Tác giả

Chuyên mục

Trang

Năm nhận định về quan hệ Việt-Trung (2)

Th6 19, 2014

Từ Linh

Xem kì 1toàn bài trong bản PDF

IV. CHỈ CÒN LẠI DÂN?

Trong khi Mỹ đang tạm “nghỉ giữa hiệp”, Putin lồng lộn ở trên kia, Tập làm mưa làm gió phía dưới này, Đảng “ta” thì nhóm lãnh đạo hầu hết vẫn ở cung cấm như những nàng hầu, xinh nhưng ngu, chỉ biết ngoan ngoãn chờ Tàu chỉ bảo, thì câu hỏi đặt ra là đất nước này đang nằm trong tay ai? Còn ai lo cho đất nước này?

Câu trả lời thật rõ: Chỉ còn dân. Và dân là tất cả những ai còn nghĩ mình là dân nước Việt, những người tự do, không sợ hãi, không bị giặc ngoại xâm trói tay bịt miệng, biết đau xót vì đất nước thiêng liêng bị xâm phạm, và sẵn sàng chết chứ không chịu làm nô lệ.

Hai tiền lệ

Thực ra, tình trạng nhà cầm quyền nhu nhược trước ngoại xâm, lo giữ ghế hơn lo giữ nước, lo chống dân hơn chống giặc đã có tiền lệ.

Chẳng cần tìm đâu xa, có hai tiền lệ đã từng diễn ra ở Trung Quốc, cách đây trên dưới 100 năm. Đó là Cách mạng Tân Hợi 1911, khi dân chúng đứng dậy lật đổ nhà Thanh vừa trì trệ bảo thủ vừa để ngoại bang lấn lướt đến ô nhục. Và đó là phong trào Ngũ Tứ Vận động năm 1919, khi quần chúng đứng dậy chống Hiệp ước Versailles nhục nhã ép chính quyền cắt đất cho ngoại bang.

Cả hai biến cố đều có điểm chung, đó là: đứng trước nguy cơ mất nước, mất đất, thay vì chuyển đổi quyết liệt để cùng dân đối đầu hiệu quả với giặc thì chính quyền lại nhu nhược, sẵn sàng chịu nhục và đàn áp dân để giữ quyền lực. Và trong cả hai tình thế, quần chúng đều không ngồi im. Họ đứng dậy. Họ lật đổ nhà Thanh (1911), hoặc khiến chính quyền Dân Quốc hủy bỏ Hiệp ước ô nhục (1919).

Tiền lệ thứ nhất: Cách mạng Tân Hợi 1911

Xin tóm tắt đôi nét về Cách mạng Tân Hợi như sau:[i]

Sau thất bại nhục nhã trong Chiến tranh Nha phiến (1840-1842; 1857-1860), và Chiến tranh Thanh-Nhật (1894-1895), nhiều sĩ phu muốn theo gương Nhật Bản cải cách triệt để kinh tế và chính trị. Nổi bật là Khang Hữu Vy và Lương Khải Siêu. Họ phò vua Quang Tự duy tân, nhưng bị Từ Hy Thái hậu thủ cựu trấn áp. Sau Chính biến Mậu Tuất (1898), Từ Hy giết hại nhóm duy tân, Khang, Lương phải trốn sang Nhật. Nhưng càng đàn áp thì cách mạng càng phát triển. Đến khi liên quân tám nước kéo vào Bắc Kinh (1900) Thanh triều phải ký một hiệp ước nhượng bộ nhục nhã thì dân chúng phẫn uất, đòi thay đổi thể chế, phế bỏ nhà Thanh.

