Tác giả

Chuyên mục

Trang

Quê hương tôi là tiếng Việt

Th7 23, 2020

Phạm Thị Hoài

(Trò chuyện với Đinh Thúy Nga, phóng viên báo Tuổi trẻ, tháng 4/1997 tại Hà Nội)

Đinh Thúy Nga: Tôi vừa đọc xong Marie Sến, qua một bản photo, cũng vì tò mò muốn biết cái Phạm Thị Hoài mới viết như thế nào. Nói thật là tôi không thích. Tôi thấy đanh đá quá, dường như chị chỉ định phô diễn sự đanh đá của mình thôi và viết cho thỏa ý mình. Còn câu chuyện không đến nỗi phải nói ra như thế. Tôi thích Thiên sứ của ngày xưa hơn.

Phạm Thị Hoài: Cảm ơn chị đã tò mò và đã đọc. Câu chuyện trong Marie Sến, chị cho rằng không đến nỗi phải như thế, thì đơn giản là nó không đủ sức thuyết phục đối với chị, có thể dùng một từ khác là khiên cưỡng. Chúng ta cảm nhận sự khiên cưỡng khác nhau và chúng ta không bình đẳng: chị là độc giả, có quyền đánh giá một tác phẩm là dở, không đáng đọc, không đáng mua; tôi là tác giả, không hề có bất kỳ một quyền gì với độc giả, trừ quyền bất chấp độc giả. Còn về sự đanh đá: người Việt không ai ưa kẻ đanh đá. Ghê gớm, thậm chí khủng khiếp nhiều khi còn được hiểu theo nghĩa tích cực, nhưng đanh đá thì bao giờ cũng đáng ghét và thường bị gắn vào đàn bà, cũng như chua ngoa, lăng loàn. Ý nữa của chị rằng tôi chỉ viết cho thỏa ý mình, điều đó thì đương nhiên rồi. Viết không thỏa, không sướng thì viết làm gì? Nhưng ý mình, lòng mình lại chẳng phải cái lọ mực để biết đã dốc cả ra giấy hay còn sót lại gì. Nói vậy nhưng tôi hiểu ý chị. Tôi cũng trân trọng Thiên sứ và mừng cho nó được nhiều người mến mộ. Nhưng tôi không tin rằng nó là một cuốn sách quan trọng. Có lẽ nhiều người không chia sẻ cái tham vọng của tôi về một tác phẩm quan trọng. Họ sẽ hỏi ngay rằng, thế nào là quan trọng? Song lúc dọn nhà phải vứt bớt sách đi chẳng hạn, người ta sẽ tự biết được điều đó. Tôi tin rằng Marie Sến quan trọng hơn Thiên sứ và hy vọng nó là một tác phẩm có thể đọc nhiều lần, một lần khác chị sẽ lại có những nhận xét khác.

Đinh Thúy Nga: Tôi cũng có nghe một vài nhà văn khen là Marie Sến sắc sảo và có tính khái quát cao hơn Man nương. Nhưng tôi chỉ thuộc phe Thiên sứ thôi. Dư luận cũng thừa nhận Thiên sứ là thành công. Chị nghĩ thế nào?

Phạm Thị Hoài: Thiên sứ dễ đọc và cũng dễ gây thiện cảm với đông đảo người đọc hơn những tác phẩm khác của tôi. Có một điều rất quan trọng, là người đọc khi bước chân vào cái thế giới hư cấu của văn chương thì vẫn giữ nguyên những thói quen định hướng thông thường của thế giới hiện thực: bên phải, bên trái, chỗ này cấm chỉ, chỗ kia hạ mã… Thiên sứ vẫn còn ủng hộ những thói quen đó ở một mức độ đáng kể. Bé Hon dẫn lối cho người đọc. Người đọc được yên tâm làm một du khách có hướng dẫn viên đáng mến. Cho nên có du lịch qua cả một địa ngục thì người đọc cũng không hề đem ra vận vào mình. Mà chỉ vận vào tha nhân. Còn tác giả thì ngoại cuộc. Như vậy là trong cuộc văn du này có hai kẻ ngoại cuộc, độc giả và tác giả, có làm phiền gì nhau đâu, dễ có cảm tình với nhau là phải. Ở những tác phẩm sau này của tôi, điều đó dần dần không còn nữa. Vai trò người đọc, người viết, và người khác đã bị xáo trộn phức tạp tùy ở văn cảnh. Đấy là thế giới hư cấu của những thói quen mới. Song bản thân tôi cũng phải mò mẫm trong đó. Số đông độc giả không có nhu cầu dò tìm và sẵn lòng chấp nhận những tai ương bất ngờ như vậy, dù là trong một thế giới hư cấu. Người ta bằng lòng vượt qua những khúc mắc khủng khiếp trong một cuốn truyện trinh thám chẳng hạn, vì biết chắc là mọi sợi chỉ cuối cùng đều về một mối, kẻ giết người cuối cùng sẽ sa lưới. Người ta thích đi dạo trong những cánh rừng không có chó sói, hoặc nếu có thì có luôn cả bác thợ săn nữa. Song đã có quá đủ các nhà văn làm công việc gỡ chỉ hoặc dọn rừng rồi, tôi xin làm việc khác.

