Tác giả

Chuyên mục

Trang

Chuyện hai chế độ chính trị

Th10 22, 2013

Eric X. Li (Lý Thế Mặc)

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

pro&contra – Tháng Sáu vừa rồi tại Edinburgh, Scotland, trong chương trình diễn thuyết nổi tiếng TED Talk, một nhà đầu tư vốn mạo hiểm thành đạt của Trung Quốc là ông Eric X. Li (Lý Thế Mặc), người sáng lập hãng Chengwei Capital ở Thượng Hải, đã trình bày trước một cử tọa quốc tế chọn lọc quan điểm tán dương mô hình chuyên chế Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ông Eric X. Li từng học tại các trường đại học Berkeley và Stanford. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Quản trị của Học viện Kinh tế China Europe International Business School (CEIBS) tại  Thượng Hải và Ghana. Trong vòng vài năm gần đây, nhất là sau bài viết trên mục op-ed của tờ New York Times với nhan đề “Vì sao mô hình chính trị Trung Quốc lại ưu việt?” tháng 2-2012, ông được coi là nhà hùng biện hàng đầu của Trung Hoa Đỏ. Cùng với bản dịch bài thuyết trình của Eric X. Li, chúng tôi sẽ giới thiệu bài của giáo sư Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh) phản bác các quan điểm của Li.

________________

Xin chào quý vị. Tôi tên là Eric Li, và tôi sinh ra ở đây.

À mà không, tôi không sinh ra ở đó. Đây là nơi tôi sinh ra: Thượng Hải, vào lúc cao trào của Cách mạng Văn hóa. Tôi nghe bà kể là bà nghe tiếng súng nổ cùng với những tiếng khóc lọt lòng của tôi.

Khi lớn lên, tôi được nghe một câu chuyện giải thích toàn bộ những gì tôi cần biết về nhân loại. Chuyện thế này. Tất cả các xã hội loài người phát triển theo trình tự tuyến tính, bắt đầu là xã hội nguyên thủy, rồi xã hội nô lệ, chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, và cuối cùng, quý vị thử đoán xem cuối cùng chúng ta ở đâu? Chủ nghĩa cộng sản. Sớm hay muộn gì thì toàn thể nhân loại – bất luận văn hóa, ngôn ngữ, và quốc tịch gì – cũng sẽ tiến đến giai đoạn cuối cùng này của sự phát triển chính trị và xã hội. Các dân tộc trên toàn thế giới sẽ thống nhất trên thiên đường hạ giới này và mãi mãi tận hưởng đời sống hạnh phúc. Nhưng trước khi đến đó, chúng ta tham gia vào một cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, cái thiện của chủ nghĩa xã hội chống lại cái ác của chủ nghĩa tư bản, và cái thiện ắt sẽ thắng.

Tất nhiên đó là đại luận thuyết chắt lọc từ các thuyết của Karl Marx. Và người Trung Quốc tin lấy tin để. Chúng tôi được dạy bài học lớn này mỗi ngày. Nó trở thành một phần của chúng tôi, và chúng tôi tin nó. Truyện này bán chạy như tôm tươi. Khoảng một phần ba dân số toàn thế giới sống trong tầm ảnh hưởng của đại luận thuyết này.

Rồi đùng một cái, sự đời đổi thay. Phần tôi, vì vỡ mộng trước cái tín ngưỡng thất bại của thời trai trẻ, tôi sang Mỹ và thành một anh chàng hippie [ở Đại học UC] Berkeley.

(Thính giả cười)