Lúc bấy giờ có Tôn Trung Sơn, một bác sĩ, theo Thiên Chúa giáo, có thời học ở Hawaii, chủ trương cách mạng. Ông tin rằng phải lật đổ nhà Thanh mới cứu được Trung Quốc. Năm 1898 ông lập Trung hưng Hội ở Mỹ, hình thành chủ nghĩa Tam dân: dân tộc (chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc…), dân quyền (tước quyền Thanh triều trao lại cho dân, dân có quyền tuyển cử, bãi nhiệm quan chức, quyền làm luật và phúc quyết…), dân sinh (chăm sóc bốn phúc lợi cho dân là ăn, mặc, ở, đi, nông dân có ruộng đất…). Sau Hiệp ước Bắc Kinh 1900, dân chán ghét Thanh triều, gia nhập hội càng đông. Lý tưởng của Tôn được đông đảo Hoa kiều hải ngoại ủng hộ và góp tiền giúp đỡ. Năm 1905, hai đảng khác gia nhập, Tôn đổi tên hội thành Đồng minh Hội, tiền thân của Quốc dân Đảng.

Từ 1905 đến 1911, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra ở các tỉnh thành như: 1905: Giang Tây, Hồ Nam; 1907: Khâm Châu, Liêm Châu, Thượng Tư (nay thuộc tỉnh Quảng Tây); 1908: Vân Nam, Quảng Đông; tháng 4/1911: Một cuộc khởi nghĩa lớn xảy ra. 500 cảm tử quân tấn công vào dinh Tổng đốc Quảng Châu, vì chuẩn bị chưa kỹ, khởi nghĩa không thành, 72 liệt sĩ hy sinh, được chôn ở Hoàng Hoa Cương (Phạm Hồng Thái sau này cũng được chôn ở đây).

Xin được trích đoạn sau đây viết về Cách mạng Tân Hợi để bạn đọc tiện theo dõi. Đoạn này liên quan đến một vụ việc đáng chú ý, tình trạng không khác ngày nay ở Việt Nam bao nhiêu:

“Cũng trong thời gian này, việc Thanh đình trao quyền kinh doanh đường sắt Việt-Hán và Xuyên Hán cho Mỹ đã gây thêm một làn sóng căm phẫn trong nhân dân Trung Quốc. Khắp nơi nổi lên phong trào đòi tẩy chay hàng Mỹ, đòi chính phủ xóa bỏ điều ước đã ký với Mỹ. Thấy người dân chống đối quá, Mỹ đồng ý xóa điều ước với điều kiện Thanh đình phải bồi thường 6.750.000 đô-la. Vừa sợ đế quốc, vừa sợ nhân dân, Thanh đình sai Tổng đốc Lưỡng Hồ là Trương Chi Động vay tiền của Anh để bồi thường cho Mỹ.

Đến ngày 9/5/1911, Thanh đình ra sắc lệnh Quốc hữu hóa đường sắt nhưng thực chất là trao quyền kinh doanh cho bốn nước là Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Lập tức, lần lượt ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Châu,Tứ Xuyên… nhân dân nổi lên chống đối vì họ cho rằng Thanh đình đã bán rẻ quyền lợi dân tộc. Thanh đình bèn ra lệnh trấn áp phong trào quyết liệt, cấm báo chí đưa tin, cấm bãi thị, bãi khóa, diễn thuyết và cho giải tán các hội đồng bảo vệ đường sắt… Tuy nhiên, bất chấp lệnh trên, bất chấp cả những lời lẽ can ngăn của phái lập hiến, phong trào chống đối vẫn lên cao, nhất là ở Tứ Xuyên.

Ngày 7/9/1911, Tổng đốc Tứ Xuyên là Triệu Nhĩ Phong phái người đến mời các thủ lĩnh trong hội bảo vệ đường sắt đến dinh thương lượng, nhưng sau đó cho lính bắt tất cả. Thấy điều bạo ngược, hàng vạn người dân Thành Đô (tỉnh lỵ của tỉnh Tứ Xuyên) kéo đến dinh Tổng đốc đòi thả người, nhưng bị Triệu Nhữ Phong ra lệnh nổ súng làm chết 32 người và làm bị thương nhiều người khác. Căm phẫn tột độ, phong trào bãi khóa, bãi thị lan rộng ra toàn tỉnh Tứ Xuyên, về sau phát triển mạnh thành cuộc khởi nghĩa Thành Đô, buộc Thanh đình phải đem quân từ Hồ Bắc về trấn áp.”[ii]

