Tác giả

Danh mục

Trang

Ngục tù của trí tuệ

Th7 15, 2013

Ian Buruma

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Ở TÙ xứ nào cũng khổ, nhưng mỗi xã hội có những cách hành xử văn hóa riêng để đày đọa người tù. Óc tưởng tượng tàn ác của giới cai tù Trung Quốc tuy không phải là độc nhất vô nhị, nhưng thường rất khác thường. Mà chính các tù nhân, những người tự phân chia đẳng cấp và lập nên nhà tù trong nhà tù, cũng có óc tưởng tượng khác thường.

Ví dụ, ở Trung tâm Điều tra thuộc Sở Công An Thành phố Trùng Khánh, còn gọi là Trung tâm Điều tra Tung Sơn, những tay trùm xà lim sáng chế một thực đơn gồm các món tra tấn quái dị. Thử điểm qua vài món:

Vịt hun khói kiểu Tứ Xuyên: Kẻ tra tấn đốt lông hạ bộ của tù nhân, tụt da quy đầu rồi dùng lửa đốt đen đầu dương vật.

Hoặc:

Mì nước trong: Những dải giấy vệ sinh được nhúng trong một bát nước tiểu, rồi tù nhân bị buộc ăn giấy vệ sinh và uống nước tiểu.

Hoặc:

Canh mai rùa và da heo: Kẻ tra tấn đánh hai đầu gối của tù nhân cho đến khi chúng thâm tím và sưng lên như mai rùa. Hết đi nổi.

Còn nhiều trò tra tấn khác nữa, được ban phát tùy theo tài ứng biến của kẻ thực hiện. Trong hồi ký lao tù lạ thường có nhan đề “Vì một bài hát và một trăm bài hát” (For a Song and a Hundred Songs, do Hoàng Văn Quảng dịch từ tiếng Trung, nhà xuất bản New Harvest), Liệu Diệc Vũ kể chuyện một tiều phu bị tâm thần phân liệt đã chặt chính vợ mình vì cô ta hốc hác đến nỗi anh tưởng lầm cô là một bó củi. Trùm xà lim pha thuốc nhuận trường vào nước súp của anh, rồi không cho anh dùng chậu đi tiêu đi tiểu chung, thế là anh chàng buồn đi cầu đến tuyệt vọng đành ỉa vấy lên khắp người một bạn tù. Vì cái tội đáng kinh tởm này, anh bị đập mặt vào bồn nước. Rồi đến lượt bọn quản giáo vì tưởng anh muốn tự tử, một trọng tội trong tù, nên dùng dùi cui điện đánh anh nhừ tử.

Alexis de Tocqueville đến Mỹ vào năm 1831 để nghiên cứu hệ thống nhà tù của nước Mỹ, nhưng rốt cuộc viết nên tác phẩm Dân chủ ở Mỹ (Democracy in America).[i] Quan sát hệ thống nhà tù Trung Quốc từ bên trong, với tư cách là một “tù nhân phản cách mạng” từ năm 1990 đến 1994, Liệu Diệc Vũ kể cho chúng ta biết rất nhiều về xã hội Trung Quốc, cả truyền thống lẫn cộng sản, trong đó có tác động của kiểu tuyên truyền cách mạng khoa trương, đấu tố vì bị ép buộc và thú tội công khai, và, khi thời thế thay đổi kể từ sau thời kỳ cai trị sai lầm của Mao Trạch Đông, áp dụng chủ nghĩa tư bản dưới những hình thức đồi bại. Ông kết thúc câu chuyện của mình bằng nhận xét “Trung Quốc vẫn còn là một nhà tù của trí tuệ: thịnh vượng nhưng không có tự do”.

LIỆU DIỆC VŨ bị tống giam vì sáng tác Thảm sát – một bài thơ theo phong cách dòng-ý-thức (stream-of-consciousness) tưởng niệm hàng ngàn người bị sát hại vào ngày 4/6/1989,[ii] khi phong trào đòi dân chủ bị đàn áp trên toàn Trung Quốc. Bài thơ (theo bản dịch tiếng Anh của Michael Day) mở đầu như sau:

Lại thêm một kiểu thảm sát diễn ra ở trung tâm xứ hoang tưởng
Thủ tướng cảm lạnh, nhân dân phải ho theo;
thiết quân luật ban bố bao lần.
Cỗ máy không răng của nhà nước cán lên những người can đảm không chịu bệnh theo.

