Bí ẩn tâm hồn Nga (Bài 4) – Thiên tài khoa học rởm
Th4 24, 2014
Tom Balmforth
Phạm Nguyên Trường dịch
Bài 1: Dmitry Babich – Các chuyên gia phá hoại
Bài 2: Elena Rubinova – Sự tiến hóa của con người Xô-viết
Bài 3: Roland Oliphant – Tập hoài nghi
Người Nga dường như là một trong những dân tộc dễ lừa nhất.
Trong vòng 20 năm, những điều dường như cho người ta một tia hy vọng trong giai đoạn khó khăn sau khi Liên bang Xô-viết tan rã đã chuyển hóa thành một sự gian lận toàn diện ở qui mô công nghiệp.
Các nhà khoa học Nga đã làm thế giới kinh ngạc suốt nhiều năm trời. Tháng 3 vừa qua (năm 2010 – ND) Grigori Perelman, một nhà toán học Nga khổ hạnh đơn độc đã giải được câu đố làm bối rối các nhà toán học suốt một thế kỷ – và sau đó lại làm dân ngoại đạo thế giới ngạc nhiên khi từ chối giải thưởng 1 triệu USD. Nhưng đằng sau danh tiếng của nước Nga về thiên tài khoa học lại sừng sững một bóng ma giả khoa học.
Ngày nay nước Nga có những kẻ lừa đảo nổi tiếng, những kẻ tự gọi mình là Chúa Kitô tái thế, hay thần thánh đã phú cho họ khả năng chữa bệnh siêu phàm mà họ sẽ hào phóng chia sẻ nếu bạn có nhiều tiền. Tệ hơn nữa, nhận được tiền là họ chuồn liền. Đấy có thể là ông pháp sư “chữa bệnh bằng phân tâm học” trên truyền hình hoàn toàn theo kiểu Nga, Anatoly Kashpirovsky, người chữa lành một cách thần kì những ai trả tiền để được gặp anh ta, hay Grigori Grabovoi, kẻ từng bóng gió về chức vụ tổng thống, thề cấm thần chết bén mảng; những kẻ lừa đảo huyền bí đó có khá nhiều đệ tử. Nhưng câu hỏi là: Vì sao? Có phải người Nga là những người theo thuyết định mệnh vô tư lự với một thiên hướng thích những thứ thần bí, sẵn sàng mang tiền tiết kiệm của mình cho những ông thày thuốc với những cách chữa bệnh giả mạo? Hay chỉ đơn giản là những điều kiện đó phù hợp với những kẻ trục lợi bất lương nhằm tống tiền tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Nga – những nhân vật nông dân thất học từng được nhà văn Liên Xô Vasily Shukshin ca ngợi?
Nói qua về những kẻ lừa đảo
Khi Liên Xô sụp đổ cách đây hai thập kỷ, huyền bí và giả khoa học bắt đầu phát triển mạnh, nhưng đấy không phải là lần đầu tiên. Vào đầu thế kỷ XIX, cùng với sự vỡ mộng của nhiều người về triết lý duy lý đã định hình thời đại, chủ nghĩa thần bí ở Nga phát triển rất mạnh. Tâm trạng phản động của thời đại được sinh ra từ “Thời đại bạc” mang tính tâm linh sâu sắc của tư tưởng Nga, được các nhà tư tưởng như Vladimir Solovyov và Dmitry Merezhkovsky ghi nhận một cách dễ nhớ nhất. Trong khi Dmitry Mendeleyev, nhà hóa học người Nga nổi tiếng nhất với bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, đã lên tiếng trách cứ nhà nước và nền khoa học Nga là không đấu tranh với mối đe dọa của chủ nghĩa thần bí, đang xâm nhập vào các cấp cao nhất của chính quyền.
