Tác giả

Chuyên mục

Trang

Ba ghi chú về chuyện tiếng Anh

Th5 29, 2015

Phạm Thị Hoài

1.

Ông Tarō Asō, cựu Thủ tướng và đương kim Bộ trưởng Tài chính Nhật, có lần đưa ra nhận định rằng sở dĩ Nhật hầu như không bị cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 ảnh hưởng, không phải vì các ngân hàng Nhật lành mạnh, mà đơn giản vì tiếng Anh của giới lãnh đạo các nhà băng này quá kém, không đủ để hiểu những công cụ và sản phẩm phức tạp của hệ thống tài chính thế giới. Không hiểu, nên không tham gia, không mua, và cuối cùng không bị kéo chung vào thảm họa. Đó là một thảm họa bằng tiếng Anh, xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ.

Tuy các phát ngôn của ông Tarō Asō thường rất cần chú thích, song nghe ông – người được coi là một trong những chính khách Nhật dùng tiếng Anh tốt nhất – diễn thuyết bằng thứ tiếng khủng khiếp này thì có thể hiểu hiện tượng người Nhật kém tiếng Anh. Tôi đã có mười lăm ngày chứng kiến điều đó. Đa số người Nhật bình thường tôi gặp trên đường hầu như không biết tiếng Anh, hoặc nếu dùng thì rất miễn cưỡng, như bị tra tấn. Nhưng khắp nơi, tiếng Anh hiện diện. Bất kể nơi nào bạn muốn đến và điều gì bạn muốn biết, đều được miêu tả chi tiết bằng tiếng Anh, dù có thể đó là Engrish chứ không English. Như thể người Nhật đã dịch sẵn toàn bộ đất nước mình sang Anh ngữ, cho người ngoài, để sau đó bản thân họ không còn phải khổ sở với cái ngoại ngữ thống trị thế giới này một cách hoàn toàn bất công nữa. Trừ một ngoại lệ: quán ăn. Người Nhật không có nhu cầu học tiếng Anh để nài du khách mua giùm một suất sushi. Vào quán Nhật, ở Nhật, ai đói thì phải nói tiếng Nhật.

Song khác với người Trung Quốc ở Đại lục chẳng hạn, cũng nói tiếng Anh như bị tra tấn và tra tấn người khác, đầu tiên người Nhật gập mình sumimasen lia lịa, I don´t speak English, sau đó họ ra hiệu cho tôi chờ, rồi họ bỏ dở việc đang làm hay thậm chí chuyển hẳn hướng đang đi để tìm bằng được một người Nhật khác biết tiếng Anh đến giúp. Và người này thì dùng một thứ tiếng Anh sạch sẽ, đến mức khiến tôi phải ái ngại, không biết người ấy sẽ chịu đựng cái tiếng Anh 51% giọng Việt và 49% giọng Đức của tôi như thế nào. Cuối cùng, lại một loạt gập mình và sumimasen. Ở Trung Quốc, trước hết tôi bị sủa vào mặt một chữ No quyết liệt, có mấy dấu chấm than đằng sau, rồi một cái phẩy tay dứt khoát, rồi một cú hét Good bye thủng màng nhĩ. Thế là người Tàu giải quyết xong một du khách bé nhỏ rách việc. Vấn đề không phải là không biết tiếng Anh. Cả cô bán hàng người Nhật văn minh nhã nhặn lẫn anh chàng Trung Quốc chạy bàn thẳng thừng thô lậu, tôi đều không thấy họ đánh mất phẩm giá hay bị thua thiệt trong thế giới Anh ngữ toàn cầu. Chỉ có những đứa bé Khmer nói tiếng Anh ở Seam Reap, Hello! One dollar, Sir! You buy! You buy, Sir! là thua và mất hẳn phẩm giá ngay ở đầu đời.

2.

