Một nền tư pháp tự chủ và chín chắn
Th9 8, 2012
Phạm Thị Hoài
Theo dõi vụ án Hoàng Khương, tôi cho rằng trong niềm hăng say tác nghiệp của một nhà báo dấn thân chống tiêu cực, ông đã hoặc không ý thức rõ việc mình vượt quá ranh giới hợp pháp, hoặc chấp nhận sự vượt quá này với niềm tin rằng nó sẽ được biện minh bằng mục đích lương thiện của mình và tòa báo. Thiện cảm gần như tuyệt đối của dư luận dành cho ông cho thấy một điểm đáng chú ý: dư luận ấy không tin vào những công cụ chống tiêu cực hợp pháp. Từ đó, dư luận ấy sẵn sàng ủng hộ mọi công cụ khác, miễn là chúng thực sự chống tiêu cực. Nói cách khác, dư luận ấy cũng có thể đồng tình hoặc ít nhất là bỏ qua cho một hành vi sai lầm, nếu mục đích của nó được đánh giá là lương thiện, là đem lại điều tốt cho xã hội.
Tôi không hạnh phúc lắm với dư luận ấy. Tôi tin rằng một mục đích đẹp có giá hơn rất nhiều nếu nó không phải biện minh cho một phương tiện không đẹp. Song vụ án Hoàng Khương nên kết thúc thế nào thì tích cực, theo nghĩa giúp chúng ta tiến lên một bước về phía trước?
Trường hợp sau đây có thể cho chúng ta một so sánh.
Năm 2010, một hung thủ bắn tỉa hoành hành tại thành phố Malmö, Thụy Điển. Số nạn nhân lên tới 15 người trong vòng vài tháng. Một nhà báo của tờ Expressen đã làm một thử nghiệm, đi mua lậu một khẩu súng, rồi viết bài cảnh báo rằng sở dĩ có một hung thủ như thế vì ở Thụy Điển có thể mua súng chợ đen hết sức dễ dàng. Bài đăng xong, nhà báo ấy đem súng đến nộp cho cảnh sát. Sau đó, ông bị truy tố và kết án về tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp, trưởng ban thời sự của tờ báo bị kết án về tội đồng lõa và tổng biên tập bị kết án về tội xúi giục. Trong khung hình phạt cho tội danh này có mức phạt tù, nhưng cả ba nhà báo đều chỉ bị phạt tiền. Tổng biên tập bị phạt cao nhất, 30.000 Krona (khoảng 3300 Euro). Hai người kia phải trả 13.500 Krona và 14.400 Krona.
Tôi cho đó là thành tựu của một nền tư pháp tự chủ và chín chắn, tự chủ trong quyền hạn của mình, chín chắn trong thực thi các quyền hạn đó.
Chúng ta không dám đòi hỏi điều không tưởng ở nền tư pháp Việt Nam hiện tại, song bản án 4 năm tù cho Hoàng Khương vừa không mang lại một lợi ích chung nào, vừa để lại ấn tượng về một nền tư pháp thiếu tự chủ và thiếu trưởng thành, chưa nói đến những ấn tượng xấu xí khác. Nó chỉ góp phần cực đoan hóa dư luận và đẩy cả những người không tán thành cách tác nghiệp của nhà báo này như tôi về phía phẫn nộ và vô vọng. Hình phạt cao nhất dành cho Hoàng Khương không thể vượt quá 248 ngày tạm giam, một thời hạn tự nó đã đầy cường điệu.
© 2012 pro&contra
Categories: Báo chí và truyền thông, Pháp luật
Tags: Expressen, Hoàng Khương