Đến ngày song thập (10/10/1911) cách mạng nổ ra và thành công ở Vũ Xương, gọi là Cách mạng Tân Hợi. Xin trích đoạn mô tả sau đây của học giả Nguyễn Hiến Lê:

“Dân quân được quân đội tân thức giúp sức, chiếm Vũ Xương. Lần lượt các tỉnh Hồ Nam, An Huy, Quí Châu, Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông tuyên bố độc lập, hường ứng với dân quân. Đảng bèn tổ chức liên quân hai tỉnh Giang-Chiết để đánh Nam Kinh. Các tỉnh độc lập đều phái đại biểu đến Vũ Xương hội nghị để lập một chính hủ lâm thời tại Nam Kinh. Tôn Văn được bầu làm Lâm thời Đại Tổng thống…”[iii]

Tiền lệ thứ hai: Ngũ Tứ Vận động 1919

Để biết tóm lược về nguyên nhân xảy ra, phản ứng của quần chúng, phản ứng của chính quyền và kết quả của Phong trào Ngũ tứ 1919,  xin trích đoạn dưới đây để bạn đọc tham khảo. Nhiều điều gợi đến tình hình Việt Nam bây giờ.

“Sau khi Đệ nhất Thế chiến kết thúc, các nước thắng trận đã ký kết bản Hiệp ước Versailles, trong đó có điều khoản chuyển giao chủ quyền tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) từ tay Đức sang cho Nhật Bản.

Các tầng lớp nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là học sinh sinh viên đã đứng lên đấu tranh chống lại quyết định này. Phong trào lan rộng, chuyển mũi nhọn đấu tranh từ chống lại Hiệp ước Versailles sang chống lại chính phủ Trung Hoa Dân quốc lúc bấy giờ.

Ngày 4 tháng 5 năm 1919, hơn 3000 học sinh sinh viên của 13 trường đại học Bắc Kinh đã tập hợp trước quảng trường Thiên An Môn, tiến hành biểu tình thị uy trên các đường phố Bắc Kinh để chống lại Hiệp ước Versailles, với các khẩu hiệu như:

  • Ngoại tranh quốc quyền, nội trừng quốc tặc (ngoài: giành lại chủ quyền đất nước, trong: trừng trị bọn bán nước);
  • Trung Quốc là của người Trung Quốc;
  • Phế bỏ Hiệp ước 21 điều (quy định quyền lợi của các nước phương Tây tại Trung Quốc);
  • Thề chết giành lại Thanh Đảo.

Yêu sách của những người biểu tình là đòi xử tội ba nhân vật thân Nhật trong chính phủ Trung Hoa Dân quốc lúc bấy giờ:

  • Tào Nhữ Lâm (曹汝霖): Tổng trưởng Giao thông, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao của chính phủ Viên Thế Khải, người trực tiếp ký kết “Hiệp ước 21 điều”;
  • Lục Tông Dư (陆宗舆): Tổng giám đốc Ngân hàng, nguyên công sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, người đã ký vay nợ Nhật Bản;
  • Chương Tông Tường (章宗祥).

Bản Tuyên ngôn của học sinh sinh viên đã nêu lên mục đích của phong trào:

  • Đất đai Trung Quốc có thể bị chinh phục chứ không thể bị cắt cho. Nhân dân Trung Quốc có thể bị giết chứ không thể cúi đầu. Nước đã mất rồi! Đồng bào hãy vùng lên!

Hưởng ứng lời kêu gọi của học sinh sinh viên Bắc Kinh, học sinh sinh viên các thành phố khác như Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh, Vũ Hán, Tế Nam, Trường Sa, Trùng Khánh, Quảng Châu… đều tổ chức mít tinh và biểu tình thị uy với quy mô lớn. Chính phủ Trung Hoa Dân quốc đã phái quân đội, cảnh sát đến đàn áp, ra lệnh cách chức hiệu trưởng trường Đại học Bắc Kinh Sái Nguyên Bồi, đuổi học và bắt giữ hơn 1000 học sinh sinh viên.