Liệu Diệc Vũ không phải là nhà hoạt động chính trị, hay nói đúng hơn, một người bất đồng chính kiến, và sự phản kháng của ông mang tính tự phát. Ông không quan tâm lắm đến chính trị, ngay cả trong những năm 1980 khi mà nhiều thanh niên Trung Quốc chẳng nghĩ đến gì khác ngoài chính trị. Ông có cuộc sống khá phóng đãng, lang bạt kỳ hồ như một “kẻ đạo đức giả ăn mặc bảnh bao, một nhà thơ tự khắc họa mình là một tấm gương mẫu mực nhưng đồng thời lại hít thở bằng đàn bà như tôi đang hít thở bằng không khí, tìm chỗ trú ẩn và hơi ấm trong thú ăn nằm lang chạ”.

Cũng như nhiều người Trung Quốc lớn lên trong thời Cách mạng Văn hóa, Liệu Diệc Vũ coi như tự học văn chương, tuy ông được cha là thầy giáo truyền thụ nền tảng căn bản về Tứ Thư Ngũ Kinh. Rải rác trong hồi ký của ông, ta bắt gặp tên những tác giả phương Tây – Orwell, Kundera, Proust – một số tác phẩm của họ thậm chí lọt qua được những bức tường nhà tù ở Trùng Khánh. Trong số đó, đáng chú ý là có cả cuốn Một chín tám tư của Orwell. Liệu Diệc Vũ viết: “Trên trang sách là một nhà tù tưởng tượng, còn xung quanh tôi là nhà tù thật”.

Khác với người bạn Lưu Hiểu Ba, nhà phê bình được Giải Nobel và là một tác giả có chính kiến mãnh liệt, Liệu Diệc Vũ chưa bao giờ muốn liều lĩnh chấp nhận rủi ro. Ông mô tả mình là một nghệ sĩ chỉ muốn được tự do viết theo ý thích của mình. Mới hồi năm 2011, ông nói với nhà báo Ian Johnson: “Tôi không muốn phạm luật của họ. Tôi không quan tâm đến họ và mong muốn họ chẳng quan tâm đến tôi”. Nhưng, năm 1989, ông tự đẩy mình “vào con đường tự hủy diệt” khi đến các tửu quán và hội quán khiêu vũ để ngâm bài thơ của mình bằng giọng than khóc theo lối cầu siêu truyền thống của Trung Quốc. Một băng thu âm bài thơ này được lén lút phát tán, và một nhóm nghệ sĩ và bạn bè đồng cảm đã làm một bộ phim mang tên Lễ cầu hồn (Requiem) quay những cảnh ông ngâm bài thơ này. Theo Liệu Diệc Vũ, không một ai trong số đó có thể được liệt vào hạng “kẻ bất đồng” hay “nhà tranh đấu dân chủ”. Nhưng tất cả đều bị bắt, tác phẩm của họ bị tịch thu, và nhờ đó “Sở Công An triệt hạ một cộng đồng văn chương bí mật hoạt động mạnh ở Tứ Xuyên”.

Thời gian ở tù cũng không biến Liệu Diệc Vũ thành một nhà hoạt động chính trị. Có lúc một người cũng thuộc phong trào Bát Cửu (89) muốn khởi xướng một tổ chức gồm các tù nhân chính trị đã tiếp xúc với ông. Liệu Diệc Vũ không chịu tham gia, và giải thích lý do tại sao ban đầu ông viết bài thơ Thảm sát. Ông nói ông “buộc phải phản kháng” vì “ý thức hệ nhà nước mâu thuẫn dữ dội với quyền tự do diễn đạt của nhà thơ”. Trong hồi ký, ông kể rằng đối với chuyện này, “ông không hề có ý định làm anh hùng, nhưng ở một đất nước mà sự điên rồ ngự trị, tôi phải có lập trường. Thảm sát là tác phẩm nghệ thuật của tôi, và tác phẩm nghệ thuật của tôi là cách phản kháng của tôi”.