Tuy nhiên, thần bí ngày càng trở nên phổ biến hơn, khi Grigory Rasputin, ông Thày Tu Điên của Nga, năm 1905 luồn lách vào giới thân cận nhất của Nga hoàng Nicholas II. Ban đầu, sau khi chữa bệnh máu loãng khó đông cho Hoàng tử Alexei, người hành hương bí ẩn này được ca ngợi như một đạo sĩ “chính cống”. Nhưng khi lối sống của ông ta ngày càng trở thành đồi trụy hơn và Thế chiến I bùng nổ, ông ta càng có thêm nhiều kẻ thù có chức vụ cao hơn. Cuối cùng, khi kẻ lừa đảo bị cuốn vào một cuộc tranh giành quyền lực năm 1916, ông đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Cho đến ngày nay, huyền thoại về Rasputin nổi tiếng thậm chí còn vượt ra ngoài biên giới của Nga, và các âm mưu và bí ẩn xung quanh vụ hạ sát ông ta là minh chứng cho huyền thoại mà “người thày thuốc” trụy lạc này xây dựng xung quanh hình ảnh của mình. Người ta đồn rằng Rasputin đã tìm cách tháo được dây trói sau khi đã bị còng tay, bị đầu độc, bị bắn vào đầu, và sau đó bị vứt xuống đáy sông Neva ở St Petersburg – tất cả những điều này cho thấy mức độ thành công của ông ta trong việc lừa dân chúng bằng những chuyện tào lao mang vẻ huyền bí.
Thày Tu Điên và các đệ tử của ông ta
Nhưng, ngày hôm nay dường như linh hồn của ông Thày Tu Điên lại một lần nữa đã thoát ra ngoài. “Hiện nay chúng ta có một Rasputin mới – đó là cách xuất hiện của Grigori Grabovoi”, Eduard Kruglyakov, người đứng đầu Ủy ban Giả Khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói. Năm 2005, sau khi hứa với thân nhân rằng ông ta có thể làm các nạn nhân của cuộc bao vây trường học ở Beslan sống lại nếu họ chịu chi tiền, Grabovoi trở thành tiêu đề của báo chí toàn cầu. Ba trăm ba mươi mốt người chết, quá nửa là trẻ em, khi lực lượng đặc nhiệm của Nga giành lại ngôi trường ở Bắc Kavkaz từ tay những kẻ khủng bố, thảm kịch này đã hằn sâu vào ý thức dân tộc.
Nhưng Grabovoi không thành công bằng kẻ lừa đảo tiền nhiệm của ông ta (ý nói Grigory Rasputin – ND). Năm 2008, Grabovoi bị kết án 11 năm tù sau khi một nhà báo ở Moskva là Vladimir Vorsobin giả vờ tin vào “dịch vụ” của ông thày thuốc này và đã bắt ông ta trong một phi vụ đặc biệt. Vorsobin đề nghị Grabovoi làm người thân sống lại với giá 1.500 USD, sau khi nhận được tiền Grabovoi nói với Vorsobin rằng người thân của ông hiện đang sống và khỏe mạnh ở St Petersburg, sau đó Grabovoi đã bị bắt giữ.
Nhưng, mặc dù bị kết án với 11 tội danh, vị chúa cứu thế tự xưng này hiện đã được thả sau khi ngồi tù chưa đến một nửa thời hạn. Một ngày trước khi được tha, Grabovoi còn trâng tráo nói sẽ giúp những người chết ở mỏ than Raspadskaya trong vùng Siberia hồi sinh, nơi một loạt các vụ nổ trong tháng 5 đã làm nhiều người thợ mỏ thiệt mạng. Sau đó vợ ông ta xoa dịu những nhà bình luận đầy giận dữ bằng cách thông báo rằng sau khi được tha, chồng bà ta không chạy từ thảm kịch này sang thảm kịch khác nhằm bóc lột các tang quyến bằng cách hứa làm cho người chết sống lại nữa. Cho đến nay chưa thấy có báo cáo về hành vi vi phạm pháp luật của ông ta. Nhưng Kruglyakov ngờ rằng Grabovoi sẽ không được ở ngoài nhà tù lâu. “Tôi nghĩ anh ta sẽ lại đi tù thôi. Hoàn toàn không được phép thả những tên lang băm như thế này. Nó còn là tín hiệu cho những kẻ khác trong nước – đi tù, rồi sẽ được ra ngay thôi.”
