Vĩ nhân cuối cùng
Th12 12, 2013
J. M. Coetzee
Phạm Thị Hoài dịch
Nelson Mandela đã mất, sau một cuộc đời dài. Một cuộc đời dài, nhưng bị cắt khốn khổ. Hai mươi bảy năm sung sức nhất của đời mình, ông phải sống trong tù vì sự độc đoán của chính quyền. Nhưng ở trong lao ông không bất lực. Những năm cuối án tù dài dằng dặc ấy, thực tế ông đã sử dụng quyền phủ quyết về chính sách ngoại giao của đất nước và khiến cai tù ngày càng ngả theo ông. Cùng với F.W. de Klerk, một người kém vóc dáng đạo đức hơn nhiều nhưng cũng đóng góp cho công cuộc giải phóng Nam Phi theo cách của mình, Mandela đã giữ vững một đất nước sục sôi biến động trong những năm nguy nan 1990-1994 và dùng sức quyến rũ lớn của bản thân để vừa thuyết phục những người da trắng rằng họ cũng có chỗ trong nền cộng hòa dân chủ mới, vừa tước quyền lực của phe da trắng cánh hữu li khai.
Khi chính mình trở thành tổng thống, ông đã già. Việc ông không thể quan tâm mạnh mẽ hơn đến vấn đề cấp thiết nhất của thời đại – thiết lập một thể chế kinh tế công bằng – là dễ hiểu, song cũng là bất hạnh. Ông cũng bị lóa mắt trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới như toàn bộ giới lãnh đạo Đảng ANC. Để chống lại cái chủ nghĩa duy lí kinh tế cướp bóc, Đảng của ông không đủ khả năng kháng cự về tư tưởng.
Mandela bênh vực đấu tranh vũ trang chống chế độ apartheid về nguyên tắc, và hứng chịu sự trừng phạt nặng nề cho thái độ ấy. Uy tín cá nhân và uy tín chính trị của ông dựa trên những điểm này. Những điểm tựa khác của ông là một phong thái quý tộc đượm chút dân dã mà lịch duyệt, và nếp giáo dục xưa, khiến ông tuân theo những mẫu mực nghiêm ngặt của thời Victorian về tư cách cá nhân và tinh thần phụng sự lợi ích chung. Với một sự rộng lượng vô bờ bến, ông đã thu xếp được cuộc chung sống với một người phụ nữ càng ngày càng tác quái[1]. Ông là một vĩ nhân và cả thế giới đều thừa nhận điều đó khi ông qua đời. Rất có thể ông là vĩ nhân cuối cùng, bởi ý tưởng về độ lớn của tầm vóc tan vào bóng tối của lịch sử.
Nguồn: FAZ, 08-12-2013
Bản tiếng Việt © 2013 pro&contra
Ảnh: Tượng đài Nelson Mandela của nghệ sĩ Marco Cianfanelli tại Nam Phi
[1] Bà Winnie Madikizela, người vợ thứ hai, có với Nelson Mandela hai người con. Sau 38 năm hôn nhân, họ li dị năm 1996.
Categories: Thế giới
Tags: J. M. Coetzee, Nelson Mandela