Nhiều nhà bất đồng nổi tiếng đã viết khá sinh động về kiếp lao tù của họ. Lòng can đảm để đứng một mình của Ngụy Kinh Sinh kể chuyện 18 năm ông ở tù sau khi ông lãnh đạo phong trào Bức tường Dân chủ trong những năm 1970. Những ngọn gió rét của Ngô Hoằng Đạt (Harry Wu) mô tả kiếp đọa đày của ông ở những trại lao động cưỡng bức trong thập niên 1960 và 1970. Những câu chuyện quả cảm của họ chuyển tải một thông điệp chính trị mạnh mẽ về việc đứng lên chống lại chế độ độc tài. Liệu Diệc Vũ là một văn nhân, và nhờ đó hồi ký ở tù của ông càng có sức thuyết phục hơn. Trước hết, ông thành thực đến tàn nhẫn về các nhược điểm và nỗi sợ của mình. Ông chẳng có gì đặc biệt anh hùng cả. Nhìn bọn quản giáo tập dượt chiến đấu trong ngày đầu tiên ở tù, ông “rùng mình như một con chuột nơm nớp lo sợ”. Buộc phải hát đi hát lại nhiều bài với cổ họng khô rát trong trời lạnh cóng người để mua vui cho bọn quản giáo, ông bị đánh bằng dùi cui điện. Khi không thể hát tiếp được nữa, ông bị lột hết áo quần và quật ngã xuống đất: “Tôi có thể cảm nhận được cái dùi cui trên hậu môn của mình, nhưng tôi không chịu đầu hàng. Đầu dùi cui đi vào người tôi. Tôi hét lên rồi rên khóc như một con chó”. Liệu Diệc Vũ đã hai lần tìm cách tự vẫn, một lần bằng cách đập đầu vào tường. Chuyện này khiến những tù nhân cùng xà lim chế nhạo ông; họ tố ông đóng kịch, cho rằng đó là trò tiêu biểu của một nhà thơ mọt sách. Nếu thực sự đã muốn vỡ sọ, lẽ ra ông nên đập đầu vào gờ tường.

Liệu Diệc Vũ mô tả rất tỉ mỉ tâm trạng của kẻ lúc nào cũng sợ hãi, phải sống trong một xà lim chật chội với quá nhiều người khác đến nỗi chẳng có chỗ nằm, đói ăn và thiếu tình dục. Có tù nhân đói lả bắt được một con chuột bèn lột da khi nó đang còn sống rồi ăn tươi. Có người vục mặt vào xô đồ ăn thừa mà ngoạm đầy miệng. Sinh hoạt tình dục vẫn diễn ra, nhưng theo kiểu đê tiện. Một tù nhân suýt đốt trụi giường vì thủ dâm với một cái bật lửa khi bật lên thì hiện ra hình ảnh một phụ nữ khỏa thân. Có người chỉ cần thấy một ngôi sao phim sến trên truyền hình là không nhịn được lòng thèm muốn nhục dục. Liệu Diệc Vũ chứng kiến đám tù nhân bu quanh cửa sổ, tay trùm xà lim được đôn lên vai những kẻ nô lệ của mình, khi cả đám thủ dâm trong lúc cố nhìn cho được một người đàn bà bên ngoài. Một anh tù nhân trẻ bị trùm xà lim hãm hiếp, đem lòng yêu hắn, rồi bị ruồng bỏ bằng một cái tát vào mặt khi tay trùm bị bất lực.