Đến ngày 19 tháng 5 năm 1919, học sinh sinh viên bắt đầu tổng bãi khoá. Ngày 3 tháng 6 năm 1919, công nhân, thương nhân, học sinh sinh viên cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thượng Hải đã tiến hành tổng bãi công, bãi thị, bãi khoá để ủng hộ phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Bắc Kinh. Quân đội, cảnh sát ra sức đàn áp nhưng cuối cùng cũng bất lực trước làn sóng xuống đường của các tầng lớp nhân dân.

Phong trào Ngũ Tứ đã lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố ở Trung Quốc, trong đó nổi lên mạnh nhất ở Thiên Tân, Nam Kinh, Hàng Châu, Vũ Hán… lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như học sinh, sinh viên, công nhân, thương nhân, thị dân, trí thức…

Cuối cùng, chính phủ Trung Hoa Dân quốc buộc phải trả tự do cho tất cả những người bị bắt, cách chức Tào Nhữ Lâm, Lục Tông Dư, Chương Tông Tường, sau đó ra lệnh cho đoàn đại biểu Trung Quốc tại Pháp cự tuyệt ký vào Hiệp ước Versailles. Phong trào Ngũ Tứ coi như kết thúc thắng lợi.”[iv]

Có thể suy ra điều gì từ hai tiền lệ Cách mạng Tân Hợi và phong trào Ngũ Tứ? Có lẽ suy luận sau đây không quá xa:

Nếu những câu hỏi nhức nhối trên kia không phải là giả thuyết, mà là sự thực, là thực tại đau đớn của Việt Nam trong giai đoạn này – đất nước bị ngoại xâm, người dân bị làm nhục, nhà cầm quyền nhu nhược, có kẻ làm tay sai, chống dân hơn chống giặc – thì đây chính là lúc người dân không còn cách nào khác mà buộc phải đứng dậy. Và đây sẽ là cuộc đấu tranh: Ngoài chống giặc ngoại xâm, trong chống bọn bán nước, giành lại cho dân quyền lực chính đáng của mình.

Điều này dẫn đến câu hỏi thứ năm.

5. HỌ ĐANG ĐẨY DÂN VÀO THẾ BẤT TUÂN DÂN SỰ?

Một tháng sau khi giàn khoan 981 xâm phạm, dù cả nước sôi sục việc chống Tàu, tuy cũng có ông nghị lên tiếng cảnh tỉnh đừng tin “mười sáu bốn”, nhưng vào ngày 30/5, báo chí Việt Nam đưa tin có đến 85% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua “Nghị quyết về Chương trình Xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2015”, theo đó, Luật Biểu tình sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9, và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 10, cuối năm 2015.

Tức là lại hứa hẹn lần nữa, sau khi đã lỡ hẹn bao nhiều lần trong bao nhiêu năm.

85% Quốc hội là ai?

Thực lòng là khi nghe Quốc hội bình thản làm công việc quen thuộc là “thông qua một cái gì đó về một cái gì đó cho một cái gì đó về một việc gì đó sẽ được đưa ra thảo luận gì đó trong… tương lai” ngay lúc đất nước lâm cảnh dầu sôi lửa bỏng, thì người dân không thể nào không “bại não” vì lùng bùng lỗ nhĩ.

Tóm lại, Quốc hội nói sẽ thông qua Luật Biểu tình vào cuối năm 2015 đúng không ạ? Quý hóa quá! Cứ cho là như vậy, nhưng ai đảm bảo việc này sẽ không bị hoãn lần nữa vào cuối năm 2015, nếu Quốc hội tiếp tục ngoan ngoãn nhìn lên để nghe trên phán xuống, thay vì nhìn xuống để nghe dân thấp cổ bé miệng từ dưới nói lên?