Porsche là thương hiệu xe hơi phong cách thể thao của Đức được nhiều người giàu trên toàn thế giới ưa dùng và rất nhiều người không giàu khao khát. Tôi không thuộc cả hai nhóm đó. Như tất cả những người không đi Porsche, tôi luôn cau mày khi một anh chàng đi Porsche – luôn luôn là một anh chàng! – vọt qua tôi để lướt như một tia laser trên những đoạn xa lộ không hạn chế tốc độ ở Đức. Những lúc như thế tôi gia nhập phong trào sống chậm đang lan nhanh ở các nước công nghiệp hậu hiện đại.

Nhưng bất chấp tôi, câu chuyện chuỗi thành công của Porsche có vẻ như không bao giờ kết thúc, mà ngay cả khi chiếc Porsche cuối cùng có biến mất thì những phát minh của các kỹ sư Porsche vẫn sống tiếp ở gần như tất cả các thương hiệu xe hơi hàng đầu thế giới. Trong thành công ấy, theo một bài báo trên tờ Süddeutsche, có vai trò của ngôn ngữ.

Ở nhiều doanh nghiệp lớn của Đức, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chủ đạo. Tại đa số các tập đoàn tài chính, IT, tư vấn, quảng cáo và ở ngày càng nhiều trường đại học, tiếng Đức bị tiếng Anh đánh bật ra ngoài. Các liên hoan văn hóa nghệ thuật, các hội nghị, hội chợ có khách quốc tế tham dự…, tất cả đều chuyển sang dùng tiếng Anh, khiến tiếng Đức, ngôn ngữ của những thành tựu văn hóa và khoa học tuyệt vời, hoặc chuyển dần thành tiếng Đanh (Đức + Anh, Denglisch), hoặc còn nhiều nhất là ba chục năm để đóng cho mình chiếc quan tài đẹp nhất.

Song Porsche đi ngược lại trào lưu ấy. Không phải để phản kháng cái Lingua franca hiện tại. Không phải để phản bác cái German linguistic submissiveness, sự thần phục về ngôn ngữ của người Đức như tờ Times từng nhận xét về Anglomania, bệnh sùng bái văn hóa và ngôn ngữ Anh ở đất nước này. Mà đơn giản vì những ưu thế của tiếng mẹ đẻ mà một ngoại ngữ không thể thay thế, nhất là khi đó là một thứ tiếng Anh bồi, tiếng Anh sơ đẳng (Simple English) hay tiếng Anh toàn cầu (Globish),thứ ngôn ngữ khiến người thông minh đến đâu cũng nói năng như đần độn. Porsche nhất quán dùng tiếng Đức làm ngôn ngữ hoạt động của hãng và coi nó, tiếng mẹ đẻ của phần lớn nhân viên, là yếu tố làm nên sức mạnh của mình. Để khi họp hành không còn xảy ra trường hợp người thạo tiếng Anh thì phát biểu, người giỏi chuyên môn thì ngồi im. Để tất cả đều hiểu đúng đến từng chi tiết của một quy trình đòi hỏi sự chính xác và rõ ràng cao độ trong nghiên cứu chế tạo những mô hình xe mới. Để kích thích trí tưởng tượng và sức sáng tạo, những thứ chỉ nảy nở tối ưu trong tiếng mẹ đẻ. Porsche tiếp tục gặt hái thành công, liên tục được bầu là doanh nghiệp uy tín nhất trong năm và giành danh hiệu “Người giữ gìn ngôn ngữ” (Sprachwahrer des Jahres) năm 2007.

Chính sách ngôn ngữ của Porsche có vẻ mang tầm chiến lược. Ba mươi năm nữa, nếu trật tự ngôn ngữ trên thế giới thay đổi, tiếng Hoa sơ đẳng thay thế tiếng Anh sơ đẳng trong vai trò ngôn ngữ toàn cầu, tiếng Đanh biến thái thành tiếng Đoa (Đức + Hoa) thì kỹ sư của Porsche vẫn không phải đến mài đũng quần ở các Viện Khổng tử.

3.