MỘT trong những lý do không mấy đáng khoe khiến ta đọc các hồi ký lao tù như cuốn này với cảm giác thích thú pha lẫn khiếp đảm là nỗi thống khổ của kẻ khác lại có thể có sức hấp dẫn khiêu dâm ghê gớm. Nhưng tác phẩm của Liệu Diệc Vũ hết sức lôi cuốn chính nhờ tài quan sát của ông. Tuy bản thân cũng chịu đau khổ, ông luôn tò mò về những người khác, về tính cách của họ, về những câu chuyện của họ, và về cách họ đối phó với bao nỗi kinh hoàng của đời sống ngục tù. Những lần tiếp xúc của ông với các tù nhân khác được khéo léo biến thành các truyện ngắn. Vì một số tù nhân này đang chịu án tử hình, truyện thường bàn chuyện đối mặt với cái chết cận kề. Một tay buôn lậu ma túy có biệt danh Tử Thường muốn mượn tập sách bản đồ của Liệu Diệc Vũ để chuẩn bị cho kiếp sau làm con ma lang thang. Tử Thường đã lạc lối quá nhiều lần ở kiếp này, và muốn tới thăm những nơi hắn thích lai vãng sau khi hắn bị kết liễu bằng một viên đạn vào cổ. Nghe kẻ tử tù này nói họ có thể gặp lại nhau ở kiếp sau, Liệu Diệc Vũ thấy “tứ chi tôi run rẩy”. Tử Thường hỏi ông có sao không, rồi “bật ra tiếng cười quái gở. Vết nhăn hằn sâu giữa hai chân mày của hắn cứ như mở toang hoác giống cái miệng chực nuốt chửng tôi”.

Một số trong những tù nhân này được khắc họa trong một cuốn sách khác của Liệu Diệc Vũ, được xuất bản ở Đài Loan với nhan đề Phỏng vấn những người ở dưới đáy xã hội (Interviews with People from the Bottom Rungs of Society, 中国底层访谈录, 2001), và ở Mỹ với nhan đề Người vác thi thể (The Corpse Walker, 2008). Trong đó có truyện về một nông dân mù chữ tuyên bố làng quê của mình là một nền quân chủ độc lập, tự phong mình làm hoàng đế. Vì hành động lật đổ phản cách mạng này, ông bị tù chung thân. Liệu Diệc Vũ thấy “hoàng đế nông dân” lý thú ở chỗ các ảo tưởng của ông bắt nguồn từ Tứ Thư Ngũ Kinh. Một trong những tuyên bố của ông là dải băng vàng mang niên hiệu của ông được tìm thấy trong một con cá. Khi Liệu Diệc Vũ chỉ ra rằng cái mẹo này đã được một nông dân phiến loạn sử dụng hai ngàn năm trước để phỉnh dụ thiên hạ theo ông, vị hoàng đế nông dân bảo ông câm mồm: “Ngươi quả là thất lễ vì dám nói với Trẫm như vậy. Trẫm biết ngươi là ký giả giả trang do vương quốc Trung Hoa thù địch phái tới đây. Ngươi đã âm mưu cấu kết với bọn cán bộ quản giáo để lừa Trẫm cung cấp bằng chứng kết tội”.

Văn học có thể dùng làm lối thoát, như khi Liệu Diệc Vũ thả mình dạt theo những ký ức về Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez. Ông thấy mình đặc biệt giống một nhân vật trong tiểu thuyết này: đó là Đại tá Buendia, mất trí sau khi bị cột vào một cây dẻ trong nhiều năm. Giống như Đại tá, Liệu Diệc Vũ rút lui vào trong tâm trí của mình. Những lúc khác, các tác phẩm văn học minh họa các khía cạnh sơ khai nhất của kiếp tù. Liệu Diệc Vũ nhớ trong Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being),[iii] Milan Kundera định nghĩa cái kitsch toàn trị (totalitarian kitsch) là “sự hoàn toàn phủ nhận cứt”. Liệu Diệc Vũ viết rằng ông không thể nâng phân người lên một tầng ẩn dụ cao hơn: “Trong cuốn hồi ký tầm thường này của tôi, cứt là cứt. Tôi cứ nhắc mãi đến cứt vì tôi suýt chết đuối trong cứt”. Thực tế quả gần đúng như vậy; là ma mới trong xà lim, hoặc nếu không còn được lòng một trong những tay trùm xà lim, ông thường phải ngủ kề mặt bên chậu đi tiêu đi tiểu.