Sao lạ vậy, Quốc hội do dân bầu cơ mà?

Đúng là có “bầu”, nhưng trong những ngày này, thay vì “thoát Trung” thì 85% Quốc hội lại “thoát y”, hiện nguyên hình là tay chân hèn mọn của Đảng. Còn chuyện “Đảng cử dân bầu”, ai cũng biết đó chỉ là trò hề nhảm nhí, dân sợ nên Đảng buộc bầu là phải bầu, làm gì có bầu thực chất.

Phải chăng việc Quốc hội hoãn Luật Biểu tình đến cuối năm 2015 có nghĩa là trong năm 2014 và từ nay đến đó, dù Tàu xâm lược có lấn tới, có húc chìm tàu thuyền, có giết hại dân mình, thì Đảng, Chính phủ, Quốc hội vẫn sẽ không cho dân hành xử quyền hiến định là được xuống đường phản đối?

Xin lỗi, vậy thì xin hỏi: 85% Quốc hội là của ai? 85% Quốc hội đang chống Tàu xâm lược để giữ dân, giữ nước, hay 85% Quốc hội đang chống dân, giữ Đảng, ôm chân Tàu?

Ngược ngạo thay, trong khi lòng dân chất chứa bao nhiêu bức xúc muốn nói, muốn gào thét cho hả giận, cho kẻ xâm lược biết ý chí và quyết tâm của dân, thì nhà cầm quyền của đất nước đang bị xâm phạm trắng trợn lại dồn dân vào chân tường, không cho dân biểu thị tình cảm!

Không thể biện minh được, mà phải nói là họ đang tiếp tay cho giặc để dẹp yên dân chúng, khiến giặc càng hống hách và tha hồ hô hoán với thế giới rằng: Đó! dân Việt chúng nó có ai phản đối đâu mà thế giới cứ nhảy dựng lên như thế!?

Mahatma Gandhi từng nói nếu đứng trước một điều trái với lương tâm, và sau khi mọi kiến nghị đều chỉ như đàn gẩy tai trâu, thì người dân chỉ còn cách một là chống lại bằng bạo lực, hai là bất tuân dân sự và chấp nhận mọi khổ đau do bất tuân mang lại.

Có phải Đảng, Chính quyền và Quốc hội do Đảng giựt dây, cùng với cỗ máy truyền thông công cụ của Đảng, đang đẩy người dân vào thế bất tuân dân sự?

Dân không còn con đường nào khác

Làm gì bây giờ?

Làm gì ư? Thì im lặng! Như các ông Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và biết bao nhiêu ông bà khác vẫn đang im lặng, dù các ông bà phải là những người lên tiếng đầu tiên!

Làm gì ư? Thì cứ chờ Đảng quang vinh chỉ đâu đánh đó! Ngặt một nỗi Đảng bật đèn rẽ phải nhưng lại quẹo trái, nói rẽ về phương Tây nhưng lại bẻ vô-lăng lái thẳng về phương Bắc. Nếu để Đảng lo thì rõ ràng sẽ có ngày con cháu dân Việt chúng ta phải mặc đồng phục của quân đội Tàu để đánh nhau với anh em gốc Việt cầm súng trong quân đội đồng minh gồm Mỹ, Úc, Ấn, Nhật, Hàn, Anh, Pháp, Đức… trong Thế Chiến thứ ba!

Một chọn lựa nghiêm túc hơn là người dân đứng dậy giành lại quyền quyết định cho dân, một quyền lực tối hậu đã bị tước đoạt từ ngày Đảng lên cầm quyền. Hành vi đó được gọi là “bất tuân dân sự”, nói đầy đủ là: dân hành xử quyền dân sự, tự phát tiến hành những hành động phù hợp với lương tâm, bất chấp bị đàn áp.

