Tác giả

Chuyên mục

Trang

Dương Kế Thằng – Nền chính trị hại dân của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ” (3)

Th8 23, 2012

Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Xem kì 1, kì 2toàn bộ bản dịch trong bản PDF

Trong hệ thống cực quyền, những nấc thang bên trên có đặc điểm là quyền lực tập trung vào tay chỉ một số người, điều đó không chỉ tước đoạt quyền của người dân mà còn biến các quan chức cấp cao của chính phủ trung ương thành những người thừa hành của một lãnh tụ tối cao. Những nấc thang thấp lại mang đặc điểm là nô bộc tuyệt đối. Từ đỉnh xuống đáy, hoàn toàn không có sự độc lập về tính cách và tư duy, tất cả đều phải ngoan ngoãn quy  phục những kẻ có quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng áp dụng cơ cấu quyền lực theo kiểu kim tự tháp như Tần Thủy Hoàng vậy. Trên đỉnh tháp chỉ có một nhúm người, đấy là Ban Thường vụ Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà Mao Trạch Đông chính là đầu não. Mao có quyền quyết định tất cả mọi vấn đề, trên thực tế, ông ta có địa vị rất giống với địa vị của một hoàng đế. Ngoài chức vụ là người lãnh đạo Đảng và đứng đầu nhà nước, ông ta còn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, điều đó tạo điều kiện cho ông ta kiểm soát lực lượng vũ trang và có quyền lực cực kì lớn. Những người khác trên đỉnh kim tự tháp quyền lực kính trọng và sợ Mao và thường xuyên lo lắng làm sao giữ được chức vụ của mình. Thế là, chế độ chuyên chính vô sản của Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành chế độ chuyên chính của cá nhân Mao Trạch Đông.

Mặc dù về danh nghĩa Mao Trạch Đông là người lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng trên thực tế ông ta chính là vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, mà lại là vị hoàng đế quyền lực nhất trong số những vị hoàng đế đã từng cai trị Trung Quốc. Trong thời kì ở Diên An, đã có lần Mao hỏi người phiên dịch tiếng Nga của mình là Sư Triết (師哲) về sự khác nhau giữa Tổng thống và Hoàng đế. Sư Triết trình bày một cách có hệ thống, trên cơ sở kiến thức chính trị của ông, nhưng Mao cười lớn và nói: “Trên thực tế, cũng chỉ là một thôi!”. Năm 1951, người ta đã trình Mao danh sách những khẩu hiệu chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 để ông ta phê duyệt, ông ta tự mình thêm vào câu: “Mao Chủ tịch muôn năm!” Rõ ràng là ông ta đã tự coi mình là một hoàng đế rồi.

Năm 1955, theo mong muốn của Mao, chính sách kinh tế chuyển sang “tiến nhanh” được thể hiện bằng chỉ tiêu sản lượng cao với tốc độ lớn, kết quả là tạo ra áp lực chung trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Việc thu mua quá nhiều ngũ cốc đã làm nhiều nông dân chết đói ngay từ năm 1956. Chu Ân Lai, Trần Vân và những người khác ban đầu không có ý định chống lại Mao, nhưng do những yêu cầu của thực tiễn công tác, họ đã áp dụng những biện pháp sửa sai nhằm “chống lại sự nóng vội trong phát triển kinh tế” (gọi là “phản mạo tiến” – 反冒進). Mao nổi đóa, Chu Ân Lai suýt bị mất chức. Năm 1958, khi Mao trở nên cuồng tín, những quan chức khác đã theo đuôi ông ta và chỉ mãi đến cuối năm 1958, đầu năm 1959, sau khi xảy ra những hậu quả cực kì trầm trọng họ mới chịu áp dụng những biện pháp sửa sai. Tuy nhiên, khi bị Bành Đức Hoài phê bình ở hội nghị Lư Sơn, Mao lập tức quay ra chống lại Bành; ông ta không những bác bỏ những biện pháp sửa sai mà còn tăng cường thúc đẩy những chính sách sai lầm của năm 1958. Kết quả là những chính sách đã từng làm nhiều nông dân chết đói tiếp tục kéo dài thêm ba năm nữa.

Trong thời gian đó, cả nước chỉ có một nhà tư tưởng, một người có thẩm quyền về mặt l‎ý luận, đấy chính là Mao Trạch Đông. Tư tưởng của Mao là hệ tư tưởng lãnh đạo cả nước và toàn thể nhân dân. Là người nắm được quyền lực tối thượng cả về chính trị lẫn quân sự, đồng thời là “ánh sáng” tư tưởng, Mao là hiện thân của nền chính trị thần quyền thế tục, hợp nhất trung tâm của quyền lực với trung tâm của chân lí. Mọi ý kiến bất đồng đều bị coi là tà đạo, còn nói gì đến hi vọng có đảng đối lập. Người dân không chỉ không dám phê phán chính sách của nhà nước, mà nếu có sự bất mãn ở trong đầu thì nỗi khiếp sợ cũng làm họ kìm nén ngay thái độ phê phán trước khi nó phát ra ở đầu môi. Sự “thống nhất” về mặt tư tưởng diễn ra như thế đấy, “tất cả mọi người cùng cười, khóc và chửi bới cùng một giọng”.[i]

Sự sợ hãi và dối trá do chế độ toàn trị gây ra còn là những điều kiện căn bản để hệ thống có thể tiếp tục hoạt động. Sợ hãi gây ra dối trá. Chính phủ có quyền trừng phạt và tước đoạt của người ta bất cứ thứ gì. Trừng phạt và tước đoạt gây ra sợ hãi. Người càng có nhiều thì càng sợ nhiều vì trừng phạt sẽ làm cho anh ta mất mát nhiều hơn. Quan chức và trí thức có nhiều hơn người dân thường và kết quả là họ thậm chí còn sợ hãi hơn và thể hiện “lòng trung thành” với hệ thống hơn. Nhằm thỏa mãn và tự vệ, họ tham gia vào cuộc ganh đua một mất một còn về khả năng nói dối và giả vờ tin vào những điều dối trá. Những phát biểu của các quan chức, các ngành khoa học xã hội, nghệ thuật, phương tiện truyền thông đại chúng, trường học, thậm chí khẩu hiệu dán trên mọi bức tường, tạo ra và truyền bá những điều dối trá từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, tiếp tục lừa dối và nô dịch quần chúng nhân dân.