Song, ông không nhịn được cách nhìn ẩn dụ về cứt, như trong nhận xét ông đang sống “trong một chuồng heo đầy cứt gọi là Trung Quốc”. Bệnh tật cũng được nâng lên thành một ẩn dụ. “Nếu Trung Quốc là một bệnh nhân bị ung thư ruột, thành phố Trùng Khánh là điểm cuối bẩn thỉu của khúc ruột đó, cái hậu môn bệnh hoạn”. Trong sách, nhà tù thường được mô tả là một nhà tù bên trong một nhà tù khổng lồ của một xã hội Trung Quốc bệnh hoạn, một tấm gương lố bịch của các thể chế chính trị và sự khoa trương khoác lác của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

NGÔN NGỮ của chủ nghĩa Mao, nay gần như đã thấm nhuần vào đời sống Trung Quốc như các giáo điều Khổng giáo đã từng ăn sâu, thường được dùng theo lối tương tự, cứ liên tục bật ra giữa các cuộc trò chuyện trong tù. Tù nhân thường nhại các phát biểu của Mao với vẻ mỉa mai, như khi anh tiều phu bị cấm dùng chậu đi tiêu đi tiểu sau khi dính thuốc nhuận trường, đám tù nhạo anh: “Không có kỷ cương và phép tắc thì cách mạng sẽ không thành công”. Đôi khi Mao được trích dẫn nghiêm chỉnh. Một tay trùm xà lim có cảm tính với Liệu Diệc Vũ cảnh báo ông đừng kết bạn với một người khác cũng là trí thức: “Đừng có mà sách vở quá … Hãy nhớ lời dạy của Mao Chủ tịch về đấu tranh giai cấp – đừng bao giờ mất cảnh giác đối với kẻ thù giai cấp của anh”.

Ngoài suy nghĩ đượm chất Mao, chính hệ thống chính quyền kiểu Trung Quốc được sao chép bên trong nhà tù. Một phần là do cách tổ chức Đảng Leninist, nhưng phần lớn là do những tập quán truyền thống. Khi Liệu Diệc Vũ nhập trại ở Trung tâm Điều tra Tung Sơn, trùm xà lim của ông giải thích cơ chế vận hành xà lim. Hắn so sánh hệ thống tôn ti trong xà lim với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; ủy viên BCT và Quân ủy đứng trên dân thường. Họ muốn làm gì cũng được. Nhưng, để duy trì trật tự, họ phải áp đặt tính đoàn kết tuyệt đối trong xà lim. Dấu hiệu phản loạn đầu tiên sẽ bị bóp nát không thương tiếc. Tuy nhiên, phản ánh hàng trăm năm theo Khổng giáo, trùm xà lim nói giới cai trị không thể quá tàn nhẫn: “Chúng ta cần để những người dưới quyền chúng ta có cảm giác chúng ta là cha mẹ của họ”. Khi Liệu Diệc Vũ phản đối, trích lời Mao Chủ tịch nói rằng nhân dân là cha mẹ của Đảng, trùm xà lim tỏ vẻ hiểu rõ hơn về thực tế Trung Quốc: “Tào lao! Nếu một tên trộm ở đây muốn có một bữa ăn đường hoàng đủ no, chuyện đó do tao quyết định”.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi giới quản giáo cũng dựa các phương pháp của mình theo các tập quán phổ biến ở Cộng hòa Nhân dân. Chẳng hạn như việc sử dụng các chiến dịch chính trị. Tù nhân ở Trung tâm Điều tra bị ép buộc tham gia một chiến dịch hàng năm gọi là “Tự thú tội và đấu tố người khác”. Những cuộc mít-tinh chính thức được tổ chức trong sân trại, giống như dưới thời Mao, với các khẩu hiệu chính trị hô vang trời, và những bài phát biểu dài lê thê của những cán bộ công an và quản giáo. Tù nhân phải dành hàng giờ để viết lời tự thú và đấu tố. Các trùm xà lim được khuyến khích chọn những món hấp dẫn nhất trong thực đơn tra tấn cho những tù nhân bị xem là chưa đủ nhiệt tình tự thú hay đấu tố người khác.