Giờ đây, khi tôi đã trưởng thành, lại xảy ra chuyện khác. Cứ như thể một đại luận thuyết là chưa đủ, tôi được nghe một luận thuyết khác. Cái này cũng to tát không kém. Đại luận thuyết này cũng cho rằng tất cả các xã hội loài người phát triển theo trình tự tuyến tính hướng đến một đích duy nhất. Đại luận thuyết này như sau: Tất cả mọi xã hội – bất kể văn hóa gì, bất luận là Ki tô giáo, Hồi giáo, hay Khổng giáo – phải tiến triển từ các xã hội truyền thống trong đó nhóm là đơn vị cơ bản đến các xã hội hiện đại trong đó các cá nhân riêng biệt là các chủ thể tự chủ, và tất cả các cá nhân này vốn dĩ duy lý, và họ đều muốn cùng một thứ: lá phiếu bầu cử. Vì họ đều duy lý, một khi được quyền đi bầu, họ sẽ tạo ra chế độ cai trị tốt đẹp và mãi mãi tận hưởng đời sống hạnh phúc. Lại là thiên đường hạ giới. Sớm muộn gì thì nền dân chủ bầu cử cũng sẽ là hệ thống chính trị duy nhất cho tất cả mọi quốc gia và mọi dân tộc, với một thị trường tự do giúp tất cả mọi người đều giàu có. Nhưng trước khi đạt đến đó, chúng ta tham gia vào một cuộc đấu tranh giữa thiện và ác. (Thính giả cười) Cái thiện thuộc về những nơi có nền dân chủ và có sứ mệnh truyền bá dân chủ khắp địa cầu, đôi khi bằng vũ lực, chống lại cái ác của những nơi không tổ chức bầu cử.

(Thính giả cười, vỗ tay)

Truyện này cũng bán chạy như tôm tươi. Theo tổ chức Freedom House, số chế độ dân chủ đã tăng từ 45 vào năm 1970 lên đến 115 vào năm 2010. Trong 20 năm qua, giới chóp bu quyền lực phương Tây bền bỉ đi khắp thế gian rao bán tập cáo bạch này: Nhiều đảng phái đấu tranh giành quyền lực chính trị và mọi người bỏ phiếu bầu chọn là con đường cứu rỗi duy nhất cho các nước đang phát triển vốn lâu nay lầm than. Những ai tin vào tập cáo bạch này chắc chắn sẽ thành công. Những ai không tin nhất định sẽ thất bại. Nhưng lần này, người Trung Quốc không tin.

Chỉ lừa tôi một lần thôi nhé …

(Thính giả cười)

Sự thể ra sao hẳn quý vị đã rõ. Trong chỉ 30 năm, từ một trong những nước nông nghiệp nghèo nhất thế giới, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Sáu trăm năm mươi triệu người thoát cảnh đói nghèo. Tám mươi phần trăm thành quả xóa đói giảm nghèo của toàn thế giới trong thời kỳ đó diễn ra ở Trung Quốc. Nói cách khác, tất cả các nền dân chủ mới lẫn cũ cộng lại cũng chỉ bằng một phần nhỏ thành tựu mà một nhà nước độc đảng đạt được mà không cần bầu cử.

Đây, tôi lớn lên bằng những thứ này: tem phiếu thực phẩm. Có lúc mỗi người được chia khẩu phần vài trăm gam thịt mỗi tháng. Khỏi cần phải nói, tôi ăn hết cả khẩu phần của bà tôi.

Vì thế tôi tự hỏi bức tranh tổng thể này có gì không ổn? Nay tôi ở ngay tại nơi mình ra đời, kinh doanh phát đạt không ngừng. Ngày nào cũng có doanh nhân mở công ty mới. Tầng lớp trung lưu đang tăng lên với tốc độ và quy mô chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thế nhưng, theo đại luận thuyết này, những thành quả này làm gì có cơ hội xảy ra. Vì vậy tôi làm việc duy nhất mình có thể làm. Tôi nghiên cứu nó. Phải, Trung Quốc là một nhà nước độc đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền, và họ không tổ chức bầu cử. Các học thuyết chính trị chủ yếu của thời đại chúng ta đưa ra ba giả định. Một hệ thống như vậy có tính cứng nhắc về mặt vận hành, khép kín về mặt chính trị, và không chính danh về mặt đạo đức. Chà, các giả định này đều sai. Ngược lại mới đúng. Khả năng thích ứng, chế độ “chiêu hiền đãi sĩ” trọng nhân tài, và tính chính danh là ba tính chất đặc trưng của hệ thống độc đảng của Trung Quốc.