Đinh Thúy Nga: Trong nhiều truyện chị viết sau này, cả trong Man nương lẫn trong Marie Sến, cá nhân tôi thấy chị dường như chịu một thứ câu thúc nào đó. Lúc thì bị câu thúc vì kỹ thuật, nên phải viết kiểu thế, lúc lại bị câu thúc bởi ý định nói cho được, nên cũng cứ phải vì thế mà viết ra. Tôi không biết nói thế có là “chủ quan áp đặt” lên Phạm Thị Hoài không?

Phạm Thị Hoài: Bàn về sự câu thúc dễ thành kẻ lý sự, mà lý sự thì cũng khó ưa như đanh đá, với người Việt. Tôi thấy mình bị nhiều thứ câu thúc hơn những điều chị vừa nhắc đến, nhưng trước hết tôi chỉ mong không bị câu thúc bởi thành công đã có của mình mà thôi. Về sự ràng buộc của ý định thì trời ơi, xin chị giở lại từng trang trong nền văn chương của chúng ta: đó là một nền văn chương của các ý định và chỉ ý định là đáng kể. Hoặc là ý định tốt, đáng hoan nghênh; hoặc là ý định xấu, đáng phê phán. Chủ đề tư tưởng phải rõ ràng, mục đích phải sáng tỏ. Ngược lại với ý chị, nhiều tác phẩm của tôi là bị chê là khó hiểu, chẳng biết tác giả muốn nói gì. Đồng thời, nhiều trang viết của tôi lại bỗng nhiên được tặng bao nhiêu ý đồ lạ hoắc. Tác giả thật khó xử với những món quà như vậy. Còn về kỹ thuật, đó là thứ dễ buộc vào và buông ra nhất, áp lực của nó không bao giờ là vĩnh viễn. Nó giống như cùng một chiếc áo, chỉ phù hợp với người này mà không hợp với người kia, hợp với lúc này mà lúc khác lại hỏng. Chắc chị đã thấy tôi thử áo nhiều quá. Nếu ở những truyện trước chị không có cảm giác ấy, thì chắc là áo tôi khi ấy cũng na ná áo nhiều người khác. Song sự riêng biệt là một trong những điều kiện sống còn của nghệ thuật. Đôi khi một kỹ thuật nào đó phải được phô trương, thậm chí khuếch trương, để đẩy sự riêng biệt lên một bước nữa hoặc lên đến tột cùng. Tôi e rằng trong văn chương Việt Nam, sự độc đáo chỉ được ghi nhận trên nguyên tắc chung mà thôi, nó chưa bao giờ là một trong những thanh củi lớn cháy trong chiếc lò luyện văn của chúng ta. Nhà văn Việt Nam thường không buồn khi thấy tác phẩm của mình cũng hao hao giống tác phẩm của nhiều người khác. Tôi sẵn sàng chấp nhận nhiều thất bại, chỉ để con đường nghệ thuật của mình là riêng biệt. Muốn được như vậy, thì bản thân con đường đó không thể chỉ là sự kéo dài vô tận của Thiên sứ.

Đinh Thúy Nga: Theo chủ quan của tôi thì con đường nghệ thuật đó tới nay có thể chia làm ba chặng: Thiên sứMê lộ là một, Man nương là hai, Marie Sến là ba. Nhưng tôi vẫn cảm thấy cái nhân hậu, ấm áp của giai đoạn trước có sức chinh phục hơn.

