Tác giả

Chuyên mục

Trang

Linh tinh về quí tộc

Th12 9, 2013

Trần Ngọc Cư

Lớn lên ở Huế, tôi thường nghe người ta nói ông nọ, ông kia là người hoàng phái, nghĩa là thuộc dòng dõi với các vị vua triều Nguyễn – những người mà dân chúng gọi là “các mệ” hoặc “các mụ” cho dù họ là đàn ông rõ ràng. Chẳng hạn, “Mệ Vững” là tục danh của vua Bảo Đại. Và vì vào cái thời “vang bóng” đó, màu vàng được coi là màu biểu tượng của nhà vua, nên tôi xin gọi những người hoàng phái này là thành viên của giới quí tộc vàng.

Công bằng mà nói, trong bối cảnh vua quan nhà Nguyễn chỉ là bù nhìn của thực dân Pháp, với trợ cấp tài chính từ mẫu quốc có giới hạn, giới quí tộc vàng cũng chia sẻ sự khó nghèo của đông đảo phần còn lại trong xã hội, nên ít ai thực tình đâm lòng oán ghét họ – đây là điều khác với giới quí tộc Pháp trước Cách mạng 1789. Thậm chí họ có thể trở thành những đề tài dí dỏm để mua vui cho đại chúng qua các truyện kể dân gian. Chẳng hạn, có một “mệ” nghiện cau trầu nhưng nghèo khó đến nỗi không có tiền mua, nên bèn lén vào vườn của giới bình dân để trộm cau. Khi bị người nhà hô hoán, từ trên thân cây lắt lẻo mệ lớn giọng đe nẹt: “Tụi bây để từ từ cho mệ xuống nghe chưa, kẻo mệ bị bổ [bị té], thì tụi bây bị chém đầu nghe chưa.” Một mệ khác vào nhà dân lân la trò chuyện, khi ra về tiện tay giấu một cái tách trà vào áo thụng. Bị chủ nhà bắt được, thoạt đầu mệ chối phăng. Nhưng khi người nhà lấy tay đè lên tách trà đang được giấu trên bụng, mệ chỉ còn cách nói cười chả lả: “Hèn chi ta thấy hắn [nó] cồm cộm”.

Giới quí tộc vàng này không có gì ghê gớm như phía cộng sản thường mô tả là “bọn phong kiến phản động”. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, nhà quí tộc vàng số một của Việt Nam, vua Bảo Đại, nhanh chóng tuyên bố “Tôi thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ” và được chỉ định làm cố vấn cho ông Hồ Chí Minh.

Vì môn lịch sử cũng nhắm vào mục đích tuyên truyền đấu tranhh giai cấp, nhiều “sử gia” Miền Bắc trong thời gian đất nước còn chia cắt, hùa theo luận điệu chính thống do Nhà nước chỉ đạo, đã gọi một số vua nhà triều Nguyễn bằng đại danh từ “hắn,” một cách miệt thị nặng nề, bất chấp thái độ khách quan và phương pháp sử học tối thiểu. Như trong Lịch sử 80 năm chống Pháp, Trần Huy Liệu đã viết một câu còn dính mãi trong đầu tôi: “Tự Đức xây Khiêm Lăng, nơi yên nghỉ nghìn năm của hắn”.

Và sau chiến thắng 1975, chính quyền cộng sản nhanh chóng đổi tên các cơ sở mang tên vua chúa nhà Nguyễn. Ví dụ điển hình là Trường Trung học Nguyễn Hoàng, cơ sở giáo dục lớn nhất Quảng Trị dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhanh chóng bị đổi tên giản dị là Trường Trung học Thị xã Quảng Trị. Một bộ phận của con dân Quảng Trị từng là giáo viên và học sinh của trường này qua mấy thập niên nay ra sức vận động để xin chính quyền phục hồi tên cũ, tức trường Nguyễn Hoàng, nhưng nguyện vọng của họ chỉ rơi vào tai người điếc hay của những người không hề biết đến lịch sử nước nhà là gì.