Giờ đây, phần lớn giới chính trị học cho rằng hệ thống độc đảng vốn dĩ không có năng tự sửa sai. Hệ thống đó không trường tồn vì không thể thích ứng. Quý vị thử xem thực tế thế nào nhé. Trong 64 năm điều hành quốc gia lớn nhất thế giới, các chính sách của Đảng đã có phạm vi rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại, từ tập thể hóa đất đai triệt để đến chủ trương Đại Nhảy vọt, rồi tư hữu hóa đất nông trại, rồi Cách mạng Văn hóa, rồi cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình, rồi đến người kế nhiệm Giang Trạch Dân thực hiện một bước tiến chính trị lớn là mở cửa cho phép giới kinh doanh tư nhân vào Đảng, điều không tưởng trong thời kỳ Mao cầm quyền.

Như vậy, Đảng tự sửa sai theo cách khá đáng kể. Về thể chế, luật lệ mới được ban hành để chỉnh sửa những sai lệch trước đây. Ví dụ, giới hạn về nhiệm kỳ công tác. Các lãnh tụ chính trị trước đây thường giữ chức vụ trọn đời, và họ lợi dụng điều đó để tích lũy quyền lực và kéo dài mãi mãi quyền cai trị của mình. Mao Trạch Đông là cha đẻ của Trung Quốc hiện đại, nhưng thời gian cai trị kéo dài của ông đã dẫn đến những sai lầm tai hại. Vì vậy Đảng đã áp dụng giới hạn về nhiệm kỳ công tác với tuổi bắt buộc về hưu từ 68 đến 70.

Một điều ta thường nghe là, “Cải cách chính trị chậm trễ hơn nhiều so với cải cách kinh tế”, và “Cải cách chính trị là nhu cầu cấp bách của Trung Quốc.” Nhưng nhận xét này là một cái bẫy tuyên truyền ẩn giấu đằng sau một thành kiến chính trị. Một số người chỉ dựa trên suy diễn mà quyết định họ muốn thấy có những kiểu thay đổi gì, và chỉ những thay đổi như vậy mới có thể gọi là cải cách chính trị. Sự thật là các cải cách chính trị chưa bao giờ ngừng lại. So với 30 năm trước, 20 năm, hay thậm chí 10 năm trước, mỗi khía cạnh của xã hội Trung Quốc, cách cai trị đất nước, từ cấp địa phương thấp nhất đến trung tâm quyền lực cao nhất, hiện nay đều đổi mới đến mức không còn nhận ra nữa. Những thay đổi như vậy không thể nào diễn ra nếu không có các cải cách chính trị theo kiểu căn bản nhất. Tôi dám nhận định rằng Đảng là chuyên gia hàng đầu thế giới về cải cách chính trị.

Giả định thứ nhì là trong một nhà nước độc đảng, quyền lực tập trung trong tay của một thiểu số, và thế là sẽ xảy ra tình trạng quản lý kém và tham nhũng. Tham nhũng đúng là đại nạn, nhưng trước hết ta thử nhìn bối cảnh tổng thể. Điều tôi sắp nói có thể nghe có vẻ ngược đời. Đảng hóa ra là một trong những thể chế chính trị trọng dụng tài năng nhất trên thế giới hiện nay. Cơ quan cầm quyền cao nhất của Trung Quốc, Bộ Chính trị, có 25 ủy viên. Trong Bộ Chính trị gần đây nhất, chỉ có 5 ủy viên có xuất thân quyền quý, nhóm được gọi là Thái tử Đảng. Hai mươi ủy viên còn lại, trong đó có Chủ tịch và Thủ tướng, có xuất thân rất bình dân. Trong cơ quan lớn hơn, Trung ương Đảng với hơn 300 ủy viên, tỉ lệ ủy viên sinh ra trong gia đình quyền quý và giàu có thậm chí còn thấp hơn. Đại đa số cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc công tác và phấn đấu để vươn lên cấp cao nhất. Nếu đem so thực tế đó với các giới chóp bu cầm quyền ở cả các nước đã phát triển lẫn các nước đang phát triển, tôi nghĩ quý vị sẽ thấy Đảng xếp gần vị trí hàng đầu về “tính cơ động hướng lên” (upward mobility).[i]

