Tác giả

Danh mục

Trang

Ổn định nông thôn và dân chủ cơ sở

Th2 11, 2012

pro&contra – Sai lầm cục bộ hay sai lầm hệ thống? Câu hỏi đó luôn đặt ra cho bất kì một hệ thống nào. Tác giả bài viết sau đây – GSTS Nguyễn Mạnh Hùng, Khoa Kinh tế, Đại học Laval, Canada – hướng cái nhìn vào việc thực thi dân chủ ở các cấp chính quyền địa phương, sau sự cố Tiên Lãng.

_______________________

Nguyễn Mạnh Hùng

Làm sao nhích thêm một bước hướng đến mục tiêu ổn định đời sống ở nông thôn chao đảo nhiều nơi từ khá lâu. Mười lăm năm trước, GS Tương Lai giải trình biến động Thái Bình, năm năm sau đó ông đã kể 10 cái nhất của nông dân,  và đầu Xuân Nhâm Thìn, ông nhắc lời cụ Lê Quí Đôn rằng “phi nông bất ổn”. Với vụ cưỡng chế đất ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, được ông Đoàn Văn Vươn  đối phó bằng súng hoa cải, tình trạng bất ổn tiềm ẩn khả năng bạo loạn lan rộng. Theo lời cụ Lê Hiền Đức, “thế thiên hành đạo”, vấn đề nông dân bị cướp đất, ức chế, bạo hành…  trải từ Nam chí Bắc, và nói như ông cha ta, con giun xéo lắm cũng quằn. Xéo chân trên đất, nông dân oằn người, có kẻ đành chống cưỡng chế bằng cách tự thiêu như ông Nguyễn Văn Đương ở xã Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên.

Đọc tin đưa lên cộng đồng mạng như đã dẫn, ta thấy:

Trong vụ Tiên Lãng, chính quyền từ cấp xã trở lên (ít là đến huyện) thông đồng với nhau, làm không đúng luật, và từ 3, 4 năm nay cố tình cưỡng chiếm đất đai, tài sản một cá nhân đã gầy dựng. Chưa thấy khu vực tư pháp lên tiếng mạnh mồm, hẳn trong trường hợp chưa ngã ngũ, im lặng là vàng. Chỉ có Mặt trận Tổ quốc các cấp, tuy dè dặt, nhưng không kín miệng.

Trong vụ Hưng Yên, bất chấp chính quyền cơ sở (cấp xã), các cơ quan điều hành tư pháp (các Tòa án Nhân dân)  từ cấp huyện đến cấp tỉnh đều làm lơ mọi dữ kiện, thực tế, và cứ thế cho phép cưỡng chế, hẳn cũng phải thông qua được sự đồng tình của chính quyền cấp huyện, tỉnh. Tự thiêu để phản kháng là hành động cuối cùng đến từ tuyệt vọng. Và chẳng có cái chết nào lại tích cực, và củng cố chính danh, cho toàn chế độ.

Mới đây, Chính phủ đã ban bố những hành xử đáng cổ vũ trong vụ việc hai anh em ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng. Thời gian tới, Quốc hội sẽ tiến hành những cải cách cần thiết của Luật Đất đai, vốn là đầu dây mối nhợ của những bất ổn ở nông thôn. Bất chấp luật pháp, những người cầm quyền cấp xã, cấp huyện thu hồi đất công để rồi giao lại, làm giầu trên mồ hôi nước mắt người dân có thể đi đến manh động khi bị dồn vào con đường  cùng. Phải chăng thời ta đang sống là thời càn, vơ vét, xong là tháo chạy? Tháo chạy vì loạn, loạn to. Xã hội ta đã ngột ngạt trong cái bầu khán khí đầy nhũng nhiễu và bất cập, từ quản lý kinh tế vĩ mô tới vi mô, bị lấn đất mất biển, phải bán như cho không tài nguyên, đạo lý xã hội rệu rã, cướp đêm cướp ngày bất chấp pháp luật.

Dĩ nhiên, kiện toàn Luật Đất đai là cần nhưng chưa đủ. Về điều kiện đủ, những  người  trong chính quyền có trách vụ điều hành và quản lý việc làng việc xã còn phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong hiện trạng, dẫu mong ước, ta khó thấy điều này là khả thi và rộng khắp. Lý do thì nhiều, nhưng theo thiển ý, chủ yếu là vì chính quyền địa phương ở cấp cơ sở không phải là do dân. Chính vậy mà chính quyền đó không vì dân, và chắc chắn không phải là của dân, mà của Đảng. Vụ Tiên Lãng, ai cũng thấy loại cán bộ tham lam vơ vét dùng bạo quyền áp đảo người thấp cổ bé miệng đã gây tiếng xấu cho Đảng, và làm mất lòng tin của nhiều tầng lớp nhân dân.

Để tránh loạn, để ổn định đời sống nông thôn và yên lòng người, giải pháp căn bản và triệt để là trả lại làng xã chính quyền vì dân, của dân, và do dân. Thể thức tiến hành thiết lập chính quyền này chẳng có gì là lạ. Những cương vị chính quyền  không nên chỉ Đảng cử, mà cho phép dân đề nghị, rồi dân bầu, dân giám sát một cách thực sự dân chủ. Có phải ta gọi thế là “dân chủ cơ sở” không nhỉ? Đừng để loạn Ô Khảm lây lan đến đất nước ta, hậu quả sẽ thật khó lường.

_______________________

Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng thường dùng bút danh Nam Dao trong các tác phẩm văn học. Xem trang Nam Dao trên Ăn mày Văn chương tại đây.

Bài đăng ngày 11.2.2012

© 2012 pro&contra