Tác giả

Chuyên mục

Trang

Liệu phiên bản Kindle có bắn quá tầm chăng?

Th12 19, 2012

Trần Ngọc Cư

Nhờ đọc bài “Hãy giúp chúng tôi tiếp tục làm người đọc văn minh” của tác giả Phùng Nguyễn, tôi mới nảy ra cái ý mua tặng cho hai đứa cháu (không đọc được tiếng Việt) mỗi đứa một cái Kindle làm quà Giáng Sinh, gọi là để khuyến khích tụi nó đọc sách nhiều hơn và giảm bớt thì giờ ngồi trước TV.

Tôi cũng được biết hiện nay trong xã hội tôi đang sống, tại Mỹ, số lượng sách được bán trong phiên bản ebook đang bắt đầu khuynh loát số lượng sách giấy. Nhưng đấy là sách tiếng Anh, còn sách tiếng Việt trong dạng ebook thì vẫn còn rất hiếm, hình như cuốn Bên thắng cuộc là trường hợp đầu tiên  Vì thế, sự kiện tác phẩm này của Huy Đức xuất hiện trong phiên bản Kindle của Amazon là một bước đột phát trong nỗ lực phổ biến tư duy, chống lại một chế độ kiểm duyệt bưng bít, là điều rất đáng hoan nghênh. Và lời kêu gọi “làm người đọc văn minh” của Phùng Nguyễn hoàn hoàn đáng được hưởng ứng.

Cách hưởng ứng đầu tiên của tôi là sẽ xóa bản PDF mà một người bạn đã gửi đến qua email, nhưng tôi chưa hề đọc. Tôi chưa đọc, phải thú nhận, là vì tôi còn nhiều ưu tiên cao hơn chứ không phải vì ý thức rằng mình phải làm một độc giả văn minh, biết tôn trọng bản quyền. Nhưng từ nay thì khác, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm một người văn minh.

Thú nhận tiếp theo của tôi là đến giờ này, tôi vẫn chưa sắm cho mình một cái Kindle, sự thể cũng chỉ vì các đầu sách tiếng Việt xuất hiện trên Amazon là cực hiếm. Đấy là tôi nói theo quan điểm của một người không chuyên đọc sách tiếng Anh như các trí thức hàn lâm và giới trẻ Việt Nam tại Mỹ. Vì vậy, sắm một cái Kindle để đọc vài ba cuốn sách tiếng Việt tèo nghèo trên Amazon vào lúc này quả là xa xỉ, sắm cái cày trước con trâu. Nhất là đối với những người lớn tuổi, mù điện toán, mua một cái Kindle về để trăn trở cách sử dụng có thể làm cho mình giảm thọ.

Nhưng mặt khác, tôi thấy mình không cô đơn, vì xách điện thoại hỏi quanh, tôi được biết đám bạn bè xấp xỉ 70 như tôi, thuộc thế hệ người Việt ở nước ngoài còn nhiệt tình nhất đối với cố quốc, không một ông nào có lấy một cái Kindle. Vì thế, song song với ebook nếu tác giả Huy Đức cho phát hành thêm sách giấy, có lẽ là kinh tế hơn và tạo điều kiện tiếp cận cho độc giả nhiều hơn. Trong thương trường, việc sản xuất một món hàng quá hiện đại vào thời điểm chưa tạo được thị trường thường được ví như là quả đạn pháo bắn quá tầm (overshoot). Đó là điều thoạt đầu tôi hơi lo ngại cho phiên bản Kindle của Bên thắng cuộc, nhưng sau khi đọc bài viết của Phùng Nguyễn, tôi trở nên lạc quan hơn – chắc cũng nhờ độc giả trí thức Việt Nam ở nước ngoài khá đông đảo.

Riêng đối với độc giả Việt Nam muốn tìm hiểu tình hình đất nước ở đằng sau bức tường lửa hay đối với các blog có thiện chí chia sẻ những thông tin cấm kỵ, việc phổ biến rộng rãi những tư liệu lề dân, lề trái có đáng bị rủa xả nặng lời hay không? Việc tác giả Huy Đức cho phát hành sách trên Amazon mà không phổ biến trên Internet chứng tỏ rằng ông nhắm vào mục đích thương mại là chính và ông có quyền khởi kiện (nếu điều kiện cho phép) những trang mạng đăng tác phẩm của ông mà không xin phép. Và việc mở đọc những bản PDF như tôi vừa nhận được là thiếu văn minh. Vả lại, trong cuộc đấu tranh vì tự do thông tin, chống độc tài toàn trị, chúng ta không có gì bức bách đến nỗi phải “có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng gậy gộc” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa). Riêng tôi thì tôi có thể nhịn đọc cuốn Bên thắng cuộc.

© 2012 Trần Ngọc Cư & pro&contra