Dưới gầm cầu dịch thuật
Th4 26, 2018
Phạm Thị Hoài
Dịch và diệt
Lúc bước vào dịch thuật hơn ba mươi năm trước, tôi là một kẻ điếc, bom nổ bên tai còn chẳng biết chứ đừng nói là súng. Tôi xông vào nghề với khí thế tất thắng, hớn hở bắc cầu giữa hai vương quốc ngôn ngữ, mọi rào cản đều xem thường, thấy mình là một sứ giả vô cùng quyền biến. Không biết rằng lịch sử thế giới này đã hình thành, một phần quan trọng, từ nhầm lẫn, trong đó có không ít những sai lầm về dịch thuật. Độ chênh mong manh giữa bản gốc và bản dịch từng đẩy nhân loại vào những bi kịch khôn lường.
Thảm họa Hiroshima có lẽ đã không xảy ra, nếu từ mokusatsu (黙 殺) trong tiếng Nhật được dịch thận trọng hơn. Thủ tướng Nhật khi ấy, ông Suzuki Kantarō, đã dùng mokusatsu trong buổi họp báo ngày 28 tháng Bảy 1945 để diễn tả thái độ của chính phủ Nhật trước Tuyên bố Potsdam, tối hậu thư của phe Đồng Minh yêu cầu Nhật đầu hàng vô điều kiện. Mokusatsu là từ ghép của moku, gốc Hán là mặc, và satsu, gốc Hán là sát, có thể dịch nhiều cách sang tiếng Anh: 1) withhold comment/ refrain from any comment, không đưa ra bất kỳ bình luận nào, tạm thời chưa có bình luận gì; 2) treat with silent contempt, không đáp lại mà lặng lẽ coi khinh, 3) ignore/ take no notice of, phớt lờ, bỏ qua, không quan tâm. Khả năng hàm hồ trong tiếng Nhật, như ở nhiều ngôn ngữ Châu Á khác, rất cao, phù hợp với tình thế khó có thể lựa chọn rõ ràng ngay lập tức của Nhật ở thời điểm đó. Và theo đúng Định luật Murphy, anything that can go wrong, will go wrong, chính Hãng Thông tấn Quốc gia Dōmei của Nhật dịch mokusatsu là ignore. Ngay trong ngày, tờ New York Times chạy tít The squad attacks after hearing that Japan ignores the Declaration. Sau đó thế nào thì chúng ta đã biết. Tradduttore không còn là tradditore, dịch không còn là phản, mà là diệt.
Chiến tranh Việt Nam cũng ít nhất hai lần vướng dịch thuật. Lần thứ nhất, với Sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã sơ ý hay cố ý dịch sai thông tin của Bắc Việt do tình báo Mỹ nghe trộm. Cụm từ “chúng ta đã hy sinh hai đồng chí” đã được dịch thành “we sacrificed two ships” thay vì “we sacrificed two comrades”. Và từ đó sơ ý hay cố ý hiểu sai văn cảnh, dẫn đến kết luận rằng sau cuộc tấn công ngày 2/8/1964, Hà Nội lại tiếp tục đem hải quân tấn công tàu khu trục Hoa Kỳ Maddox và Turner Joy ngày 4/8/1964. Song cuộc tấn công đó đã chỉ diễn ra trong trí tưởng tượng của NSA. Sau đó thế nào thì chúng ta đã biết. Dịch quả là diệt.
Lần thứ hai, chính chữ diệt trở thành vấn đề của dịch. Sau tròn nửa thế kỷ, sự thật về Thảm sát Mậu Thân ở Huế vẫn còn là đề tài tranh cãi, trong đó có vai trò của bản dịch một báo cáo thành tích của Việt Cộng tháng Tư 1968 như chứng cứ về khủng bố đỏ của “bạo lực cách mạng”. Bản dịch tiếng Anh như sau: “We eliminated 1,892 administrative personnel, 39 policemen, 790 tyrants, 6 captains, 2 first lieutenants, 20 second lieutenants and many non-commissioned officers“. Nhà nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam Gareth Porter phản bác rằng từ Việt trong bản gốc cho eliminate là diệt, song chữ diệt ở đây phải được hiểu là tiêu diệt hay loại khỏi vòng chiến đấu, tức có thể là giết, làm bị thương, bắt đầu hàng, làm tan rã…, diệt trong tiếng Việt không bao giờ đơn thuần là giết như cách đưa tin trên báo chí Mỹ về vụ này. Thế là, như Thảm sát Katyn trong Thế chiến II, sau khi bị vùi trong những hố chôn tập thể, hàng ngàn nạn nhân ở Huế tiếp tục bị nghiền nát bởi guồng máy tuyên truyền của tất cả các bên liên quan. Song 50 năm sau, tội ác ở rừng Katyn chính thức được phơi bày. Về tội ác ở Huế, cũng 50 năm sau, ngoài vài nhân vật ở bên thắng cuộc sau này buông mấy lời lấp lửng, còn lại vẫn là một sự im lặng đinh tai.