Hãy tưởng tượng, khi bị đẩy vào thế bất tuân dân sự, những điều này có thể sẽ xảy ra:

Tối hậu thư

Quần chúng, thông qua các tổ chức dân sự, sẽ đưa ra tối hậu thư gửi nhà cầm quyền và công luận thế giới, ra hạn cho nhà cầm quyền trả lời trước nhân dân những điều dân cần biết về thực trạng đất nước, và làm những việc cần làm như thả hết những người chống Tàu bị cầm tù. Ví dụ, nhà cầm quyền sẽ có hạn chót để trả lời là ngày 15/7/2014, nếu không trả lời, bất tuân dân sự sẽ bắt đầu ngày 20/7/2014.

Ngưng việc 2 giờ

Trước ngày đó, để nhà cầm quyền biết được ý chí người dân, cứ mỗi buổi trưa, hàng triệu người trong tất cả các công ty, từ nhân viên văn phòng đến công nhân sản xuất, tại tất cả các tỉnh thành, từ 12g trưa đến 2g chiều đều đồng loạt ngưng việc. Điều này dễ thực hiện vì 12g là giờ ăn trưa, để biểu thị tình cảm, mọi người sẽ nhất quyết không quay lại làm việc trước 2g chiều. Và quan trọng là hãy ghi lại hình ảnh hiện tượng này cho cả thế giới biết.

Nếu hết hạn chót mà chính quyền vẫn không có động thái gì đáng kể để thỏa mãn bức xúc của dân thì toàn xã hội sẽ tiến hành những biện pháp bất tuân dân sự đồng bộ.

Việc ngưng làm việc 2 giờ mỗi ngày sẽ biến thành tổng bãi công, bãi thị, bãi trường rộng khắp và kéo dài. Những cuộc biểu tình xuống đường rầm rộ sẽ diễn ra.

100.000 người biểu tình

Cuộc biểu tình ngày 11/5 đã có khoảng 6000 người xuống đường trên cả nước, từ Saigon đến Hà Nội, đó là con số dễ dàng có. Nhưng con số này có thể lên đến 30.000, 50.000, 100.000, hoặc hơn nữa. Vì sao?

Chỉ riêng tại Saigon, Hà Nội cũng gần tương tự, và chỉ riêng các giáo xứ thuộc Giáo phận Công giáo Saigon hiện đã có khoảng 300.000 giáo dân. Hội đồng Giám mục Việt Nam đầu tháng 5/2014 đã có thư gửi giáo dân cả nước kêu gọi mọi người tích cực tham gia các hoạt động biểu thị lòng yêu nước trước họa ngoại xâm. Hãy tưởng tượng vào một ngày cùng hẹn, những cuộc biểu tình nhỏ 300 người sẽ nổ ra, tại ngay từng giáo xứ, hoặc một điểm tập trung gần giáo xứ. Theo hẹn, 100 đoàn biểu tình 300 người này, tổng cộng là 30.000 người, sẽ xuất phát từ 100 giáo xứ, sẽ đi theo 100 con đường dẫn dần về trung tâm Saigon, hay trung tâm Hà Nội, đến trước Nhà thờ Đức bà, hoặc Nhà Thờ Lớn Hà Nội, để cùng cả nước gióng lên tiếng chuông đánh thức lòng yêu nước trước hiểm họa ngoại xâm. Tất cả các giáo phận Công giáo cả nước cũng có thể làm tương tự, cùng ngày.

Các vị hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ cũng có thể làm tương tự như các giáo sĩ và giáo dân Hongkong, như Đức Hồng y Trần Nhật Quân, 82 tuổi, cùng một số tín hữu đi bộ trong 48 tiếng, mỗi ngày đi 20 km trong 12 tiếng, qua 18 quận để kêu gọi dân chúng tham gia trưng cầu dân ý tự phát vì dân chủ.[v]

Chỉ riêng tại Saigon, số lượng sinh viên các trường đại học cũng khoảng 300.000. Sinh viên của hàng chục trường đại học có thể cùng nhau xuống đường tương tự.