Vladislav Surkov, trợ thủ của Tổng thống Putin, là người dùng tiếng Anh thành thục. Không chỉ để trả lời mấy câu phỏng vấn vui vẻ, chẳng hạn về chuyện thiên nhiên hang động như ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa rồi, được dân chúng xôn xao ngưỡng mộ. Surkov đọc thông viết thạo Anh ngữ, đi lại trong văn hóa hiện đại phương Tây tự nhiên như ở nhà mình, mê toàn những sản phẩm tinh thần ngoại hạng như Allen Ginsberg, Jackson Pollock và đặc biệt ngưỡng mộ Tupac Shakur. Bản thân ông ta là một bộ óc ở hạng thượng thừa, một nhà duy mỹ sành điệu, tài năng khác thường, phong cách lịch lãm – tất nhiên với sở thích dùng hàng hiệu xa xỉ, như tất cả giới thượng lưu Nga. Một bản mẫu đặc sắc của thượng tầng tinh hoa ở nước Nga hiện đại. Sau kỷ nguyên Putin rất có thể là kỷ nguyên cũng rất dài của Surkov. Khi ấy người Nga sẽ tự hào có một tổng thống trẻ trung hấp dẫn, ngoài câu cá và đi săn, cưỡi ngựa đua xe bắn súng, chơi golf và quần vợt, còn đủ ngón cầm kỳ thi họa. Đứng cạnh một Surkov, vị đương kim nguyên thủ quốc gia của nước Pháp hào hoa trông như một bác thợ nướng croissant vùng Nord-Pas-de-Calais.

Khi đọc cuốn tiểu thuyết ОколоноляNahe Null (Gần bằng không) trong bản dịch tiếng Đức – mà ông ta cho ra mắt năm 2009 với bút danh Natan Dubovitsky, tôi có phần choáng váng. Với văn tài ấy, Surkov dễ dàng trở thành một tác giả có cả tầm vóc lẫn danh tiếng. Song nhân vật được tạo hóa ban tặng rất nhiều năng lực này say mê với những sự nghiệp khác hơn.

Được coi là éminence grise trong Điệm Kreml theo hình mẫu của Konstantin Pobedonostsev thời Nga hoàng và Mikhail Suslov thời Sô-viết, một quyền thần, một quân sư trong trướng, phò tá từ Yeltsin sang Putin qua Medvedev rồi lại Putin, ông ta vừa là người viết kịch bản, vừa là đạo diễn tư tưởng của cái Reality Show là nước Nga hiện tại; luôn đứng trong trung tâm và ở thượng đỉnh quyền lực; phẩy tay qua bên này thì xong các công cụ tu từ cho dự án sáp nhập Krym, phẩy tay qua bên kia thì những cuốn sách bị dán mác “chống đối nhà nước và dân tộc Nga” bị đem ra đốt ở Quảng trường Đỏ; gật một cái thì một đảng chính trị múa rối ra đời, lắc một cái thì kênh truyền hình độc lập cuối cùng bị dẹp; hôm nay còn là kiến trúc sư của nền “dân chủ chỉ đạo” (managed democracy) để thâu tóm mọi quyền lực về tay người hùng đứng đầu quốc gia, hôm sau đã là cha đẻ tinh thần của mô hình thay thế, nền “dân chủ tự cường” (sovereign democracy) kiểu Nga để đất nước này tuyên chiến với phương Tây và mơ lại giấc mơ đại cường bị chôn vùi cùng Đế chế Sô-viết. Nước Nga hôm nay là một sản phẩm designed by Surkov.

Cuốn tiểu thuyết Gần bằng không của Surkov kể về nước Nga ấy, một nước Nga kinh hoàng, như chỉ có thể được kể bởi kẻ đã trực tiếp tham gia thiết kế nó, nếu không muốn nói là bởi đích thân kiến trúc sư trưởng. Điều rùng rợn khi đọc tác phẩm xuất sắc này là cảm giác rằng Surkov thích thú thưởng thức cái quái thai do mình nặn ra, với tất cả sự mỉa mai sành sỏi của một đấng tạo hóa. Ông ta có lý do để khoái chá. Hào quang của những người như ông ta chỉ càng sáng, khi xung quanh là tối tăm hỗn loạn mênh mông. Nếu tiếng Anh của ông ta – đủ để ngâm nga những câu thơ của “Sunflower Sutra” trong nguyên bản – là một phần của hào quang đó?

Báo Trẻ, 29/5/2015