Nhà tiên tri mọc sừng
Đọc đến đây, những người định bước vào nghề dịch có thể thấy nhột. Song khi những nhầm lẫn dịch thuật bẻ ngoặt lịch sử thì thủ phạm dịch giả lại quá bé nhỏ để chịu trách nhiệm, mặc dù hắn thường bị cắt tiết khi mắc những cái sai không làm chết một con ruồi. Hơn nữa, chúng ta có một niềm an ủi tuyệt diệu: thậm chí người được coi là thánh bảo hộ dịch thuật – ngày mất của ông, 30 tháng Chín, được chọn làm Ngày Dịch thuật Quốc tế -, một linh mục và nhà thông thái, Thánh Jerome, cũng sai như thường. Ông bỏ ra 40 năm để dịch Kinh Thánh, bản Vulgata kinh điển, trong đó Cựu ước được dịch trước hết từ tiếng Hy Lạp và sau đó một lần nữa từ nguyên gốc Hebrew sang tiếng Latin. Trong Sách Xuất hành, sau bốn mươi ngày đêm ở bên Thiên Chúa trên đỉnh Sinai, nhà tiên tri Moses xuống núi với mười điều răn chép trên hai bảng chứng. Đến đây, bản gốc tiếng Hebrew dùng chữ קָרַן (qrn) để miêu tả gương mặt Moses. Tiếng Hebrew vốn không có nguyên âm, thay vì hiểu qrn là qāran, tức hào quang, dịch giả đã hiểu là qæræn, tức sừng. Thế là nhà tiên tri mọc sừng, thay vì bừng ánh sáng của Thiên Chúa như sau này đã sửa. Và lỗi dịch thuật này trở thành bất tử, vĩnh viễn tạc chẳng mòn trong đá, nơi bức tượng Moses cẩm thạch nổi tiếng của Michelangelo ở nhà thờ San Pietro tại Roma.
Đức Mẹ có đồng trinh?
Ngoài Thánh Jerome, những học giả khổng lồ như Martin Luther, Jan Hus, William Tyndale và hàng vạn dịch giả khác đã dịch Kinh Thánh, cuốn sách được dịch nhiều nhất trên thế giới – trên 500 ngôn ngữ. Chủ bút của Kinh Thánh tiếng Việt, bản 1926, không ai khác cụ Phan Khôi lừng danh. Song Kinh Thánh cũng là hiện trường đồ sộ nhất với vô số tình tiết còn bỏ ngỏ dưới gầm cầu dịch thuật.
Trái cấm của Cây Tri Thiện Ác mà hai vị thủy tổ loài người lỡ bỏ vào miệng là trái gì? Xem ra đó không phải chuyện mệnh hệ. Sáng Thế ký cũng không nói rõ, ở đó loài thảo mộc duy nhất có tên cụ thể là cây vả. Tùy dịch giả, trái cấm có thể là tất cả, song tôi sẽ rất thích, nếu trong bản tiếng Việt đó là một quả thị. Nó đã đẹp, lại còn thơm. Chính mùi hương mất trí ấy cho pha cám dỗ và sa ngã ở Vườn Địa đàng một yếu tố gợi cảm mà đoạn mấu chốt này trong Kinh Thánh thiếu hẳn, trong khi hàng loạt đoạn khác thậm chí tràn trề dục tình. Thử hình dung, người nữ Eva hít hà, mân mê, nắn bóp quả thị cho nó mềm tơi tả. Rồi nàng mút đánh chụt và hột thị tụt vào miệng. Nàng mớm nó sang miệng Adam, và thành ngữ “ngậm hột thị” của chúng ta được nâng hẳn một tầng ý nghĩa. Nhưng không, cái mắc trong họng Adam lại là một quả táo. Bạn cứ tận hưởng cảm giác trái cấm khác thường mỗi lần ăn táo, song sự thật đằng sau thì khá tầm thường: Cây Tri Thiện Ác trong bản dịch Vulgata là lignumque scientiae boni et mali, mà malus trong tiếng Latin là xấu, ác, tệ hại, nhưng táo cũng là malus.
Lạc trong mê cung dịch thuật, con thỏ, con chuột đồng và con chuột núi của Kinh Thánh (Thi thiên, 104, 18) là một; chàng David (Samuel 16, 12) lúc thì tóc vàng, lúc mặt hồng hồng, lúc tóc lại nâu nâu, và sứ đồ Junias, nam giới, thực ra là Junia, nữ giới (Rô-ma, 16,7)… Song những lạc lối khác không vui vẻ như vậy. Nổi bật là cái bẫy dịch thuật khiến Đức Mẹ trở thành đồng trinh. Bản gốc tiếng Hebrew (Isaiah, 7, 14) là עלמה (almáh), tức một cô gái, đơn giản là một phụ nữ trẻ, không liên quan đến còn hay đã mất trinh. Nhưng trong bản tiếng Hy Lạp cổ, bản Septuaginta huyền thoại, cô gái biến thành Παρθένος (parthénos), tức trinh nữ. Bản tiếng Việt dịch đoạn này và đoạn liên quan trong trong Phúc âm Mátthêu (1, 23) là “một gái đồng trinh“. Đó cũng chính là từ almáh trong Sáng Thế ký (24, 43), nhưng ở đó bản tiếng Việt dịch là “người gái trẻ“. Tôi không rõ kết quả cuộc tranh cãi đầy hệ lụy này trong những ngôn ngữ khác. Trong tiếng Đức, bản Luther 2017 của Giáo hội Tin lành vẫn giữ cách dịch Jungfrau (trinh nữ) của Martin Luther, còn bản dịch thống nhất 2017 của Giáo hội Công giáo thì thay tất cả trinh nữ bằng gái trẻ (junge Frau). Đức Mẹ có đồng trinh?