Chiến thuật này cũng là một kết hợp hiểm độc giữa truyền thống và sáng tạo hiện đại. Tự thú theo lễ nghi xưa nay đã luôn là một phần trong công lý Khổng giáo. Việc bị buộc phải đấu tố người khác, tuy không phải là không có trong quá khứ, là một thủ đoạn tinh vi của chế độ toàn trị nhằm triệt tiêu lòng tin giữa người với người, để họ chỉ còn biết trung thành với Đảng. Liệu Diệc Vũ kể những chiến dịch tự thú và đấu tố quá ác nghiệt đến nỗi nhiều người chết do tra tấn. Song, khi tình hình có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát, cấp quản lý trại giam cho ngừng các màn xử tội, và đúng theo kiểu hành xử Maoist thường thấy, trở mặt đổ tội cho các thủ phạm bằng cách mở một chiến dịch khác, lần này gọi là “Xử lý những kẻ bắt nạt bạn tù”. Chính những kẻ trước đây được khuyến khích trấn áp những tù nhân ngoan cố nay lại bị đàn áp.

Nhưng, dĩ nhiên, Trung Quốc đã tiến tới kể từ sau mấy chục năm dưới chế độ kinh hoàng của Mao. Khi Liệu Diệc Vũ ở tù, Trung Quốc đã mở cửa làm ăn với thế giới tư bản hơn mười năm. Cải cách kinh tế bắt đầu vào đầu thập niên 1980 dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Năm 1992, Đặng Tiểu Bình kêu gọi tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nữa. Chính vì thế, theo lời của Liệu Diệc Vũ, “cán bộ quản giáo không để lỡ nhịp và nhanh chóng lợi dụng sức lao động miễn phí để tư lợi đầy túi”.

Lao động miễn phí là mỹ từ để chỉ nạn nô lệ. Mỗi tù nhân buộc phải đóng gói thuốc men ít nhất mười giờ mỗi ngày, trong khi tai phải nghe loa phóng thanh ra rả những lời hô hào chính trị – cách kết hợp thường thấy của Đảng Cộng sản Trung Quốc giữa áp bức ý thức hệ và bóc lột kinh tế. Liệu Diệc Vũ nhận xét rằng kiểu lao động chân tay lặp đi lặp lại này đã bị các nhà máy địa phương bãi bỏ. Nhưng giới quản giáo có thể kiếm bộn lợi nhuận nhờ ép buộc các nô lệ bị cầm tù hoàn thành chỉ tiêu tới ba ngàn gói mỗi ngày. Tù nhân nào tìm cách trốn hoặc phản đối chế độ nhà tù sẽ bị đánh đập hoặc tống vào ‘xà lim tối” chỉ đủ chỗ để bò vào rồi nằm bẹp xuống. Liệu Diệc Vũ viết: “Sau chừng một năm, da của kẻ ở xà lim tối trở nên nhợt nhạt, xương yếu đi, còn tóc trắng bệt. Da trong suốt đến nỗi ta thấy rõ những gân máu xanh”.

Liệu Diệc Vũ nhắc đến vài giây phút thư thái. Có nhiều ví dụ về lòng tốt của những trùm xà lim ưu ái ông, đôi khi nhờ là nhà thơ; lòng tôn trọng văn chương chưa chết ở Trung Quốc. Một thầy tu đạo Phật dạy ông thổi sáo. Và thảng hoặc, điều kiện sinh hoạt trong tù có khá lên đôi chút vì nước ngoài gây áp lực buộc Trung Quốc cải thiện về nhân quyền. Điều này có thể khiến những người trong chúng ta đã hết hy vọng gây ảnh hưởng từ bên ngoài đối với cách hành xử chính thức của Trung Quốc sẽ bớt hoài nghi hơn đôi chút.