Chữa bệnh bằng dầu cù là
Anatoly Kashpirovsky là người nổi tiếng hơn hẳn trong lĩnh vực pháp sư ở Nga, khi Liên Xô tan rã ông này đã dùng chương trình “chữa bệnh hàng loạt” trên truyền hình để mê hoặc cả nước. Như một lang băm chuyên dùng tà thuật trên truyền hình, Kashpirovsky bảo người xem để nồi và chảo đầy nước bên cạnh TV khi xem chương trình của mình, để cho nước được nạp các tính chất chữa bệnh khi tiếp xúc với sóng của năng lượng thần giao cách cảm. Lúc đó, Kashpirovsky và đối thủ của ông ta, Allan Chumak, thôi miên cả nước bằng chủ nghĩa thần bí hoang dã và vô căn cứ, và cứ nhìn chằm chằm vào khán giả truyền hình suốt mấy năm trời. Theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada tiến hành năm 1990, khi được hỏi họ có nghĩ là “liệu pháp tâm lí” kiểu Kashpirovsky có thể giúp bệnh chữa bệnh hay không, thật đáng kinh ngạc là 52,3% người được hỏi nói “có”.
“Hiện tượng Kashpirovsky chủ yếu liên quan tới sự sụp đổ của Liên Xô, mặc dù ở nhiều nước khác cũng có những người thích ông ta. Tuy nhiên, tôi nói rằng tỉ lệ ở Nga cao hơn các nước khác. Nó liên quan đến sự rối trí và hoảng loạn của người dân”, Kruglyakov nói.
Năm 1995, Kashpirovsky bỏ trốn khỏi nước Nga và bỏ lỡ một vụ bùng nổ các loại thuốc giả và các dịch vụ chữa bệnh rởm không bị ai ngăn chặn, vì đã lợi dụng được tình trạng hỗn loạn của quốc gia đang trải qua quá trình biến đổi xã hội một cách vội vã, với lực lượng kiểm tra và đối trọng còn non trẻ. “Ở Liên Xô, lương và triển vọng nói chung là thấp, nhưng dù sao mọi người đều được chăm sóc. Khi nhà nước mới thành lập, rất nhiều người đã bị bỏ rơi và hoàn toàn không được giúp đỡ. Họ không có công ăn việc làm, không có phương tiện sống. Trước đây, nhà nước đã cho họ nhà ở miễn phí. Đúng là họ phải xếp hàng chờ đợi, v.v., nhưng họ có thể có được một chỗ để sống. Bây giờ bạn có thể mua một căn hộ, nhưng bạn không có tiền, và bạn sẽ không bao giờ có bất kỳ chỗ nào để sống và phần lớn gặp hoàn cảnh như thế. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng rất nhiều người có tâm trạng bị bỏ rơi hoàn toàn. Trong tình hình như thế, những kẻ lừa đảo này giống như dầu cù là để xoa dịu tâm hồn vậy,” Kruglyakov nói.
Thích âm mưu
Cùng với sự nổi tiếng của những nhân vật có quyền lực một cách thần bí, phi chính thức như Kashpirovsky, người Nga thường nghi ngờ các nhân vật có quyền lực một cách chính thức, ví dụ như các chính trị gia và các chủ ngân hàng. Người phương Tây thường chế giễu người Nga vì họ giữ tiền trong một hộp giày dưới gầm giường chứ không gửi vào ngân hàng – một thói quen đã nhanh chóng kẹt lại sau khi cả một thế hệ thấy mình bị hất ra đường khi những món tiền của họ gửi trong ngân hàng trở thành vô giá trị.