Trời hồng, trời xanh
Tuy là tai nạn thường trực, song nhầm lẫn trong dịch thuật có hai ưu điểm lớn: một, ai cũng có thể nhầm; hai, nhầm thì sửa, không có gì để tranh cãi. Như trong một trường hợp đã trở thành giai thoại, một người đàn ông bị dịch giả cho qua đời vì ung thư tử cung dễ dàng được chết lại theo cách khác, đúng nguyên bản, vì ung thư ruột. Những sơ suất như vậy dễ bị nhớ dai và có thể làm sứt mẻ đôi chút uy tín, nhưng chúng không nói lên năng lực thực của người dịch. Dưới gầm cầu dịch thuật, những cái xác thối nhất thường do một tai nạn khác, nạn dịch đúng. Tôi muốn nói đến dịch nghệ thuật. Đúng trong nghệ thuật cũng nhảm như chân chính trong tình yêu.
Trong tiểu luận nổi tiếng của mình về dịch thuật – hay đúng hơn, về sự bất khả dịch của một tác phẩm nghệ thuật – Walter Benjamin lưu ý rằng pain trong tiếng Pháp chính xác là Brot trong tiếng Đức, đều là bánh mì, về mặt từ ngữ không có gì phải bàn, nhưng người Pháp sống với pain khác với người Đức sống với Brot, nên dịch pain là Brot đúng mà vẫn sai.
Truyện Kiều, ngay ở đoạn mở đầu, có một câu mà người Việt nào cũng thuộc và ít nhiều hiểu đúng nghĩa: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, mà không cần biết đến câu trước “Lạ gì bỉ sắc tư phong”. Nhân tiện 1: Việc gì phải biết, khi chúng ta còn chưa xác quyết chữ tư đúng, hay phải là chữ thử. Thử cũng ừ mà tư cũng gật, miễn hiểu đại khái là được. Văn bản Truyện Kiều còn ít nhất vài chục chỗ chưa khép hồ sơ như thế. Nhân tiện 2: Việc gì phải biết, khi Wiktionary tiếng Việt điềm nhiên định nghĩa “bỉ sắc tư phong” là: “Người đàn bà đẹp có cốt cách phong thái. (Bỉ: người đàn bà; Sắc: sắc đẹp; Tư phong: phong cách, phong thái)“. Nhân tiện 3: Chất lượng Wiki của một ngôn ngữ tiết lộ chính xác chất lượng đời sống tinh thần của cộng đồng dùng ngôn ngữ ấy. Wiki tiếng Việt viết về một nhân vật lớn như Alexis de Tocqueville chẳng hạn, đã sơ sài thì chớ, còn kèm theo một câu như sau: “Trong thời gian này ông đã tạo ra một đứa con không hôn thú với một người làm việc“. Xuất xứ ngoại ngữ của câu này quá rõ ràng, song máy dịch cũng không thể tệ hơn.
Trở lại Truyện Kiều, trong bản tiếng Đức duy nhất cho đến nay của tác phẩm này, câu ấy được dịch là: “Muss der blaue Himmel stets mit rosenroten Wangen kämpfen, weil ihn die Eifersucht quält?” (Chẳng lẽ trời xanh luôn phải đánh nhau với má hồng, vì bị nỗi ghen giày vò?). Hiểu ra nghĩa đen của lời dịch này đã khó, miễn luận đến nghĩa bóng. Theo tôi hiểu thì trời ở đây hành động rất vô cớ. Ghen nỗi gì không rõ. Vì mình màu xanh còn bên kia màu đỏ chăng? Hay hàng xóm, tức nhà má hồng, có con đi Mỹ du học, trong khi mình chạy ăn từng bữa, nên thường xuyên kiếm chuyện? Ông trời của Nguyễn Du chẳng dễ thương gì, tàn bạo, độc đoán, khốc liệt nữa là khác, nhưng dứt khoát không nhỏ nhen vớ vẩn. Ổng đường đường là đấng quyền năng. Ổng có cái lý riêng của ổng, không thèm tiết lộ, mà con người chỉ biết đoán mò và chấp nhận. Ổng không uýnh nhau với ai hết, ổng giáng xuống những đòn định mệnh. Và tất nhiên không phải vì ghen theo nghĩa ghen. Trời không đi tạt axit.