Thế thì câu hỏi đặt ra là làm sao điều đó có thể xảy ra trong một hệ thống do một đảng duy nhất điều hành? Xin giới thiệu với quý vị một thể chế chính trị đầy uy quyền, nhưng ít người phương Tây biết đến: Ban Tổ chức của Đảng. Ban Tổ chức hoạt động như một cỗ máy nhân sự khổng lồ mà đến cả một số công ty thành công nhất cũng phải ghen tị. Ban này vận hành một kim tự tháp luân chuyển với ba thành tố: cơ quan chức năng của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, và các đơn vị sự nghiệp như trường đại học hay chương trình cộng đồng. Ba thành tố này tạo nên những con đường sự nghiệp riêng biệt nhưng cũng hợp nhất với nhau cho các cán bộ Trung Quốc. Các sinh viên tốt nghiệp đại học được tuyển vào các vị trí khởi đầu trong cả ba con đường này, và họ bắt đầu từ cấp thấp nhất, gọi là “keyuan” [科员; nhân viên]. Sau đó, họ có thể được đề bạt lên bốn cấp bậc cao hơn theo thứ tự tăng dần: fuke [副科, phó phòng], ke [科, trưởng phòng], fuchu [副处, phó ban], và chu [处, trưởng ban].

Mấy từ này không phải là những thế võ trong phim Karate Kid đâu nhé. Đây là chuyện nghiêm chỉnh. Các chức vụ này có phạm vi rất rộng, từ quản lý y tế ở thôn đến đầu tư nước ngoài ở một quận thành thị hay giám đốc trong một công ty. Mỗi năm một lần, Ban Tổ chức Đảng xét duyệt thành tích của họ. Ban Tổ chức phỏng vấn cấp trên, cán bộ đồng cấp, và cấp dưới của họ. Ban Tổ chức đánh giá tư cách cá nhân của họ. Ban Tổ chức tiến hành thăm dò dư luận. Rồi Ban Tổ chức thăng chức những người có thành tích tốt nhất. Trong suốt sự nghiệp của mình, các cán bộ này có thể luân chuyển qua cả ba con đường này. Dần dà, những người tài đức sẽ vượt qua bốn cấp bậc nền tảng này để vươn lên cấp cán bộ fuju [副局, phó cục] và ju [正局, trưởng cục]. Ở đó, họ gia nhập hàng ngũ cán bộ cao cấp. Lúc đó, nhiệm vụ công tác tiêu biểu sẽ là quản lý một quận/huyện với hàng triệu nhân khẩu hay một xí nghiệp quốc doanh có doanh thu hàng trăm triệu Mỹ kim. Để quý vị thấy hệ thống này có tính cạnh tranh ra sao, xin nêu vài con số: năm 2012, có 900.000 cán bộ cấp phó và trưởng phòng, 600.000 cán bộ cấp phó và trưởng ban, và chỉ có 40.000 cán bộ cấp phó và trưởng cục.

Sau cấp trưởng cục, một số ít những người tài giỏi nhất sẽ thăng tiến lên nhiều cấp cao hơn, và cuối cùng là vào Trung ương Đảng. Quá trình này mất đến hai đến ba chục năm. Có chuyện nhất thân nhì thế không? Đương nhiên rồi. Nhưng tài đức vẫn là nhân tố chủ yếu để quyết định đề bạt. Về căn bản, Ban Tổ chức áp dụng một phiên bản hiện đại hóa kế thừa từ hệ thống bồi dưỡng nhân tài đã có từ mấy trăm năm của Trung Quốc. Chủ tịch mới nhậm chức của Trung Quốc, Tập Cận Bình, là con của một cựu lãnh tụ;[ii] đây là điều bất thường, và ông là người đầu tiên thuộc loại này vươn lên đến vị trí cao nhất. Ngay cả với ông, con đường sự nghiệp cũng mất 30 năm. Ông bắt đầu với chức trưởng thôn, và đến lúc vào Bộ Chính trị, ông đã quản lý những vùng có tổng dân số 150 triệu người và các mức GDP tổng cộng 1,5 ngàn tỉ Mỹ kim.