Trong khi đó, thói quen ở đâu cũng ngửi thấy âm mưu của người Nga lại được củng cố bởi sự nghi ngờ của họ đối với quyền lực chính trị, có xuất xứ từ hàng thế kỷ nằm dưới sự cai trị của chính thể độc đoán. Trong một bài báo trên tờ Moscow Times ra trong tháng này, một giáo sư nổi tiếng người Nga viết rằng ông đã rất ngạc nhiên khi phần lớn sinh viên chính trị của ông tin rằng các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 là “tác vụ tay trong”. Còn ở trong nước, 14 % người Nga nói với Trung tâm nghiên cứu Levada rằng họ nghĩ là FSB – cơ quan mật vụ Nga – trước đó đã nghe nói về vụ đánh bom tàu điện ngầm ngày 29 tháng 3, nhưng đã không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn.
Dối trá chồng chất
Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân dễ bị tổn thương và lầm lẫn là vì vụ sụp đổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ lừa đảo tự tin. Khó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi một trong những chương trình bán hàng đa cấp lớn chưa từng có trên thế giới bị giết chết ở Nga vào đầu những năm 1990. Năm 1994 chương trình Ponzi do công ty MMM thực hiện đã kiếm được 10 tỷ USD bằng cách thuyết phục từ 5 tới 40 triệu người Nga khiêm tốn rằng tiền đầu tư vào công ty sẽ có lợi tức không ít hơn 1.000%. Vụ lừa đảo thành công là do quảng cáo và ngay lập được một loạt các công ty khác bắt chước, lợi nhuận cao đến mức ngớ ngẩn như thế liên quan đến siêu lạm phát ở Nga lúc đó.
Cuối cùng, Tổng thống lúc đó, ông Boris Yeltsin, đã làm cho việc công bố lợi nhuận “dự kiến” trở thành bất hợp pháp, đưa bọn lừa đảo vào vòng kiểm soát bằng cách đánh gục các kênh quảng cáo huyết mạch của nó. Nhưng bọn lừa đảo vẫn phát triển, ngay cả khi chúng thu được ít lợi nhuận hơn. Bốn mươi thành viên của một băng đảng bị bắt trong tháng này vì đã lừa các cựu chiến binh Thế chiến II bằng cách bảo họ trả trước cho chúng 18 % “thuế” cho những tấm huy chương mà băng đảng nói là sẽ thưởng cho họ nhân ngày 9 tháng 5, tức là Ngày Chiến thắng ở Nga. Bọn lừa đảo đã thu lợi nhuận ròng là 47.000 USD mỗi ngày, nhưng băng đảng này sẽ thu được nhiều hơn từ việc bán thuốc giả.
Nhưng giả khoa học và thuốc giả là những kẻ thù khó đánh, những kẻ bán hàng tháo vát có thể đơn giản là trả cho hàng trăm trong số hàng ngàn “chuyên gia” khoa học Nga để họ cam đoan về chất lượng của những loại thảo dược đáng ngờ là xong. Dưới thời Xô-viết, lúc đó chỉ có các cơ quan khoa học chính thống, chuyện này chưa bao giờ trở thành vấn đề. Nhưng cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, những viện hàn lâm khoa học “xã hội” đầu tiên đã xuất hiện. Đã có trên 200 viện hàn lâm như thế, làm gia tăng đáng kể các nguồn “có thẩm quyền” có thể bảo đảm cho các loại thuốc hoặc các khóa chữa bệnh. “Bây giờ bạn có thể mua tên của ‘viện sĩ’,” Kruglyakov nói. Từ đó đến nay pháp luật đã thay đổi, làm cho các thiết chế nhất định chỉ được công nhận một phần, nhưng người Nga bình thường không biết những khác biệt như thế, có nghĩa là họ vẫn dễ bị quảng cáo vô đạo đức tấn công.
Năm 2003, Viện Hàn lâm Khoa học Nga gặp Viện Hàn lâm Y khoa để bàn về ảnh hưởng đáng báo động của giả khoa học ở Nga. Kết quả là người ta đã đưa ra dự thảo bộ luật để trình Quốc hội nhằm giải quyết tận gốc rễ của vấn đề – nạn quảng cáo. Nhưng khi luật được thông qua thì hình phạt đối với quảng cáo gian lận chỉ là phạt tiền – chỉ mạnh hơn đập vào cổ tay những kẻ đã kiếm được những món lợi nhuận lớn. Kruglyakov nói rằng đáng lẽ những kẻ phạm tội phải đối mặt với nguy cơ bị những án tù dài hạn.