Ở chỗ này, bản tiếng Đức đã cố dịch đúng từng chữ, mot à mot. Trực dịch không đáng chê cười như nhiều người vẫn tưởng. Phần lớn các thuật ngữ, cách diễn đạt, slogan quảng cáo, tên phim, tên các tổ chức, tên dự án… từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam đều qua trực dịch. Từ cải cách ruộng đất (thổ địa cải cách,土地改革), và “người cày có ruộng” (“canh giả hữu kì điền“, 耕者有其田) thuở nào đến hành chính công (public administration), và quản lý khủng hoảng (crisis management) hôm nay đều là kết quả của trực dịch. Trong văn chương, Nabokov với bản dịch Yevgeny Onegin sang tiếng Anh đã đẩy trường phái trực dịch lên đỉnh cực đoan và để lại dấu ấn đặc biệt. Dù tán đồng hay phản đối, sau bản dịch của ông, không ai có thể dịch Yevgeny Onegin như xưa nữa.
Cặp vợ chồng dịch giả Irene và Franz Faber không phải là những phu chữ hạng thượng thừa như Nabokov và khung cảnh văn hóa ở Đông Đức đêm trước của Bức tường Berlin cũng không phải như ở các khuôn viên đại học tinh hoa Bờ Đông nước Mỹ. Ông Faber là một nhà báo tận tụy, có một vài tác phẩm ký sự dạng đại chúng. Vốn phụ trách mục Bạn Đọc của tờ Nước Đức Mới, tương đương với báo Nhân Dân, ông được mời sang Việt Nam tường thuật về chiến dịch Điện Biên Phủ, và trong dịp này được đích thân Hồ Chủ tịch gợi ý dịch Truyện Kiều. Để dịch tác phẩm khó nhằn nhất trong kho tàng văn học Việt Nam này, hai ông bà tự học tiếng Việt từ xa trong vòng 7 năm. Họ thừa nhiệt thành và công phu, song quả thật không ở hoàn cảnh xa xỉ để phát kiến một mô hình dịch xứng đáng với một tác phẩm kiệt xuất. Cuộc chiến xanh hồng trong bản tiếng Đức là một phương án thất bại, vì đánh ghen không phải là đánh ghen, má hồng không phải là má hồng, và trời xanh cũng không phải là trời xanh. Tiếng Đức chỉ có một từ trời, Himmel, cho cả bầu trời lẫn cõi trời. Trời xanh, blauer Himmel – trời ở Đức thực ra phần lớn là màu xám – chỉ bầu trời thiên văn, với những màu sắc, hình khối, trạng thái nhất định. Bầu trời ấy vẫn chưa hết làm ta kinh ngạc, nhưng trong những ngày thất thường nhất, nó chắc chắn cũng không giở quẻ hục hặc với những cái má hồng. Còn cõi trời như một không gian trừu tượng, hay một thẩm quyền tối thượng, thường được gọi trần trụi là Himmel, trời. Himmels Willen, ý trời, chứ không Blauen Himmels Willen, ý trời xanh. Đi với những tính từ, thường là tích cực và chỉ những tính cách thuộc phạm trù nhân văn xã hội chứ không chỉ tính chất vật lý, nó trở thành heiliger Himmel, gnädiger Himmel, gütiger Himmel, lieber Himmel, cõi trời linh thiêng, ân phước, nhân từ, thân ái.
Hóa công trong tiếng Đức không có màu. Ta có thể hào phóng cho nó được quyền xanh, song đến câu 2157-2158 trứ danh, nó bỗng là trời hồng – đúng hơn, trời đỏ: “Grausam zeigt der rote Himmel sich dem roten Beinkleid/ treibt mich rücksichtslos in diese Dunkelheit und findet nicht den Mut, mich zu begnadigen“. (Với quần đỏ, trời đỏ tỏ ra tàn nhẫn/ đẩy tôi không khoan nhượng vào chốn tăm tối này và không đủ gan ân xá tôi.) Bỏ qua phiên bản tiếng Đức bắn đại bác không tới của “Đã xoay đến thế còn vần chưa tha“, ta hãy xem der rote Himmel trong tiếng Đức, trời đỏ, dịch chữ “hồng quân” trong câu thơ ám ảnh “Hồng quân với khách hồng quần“. Hồng ở đây không phải là sắc hồng, mà là lớn, như trong hồng thủy hay hồng ân, hồng phúc. Quân không phải là một bậc quân vương nào cả, mà là cái bàn xoay, và hồng quân là cái bàn xoay lớn, con tạo, hóa công, vì thế mà có câu xoay vần nối vào. Song vấn đề là các dịch giả đã cố gắng dịch đúng từng chữ, dù hiểu nhầm. Nabokov chấp nhận không nhuyễn văn để dịch sát từ, sát nghĩa. Các dịch giả Truyện Kiều dịch sát từ nhưng xa nghĩa hoặc sai nghĩa. Song họ không nhất quán. Trời xanh thì được bảo vệ; trời già (câu 1069), một khái niệm có thể dịch sát, lại bị hi sinh, để chuyển thành “Gottes Ungerechtigkeit“, sự bất công của Thượng đế. Trời già, ông trời lẩm cẩm thế là đi tiêu, nhưng ít nhất thì Thượng đế bất công cũng không rùng rợn như trời đỏ. Còn lại, phần lớn bản tiếng Đức chỉ bám hờ vào bản gốc, rất nhiều chỗ tuột hẳn ra ngoài, như trong ví dụ xoay vần nêu trên.