Xin đừng hiểu lầm tôi nhé. Tôi nói thế này không phải để chê bai ai cả. Chỉ nói lên thực tế thôi nhé. Còn nhớ George W. Bush chứ? Cái này không phải chê bai. (Thính giả cười) Trước khi thành Thống đốc tiểu bang Texas, hay Barack Obama trước khi tranh cử Tổng thống, chắc không làm nổi một chức cán bộ quản lý quận cấp thấp trong hệ thống của Trung Quốc. Winston Churchill từng nói dân chủ là một chế độ tệ hại ngoại trừ tất cả các chế độ còn lại.[iii] À, có lẽ ông chưa nghe đến Ban Tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Người phương Tây luôn giả định rằng bầu cử đa đảng với phổ thông đầu phiếu là cách duy nhất để có được tính chính danh chính trị.

Tôi từng được hỏi, “Đảng không được bỏ phiếu bầu chọn. Thế thì lấy đâu ra tính chính danh?”

Tôi đáp, “Bằng năng lực có được không?”

Sự thật thế nào thì chúng ta đều biết. Năm 1949, khi Đảng lên cầm quyền, Trung Quốc đang sa lầy trong những cuộc nội chiến, đất nước bị ngoại xâm chia cắt, còn tuổi thọ trung bình lúc đó chỉ là 41. Ngày nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, một cường quốc công nghiệp, và nhân dân có đời sống ngày càng thịnh vượng hơn.

Hãng nghiên cứu Pew Research thăm dò dư luận Trung Quốc, và đây là số liệu của những năm gần đây. Hài lòng với đường hướng của đất nước: 85 phần trăm. Số người nghĩ rằng họ khá giả hơn 5 năm trước: 70 phần trăm. Số người kỳ vọng tương lai sẽ tốt hơn: cao đến 82 phần trăm. Báo Financial Times thăm dò dư luận của giới trẻ toàn cầu, và đây là những số liệu mới toanh vừa công bố tuần trước. Chín mươi ba phần trăm Thế hệ Y của Trung Quốc lạc quan về tương lai của đất nước mình. Đấy, nếu đây không phải là tính chính danh, tôi chẳng biết nó là gì nữa.

Ngược lại, hầu hết các nền dân chủ có bầu cử trên khắp thế giới đang có thành tích vô cùng tệ hại. Với thính giả ở đây, tôi không cần phân tích tỉ mỉ về hiện trạng rệu rã, từ Washington đến thủ đô các nước Châu Âu. Chỉ trừ vài ngoại lệ, rất nhiều nước đang phát triển đã áp dụng chế độ bầu cử nay vẫn đang chịu cảnh nghèo đói và nội chiến. Các chính phủ được bầu lên, rồi chỉ vài tháng sau mức tín nhiệm chính phủ rơi xuống dưới 50 phần trăm và nằm ở đó và thậm chí còn tệ hơn cho đến kỳ bầu cử kế tiếp. Dân chủ đang trở thành vòng tuần hoàn vĩnh cửu của việc bầu cử rồi hối tiếc. Cứ kiểu này, tôi e rằng chính chế độ dân chủ, chứ không phải chế độ độc đảng của Trung Quốc, mới có nguy cơ đánh mất tính chính danh.

Tôi không muốn tạo ra cảm nhận sai là tình hình Trung Quốc ổn cả, là Trung Quốc đang ung dung trên đường vươn lên thành siêu cường quốc. Đất nước này đương đầu với nhiều thách thức lớn. Song hành với sự thay đổi quyết liệt như thế này là những vấn đề xã hội và kinh tế quá sức chịu đựng. Ví như chuyện ô nhiễm. Hay an toàn thực phẩm. Hay các vấn đề dân số. Trên mặt trận chính trị, vấn đề trầm trọng nhất là tham nhũng. Tham nhũng lan tràn, phá hoại chế độ và tính chính danh đạo đức của chế độ. Nhưng phần lớn giới phân tích chẩn bệnh sai. Họ cho rằng tham nhũng là kết quả của chế độ độc đảng, do đó, để chữa dứt căn bệnh này, ta phải dẹp bỏ toàn bộ chế độ.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì ta sẽ thấy khác. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) trong những năm gần đây xếp Trung Quốc hạng từ 70 đến 80 trong số 170 quốc gia, và thứ hạng này của Trung Quốc đang tăng lên. Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới, xếp hạng 94 và đang giảm dần. Đối với khoảng trăm quốc gia có thứ hạng thấp hơn Trung Quốc, hơn một nửa là các nền dân chủ có bầu cử. Vậy nếu bầu cử là liều thuốc tiên chữa lành căn bệnh tham nhũng, cớ sao những quốc gia này không giải quyết được?