Nhưng vấn đề là trò chơi mà các ông đồng, bà cốt và lang băm tự xưng lại nằm trong các phương tiện truyền thông đại chúng. “Rất nhiều người cả tin. Tin vào sách báo, tin vào những thứ được nói trên truyền hình. Những người có học biết rằng tất cả chỉ là dối trá – mọi người đang bị lừa một cách có hệ thống. Những người này tin tưởng và mua bất cứ thứ gì người ta bảo họ. Và không phải ai cũng hiểu rằng có những kẻ lừa đảo như thế. Tôi đã nói chuyện với những người làm việc trong truyền hình và họ nói rằng cần phải làm tất cả những thứ có thể giúp làm tăng vị trí trong bảng xếp hạng của họ. Và cái gì làm tăng vị trí trong bảng xếp hạng? Tất cả những điều ngu xuẩn và giật gân,” Kruglyakov nói.
Chắt lọc sự thật
Sự xâm nhập theo kiểu Rasputin vào những tầng lớp cao cấp của chính quyền vẫn là vấn đề ngay cả ở nước Nga thời hậu Xô-viết. “Trong điện Kremlin có cả một nhóm – tôi chưa dám gọi họ là lang băm – những kẻ thần bí, các chiêm tinh gia. Đấy là những người lỗi lạc – những viên tướng. Những năm 1990 cũng tương tự như thời Rasputin,” Kruglyakov nói. Một số các cuộc hẹn của Boris Yeltsin làm cho người ta nghĩ rằng ông đã tìm kiếm lời khuyên từ những con người kì quặc. Ví dụ, Yeltsin chỉ định tướng Georgi Rogozin, một sĩ quan cũ của KGB và là một nhà chiêm tinh, làm phó giám đốc Cục An ninh của Tổng thống. Rogozin chỉ huy một nhóm các chiêm tinh gia gồm 12 người chuyên dựa vào kinh nghiệm của của họ nhằm tư vấn Tổng thống.
Thậm chí hiện nay cũng có những mối liên hệ rõ ràng giữa các khoa học gia giả hiệu và chính quyền. Tháng ba vừa qua, Chủ tịch Hạ viện, ông Boris Gryzlov, lao vào bảo vệ nhà phát minh Nga, Viktor Petrik, người tuyên bố đã làm được bộ lọc, lọc nước bị ô nhiễm phóng xạ thành nước uống được. Petrik đã dán logo của đảng cầm quyền, Đảng Nước Nga Thống nhất, lên những phát minh của mình nhằm tăng uy tín cho chúng, nhưng ở chỗ khác, những chiếc máy đã bị các nhà khoa học đáng kính đả kích kịch liệt là giả khoa học.
Tháng trước Kashpirovsky đã tung ra chương trình quay trở lại Nga và bắt đầu với lịch trình dày đặc những buổi chữa bệnh bằng tâm linh. Và linh hồn của ông Thày Tu Điên lại một lần nữa được tự do khi Grabovoi được ra khỏi nhà tù. Sự ngóc đầu dậy của giả khoa học còn xa mới là vấn đề của riêng nước Nga. Nhưng những thứ được bắt đầu như là dầu cù là xoa cho những tâm hồn không yên trong những năm 1990 hỗn loạn cũng có thể làm cho danh tiếng về thiên tài khoa học của Nga phải đầu hàng, đấy là nói nếu nó tiếp tục không bị ngăn chặn.
Nguồn: Tom Balmforth, “Pseudoscientific Genius“, Russia Profile 07-7-2010
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Nguyên Trường & pro&contra
Categories: Nga
Tags: Grigori Grabovoi, Grigori Perelman, Grigory Rasputin, Kashpirovsky