Một phụ nữ khác
Th1 13, 2013
Phạm Hồng Sơn
Mấy hôm nay cư dân mạng xôn xao, bàn tán về một phụ nữ Việt Nam, bà Kim Chi – nữ diễn viên điện ảnh – tác giả của lá thư có đoạn viết như thế này: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.” Tuyệt đại đa số cư dân mạng đều thể hiện sự ngưỡng mộ, thán phục quan điểm đó của bà Kim Chi.
Dù quan điểm đó mới chỉ đề cập tới người đang “làm nghèo” đất nước chứ chưa phải là người bắc lại cầu cho sự đô hộ của phương Bắc hay đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, người đang viết những dòng này không chỉ tán thành, trân trọng mà còn coi sự thể hiện công khai quan điểm đó của bà Kim Chi là một phản ứng tích cực của xã hội theo chiều tiến đến tinh thần công dân độc lập, bất tuân phục cường quyền – thuộc những đặc tính cơ bản của văn hóa dân chủ.
Nhưng trong những ngày qua có một phụ nữ Việt Nam khác, nổi tiếng và có vị thế chính trị, xã hội lớn hơn rất nhiều so với nữ diễn viên Kim Chi, dù cư dân mạng, cũng như công luận nói chung, những ngày qua gần như không đả động đến, nhưng theo tôi, lại đã có một hành động có những hiệu ứng không hề nhỏ tới tình hình xã hội hiện nay. Đó là bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (1992-2002), đã vui mừng đón nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng (Cộng sản Việt Nam) vào ngày 03/01/2013. Theo báo chí nhà nước, trong buổi lễ diễn ra tại Phủ Chủ tịch, bà Nguyễn Thị Bình đã “xúc động nhấn mạnh, trước những vấn đề bức thiết được đặt ra trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mỗi cán bộ đảng viên cần vững tin, kiên định, tiếp tục kế thừa phát huy truyền thống cách mạng kiên cường trung dũng, làm tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân.“
Nhìn lại một vài điểm trong thân thế sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Bình, chúng ta sẽ thấy rõ dần cái tác động xã hội từ việc bà Nguyễn Thị Bình đón nhận Huy hiệu Đảng.
Bà Nguyễn Thị Bình, tên khai sinh là Nguyễn (Thị) Châu Sa, sinh năm 1927, xuất thân từ một gia đình tư sản tại miền Nam Việt Nam và chính là cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh – người có tư tưởng cải cách dân chủ đầu thế kỷ XX. Bà Nguyễn Châu Sa đã tham gia chống Pháp, ủng hộ phong trào Việt Minh từ khi mới 17 tuổi, đã từng có thời gian sống và đào tạo tại miền Bắc Việt Nam trước khi được gửi trở lại miền Nam hoạt động, với tên mới là Nguyễn Thị Bình, để tham gia một loạt các tổ chức, phong trào tại miền Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ xướng và lãnh đạo như : thành viên của Măt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Phó đoàn đại biểu, rồi Trưởng đoàn, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị đàm phán bốn bên tại Paris khởi sự vào năm 1968, và là Bộ trưởng Ngoại giao từ ngày thành lập cho tới khi bị giải thể của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam. Hiện nay bà Nguyễn Thị Bình còn là chủ tịch của nhiều hiệp hội, tổ chức dân sự khác, đáng phải kể nhất là Chủ tịch Quĩ Văn hóa Phan Châu Trinh (với vị Phó Chủ tịch là Giáo sư Chu Hảo, cùng nhiều trí thức, nhân sĩ tên tuổi).
Như vậy, với nhóm các nhân sĩ, trí thức thuộc “Phong trào Học sinh, Sinh viên chống Mỹ” trước 1975, ít nhiều thì bà Nguyễn Thị Bình vẫn là một người rất gần gũi về chính trị và rất thân quen về tình cảm trong cái nghĩa cùng là những người sinh ra tại miền Nam và cùng li khai chế độ Việt Nam Cộng hòa. Chắc chắn hình ảnh thanh nhã nhưng cương nghị, quí phái và tự tin của “Madame Binh”, thường trên trang nhất của các mặt báo quốc tế thời 1968-1973, chưa thể nào phai mờ trong ký ức thời tuổi trẻ hết sức sôi động, hào sảng của những người như bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, luật gia Lê Hiếu Đằng, ông Lê Công Giàu hay ông Hạ Đình Nguyên… Còn đối với giới trí thức tinh hoa, kể từ năm 1986 tới nay, ngoài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và vị tướng già Võ Nguyễn Giáp, hiếm có một (cựu) chính trị gia cao cấp nào khác mà lại được họ gần gũi, dành cho một tình cảm yêu mến, trân quí như bà Nguyễn Thị Bình.
Do đó, chiếc huy hiệu đỏ chói 65 năm tuổi Đảng mà bà Nguyễn Thị Bình đang cầm chắc chắn không chỉ là sự ghi nhận công lao, sự gợi nhớ về một thời hào hùng, đầy tự hào, hãnh diện, và nhiều ý nghĩa khác nữa, mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn dành, muốn nhắn nhủ riêng tới bà Nguyễn Thị Bình – một nhân vật biểu tượng, một tình cảm thân thiết, một chỗ dựa đối với nhiều nhân sĩ, trí giả.
Dĩ nhiên, cùng một biểu tượng hay thần tượng cũng không thể chắc gây ra được cùng một ảnh hưởng hay một đánh giá ở những người khác nhau. Nhưng việc bà Nguyễn Thị Bình đón nhận và “cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước” về chiếc huy hiệu Đảng vào lúc này, và khẳng định đó là “niềm vinh dự lớn lao” đối với cá nhân bà, thì chắc chắn có một thông điệp: rất không nên bày tỏ bức xúc hay phản đối cái đảng, cái tổ chức dù là cái đảng/tổ chức đó đã thể hiện rất rõ là kẻ bán nước, hại dân.
Ảnh:
Ảnh 1: Nghệ sĩ Kim Chi và nữ tướng Nguyễn Thị Định ở chiến trường miền Nam
Ảnh 2: Bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris 1973
© 2013 pro&contra