Tôi là một nhà đầu tư vốn mạo hiểm. Tôi đánh cược. Nếu tôi kết thúc bài nói chuyện này mà không liều mình đưa ra vài tiên đoán, thì chẳng phải đạo chút nào. Tôi thì tôi tiên đoán thế này. Trong 10 năm sắp đến, Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người sẽ nằm ở tốp đứng đầu tất cả các nước đang phát triển. Tham nhũng sẽ bị kiềm chế, nhưng không loại bỏ hẳn, và Trung Quốc sẽ tăng 10 đến 20 hạng lên cao hơn thứ hạng 60 trong bảng xếp hạng của Minh bạch Quốc tế. Cải cách kinh tế sẽ tăng tốc, cải cách chính trị sẽ tiếp tục, và chế độ độc đảng sẽ vẫn đứng vững.

Chúng ta đang sống trong buổi hoàng hôn của một kỷ nguyên. Các đại luận thuyết với những luận điệu phổ quát đã phụ lòng chúng ta trong thế kỷ 20 và đang phụ lòng chúng ta trong thế kỷ 21. Đại luận thuyết là căn bệnh ung thư đang giết chết dân chủ từ bên trong. Tôi xin nói thế này. Tôi không đến đây để kết án dân chủ. Ngược lại, tôi nghĩ rằng dân chủ đã đóng góp cho sự vươn lên của phương Tây và góp phần tạo nên thế giới hiện đại. Chính cái luận điệu phổ quát mà nhiều giới chóp bu phương Tây đang đưa ra về hệ thống chính trị của họ, chính thái độ ngạo mạn đó là cốt lõi của những căn bệnh hiện nay của phương Tây. Chỉ cần họ bớt đi chút thời gian lo áp đặt tư tưởng của mình lên các nước khác, và dành thêm chút thời gian lo cải cách chính trị trong nước, có thể họ tạo cơ hội tốt hơn cho nền dân chủ của họ. Mô hình chính trị của Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ thay thế được nền dân chủ có bầu cử, vì khác với chế độ dân chủ, mô hình Trung Quốc không giả vờ có giá trị phổ quát. Mô hình này không thể xuất khẩu được. Nhưng đó đích thị là luận điểm tôi muốn bàn. Ý nghĩa của ví dụ Trung Quốc không phải là nó đưa một phương án khác, mà chứng tỏ rằng có nhiều phương án khác nhau. Chúng ta hãy hạ màn khép lại cái kỷ nguyên đầy các đại luận thuyết này. Chủ nghĩa cộng sản và dân chủ có thể đều là các lý tưởng đáng ca ngợi, nhưng kỷ nguyên của thuyết phổ quát giáo điều đã kết thúc. Chúng ta hãy thôi giáo huấn người khác và con cháu chúng ta rằng chỉ có một cách trị quốc và chỉ có một tương lai duy nhất mà tất cả mọi xã hội đều phải tiến đến. Như vậy là sai. Như vậy là vô trách nhiệm. Mà tệ hơn cả, như vậy thì chán quá. Hãy để tính phổ quát tránh ra nhường chỗ cho tính đa nguyên. Có lẽ một thời đại lý thú hơn đang đợi chúng ta. Liệu chúng ta có đủ can đảm để nghênh tiếp nó hay không?

Cảm ơn quý vị.

(Vỗ tay)

Bruno Giussani: Eric, xin anh nán lại với tôi vài phút vì tôi có vài câu muốn hỏi anh. Tôi nghĩ nhiều người ở đây, và nói chung ở các nước phương Tây, đồng ý với phân tích của anh về các chế độ dân chủ đang rệu rã, nhưng đồng thời, nhiều người có phần thấy khó chịu khi nghĩ đến chuyện có một chính quyền không được dân bầu lại quyết định lợi ích quốc dân là gì, mà không có bất cứ hình thức giám sát hay tham mưu nào. Trong mô hình Trung Quốc có cơ chế nào cho phép người dân phát biểu rằng cái lợi ích quốc dân mà nhà nước đã xác định là sai lầm?