Án mạng hay bản chụp một cái xác
Ở những ẩn dụ khác cũng vậy. Chẳng hạn xuân-huyên, chỉ cha mẹ. Lúc thì huyên / nhà huyên được dịch là Mutter, mẹ, lúc là die tröstende Huyen, bà Huyên an ủi, lúc lại là Lilie, cây hoa hiên. Xuân lúc được dịch là Vater, cha, lúc lại là der Baum Xuan, cây Xuân. Tôi không nhận ra chủ đích nghệ thuật nào trong sự tùy tiện đó. Song đó mới chỉ là những tiểu tiết. Toàn cục, bản dịch Truyện Kiều tiếng Đức là một thất bại gào thét. Nó thậm chí chưa xử lý nổi một khía cạnh tương đối mang tính kỹ thuật là thông tin. Độc giả Đức sẽ dễ tưởng bối cảnh của câu chuyện là Việt Nam khi gặp những cái tên được viết kiểu Việt như (năm) Gia Tĩnh thay vì Jiajing, (triều) Minh thay vì Ming, nhưng trong lịch sử Việt Nam không có triều đại nào mang tên đó. Trong khi Phúc Kiến, Chiết Giang, Hàng Châu…, những địa danh nổi tiếng của Trung Hoa, biến thành địa danh Việt vì được viết kiểu Việt thì Bắc Kinh được viết đánh đùng thành Peking. Trong lần tái bản gần đây nhất, năm 2015, do NXB Thế Giới ấn hành, ấn tượng Việt còn được gia tăng bằng tiếng Việt đầy đủ dấu, Hàng Châu thay vì Hang Chau. Kiều bị mua từ Bắc Kinh về Việt Nam? Tàu hay Việt, không ra mập mờ, không ra minh bạch.
Theo cảm nhận của tôi, gần như mỗi câu của bản dịch này là một hí họa của bản gốc. Tất nhiên tôi bật cười khi thấy hai câu thơ đã ngấm vào xương tủy người Việt: “Khen cho con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới già” trở thành “Ich preise glücklich Ihre Augen, fanden sie im Staub den Mann” (Ta vui sướng khen cặp mắt nàng, nó đã thấy được người đàn ông trong bụi bặm). Cười chuyển thành mếu khi câu “Vào luồn ra cúi công hầu mà chi” trở thành “Ich bin nicht der Mann, der stumm, mit leerem Magen und gesenktem Haupt, nach einem Titel kriecht” (Ta không phải là người đàn ông câm lặng, dạ dày trống rỗng và cúi đầu, luồn lách kiếm chức danh). Trong trường hợp may mắn nhất, bản dịch này là một sơ đồ của bản gốc, đã lược bỏ tất cả những màu sắc, âm hưởng, liên tưởng, cảm xúc và nghệ thuật. Ví dụ, câu 976, “Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!” Nội dung câu này không khó dịch, nhưng gái tơ không chỉ là một cô gái trẻ, tất nhiên khác trinh nữ, thậm chí mang một sắc thái khác cả gái trinh; còn ngứa nghề là một cấu tạo từ đặc sắc, điển hình của tiếng Việt, cần đến một dịch giả thiên tài. Bản tiếng Đức như sau: “Du bist so jung und suchst schon das Vergnügen!” (Mày còn trẻ thế mà đã kiếm thú vui à!), một sơ đồ bằng văn xuôi xuống hàng. Một lần nữa, tôi lại phải so sánh với Nabokov. Ông cũng lược bỏ không thương tiếc, nhưng không phải là để phác một sơ đồ bất đắc dĩ, mà là lột sạch những gấm vóc phủ phê mơn trớn để nhặt ra mẩu xương của sự thật gày còm.
Trong Truyện Kiều, nhân vật duy nhất đáng kể là Nguyễn Du, diễn biến quan trọng duy nhất là sự tung hoành nảy nở của tiếng Việt mà qua đó Nguyễn Du gửi gắm hồn cốt và nghệ thuật ngôn từ đặc sắc của mình. Những thứ khác chỉ là cái cớ, lớp vỏ rất bề ngoài. Tất cả đều tẻ ngắt, một câu chuyện nguyên vẹn Trung Hoa đầm đìa sướt mướt với những pha anh hùng kỹ nữ lâm li bi đát, tuyệt đối rẻ tiền. Dịch Truyện Kiều mà bất chấp phần hồn ngôn ngữ và dấu ấn của tác giả, chỉ lo sao chép phần xác, dù có đúng từng từ hay tưởng đúng từng từ, cũng chỉ là bản chụp một cái xác, hoặc ở đây đã xảy ra một án mạng, như nhận xét bất hủ của nhà văn Đức nổi tiếng sâu cay Kurt Tucholsky về bản dịch tiếng Đức đầu tiên của cuốn Ulysses.