Phạm Thị Hoài: Có lẽ tôi là một củ gừng, càng già càng cứng và cay. Người ta tuy nghiện riêng cho mình những thứ cay, đắng, chua, chát, nhưng khi có việc bày cỗ, điển hình là cỗ cưới, thì toàn những vị ngọt, bùi, béo, bở. Trong mâm cỗ cưới của văn học Việt Nam, có nhà văn nhà thơ nào tình nguyện chỉ làm một quả ớt đâu. Các nhà thơ trào phúng thỉnh thoảng mới nhớ ra rằng trong thơ nên có ớt, và hòa vào đó một tí chút vừa miệng thôi. Chị có cho rằng Nguyễn Đình Chiểu ấm áp hơn Nguyễn Du không? Bà Huyện Thanh Quan nhân hậu hơn Hồ Xuân Hương? Tôi rất quan tâm đến cái tâm lý sợ bị coi là ác của người Việt, văn Việt. Ở quán nhậu, mỗi lần nâng cốc người ta đều lớn tiếng bày tỏ cái tâm, cái tình, cái nghĩa, cái đức độ của mình trong cuộc đời. Nghe một lúc thì ù tai. Sách của tôi không thể giống một quán nhậu như vậy được.    

Đinh Thúy Nga: Tôi xin trở lại những chuyện cụ thể. Cho đến lúc này tôi vẫn thấy sức chinh phục của sự sắc sảo và cái bản năng tinh tế rất đàn bà trong Hành trình của những con số, Người đàn bà với hai con chó nhỏ, Tiệm may Sài Gòn… và tất nhiên của Thiên sứ. Sau này chị viết khác nhiều lắm. Điều gì đưa đến sự thay đổi này?

Phạm Thị Hoài: Trước đây nhiều năm, tôi không có khả năng chỉ cần dùng hai chữ để mô tả một lần duy nhất một đồ vật nào đó, để dựng nên một chi tiết nào đó trong cả một cuốn tiểu thuyết mà người đọc vẫn nhớ đến đồ vật ấy, chi tiết ấy. Nếu có, thì đấy là một ngẫu nhiên. Trước đây nhiều năm, tôi đi vòng quanh cái bọc đựng tiếng Việt mà không mở tung nó ra. Trước đây nhiều năm, tôi vừa là cái mũ đựng những con thỏ xinh đẹp vừa là nhà ảo thuật. Nhưng thỏ rồi cũng dùng hết, tiết mục ảo thuật cũng qua đi. Làm sao có thể kể hết những thay đổi. Lý do quan trọng nhất là nhu cầu phải thay đổi, là lòng ham cái chưa biết, là nỗi sợ dừng lại quá lâu một chỗ. Có người cho rằng sau Thiên sứ tôi rơi vào chỗ bế tắc, chỉ còn “vùng vẫy trong sự dâm dục độc ác ngập ngụa của chính mình“. Tôi có thể cãi lại rằng, chính là trong giây phút bế tắc chứ không phải trong cơn cao hứng, Thượng đế đã tạo ra nhân loại, và chúng ta biết nhân loại bê bối như thế nào. Song thực ra điều tôi muốn nói là, mọi sáng tạo đều là kết quả của một bế tắc. Sau cuốn Marie Sến, tôi đã hăng hái bắt tay ngay vào tiểu thuyết số 3. Nhưng đọc lại mươi trang mới viết, thấy vẫn ở trong cái bóng của Sến, vẫn quanh quẩn trong ngả đường đã khóa lại với trang cuối cùng của cuốn sách đó, nên tôi phải bỏ ngay. May mắn là tôi có một số việc hoàn toàn khác trong năm vừa qua để từ giã một giai đoạn. Bây giờ tôi đang viết dở một truyện cho thiếu nhi. Ở đó thì Sến không lọt vào được.

Đinh Thúy Nga: Việc sống ở nước ngoài có ảnh hưởng đến sáng tác của chị nhiều không?

Phạm Thị Hoài: Cuộc sống ở nước ngoài đương nhiên tác động tới con người tôi, số phận tôi, và sáng tác của tôi. Chỉ có điều quan hệ của một môi trường đã thay đổi với những sáng tác cũng đã thay đổi không đơn giản mà xác định được. Có những nhà văn sống mấy chục năm ở bên ngoài vẫn viết giống hệt những người chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam. Lại có những nhà văn đi ra đi vào xoành xoạch mà con đường sáng tạo của họ không mang dấu vết gì của những chuyến đi như vậy. Ảnh hưởng trực tiếp nhất khi sống ở Đức đối với tôi, là tiếng Việt của tôi phải đủ mạnh để thắng trong cuộc cạnh tranh với một ngôn ngữ mạnh là tiếng Đức. Chúng ta đang sống ở thời mà mọi thứ đều được quốc tế hoá một cách rất đương nhiên. Châu Á vận Âu phục cũng bình thường như châu Âu quấn xà rông. Trong nhà một người Việt bình thường ở Hà Nội, có lẽ chỉ 0,5 % đồ đạc là dính dáng một chút tới truyền thống thuần Việt. Quê hương, theo nghĩa vật lý, đã không còn nữa để mà thiếu. Những sản phẩm rất đặc trưng Việt Nam như nghèo đói, lạc hậu, tham nhũng, độc tài… cũng dễ dàng thấy ở nhiều xứ khác. Quê hương tôi là tiếng Việt. Vậy thì ngồi ở Berlin, bật máy tính lên là tôi lại về quê rồi.

