Dịch thuật và lựa chọn
Th8 6, 2020
Phạm Thị Hoài
Hai ngày sau bài phát biểu kịch liệt chống Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 23/7/2020 tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon, VnExpress rồi nhiều trang báo đầu đàn khác ở trong nước, như VTC, đồng loạt đăng cùng một bản dịch tiếng Việt, nhưng một ngày sau lại đồng loạt rút xuống[1]. Chủ đề “bài phát biểu dậy sóng” này vẫn hiện diện trên truyền thông chính thống ở Việt Nam, song chỉ còn là đề cập gián tiếp qua tóm tắt hay trích dẫn chọn lọc từ báo chí nước ngoài. Tất cả những động tác đó không có gì lạ và đã thành thông lệ, thậm chí là truyền thống của báo chí nhà nước; nhưng muốn thế nào, mỗi ca kiểm duyệt kể một câu chuyện và câu chuyện lần này đáng lưu ý vì những tình tiết sau đây.
Bác Trung, bảo Cộng
Ở điểm trũng nhất của quan hệ Mỹ-Trung sau không ít thăng trầm kể cả Thiên An Môn, bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ lần này gây ngạc nhiên không phải vì sự gay gắt, mà vì nó chĩa mũi dùi vào sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như ý thức hệ cộng sản và nói thẳng không một chút úp mở rằng đó là nguồn gốc tất yếu, không thể làm ngơ nữa của hiểm họa Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và thế giới tự do. Đó là điều mà các chính quyền Hoa Kỳ, bất kể Dân chủ hay Cộng hòa, cho đến nay ít nhiều đều tránh đề cập. Việt Nam hiển nhiên lâm vào thế kẹt, Bắc Kinh trước sau vẫn là hình mẫu cầm quyền cho Hà Nội dựa vào và noi theo, hệ tư tưởng cộng sản ở Việt Nam trước sau vẫn là quốc đạo. 31 lần ông Pompeo gọi tên “cộng sản”, bản dịch tiếng Việt giữ lại đúng 2 lần, đổi cả nhan đề và loay hoay xoay xở để có thể vừa truyền đạt tương đối những chỉ trích với Trung Quốc, vừa bảo toàn đảng cộng sản và chế độ cộng sản, để tránh những sự kiện gắn liền với chính sách đàn áp khét tiếng của chính quyền cộng sản, và để bỏ qua xung đột thể chế giữa hai mô hình độc tài cộng sản và dân chủ tự do.
Chỗ nào biến hóa được thì biến hóa, những người Duy Ngô Nhĩ “trốn khỏi các trại tập trung ở Tân Cương”thành “rời khỏi Tân Cương”, những người “sống sót ở Quảng trường Thiên An Môn” thành “từng có mặt trong sự kiện Thiên An Môn”, Tập Cận Bình “độc tài cai trị” thành “điều hành”, thách thức từ Trung Quốc đòi hỏi nỗ lực và năng lượng “từ các nền dân chủ” thành “từ nhiều quốc gia”, Đài Loan “vẫn nở rộ thành một nền dân chủ cường tráng” thành Đài Loan “vẫn phát triển”…
Chỗ nào không biến hóa được thì cắt tỉa: “Nếu bây giờ chúng ta quỳ gối, con cháu chúng ta có thể bị phó thác cho ân huệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà hành động hiện đang là thách thức lớn nhất cho thế giới tự do” thành “Nếu chịu khuất phục, con cháu chúng ta có thể phải hứng chịu những hậu quả từ Trung Quốc.”; “có thể chúng ta đã ngây thơ về chủng loại Trung Hoa đầy độc tố của chủ nghĩa cộng sản” thành “có thể chúng ta quá ngây thơ về Trung Quốc”; “làm ăn với một công ty được ĐCS Trung Quốc chống lưng” thành “làm ăn với một công ty Trung Quốc”; “chúng ta phải cổ động và phú quyền cho nhân dân Trung Quốc vốn năng động, yêu tự do, hoàn toàn khác với ĐCS Trung Quốc” thành “chúng ta phải tiếp xúc với người dân Trung Quốc”; “những vi phạm nhân quyền thô bạo của ĐCS Trung Quốc” thành “những hoạt động vi phạm nhân quyền”; “những gạ gẫm món hời hay những ve vuốt của ĐCS Trung Quốc” thành “những đề xuất béo bở của Trung Quốc”, mục đích của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc là “duy trì sự thống trị tuyệt đối của giới tinh hoa trong ĐCS Trung Quốc và bành trướng một đế chế Trung Hoa” thành “nhiệm vụ của họ là mở rộng đế chế Trung Quốc”; “để bảo vệ lý tưởng của mình trước những chiếc vòi bạch tuộc của ĐCS Trung Quốc” thành để bảo vệ “lý tưởng trước Trung Quốc”…
Chỗ nào không cắt tỉa được thì chặt phăng: Nguyên cả câu “Chúng ta phải ghi nhớ rằng chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là chế độ Mác-Lênin”. Nguyên cả đoạn vinh danh Vương Đan và Ngụy Kinh Sinh, hai nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc nổi tiếng được mời dự sự kiện, và nguyên cả đoạn tiếp theo: “Tôi lớn lên và phục vụ trong quân đội suốt thời Chiến tranh Lạnh. Và nếu có điều gì tôi học được thì đó là: những người cộng sản gần như luôn nói dối. Sự dối trá lớn nhất mà họ rêu rao là ý tưởng rằng họ đại diện cho 1,4 tỉ người bị canh giữ, áp bức và không dám lên tiếng. Hoàn toàn ngược lại. ĐCS Trung Quốc sợ những ý kiến trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kì kẻ thù nào, và không có lý do gì để sợ như vậy, trừ lý do lo đánh mất quyền lực của chính mình.”