Trong khi đó, Liệu Diệc Vũ cố gắng lưu giữ ký ức về những điều tai nghe mắt thấy trong tù bằng cách chép vội trong một cuốn Tam quốc chí. Ngày 31/1/1994, ông được trả tự do. Nhưng, theo ông kể, việc ra tù của ông chỉ là khởi đầu của một kiểu đọa đày khác, có lẽ còn cay đắng hơn theo cách riêng của nó. Người gây rối và người bất đồng hiếm khi được ưa chuộng ở các xã hội áp bức. Họ gây rắc rối cho người khác vì xúi giục trả đũa, và họ khiến đa số những người không chịu chống đối thấy bất an về thái độ phục tùng của mình. Liệu Diệc Vũ ghét về quê ăn tết và vào các dịp lễ lạt gia đình khác, vì ông biết mình sẽ bị chỉ trích. Vợ ông quyết định ly dị ông – có lẽ cũng chẳng đáng ngạc nhiên, vì Liệu Diệc Vũ chưa bao giờ tự nhận là một người chồng tận tụy. Tệ hơn nữa là ông bị chính bạn cũ ruồng bỏ. Sau bốn năm ở tù, ông viết, “tôi chẳng khác nào một đống cứt chó dưới mắt những bạn văn của tôi”. Sự ruồng bỏ này có thể thể hiện một kiểu nhẫn tâm đặc thù Trung Quốc, nhưng thực ra chủ yếu là do cách quản lý Trung Quốc hiện nay. Sau cuộc dấy loạn bất thành năm 1989, chính quyền cộng sản đã có một thỏa thuận khôn khéo với các giới có học: nếu những người thuộc thành phần ưu tú ở thành thị tránh xa chính trị, họ sẽ được tự do mở mang trí tuệ cho chính mình. Liệu Diệc Vũ viết: “Cả nước ta đột nhiên mải mê kiếm tiền, đó chính là axít ăn mòn làm hòa tan chính kiến bất đồng. Cũng chính những người từng can đảm tuần hành trên đường phố đòi dân chủ nay lại hóa ra “phi chính trị” trong thời đại hiện nay khi ai cũng chạy theo vật chất tiền tài – theo kiểu cộng sản”. Nhiều bạn văn nghệ đồng chí hướng với ông đã trở thành doanh nhân.

Trong những hoàn cảnh như vậy, thiên hướng thông thường khiến con người lảng tránh kẻ gây rối càng được củng cố bởi cái ý thức không kiềm nén được về việc đã chấp nhận một thỏa thuận đê hèn. Cũng giống như trong thực tế thường xảy ra với những người sống trong chế độ độc tài, các độc giả hăng hái nhất của Liệu Diệc Vũ là các cán bộ ăn lương để kiểm duyệt ngôn từ của ông. Buộc phải chấp nhận kiếp sống của một kẻ lang thang có học, đôi khi thổi sáo ngoài đường để kiếm sống, và sợ bị tống giam trở lại, Liệu Diệc Vũ xoay xở vượt biên sang Việt Nam, rồi từ đó ông tìm đường sang Đức, nơi ông sinh sống hiện nay. Và thế là chính nhà thơ Trung Quốc đầy tài năng này trình diễn những buổi ngâm thơ tưởng niệm của ông để mua vui cho khán giả ở Berlin và New York – một “người bất đồng” kỳ lạ ở nước ngoài, tiếng nói của ông được nghe ở khắp nơi ngoại trừ nơi nó cần được nghe nhất.

Nguồn: Ian Buruma, Prison of the Mind, The New Yorker, 1/7/2013

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra

______________

Liệu Diệc Vũ bị cầm tù từ năm 1990 đến 1994 sau khi sáng tác bài thơ Thảm sát để tưởng niệm những người biểu tình đòi dân chủ. Minh họa của Peter và Maria Hoey.


[i] Bản dịch tiếng Việt có nhan đề Nền dân trị Mỹ. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ Đài VOA, dịch giả Phạm Toàn cho biết ông và Nhà xuất bản Tri Thức chủ động đổi nhan đề vì hiểu tâm lý chính quyền Việt Nam dị ứng với từ “dân chủ”.

[ii] Sự kiện Thiên An Môn

[iii] Bản dịch tiếng Việt của Trịnh Y Thư