Đinh Thúy Nga: Việc đi ra nước ngoài nhiều, tiếp xúc rộng, theo chị, có tác động như thế nào lên một người viết?

Phạm Thị Hoài: Nước ngoài là gần hai trăm quốc gia, và người ngoài là hơn năm tỉ người. Cảm giác rằng mình là một trong vài triệu người viết tất nhiên khác với cảm giác rằng mình là một trong vài trăm, chưa nói đến cảm giác tôi và anh chia nhau ngôi tiên chỉ, thứ chỉ trong một cái làng văn nhỏ bé. Nhóm từ “đi nước ngoài” có một ma lực đối với người Việt ở trong nước. Tôi nhớ mãi một giai thoại chẳng biết có thực hay không, rằng Mao Trạch Đông lần đầu tiên cầm một quả địa cầu trên tay đã bật khóc nức nở vì thấy tận mắt rằng Trung Quốc không phải là tất cả thế giới. Một nhà văn Việt bỗng đặt chân đến một nơi nào đó trên đất Mỹ mênh mông trong khoảng ba tuần đương nhiên không khóc như vậy. Ngược lại. Từ ngày quan hệ Việt-Mỹ bình thường trở lại, nhà văn Việt Nam sang Mỹ không khác gì trước đây sang Liên Xô. Song Mỹ khác Liên Xô nhiều lắm. Người ta không thể sang nước Mỹ của Liên Xô, nhưng người ta có thể sang Liên Xô của nước Mỹ. Như thế thì tuy đi nửa vòng trái đất, nhưng không khác gì xê dịch tại chỗ, tiếp xúc với nhiều người nhưng chẳng qua chỉ là mình lại gặp mình. 

Đinh Thúy Nga: Năm, bảy năm trước, tôi nhớ chị cho biết đang học chữ Hán. Việc học đến đâu rồi, có còn cần cho một người Việt, một người viết văn hôm nay không?

Phạm Thị Hoài: Người Việt đã học quá nhiều ngoại ngữ, nhiều tới mức không có cái chuẩn nào cho tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Chúng ta vui vẻ sống trong tình trạng vô chính phủ này. Chẳng ai thắc mắc gì, khi cái tên nước ở miền Bắc trước kia theo trật tự Tàu, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau này bỗng chuyển sang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo trật tự Việt. Tuyệt đại đa số dân chúng còn không hề biết đấy là một trật tự đã thay đổi. Cũng chẳng ai bận tâm xem câu “Chào buổi sáng” là nhằm vào người được chào, hay nhằm vào buổi sáng. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện thôi mà, miễn là tiện lợi và hiểu được, phần lớn chúng ta quan niệm như vậy. Người Việt sống lâu ở nước ngoài thì dùng một thứ tiếng Việt đông lạnh, không còn mùi vị gì đặc trưng, hoặc cố thủ trong chiếc áo ngôn ngữ mang theo từ quê hương, mà áo nào mặc mãi thì cũng tã nát. Tôi không biết một người Việt bình thường có cần phải học nhiều hơn 300 từ tiếng Việt không, huống hồ chữ Hán. Chữ Hán có thể học suốt đời không xong, và nếu không sử dụng thì quên rất nhanh. Tôi không phải làm những việc thường xuyên liên quan đến chữ Hán, đã quên nhiều mặt chữ, may mà phần chính của cái vốn liếng xưa vì có ích trong việc viết mà không mất. Tôi nói có ích, ít nhất để không lạm dụng những buổi lê minh hay ánh tà dương nếu chỉ muốn xác định thời gian lúc rạng sáng hay xế chiều một ngày giản dị. Những cảm xúc tẻ nhạt ưa đội lốt Hán-Việt, song chúng không biết rằng như thế ngoài tội nhạt còn thêm tội rởm. Biết thiên là trời mà khác trời, địa là đất mà khác đất quả thật chỉ là mở đầu của mọi mở đầu mà thôi.

* Ghi chú: Nhà báo Đinh Thúy Nga không còn làm việc tại báo Tuổi trẻ. Chị đã đồng ý với việc công bố bài phỏng vấn này, sau 23 năm.