Hà Nội tự thủ tiêu
Đoạn: “I have faith. I have faith because of the awakening I see among other nations that know we can’t go back to the past in the same way that we do here in America. I’ve heard this from Brussels, to Sydney, to Hanoi” được dịch “toàn văn” là “Tôi có niềm tin. Tôi có niềm tin bởi thấy nhiều quốc gia đã thức tỉnh và hiểu rằng không thể trở lại quá khứ giống cách chúng ta đang thực hiện ở Mỹ.”, tức câu “Tôi đã nghe điều đó từ Brussels đến Sydney, Hà Nội” bị thủ tiêu.
Vậy Hà Nội thực sự đã nói gì với Ngoại trưởng Mỹ mà nhạy cảm thế? Đợi đến lúc một cựu cán bộ ngoại giao Việt Nam nào đó tiết lộ những “chuyện bây giờ mới kể” trong những trích đoạn hồi ký an toàn nào đó trôi nổi trên mạng, đúng công thức đã được thử thách tí ti cấp tiến tí ti phá rào dâng trào cảm xúc, thì lịch sử đã sang mùa quýt khác, hiện tại chúng ta chỉ biết rằng Hà Nội không thích thú gì bị nêu đích danh cạnh EU và Úc, những đồng minh quân sự truyền thống của Mỹ. Nói cách khác, chớ hy vọng Hà Nội sẽ sốt sắng hoan nghênh cái liên minh chống Trung Quốc mà ông Pompeo đang khẩn thiết kêu gọi, chính thức gia nhập thì chắc chắn càng không.
*
Như mọi thao tác ngôn ngữ, dịch thuật là công cụ của quyền lực. Quyền lực có thể chính trực, quảng đại, khai phóng. Quyền lực có thể gian tà, nhỏ nhen, giam hãm. Quyền lực có thể đắc thắng và quyền lực cũng có thể bất lực. Bản dịch tiếng Việt bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ nói trên, được gọi là “toàn văn” nhưng rõ ràng là phiên bản được cắt gọt điều chỉnh cho phù hợp với khí hậu chính trị Việt Nam, cho thấy khí hậu ấy đã có phần thay đổi. Chưa bao giờ kể từ Hội nghị Thành Đô, một văn bản phê phán Trung Quốc hạng nặng như vậy từng xuất hiện trên truyền thông chính thống ở Việt Nam, dù đã gắn giảm xóc và chỉ thọ không hơn một ngày. Song bản dịch ấy còn cho thấy rõ hơn một quyền lực chao đảo bởi những giằng xé cốt tủy mà chọn lựa nào cũng đe dọa tai họa ngang nhau. Ai đang mừng rằng những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc của Hoa Kỳ là có lợi cho Việt Nam, đang mong rằng Việt Nam có thể tranh thủ những tín hiệu tích cực ấy, đang chờ Mỹ đi trước trong công cuộc thoát Trung, có vẻ đang móc ảo tưởng từ một chiếc ví rỗng ra xài. Tuyên ngôn chống cộng mới toanh của Hoa Kỳ không mở đường cho Hà Nội, trừ khi đó chỉ là động tác tu từ. Trên trận tuyến ý thức hệ, Hà Nội không có lựa chọn. Không có lựa chọn thực ra là có duy nhất một lựa chọn.
(Tuần báo Trẻ 6/8/2020)
[1] Ở thời điểm tôi viết bài này, chỉ còn trang PetroTimes của Hội Dầu khí Việt Nam chưa hạ bản dịch: https://petrotimes.vn/toan-van-phat-bieu-keu-goi-chong-trung-quoc-chuyen-che-cua-pompeo-574854.html.
Categories: Bài viết từ 2015 trên các báo khác, Chính trị Việt Nam, Dịch thuật, Trung Quốc
Tags: Mike Pompeo, thoát Trung