Bóng tối
Th8 24, 2012
Phạm Thị Hoài
Điều gì sẽ xảy ra, nếu Di chúc Chính trị mà Lenin viết trên giường bệnh cuối năm 1922 và bổ sung lần cuối đầu năm 1923 về vấn đề nhân sự ở tầng cao nhất của ĐCS Liên Xô được tung lên mạng ngay tại thời điểm đó? Và chủ blog “Lenin Làm báo” không ai khác, chính là Varlam Šalamov [1]? Rất có thể toàn bộ lịch sử thế giới cận hiện đại sẽ thay đổi. Và lịch sử văn học cũng vậy, không có tác gia Varlam Šalamov, nhà văn Nga yêu thích nhất của tôi cạnh Maxim Gorky. Song không có gì chắc chắn là phong trào cộng sản quốc tế vì thế sẽ bớt tai họa hơn, bớt đẫm máu hơn. Bị đánh bật khỏi đế chế của Stalin, lý thuyết “Cách mạng thường trực” của Trotsky tìm được chỗ đứng nơi học thuyết của Mao Trạch Đông. Hậu quả của cuộc thanh trừng định mệnh ấy, không dân này thì dân kia gánh chịu. Trong hệ thống toàn trị, phe nào thắng nhân dân cũng bại.
Thanh trừng nội bộ là một trong những truyền thống lâu đời và khét tiếng nhất của các đảng cộng sản. Số phận những nạn nhân của nó không có gì đáng ghen tị. Các đồng chí của họ không bao giờ quên viết hàng chữ “kẻ phản bội” lên ngực họ trước khi đâm nhát dao kỉ luật của tổ chức vào đó, và điều chua chát là bi kịch được biểu quyết trong bóng tối của họ cũng khép lại trong bóng tối, nếu họ vẫn giữ lòng trung thành với cái tổ chức mà họ dường như đã phản bội. Cho đến khi qua đời, một người như ông Nguyễn Hữu Đang vẫn không hé răng về những oan khuất trong vụ án “gián điệp phản cách mạng” đã đày ải ông mười lăm năm trời. Một người từng thâu tóm mọi cương vị chủ chốt của hệ thống quyền lực vào mình như ông Hồ Chí Minh cũng lặng thinh diễn nốt vai biểu tượng khi đã bị vô hiệu hóa. Luật omertà, của Cosa Nostra Đỏ.
Những người đang nín thở xem vở tuồng nội chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam được quảng cáo rầm rộ trên sân khấu ảo rồi sẽ rất bực mình. Màn một, với diễn viên nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên trong một vai phụ, hứa hẹn kịch tính tiếp nối kịch tính, và công chúng đang đòi quyền được xả tất cả những bất mãn dồn nén với thực trạng xã hội của mình vào một hồi kết nếu không có đầu rơi máu chảy thì ít nhất cũng loảng xoảng tiếng gông cùm. Nhưng tôi tin rằng ngoài vài ba nhân vật phụ khác mà số lượng không thể nhiều hơn trong các vở lừng danh như Năm Cam, Minh Phụng, PMU 18, Vinashin, Vinalines…, sẽ không có cao trào ngoạn mục nào cống hiến cho sự chờ đợi của công chúng nữa. Để biểu dương sức mạnh đoàn kết của mình và củng cố ấn tượng về ổn định chính trị [2], Đảng sẵn sàng trả một cái giá cao hơn sự ấm ức của khán giả rất nhiều. Các vai chính sẽ chỉ ra sân khấu để trình diễn một kết thúc có hậu.