Số lượng công nhân tại Saigon và những khu phụ cận lên đến cả triệu. Họ cũng có thể cùng nhau xuống đường tương tự. Chuyện côn đồ quấy phá nếu không được ngầm cho phép thì dứt khoát không thể xảy ra. Lực lượng an ninh có đủ phương tiện để dễ dàng khống chế và kiểm soát côn đồ.

Đó là chưa kể những lực lượng khác từ các giáo hội Phật giáo,  Cao Đài, Hòa Hảo, từ phía các doanh nghiệp, trí thức, văn nghệ sĩ, và quần chúng nói chung.

Bỏ phiếu tại chỗ và “Chiếm đóng Ba Đình”

Cũng tương tự như người đấu tranh dân chủ tại Hongkong sẽ làm, khi diễn ra cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người, người biểu tình có thể thực hiện việc bỏ phiếu tại chỗ trong một cuộc trưng cầu dân ý nóng, để người dân biểu thị tình cảm và ước muốn cụ thể của mình.

Sinh viên, giới đấu tranh Hongkong còn có kế hoạch “Occupy Central” (chiếm đóng khu trung tâm), “Central” là địa danh của khu trung tâm Hongkong, nếu ở Việt Nam, phong trào này sẽ có tên tương tự như “Occupy Quận Nhất”, “Occupy Ba Đình”, hoặc rộng hơn, “Occupy Saigon”, “Occupy Huế”, “Occupy Hà Nội”… với hàng chục ngàn người biểu tình tại chỗ kéo dài ngày này qua ngày khác, chặn mọi đường đi vào khu biểu tình.

Ý tưởng vui: cú, quạ và giàn khoan

Một ý tưởng vui, cũng có thể khả thi, xin nêu ra ở đây. Ý tưởng này xuất phát từ những thuyền nhân, những người đã từng vượt biển, bỏ cộng sản, tìm tự do. Họ lênh đênh giữa biển cả tuần lễ, và họ gặp những chú chim, không biết từ đâu đến, cứ đậu trên thuyền của họ. Có xua đuổi chúng cũng không đi đâu được. Biến mênh mông quá, chúng không đủ sức bay tìm bờ xa, chỉ duy nhất có chiếc thuyền đang trôi trên biển là chỗ đậu.

Ý tưởng như sau: Sẽ có 100.000 con quạ đen, hay chim cú, được ai đó mang ra, thả bay vần vũ trên giàn khoan 981 và đoàn tàu thuyền hộ tống. Bầy chim đen kịt không đậu chỗ nào được trên biển, nên cứ chỗ nào to, nhiều hang hốc là chúng đua nhau đậu vào, vừa đậu vừa… ị. Và như thế, khác với những bọn sâu mọt tay sai “ngựa Hồ” lúc nào cũng “hí gió Bắc”, những con “chim Việt” sẽ vừa “đậu cành Nam”, vừa (xin lỗi) “ỉa vào giàn khoan”.

Nếu chim bay về đảo Tri Tôn cách đó 25 hải lý, thì cứ cho chúng 2 giờ đáp xuống và thức ăn, thức uống no nê, rồi khua chuông gõ trống xua chúng bay trở về giàn khoan và đoàn tàu trăm chiếc kia. [vi] Lưu ý: không nên dùng biện pháp này vào thời kỳ cúm gia cầm, vì dân ta chỉ muốn đuổi giàn khoan và tàu bè hộ tống, không muốn giết người.

Khốn khổ nước tôi

Xin kết bài này bằng bài thơ đau đớn “Khốn khổ nước tôi”, phỏng dịch từ bài thơ “Pity the Nation”[vii] của nhà thơ Liban Kahlil Gibran:

Khốn khổ nước tôi
Mê tín thì vô hạn
Tôn giáo thì nông cạn

Khốn khổ nước tôi
Mặc áo mình không dệt
Ăn gạo mình không trồng
Uống rượu mình không làm

