Tác giả

Danh mục

Trang

Günter Grass – Điều phải nói

Th4 5, 2012

Phạm Thị Hoài

Bài thơ “Điều phải nói” (“Was gesagt werden muss“) của Günter Grass, nổi tiếng với tác phẩm Cái trống thiếc[i], được trao Giải Nobel Văn chương năm 1999, vừa công bố hôm qua đồng thời trên bốn tờ báo lớn: New York Times (Hoa Kỳ), La Repubblica (Ý), El Pais (Tây Ban Nha) và Süddeutsche Zeitung (Đức), đã ngay lập tức gây chấn động và phân cực dư luận Đức.

Mở đầu bằng câu hỏi:

Vì sao tôi đã im lặng, đã làm thinh quá lâu

trước điều hiển nhiên và được tập dượt trong những kịch bản

mà ở hồi kết chúng ta, những kẻ sống sót

cùng lắm chỉ là những chú thích. 

tác gia 85 tuổi nói thẳng quan điểm của mình về xung đột quân sự Israel-Iran. Ông đã im lặng, vì vị thế của ông, một người Đức, có một quá khứ với “vết nhơ không bao giờ tẩy nổi” đối với người Do Thái, không cho phép ông “nói thắng sự thật đó với đất nước Israel” mà ông “đã gắn bó và muốn tiếp tục gắn bó“.

Vì sao mãi bây giờ,

già nua và với giọt mực cuối cùng tôi mới nói:

Thế lực nguyên tử Israel

là nguy cơ cho nền hòa bình thế giới vốn đang rạn nứt?

Vì phải nói

nếu không ngày mai sẽ muộn;

và cũng vì chúng ta – người Đức vốn đã đầy gánh tội –

sẽ hậu cần cho một tội ác

có thể thấy trước, khiến sự tòng phạm của chúng ta

không có cách thanh minh nào

xóa nổi.

Ông không muốn ngậm miệng nữa, vì đã “chán ngấy thái độ đạo đức giả” của Phương Tây: Trong khi ở Iran “hình như có một quả bom nguyên tử đang được chế tạo“, mới là phỏng đoán, thì Israel, “nơi bao năm nay – dù giấu kín – có một tiềm năng hạt nhân tăng tiến, nhưng ngoài vòng kiểm soát, vì mọi đường thanh tra đều bịt kín“, lại tự giành cho mình “quyền là kẻ đầu tiên bấm nút”, và cú đánh phủ đầu đó có thể “xóa sổ dân tộc Iran“. Ông không muốn ngậm miệng nữa, vì nước Đức của ông chuẩn bị cung cấp cho Israel một chiếc tầu ngầm chuyên dụng, để “lái các đầu đạn hạt nhân với sức phá hủy triệt để vào nơi mà sự tồn tại của một quả bom nguyên tử duy nhất còn chưa được chứng minh“. Ông cho rằng “sự làm thinh phổ biến” ở Đức trước thực tế này là một sự lừa dối, một sự cưỡng bức mà ai “không tuân theo thì sẽ bị trừng phạt“, với “tội danh thông dụng là bài Do Thái“. Ông hi vọng có “nhiều người tự giải phóng mình khỏi sự im lặng“, yêu cầu “kẻ gây ra nguy cơ” chiến tranh, ở đây là Israel, từ bỏ vũ lực, và kêu gọi hai nhà nước Israel và Iran chấp thuận sự kiểm tra thường trực của một cơ quan quốc tế về vũ khí nguyên tử ở cả hai nước.

Phản ứng bão táp của dư luận Đức về “Điều phải nói” cho thấy chương đen tối nhất trong lịch sử nước Đức, với Holocaust, vẫn tiếp tục là điểm cọ xát nóng bỏng.

Một phía phẫn nộ lên án bài thơ là một tác phẩm đả kích đầy thù hận nhắm vào Israel và người Do Thái, gọi tác giả là một kẻ bài Do Thái và phê phán ông thiếu hiểu biết tình hình Trung Đông, cũng như phát biểu vô lối trên cơ sở những mặc cảm cá nhân. Một trong những nhà báo nổi tiếng về lập trường kiên định bênh vực Israel không ngần ngại cho rằng Günter Grass đã phát rồ và mỉa mai rằng Israel phải trở thành dĩ vãng thì nền hòa bình ở Trung Đông mới có cơ bền vững và đại văn hào mới tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Đại sứ quán Israel tại Đức ra thông cáo cùng ngày, với những điều phải nói khác để đập lại và khẳng định: “Chúng tôi không sẵn lòng đảm nhiệm cái vai trò mà Günter Grass phân cho chúng tôi trong việc giải quyết những vấn đề quá khứ của dân tộc Đức.”

Một phía phẫn nộ về sự phẫn nộ vô lí nói trên của phía kia, cảm phục nhà văn đã nói toạc ra điều cấm kị và chia sẻ sự cảnh báo của ông về Israel.

Trước những lo lắng cho quan hệ ngoại giao Đức – Israel do một bài thơ gây ra, người phát ngôn chính phủ tuyên bố: “Tại Đức, nghệ thuật có quyền tự do và may mắn thay, chính phủ cũng có quyền tự do để không bắt buộc phải bình luận về từng thông điệp nghệ thuật.”

Bài đăng ngày 05.4.2012

© 2012 pro&contra

 


[i] Bản dịch tiếng Việt của Dương Tường, NXB Hội Nhà văn 2002