Viết như một phép ứng xử
Th5 17, 2018
Phạm Thị Hoài
Tôi không nói tới việc viết văn để thuần túy kiếm sống, dù đấy là điều rất đáng bàn, và hơn nữa, sự nghèo túng của những người cầm bút ở xứ sở này đã trở thành truyền thống; cũng không nói đến việc viết văn để kiếm chác một vài thứ khác ít đáng bàn hơn, như danh vị hay những đặc quyền xã hội nào đó. Dù mất lòng tin vào văn chương bao nhiêu, tôi vẫn không thoát khỏi những ám ảnh về một thứ văn chương xứng đáng để được viết, được đọc, được suy ngẫm.
Song chúng ta đang ở cái thời mà người ta vui vẻ thừa nhận tất cả mọi điều đều có lý, kể cả những người viết văn vì tưởng đó là một nghề không cần đào tạo gì nghiêm túc. Đối với tôi, viết là một phép ứng xử toàn diện, trước hết với bản thân mình, sau là với môi trường, tức toàn bộ những gì tự nhiên và con người tạo ra, kể cả di sản của quá khứ và những tín hiệu dù còn mù mờ của tương lai. Hiểu như vậy thì người cầm bút phải đối diện với vô vàn dữ kiện, và dường như không thể xếp chúng theo trình tự của mức độ quan trọng. Một nhà văn gầy yếu đặt lên trang giấy những điều khác xa một nhà văn to béo. Một nhà văn có bàn tay sáu ngón sẽ dứt khoát tìm cách xử lý ngón tay thừa của mình trên trang viết. Những điều như vậy không kém quan trọng hơn những sự kiện xã hội lớn lao. Tiếc rằng tôi chưa bao giờ tìm thấy trong các công trình nghiên cứu văn học của chúng ta một tia sáng dù rất nhỏ rọi về hướng đó. Có một người mà sự nghiêm túc và trung thực có lẽ đã cho phép tiệm cận được vấn đề này, ông Vũ Ngọc Phan, tác giả bộ Nhà văn hiện đại Việt Nam một tác phẩm cho đến nay hầu như chưa có người vượt qua bất chấp những nhược điểm đáng kinh ngạc của nó. Nhưng tiếc thay, ông hơi ít trí tưởng tượng và khả năng khắc nghiệt, và càng tiếc là ông không để lại người kế nghiệp.
Yếu tố đầu tiên quy định cung cách ứng xử của người cầm bút là ngôn ngữ. Ai cũng có quyền chọn cho mình một ngôn ngữ nào đó, nhưng đó không đơn thuần là một phương tiện, vì đằng sau nó là di sản văn hóa, vốn liếng tâm lý, kinh nghiệm, diện mạo và trình độ phát triển của những cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Với tất cả lòng biết ơn, yêu quý và tôn trọng tiếng Việt, tôi vẫn không thể giấu những băn khoăn nhất định của mình về thứ ngôn ngữ mà tôi tự nguyện gắn bó này. Các nhà văn thường than thở về sự bất lực của ngôn ngữ. Điều ấy đôi khi mang tính biểu tượng, thậm chí làm dáng, nhiều hơn là chỉ ra những bất cập. Tôi ghi nhận bước phát triển gần như đột biến của tiếng Việt hiện đại, bởi xét ra nền văn chương thực sự được viết bằng thứ tiếng này chưa đầy trăm tuổi, một ca đặc biệt trong lịch sử văn học thế giới, và đáng là lý do để chúng ta tự hào. Nhưng tiếng Việt rõ ràng chưa thể sánh ngang với những ngôn ngữ hùng cường khác, và muốn nói gì thì nói, nó là một trở ngại không nhỏ trong quá trình hội nhập phông văn hóa nhận loại chung của chúng ta. Niềm vui của người được viết bằng tiếng mẹ đẻ nơi tôi đôi khi không át được nỗi buồn trước tính khu biệt quá cao của thứ tiếng ấy. Trước một bậc thầy tiếng Việt như Nguyễn Tuân, tôi không khỏi băn khoăn, nên làm cho tiếng Việt của chúng ta tiếp tục trở thành một đặc sản dành riêng cho những người sành ăn nhâm nhi, hay trước hết hãy gia tăng tính khoa học, tốc độ và khả năng biểu đạt tư duy trừu tượng của nó.
Chọn cho mình một quan điểm nghệ thuật – thực ra đó là việc lựa chọn một quan niệm sống – có lẽ là biểu hiện thấu đáo nhất của phép ứng xử theo nghĩa tôi đang nói. Việc dễ dàng và cũng dễ dãi nhất là lấy tinh thần thời đại làm mẫu số chung cho những quan niệm nghệ thuật khác nhau. Quyết bám vào đó và lại được tiếp sức bởi vài cây gậy chống vĩnh hằng khác như Chân, Thiện, Mỹ chẳng hạn thì các nhà văn không còn việc gì khác ngoài việc khai rõ ngày tháng năm sinh của mình và tóm lược lý lịch tất cả các nhân vật mình đã đẻ ra rồi chờ lời phán xét từ máy tính điện tử. Nhưng Stendhal và Balzac, sản phẩm Pháp của cùng một thời đại, thật khác xa nhau. Tình yêu của tôi cho Stendhal đến khá muộn, nhưng vẫn đủ để tôi cho rằng đặt cạnh ông, Balzac chỉ là một người thợ kể không biết mệt mỏi và không biết tiếc thân. Hay đặt cạnh Arno Schmidt thì Günter Grass, người mà tôi từng ngưỡng mộ, trở thành nhạt nhẽo, và họ đều là sản phẩm Đức của cùng một thời đại. Văn học Việt Nam thời đại này hy vọng ở sức mạnh tập thể nhiều hơn ở những anh hùng cá nhân. Một thời, độc giả ít nhiều còn có quyền chọn lựa, giữa Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam chẳng hạn. Họ không dựng nên hai bình diện tư tưởng khác nhau, nhưng thế giới của họ đã đủ độ riêng biệt đến mức không thể nhầm lẫn. Hiện tượng này ngày càng trở nên hiếm hoi, vì thế các nhà phê bình của chúng ta không còn cách nào hơn là đầu tư vào những phẩm chất chung của một tập thể văn chương. Những phẩm chất này lại được họ cho hôn phối hết sức thành công với những sự kiện xã hội và thời đại chung. Kết quả là khi cần biểu dương thành tựu ra bên ngoài, các nhà văn Việt Nam chỉ còn cách giới thiệu một khái niệm tập thể, kèm theo bản thành tích chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tâm lý được che chở, được ngủ yên, và được lợi dụng khái niệm tập thể ấy sẽ tiêu diệt đến khát vọng nghệ sĩ cuối cùng, và chúng ta chỉ có thể để lại cho hậu sinh những món ăn tinh thần khủng khiếp.
