà Lan là quê hương của hoa Tulip. Phần lan là đất nước của sauna. Nga có hai định nghĩa, là đất nước của Pushkin hay cõi Sa hoàng. Thụy Sĩ là đất nước bán vũ khí cho toàn thế giới nhưng bản thân chưa từng gây cuộc chiến nào và tiền bán vũ khí đem lập nhà băng cho bọn tội phạm Trung Quốc và Sicilia đến mở tài khoản, như hình dung của một cậu bé mà ông Marcello D’Orta, giáo viên Ý, công bố trong một sưu tập luận văn học trò…
Học trò Việt Nam sẽ điền gì vào câu “Đất nước của…”, nếu không phải theo đáp án “nhân dân” sau dấu ba chấm?
Tuần báo Trẻ, 20.08.2020
Categories: Bài viết từ 2015 trên các báo khác, Giáo dục, Văn nghệ và Chính trị
Tags: Abraham Lincoln, Hồ Chí Minh, Nguyễn Khoa Điềm, Thi THPTQG, Trần Dần