Eric Li: Nhà chính trị học Francis Fukuyama gọi chế độ Trung Quốc là “chủ nghĩa độc tài biết phản hồi” (responsive authoritarianism). Không chính xác như vậy, nhưng tôi nghĩ cũng gần đúng. Tôi biết công ty thăm dò dư luận lớn nhất Trung Quốc. Anh có biết ai là khách hàng lớn nhất của họ? Chính phủ Trung Quốc. Không chỉ chính phủ trung ương, chính quyền thành phố, chính quyền tỉnh, mà cả các địa phương cấp thấp nhất. Họ luôn tiến hành các cuộc khảo sát. Quý vị có hài lòng với việc dọn rác? Quý vị có hài lòng với định hướng chung của đất nước? Như vậy ở Trung Quốc có một kiểu cơ chế khác để phản hồi những yêu sách và suy nghĩ của người dân. Ý tôi là, tôi nghĩ chúng ta nên tự gỡ ra để khỏi kẹt trong lối tư duy cho rằng chỉ có một chế độ chính trị duy nhất – bầu cử, bầu cử, bầu cử – có thể bảo đảm khả năng phản hồi của chế độ. Thực tình mà nói tôi chẳng biết bầu cử có còn tạo nên chính phủ có khả năng phản hồi trên thế giới nữa hay không.

(Vỗ tay)

Bruno Giussani: Nhiều người có vẻ đồng ý. Một trong những đặc tính của một chế độ dân chủ là có không gian cho xã hội dân sự diễn đạt ý kiến. Và anh đã trình bày các số liệu về mức độ ủng hộ dành cho chính quyền và nhà chức trách ở Trung Quốc. Nhưng sau đó anh cũng nhắc đến các yếu tố khác, ví dụ như các thách thức lớn, và hẳn nhiên có nhiều số liệu khác đi theo một hướng ngược lại: hàng chục ngàn vụ bạo loạn và biểu tình, và phản kháng về môi trường, vân vân. Vậy có vẻ như anh cho rằng mô hình Trung Quốc không có chỗ bên ngoài Đảng để xã hội dân sự diễn đạt ý kiến.

Eric Li: Có một xã hội dân sự sống động ở Trung Quốc, dù đó là chuyện môi trường hay cái gì gì khác. Nhưng nó khác lắm, anh không nhận ra đâu. Vì theo định nghĩa của phương Tây, cái gọi là xã hội dân sự phải tách biệt hay thậm chí đối lập với chế độ chính trị, nhưng khái niệm này xa lạ với văn hóa Trung Hoa. Hàng ngàn năm qua đã có xã hội dân sự, nhưng chúng nhất quán, gắn bó và là một phần của trật tự chính trị, và tôi nghĩ đó là một khác biệt văn hóa lớn.

Bruno Giussani: Eric, cảm ơn anh đã chia sẻ với TED.

Eric Li: Cảm ơn anh.

Nguồn: Eric X. Li: A tale of two political systems, TEDGlobal 2013

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra


[i] Ý nói cơ hội thăng tiến và có địa vị xã hội cao hơn. Trong khái niệm tính cơ động xã hội, “cơ động hướng lên” hàm ý sự dịch chuyển theo chiều dọc, lên một giai tầng xã hội cao hơn. Ngược lại là “cơ động hướng xuống” (downward mobility). (N.D.)

[ii] Tập Trọng Huân (1913-2002) thuộc lớp lãnh đạo thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (N.D.)

[iii] Trong bài phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 11/11/1947, Winston Churchill nói: “Nhiều hình thức chính quyền đã được thử và sẽ được thử trên thế giới đầy tội lỗi và khổ đau này. Chẳng ai giả vờ nghĩ rằng dân chủ là hoàn hảo và hoàn toàn sáng suốt. Thực vậy, có người đã nói dân chủ là hình thức chính quyền tệ hại nhất ngoại trừ tất cả các hình thức khác thỉnh thoảng đã được dùng thử.” (N.D.)

Categories: Trung Quốc

Tags: ,