Tôi cũng tin rằng cuộc hỗn chiến thông tin trên mạng hiện tại với ngôi sao vụt hiện là Quan Làm báo và những blog bí ẩn khác như Tư Sang, Anh Ba Dũng… nằm ngoài dự liệu của tất cả các phe đang tham chiến. Điều mà những người đứng đầu chế độ này, bất kể phe nào, ít cần đến nhất là sự rò rỉ thông tin về cuộc thanh trừng trong bóng tối của họ, áp lực của dư luận và cảnh hỗn quân hỗn quan. Việc bộ máy an ninh Việt Nam không triệt hạ nổi những kênh thông tin này có thể có một nguyên nhân rất đơn giản: bất lực, cũng như toàn bộ hệ thống đang bất lực trước phần lớn những vấn đề hệ trọng của đất nước. Từ nhiều năm nay một mạng lưới cả trăm website giả danh các quan chức Đảng và Nhà nước Việt Nam từ cỡ Phó Bí thư Tỉnh ủy và Thứ trưởng trở lên đã ung dung tồn tại, được chăm sóc và cập nhật hàng ngày [3]. Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có một chính quyền ma như vậy tháp tùng từng bước, với đầy đủ lệ bộ, đóng ngoài biên giới, ngoài tầm kiểm soát, mà chính quyền thật dường như cũng đành bó tay thây kệ.
Vậy ai là người thủ lợi trong cuộc hỗn chiến thông tin này?
Tôi không có hứng thú nào tham dự những phỏng đoán ngả nghiêng theo mỗi cơn bão tin tức thật giả lẫn lộn, đang gây nên một cơn cuồng tập thể cho những người Việt vốn đói sự thật dù không biết mặt mũi của nó và thiếu kinh nghiệm chọn lựa thông tin, vì xưa nay họ không có nhiều hơn một chọn lựa. Trong trường hợp đáng quan tâm nhất, khi người thổi nên trận cuồng phong này là một hay những thế lực đối lập với chính quyền cộng sản Việt Nam, với cái đích cuối cùng không phải là anh Ba hay anh Tư mà toàn bộ các anh đã được đánh số, thì tôi tin rằng một khởi đầu tử tế cho một xã hội sáng sủa hơn không thể đi từ sự lên ngôi của một quyền lực mờ ám. Lũng đoạn và mafia hóa thông tin không thể là công cụ cho một mục tiêu tốt đẹp.
Một người bạn rất thân của tôi lại cho rằng bóng tối chỉ có thể xua bằng bóng tối, rồi ánh sáng sẽ khắc đến. Tôi không mong rằng anh có lí.
© 2012 pro&contra
[1] Varlam Šalamov bị bắt khi đang in ronéo bản Di chúc này và bị kết án tù khổ sai 3 năm. Cùng với 5 năm tù lần thứ hai trong chiến dịch Đại Khủng bố của Stalin và 10 năm tù cải tạo tiếp theo vì đã tuyên bố rằng Ivan Bunin là nhà văn Nga kinh điển, ông đã trải qua tổng cộng 18 năm trong các Gulag Xô-viết. Các tác phẩm của ông chưa có trong bản dịch tiếng Việt.
[2] Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện rất kịp thời với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trái với dư luận rằng ông mất chức này vào tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như thông tin về việc chính ông đã “chỉ đạo chặt chẽ” việc khởi tố và bắt giam bầu Kiên, là những tín hiệu rõ ràng về điều này.
[3] Nhân đây tôi cũng hi vọng bài viết này không bị tất cả các trang của chính quyền ma này đồng loạt đăng lại, như trường hợp bài “Báo quan” mới đây. Không thể tránh, nhưng tôi không mong có những đồng minh bất ngờ như thế.
Đáng chú ý là mặc dù không phải thành viên chính phủ hay lãnh đạo Đảng cao cấp, con gái Thủ tướng là cô Nguyễn Thanh Phượng, người đang ăn mì tôm trong bếp nhà tôi theo tin mật do Quan Làm báo tiết lộ, cũng được dành riêng một website giả danh như vậy.
Categories: Báo chí và truyền thông, Chính trị Việt Nam
Tags: Di chúc của Lenin, Nguyễn Đức Kiên, Quan Làm báo, Varlam Šalamov