“Poetry is what gets lost in translation”, theo Robert Frost, hay “La poésie, par définition, est intraduisible”, theoRoman Jakobson, tôi đồng ý rằng Truyện Kiều là bất khả dịch. Trong một ngôn ngữ khác, nó sẽ mất mát quá trầm trọng để có thể thương lượng, thậm chí nó có thể bị giết để đổi lấy một kiếp sống như bản nhại ngớ ngẩn của chính mình. Cặp vợ chồng dịch giả Irene và Franz Faber không có phép màu, nhưng họ để lại một bài học vĩ đại về sự thất bại. Khả năng duy nhất để dịch Truyện Kiều, như Nabokov đã dày công thực hiện với bản dịch Yevgeny Onegin – cũng một truyện thơ, cũng chiếm một vị trí tương tự trong tâm hồn Nga như Truyện Kiều trong tâm hồn Việt – là dịch sát từ, sát nghĩa, sát cấu trúc văn bản, song bắt buộc phải kèm theo chú giải cả về nội dung, bối cảnh văn hóa, xã hội, lịch sử, lẫn hình ảnh, nhạc điệu, thủ pháp nghệ thuật. Yevgeny Onegin chỉ gồm 384 khổ thơ, mỗi khổ 14 dòng, nhưng riêng công trình chú giải của Nabokov lên tới trên 1500 trang. Theo cách đó, chúng ta có thể có một Truyện Kiều tương đối đáng tin, dù không thể có một Truyện Kiều đích thực trong một ngôn ngữ khác.
Trung thành và trung lập
Thử hình dung câu hỏi sau đây trong trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” phiên bản tiếng Việt: Chuyên chính vô sản là A: sự chính chuyên của giai cấp vô sản; B: đức tính chuyên cần, chính trực và không sở hữu tài sản của người cách mạng; C: chính quyền chuyên sâu của người vô sản; D: chế độ độc tài của giai cấp vô sản.
Tôi tin rằng phần lớn khán giả sẽ chọn A, người trợ giúp qua điện thoại sẽ chọn B, tổ tư vấn ở trường quay sẽ chọn C, và máy tính sẽ loại bỏ hai phương án sai, trong đó có D. Rồi một cái đầu ở một cấp trách nhiệm nào đó sẽ lăn. Mạng xã hội sẽ có vài ngày đổi món. Các chuyên gia mác-xít sẽ đi tìm đáp áp. Muốn thế nào, chuyên chính không thể là độc tài. Xuân Diệu làm bài thơ “thẳng thắn ngợi ca nền chuyên chính” chứ không ngợi ca nền độc tài. Hồ Chí Minh chủ trương “Dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù” chứ không “độc tài với kẻ thù”. Công an Việt Nam là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng chứ không là công cụ độc tài sắc bén. Lê Duẩn nói rất rõ: không cho phép ai đi ngược đường lối, ai chống thì bị bắt, đó là chuyên chính; và giương cao ngọn cờ “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể” chứ không “Nắm vững độc tài vô sản”.
Khái niệm gốc, Diktatur des Proletariats, của Marx và Engels hoàn toàn có thể dịch là “nền độc tài của giai cấp vô sản”. Song phần lớn thuật ngữ mác-xít trong tiếng Việt được dịch qua ngả tiếng Trung, và ở đó, Diktatur của giai cấp vô sản là chuyên chính (专政), chứ không phải độc tài (独裁).
Tôi không dám khẳng định rằng nếu được dịch là độc tài thì lý tưởng cộng sản sẽ khó chinh phục lòng dân Việt, song trong văn cảnh tiếng Việt, chuyên chính mơ hồ hơn, gợi ấn tượng tích cực hơn, nhẹ nhàng hơn và đỡ đáng sợ hơn. Nó thậm chí dễ thương hơn chuyên chế, dù chuyên chính đơn giản là một chính thể chuyên chế. Như thể chuyên chính, chế độ chuyên quyền ăn chay, không khát máu như độc tài, chế độ chuyên quyền ăn thịt. Chuyên chế của địch là độc tài, chuyên chế của ta là chuyên chính. Như máy bay ta rơi không thể gọi là tan xác như máy bay địch, chỉ có thể gọi là bị tai nạn, mất tích, hay anh dũng hi sinh. Boat people với người Việt hải ngoại là thuyền nhân, báo chí Việt trong nước gọi họ là người vượt biên, trong khi vẫn dùng thuyền nhân để dịch boat people Ả-rập, Trung Đông, châu Phi, Miến Điện… Dịch trung thành, theo nghĩa bám sát bản gốc, ở một chừng mực nhất định là khả thi, song dịch trung lập, về nguyên tắc là bất khả. Chuyên chính vô sản cũng trung thành với Diktatur des Proletariats như độc tài vô sản. Thánh chiến cũng trung thành với jihād như phấn đấu hay nỗ lực tâm linh, nhưng giữa chúng là một ranh giới dựng bằng thành cao hào sâu của tất cả những định kiến xã hội, lối mòn tư duy, câu thúc tư tưởng, áp lực của thời đại, ràng buộc của ngôn ngữ và quy định của môi trường văn hóa. Dịch giả, như mọi con người, là một pháo đài kiên cố và hiếm khi tự sụp đổ của những dấu ấn ấy chứ không phải là một sinh vật vô nhiễm ngồi thả lỏng xếp chữ trong một tháp ngà chân không. Hắn có thể đầy lòng thành tuân thủ lời răn trung lập thiêng liêng, song “translation is never innocent” (Marilyn Gaddis Rose),dịch chẳng bao giờ trong trắng. Nó là thao tác và thao túng.