Xin nói qua giới quí tộc đương đại. Ngày nay tại các nước “xã hội chủ nghĩa anh em” như Bắc Triều Tiên, Cuba, Việt Nam và Trung Quốc, một giới quí tộc mới vừa xuất hiện trong vài thập niên gần đây có tính cha truyền con nối trong việc nắm giữ quyền lực và của cải, thậm chí có mặt từ cấp huyện trở lên. Ví dụ, nếu cha làm bí thư huyện ủy thì khả năng rất lớn là ít ra con cái cũng có thể nắm giữ một chức sắc nào đó trong huyện, thực hiện cho bằng được khẩu hiệu, “hi sinh đời bố củng cố đời con”. Việc truyền ngôi ở Bắc Tiều Tiên cho đến nay đã kéo dài được ba thế hệ, từ Kim Nhật Thành, đến Kim Chính Nhật, và nay là Kim Chính Ân. Quyền lực cao nhất tại Cuba được truyền từ đời anh sang đời em, từ Fidel đến Raúl Castro. Trong khi đó, Trung Quốc và Việt Nam đang chứng kiến sự lớn mạnh của của một thế hệ lãnh đạo mới mà báo chí phương Tây thường gọi là “thái tử đảng” (princelings) đang dần dần nắm giữ các chức vụ cao nhất trong bộ máy quyền lực chính trị, quân sự và kinh tế. Báo chí [lề trái hẳn nhiên] trong và ngoài nước thường gọi “giai cấp mới” này là quí tộc đỏ[1].

Gần đây, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, người tù nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ còn đẩy khái niệm “quí tộc” thêm một nấc – “quí tộc quân sự” – khi ông ca ngợi những phẩm chất của vị tướng thất sủng, và không quên nhấn mạnh sự nghiêm chỉnh biểu hiện trong bộ lễ phục luôn luôn thẳng nếp của tướng Giáp: “Ở Việt Nam không thiếu những vị tướng đánh trận giỏi, họ cũng thân tình, hòa nhã, bình dân với mọi người nhưng cuộc sống xuề xòa đôi lúc không còn nhận ra đâu là ông tướng mà là một ông nông dân hay người bình thường nào đó. Điều ấy cũng tốt để tạo ra quan hệ đầm ấm giữa tướng lĩnh và chiến sĩ, giữa những người có trọng trách trong xã hội và người dân thường; thế nhưng đại tướng lúc nào cũng uy nghi, tôi cho rằng đó là một ‘quí tộc quân sự’.[2]

Lý do điểm qua một vài khái niệm như trên là vì tôi muốn dạo đầu cho ý niệm về quí tộc sau đây, một định nghĩa mà tôi cho là vừa sáng tạo vừa hiện đại, do nhà văn E.M. Forster đề xuất[3]:

Tuy thế, tôi vẫn tin tưởng vào giới quí tộc – nếu đây là một từ chính xác, và nếu một nhà dân chủ cũng có thể áp dụng từ này. Không phải là giới quí tộc có quyền lực, dựa vào phẩm hàm và thanh thế, mà là một giới quí tộc gồm những tâm hồn mẫn cảm, những người biết nghĩ đến người khác, và những kẻ can trường khi gặp khó khăn. Thành viên của giới quí tộc này phải được tìm thấy trong mọi quốc gia và mọi giai cấp, và xuyên suốt mọi thời đại, và giữa họ có một sự cảm thông bí mật khi họ gặp nhau. Họ tiêu biểu cho truyền thống đích thực của nhân loại, đó là cái giống kỳ quặc của chúng ta luôn luôn thắng được sự độc ác và hỗn loạn. Hàng ngàn người quí tộc thuộc loại này chết âm thầm trong bóng tối, trong khi chỉ một vài người có tên tuổi vẻ vang. Họ mẫn cảm đối với người khác cũng như đối với bản thân, họ nghĩ đến người khác nhưng không ồn ào, sự can trường của họ không phải là tính kiêu căng tự đắc, mà là khả năng chịu đựng nghịch cảnh. Và dù bị chế nhạo, họ vẫn hóm hỉnh vui cười.

Hi vọng mọi giới quí tộc hiện đại, dù vàng, dù đỏ, dù ka-ki, đều chấp nhận khái niệm trên như phẩm chất cốt lõi của mình.

© 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra



[3] E. M. Forster, What I Believe (1938), in trong tập tiểu luận Two Cheers for Democracy (1951)