Một quan niệm nghệ thuật bao giờ cũng dẫn đến một phong cách nghệ thuật của riêng nó. Bút pháp văn chương rõ ràng không chỉ là vấn đề câu chữ, việc lạm phát dấu chấm, dè sẻn dấu hai chấm, hay hủy diệt dấu gạch đầu dòng. Mặc dù những người chủ trương nouveau roman đã không còn là những đại diện tiên tiến nhất ở chính nơi phong trào đó được khởi xướng, mặc dù các nhà cách tân văn chương vĩ đại đã dần dần trở thành những tên tuổi cổ điển, nhưng câu hỏi họ đặt ra đối với tôi vẫn là câu hỏi ném ra phía trước: vấn đề không là viết cái gì mà là viết như thế nào. Trong chừng mực nào đó tôi ghen tị với Nguyễn Du, hay Hồ Xuân Hương. Họ hồn nhiên hơn nhiều trước câu hỏi ấy. Họ không cần biết – và thực tế không hề biết – Goethe và Byron, những nhà thơ cùng thời ở nửa kia địa cầu, và nói cho khách quan Goethe và Byron cũng không biết họ. Điều đó chắc chắn không làm giảm sự vĩ đại của họ. Nhưng chúng ta đang ở một thời mà người cầm bút buộc phải có một giao tiếp nhất định với sản phẩm tinh thần và nghệ thuật thế giới. Ngày nay một nhà văn không thể vô tư xin lỗi cho sự thiếu hiểu biết của mình về các đồng nghiệp xuất sắc trên thế giới nữa; đấy là chưa kể đến việc đối thoại nghiêm túc, chứ không phải một cuộc tham khảo các lời giới thiệu và mục lục. Văn học Việt Nam hiện đại có cái may mắn là đã không trở thành nạn nhân của các cuộc tranh luận văn chương sôi nổi trên thế giới. Không ai nói đến một phong cách Việt Nam, như kiểu văn học Mỹ Latinh, hay văn học Nga di cư. Và lại càng khó tìm thấy ở đấy một phong cách cá nhân riêng biệt, nếu các nhà phê bình chịu khó đi xa hơn việc khen nhà văn này “viết sắc sảo” hay “hồn hậu”, chê nhà văn kia “chưa đủ độ sâu lắng” hay “chưa thật đều tay”. Nhưng người ta không chỉ học hỏi ở những phong cách lớn, mà có thể học ngay ở một nền văn học thiếu phong cách. Và tôi tin rằng, nhiều nhà văn lớp trước đã trả một cái giá đắt, để chúng tôi, những người đến sau, có thể học được điều lớn nhất là: không nên viết như thế nào.
Một quan niệm nghệ thuật thường cũng kéo theo một số phận nghệ sĩ của riêng nó. Tôi không biết các nhà văn Việt Nam ở những thời đại trước cảm nhận định mệnh của mình ra sao – về chuyện này, hình như phần lớn các sách danh nhân và tiểu sử đều cung cấp những thông tin mà sự méo mó có thể đạt tới 100%. Nhưng ở thời đại của chúng ta, khi tốc độ sống và tuổi thọ của con người không cho phép sự bất tử đến sau cái chết sinh vật học, thì người cầm bút phải chấp nhận những điều kiện vô cùng nghiệt ngã. Không thể hy vọng đùn trách nhiệm vào một cõi xa xôi nào đó. Không thể trông đợi sự khoan hồng của thời gian nữa. Nhưng đạt tới một sự thỏa thuận nào đó với cái thời mà mình đang sống lại có thể đồng nghĩa với nguy cơ tự triệt tiêu mình. Không phải ai cũng có cái diễm phúc chọn đúng thời để sống. Vả lại, ở bất kỳ thời đại nào, một trong những đặc tính thường trực của người nghệ sĩ là sự không hài lòng, bởi khát khao của hắn dĩ nhiên nhắm về phía trước.
Nhưng tôi là người lạc quan bẩm sinh. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng thời sẽ càng ngày càng khá, và những người cầm bút ngày càng ít tốn năng lượng vào việc thích nghi với thời đại của mình, hay chỉ để sinh tồn trong khoảnh khắc, mà có thể dùng năng lượng ấy vào việc vượt qua chính cái thời của mình và kéo dài cuộc đối thoại với những thế hệ tương lai.
Đăng lần đầu trong tạp chí Sông Hương, Huế, số 39 năm 1989. Đăng lại trên Tuần báo Trẻ (Hoa Kỳ) 17.5.2018
Categories: Văn học, Văn nghệ và Chính trị