Hóa thân và biến tướng
Trong một tiểu luận nhân 10 năm Cách mạng tháng Mười, nhà văn Nga lưu vong Nabokov bày tỏ sự ghê tởm trước một tính chất đặc biệt mà ông bắt gặp ở mọi thứ bôn-sê-vích. Trong bản tiếng Đức, tính chất đó gắn với chữ Spießbürger. Từ sự mùi mẫn, sự tẻ nhạt đến sự phẫn nộ và ngu xuẩn trong chế độ bôn-sê-vích, tất cả đều bốc lên cái mùi của Spießbürger. Trong bản dịch từ tiếng Đức, tôi dùng chữ phàm tục để chỉ tính chất ấy. Một người bạn rất thông thạo tiếng Nga đã đọc bản gốc tiếng Nga của tiểu luận này và lưu ý cho tôi những chi tiết chênh với bản dịch tiếng Việt từ tiếng Đức. Một trong các chi tiết đó đặc biệt thú vị, liên quan đến chữ Spießbürger nêu trên. Anh cho biết, bản gốc tiếng Nga dùng chữ мещанства, xuất phát từ мещанствo, tầng lớp thị dân hạng bét, thấp hơn thương nhân trong xã hội Nga thế kỉ 19, và từ đó gắn với những tính cách như nhỏ nhen, keo kiệt, không có quan điểm chắc chắn, vô trách nhiệm trước xã hội, coi vật chất là trên hết. Vì thế chữ phàm tục nên thay bằng ti tiện.
Bản tiếng Đức ở chỗ đó thực ra không chênh với bản gốc tiếng Nga. Spießbürger cũng là мещанствo, và cả hai đều có thể dịch là tiểu thị dân hay tiểu tư sản. Trong các tác phẩm mác-xít, Spießbürger và Kleinbürger (tiểu thị dân) được dùng theo cùng một nghĩa. Trong tiếng Pháp, chữ Kleinbürger này tương ứng với petite bourgeoisie. Tiếng Trung dịch là 小資產, tiểu tư sản, và tiếng Việt cũng theo tiếng Trung, như trong chuyên chính vô sản. (Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, câu “Sie hat die heiligen Schauer der frommen Schwärmerei, der ritterlichen Begeisterung, der spießbürgerlichen Wehmut in dem eiskalten Wasser egoistischer Berechnung ertränkt” được dịch là “Giai cấp tư sản đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ.”)
Như mọi khái niệm, Spießbürger đổi sắc thái với thời gian và đến nay đã mất hẳn nghĩa tích cực nguyên thủy thời Trung cổ, song hạt nhân của nó vẫn gắn với một quy mô có hạn, một trật tự có ngưỡng của những kiếp sống tầm tầm. Cái Ác ở đó cũng be bé như cái Thiện, ước mơ và thất vọng đều đo bằng gang tay, tất cả trong quy củ của sự yên ổn tầm thường, của những thang giá trị hẹp hòi và nền nếp thiển cận, của sự an phận xu thời và lòng hiềm khích tất cả những gì vượt ra ngoài khuôn khổ. Ở đó sự đê tiện quả thật có tầm vóc của ti tiện. Trong tiếng Việt, cách dịch chữ này tiện nhất là philixtanh. Và không phải qua Kinh Thánh mà chính là qua các tác phẩm của Marx và Engels, philixtanh có được một chỗ đứng nhất định trong từ vựng Việt hiện đại.