Khốn khổ nước tôi
Ca ngợi côn đồ là anh hùng
Gọi kẻ xâm lăng là bạn vàng

Khốn khổ nước tôi
Trong mơ thì ghét cay ghét đắng
Tỉnh dậy lại đầu hàng

Khốn khổ nước tôi
Chỉ dám nói năng khi đưa tang
Chỉ dám khoe khoang di sản hoang tàn
Chỉ dám phản kháng khi đầu sắp lìa khỏi cổ

Khốn khổ nước tôi
Chính khách xảo quyệt như chó sói
Triết gia tung hứng chữ làm xiếc
Nghệ thuật bắt chước chắp và vá

Khốn khổ nước tôi
Kèn loa tưng bừng rước kẻ cai trị mới
Rồi tống cổ chúng bằng la hét phản đối
Rồi lại tưng bừng kèn loa đón kẻ cai trị khác

Khốn khổ nước tôi
Vĩ nhân càng nhiều tuổi càng lú
Thánh nhân chờ mãi chưa ra đời

Khốn khổ nước tôi
Cứ chia năm xẻ bảy chơi
Phe nào cũng xưng mình là nước

© 2014 Từ Linh & pro&contra

 


[i] Tổng hợp từ Wikipedia Tiếng Việt, từ mục “Cách mạng Tân Hợi”, và Chương “Cách mạng Tân Hợi” trong cuốn Lịch sử thế giới của Nguyễn Hiến Lê & Thiên Giang, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995.

[ii] Trích từ Wikipedia Tiếng Việt, từ mục “Cách mạng Tân Hợi”.

[iii] Chương “Cách mạng Tân Hợi” trong cuốn Lịch sử thế giới của Nguyễn Hiến Lê & Thiên Giang, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995, trang 158.

[iv] Xem Wikipedia Tiếng Việt, từ mục “Phong trào Ngũ tứ”, nội dung trích từ sách tham khảo: Lịch sử Trung Quốc, của Nguyễn Gia Phu – Nguyễn Huy Quý, NXB Giáo dục, 2001, và Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, tập 2, của Đặng Đức An, NXB Giáo dục, 2000.

[v] Xem “Hồng Kông: Phong trào dân chủ vận động trưng cầu dân ý” của phóng viên Tú Anh, đăng trên trang  RFI Tiếng Việt, ngày 10/6/14.

[vi] Thực ra, đây là cách mà Tàu đã áp dụng thời Cách mạng Văn hóa. Thời đó, để tránh cảnh chướng mắt là chim ị bẩn làm ô uế tượng lãnh tụ hay dinh thự cộng sản nghiêm trang, Tàu cộng đã ra lệnh cho dân Bắc Kinh và mọi vùng lân cận phải khua chiêng, gõ trống, gõ thùng liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày, để đuổi hàng triệu con chim bay đi. Bầy chim hoảng hốt vì tiếng động, chúng bay mãi nhưng không thể đáp vì đâu đâu cũng gõ thùng xua đuổi. Cuối cùng, chúng kiệt sức đứt hơi lao xuống đất mà chết. Hậu quả là sâu mọt nổi lên, phá hoại mùa màng. Chuyện này được kể trong một phim phóng sự của phương Tây về Cách mạng Văn hóa, được phát trên truyền hình ở một số nước phương Tây khoảng 20 năm trước mà rất tiếc người viết đã quên tên.

[vii] “Pity the Nation”, một bài thơ nổi tiếng của Kahlil Gibran, có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Dịch giả Nguyễn Ước có một bản dịch khác, với tên “Chín khốn khổ”, dựa trên bản tiếng Anh của Anthony R. Ferris trong cuốn Spiritual Sayings of Kahlil Gibran in tại Mỹ năm 1962. Dịch giả Nguyễn Ước  dịch cuốn này và cuốn The Madman của Gibran, đăng chung trong một tập có tên là Mây trên đỉnh núi & Kẻ mộng du. Tập này nằm trong bộ sách 25 cuốn của Gibran do Nguyễn Ước dịch, Cty Sách Thời Đại và NXB Văn Học phát hành tại TPHCM năm 2012.