Tôi không thích phương án philixtanh, tức bệ nguyên một từ nước ngoài để dịch một từ nước ngoài khác, chỉ phiên âm kiểu Việt. Nhưng phương án tiểu tư sản cũng không ổn. Chúng ta biết rằng kẻ thù không đội trời chung của người cộng sản không phải là tư sản hay đại tư sản. Những thứ đó không đáng ngại, diệt gọn một đợt là xong. Tiểu tư sản mới là cơn ác mộng thực sự của các nhà cách mạng giai cấp, bởi đó không phải là một nhà băng để quốc hữu hóa đánh xoạch, không phải là một tài sản để tước đoạt cái rầm, không phải là một con người cụ thể để tống quách vào tù, mà là vấn đề của tư tưởng, phong cách, nếp nghĩ. Trong hàng loạt tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lê, Lenin quất cho giai cấp này những đòn chí mạng. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh nhiều lần định nghĩa tư tưởng tiểu tư sản là chủ nghĩa cá nhân, tử thù của chế độ tập thể xã hội chủ nghĩa. Trong bài viết nổi tiếng “Đạo đức cách mạng” (1958), ông Hồ gọi đích danh “chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mỗi người chúng ta” và chỉ “chờ dịp để ngóc đầu dậy” là một trong ba kẻ địch to nhất cản phá công cuộc cách mạng, là “bạn đồng minh của chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc” cũng như của “thói quen và truyền thống lạc hậu“. Tất cả những gì đáng lên án nhất, phản cách mạng nhất, đều là tiểu tư sản. Lãng mạn cách mạng đối lập với lãng mạn tiểu tư sản, tức ủy mị, sướt mướt, yếu đuối, làm nhụt ý chí. Dao động, lập trường lung lay, quan điểm mơ hồ, tư tưởng thiếu đúng đắn là tiểu tư sản. Buông tuồng, phóng túng, vô kỷ luật, thiếu ý thức tổ chức là tiểu tư sản. Hoài nghi, vặn vẹo, bàn lùi là tiểu tư sản. Xa rời thực tế, cách mạng suông là tiểu tư sản. Tiêu cực, chán nản, bi quan là tiểu tư sản. Cầu an, hưởng thụ là tiểu tư sản. Đi chệch đường lối là tiểu tư sản. Tả khuynh là tiểu tư sản. Hữu khuynh là tiểu tư sản. Đi chùa là tiểu tư sản. Thoa son là tiểu tư sản. Chống ba-toong là tiểu tư sản. Và văn nghệ sĩ trí thức là những kẻ khó gột sạch “rơi rớt tiểu tư sản” nhất. Hãy đọc lại một đoạn trong bài viết “Những bài học của đấu tranh cách mạng” của Nguyễn Khải trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 5/1958 phê phán Nhân văn-Giai phẩm:
“Cũng có thể nói hoài nghi là đặc điểm của trí thức (trí thức của xã hội cũ chưa được cải tạo). Vì trí thức xuất thân ở giai cấp tiểu tư sản. Mà bản thân tiểu tư sản là cái loại ‘gió thổi chiều nào che chiều ấy’, tư sản mạnh thì theo tư sản, vô sản mạnh thì theo vô sản. Trong cuộc đấu tranh giai cấp, anh tiểu tư sản thường lơ lửng ở giữa, nghe ngóng, không hẳn nhập vào cách mạng, mà cũng không dám phản cách mạng, lý tưởng không xác định rõ ràng, khi thế này khi thế khác. Hẳn như thằng tư sản thì lúc nào nó cũng dứt khoát phải chống cách mạng, nhất sống nhị chết; hoặc hẳn như người vô sản lúc nào cũng kiên quyết phấn đấu cho cách mạng tiến lên, tiêu diệt mọi lực lượng đối địch. Những năm vừa qua cũng chứng minh rằng: tiểu tư sản không thể đứng giữa được nữa, hoặc là phản cách mạng thành phần tử tư sản phản động, hoặc một lòng một dạ đi theo cách mạng, thành người vô sản, dần dần xóa bỏ tính chất giai cấp gốc rễ của mình. Ngay đến bây giờ từ trong hàng ngũ cách mạng vẫn tách ra một số người tiểu tư sản nào đó, họ dừng chân lại một chỗ, mắt lơ láo, tai nghe ngóng, bụng phân vân không hiểu con đường cách mạng đương đi kia thật đúng hay không, hay còn một chân lý nào khác. Rút lại họ chỉ là những anh muốn trở về lối cũ, muốn nhập bọn với kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.” (Hết trích)
Ngược lại với Spießbürger từ tích cực biến tướng thành tiêu cực, tiểu tư sản từ tiêu cực hóa thân thành đối tượng cho tôi gửi cảm tình, chỉ vì nó đã là bóng ma ám ảnh tất cả các đảng cộng sản. Tôi không thể cho cái chủ nghĩa bôn-sê-vích mà Nabokov ấy bốc mùi tiểu tư sản, và chọn cách dịch sự phàm tục chỉ tính chất gắn với Spießbürger tiếng Đức hay мещанствo tiếng Nga.
Nhưng sau trao đổi nêu trên, bây giờ tuy không thật chắc chắn và vẫn dễ gây hiểu nhầm, càng nghĩ tôi càng nghiêng về phương án tiểu tư sản. Vì nó trái khoáy, như thực tế thường là vậy. Khi còn hăng say chiến đấu cho chủ nghĩa súc vật, những con lợn nổi loạn của George Orwell là nỗi khiếp đảm của tinh thần tiểu tư sản. Song cách mạng ăn thịt những đứa con và nuốt chửng những giấc mơ của nó. Đến lượt mình, khi cầm quyền các nhà cách mạng lại trở thành những kẻ philixtanh mới, sặc sụa mùi ti tiện, hạn hẹp, thiển cận và tẻ nhạt của Spießbürger, của мещанствo, của tiểu tư sản. Biến tướng ấy hiện ra qua hóa thân của những khái niệm. Dịch cũng là hóa thân.
Báo Trẻ 29/3/2019-26/4/2018
Categories: Bài viết từ 2015 trên các báo khác, Dịch thuật
Tags: Chuyên chính vô sản, Hiroshima, Kinh Thánh, Nabokov, Truyện Kiều