Cơ cấu tổ chức giống hệt nhau như thế thịnh hành trên tất cả các địa phương của Trung Quốc và cùng thực hiện những chính sách rập khuôn. Mỗi người đều sống trong một tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, cùng hô những khẩu hiệu như nhau, cùng sử dụng những câu cửa miệng về chính trị như nhau, cùng tham gia những hội nghị có nội dung như nhau vào cùng một thời điểm giống nhau. Sự đồng nhất hóa của xã hội Trung Quốc có nghĩa là bất cứ thảm họa nào do chính sách sai lầm gây ra cũng có thể ảnh hưởng tới cả nước, và không nạn nhân nào có thể thoát được. Trong những chương sau độc giả sẽ thấy những hoàn cảnh tương tự tại những tỉnh cách xa nhau cả ngàn dặm, đấy là kết quả không thể tránh khỏi của chính sách đồng nhất hóa về mặt chính trị.

Trong cái kim tự tháp quyền lực này, các quan chức ở mọi tầng nấc đều là nô lệ của tầng  trên và tìm mọi cách nịnh hót họ bằng mọi phương tiện sẵn có, đồng thời lại hành động như những ông chủ chuyên chế đối với tầng dưới. Vì tất cả đều muốn tiến lên nấc thang cao hơn, nhưng nỗi sợ mất vị trí hiện thời của họ, dù là nô lệ, còn lớn hơn nữa. Họ tin tưởng một cách mù quáng vào lãnh đạo, sùng bái quyền lực, ngả theo những xu hướng đang giữ thế thượng phong và cam chịu mọi thứ xảy ra với mình. Quyền lực càng tập trung thì đấu đá trong nội bộ càng mạnh. Đấu đá càng mạnh thì Mao Trạch Đông càng sợ mối đe dọa của những người xung quanh ông ta và những vụ thanh trừng của ông ta lại càng dữ dội hơn. Trong cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt và tàn nhẫn này người ta sẵn sàng nói dối và bán đứng đồng đội nhằm thăng tiến và bảo vệ chính mình.

Trong quá trình quản lí, ý của cấp trên ở mỗi nấc tiếp theo lại được nâng dần lên, tiếng nói của cấp dưới càng lên cao càng bị đè nén thêm. Càng lên cao sai lầm của cấp trên càng bị buông lỏng cho nên hậu quả của chúng cũng tai hại hơn. Tình hình thực tế ở cấp thấp nhất lại được những tầng nấc bên trên che đậy, mỗi tầng phủ lên thêm một lớp, kết quả là những người lập chính sách cấp cao hoàn toàn không nắm được sự thật. Bằng cách đó, những chính sách sai lầm bị gia tăng bởi cả ý kiến phản hồi tích cực và tiêu cực và chỉ bị phát hiện khi thảm họa đã xảy ra. Việc sửa chữa những sai lầm này lại không được làm gây phương hại tới uy tín của lãnh tụ, cho nên sửa sai không bao giờ đạt được hiệu quả mong muốn. Nông dân là người gánh chịu tai họa.

Trong hệ thống phong kiến trước đây, người dân có quyền im lặng. Hệ thống toàn trị tước đoạt cả quyền đó. Trong hết phong trào chính trị này đến phong trào chính trị khác, trong những cuộc họp và hội nghị đủ mọi cấp và mọi kích cỡ, mỗi người buộc phải “thể hiện quan điểm”, “trình bày suy nghĩ” và “trải lòng ra” với Đảng. Mỗi người phải mở toang những chỗ thầm kín nhất trong lòng mình cho Đảng kiểm tra. “Trình bày quan điểm” trong tình hình chính trị căng thẳng buộc người ta phản bội lại chính lương tâm của mình và đánh mất khả năng kiểm soát đối với phần còn lại cuối cùng trong tâm hồn mình. Sự tự hạ nhục được lặp đi lặp lại như thế đã đưa người ta đến việc chà đạp liên tục lên những thứ mà họ coi trọng nhất và tâng bốc những thứ mà trước đây họ khinh bỉ nhất. Bằng cách đó, hệ thống toàn trị đã tạo ra sự thoái hóa đặc tính dân tộc của người Trung Quốc. Tình trạng điên rồ và sự tàn nhẫn mà người dân thể hiện trong “Đại nhảy vọt” và “Đại Cách mạng Văn hóa” là kết quả của sự thoái hóa đó và cũng là “thành tựu” vĩ đại của hệ thống toàn trị.

Chế độ không coi cái giá phải trả hoặc áp bức là quá lớn trong khi thực hiện những lí tưởng cộng sản, mục tiêu tối cao của toàn dân. Nông dân chịu gánh nặng chủ yếu của quá trình thực hiện những lí tưởng này: họ gánh trên vai chi phí của công nghiệp hóa, tập thể hóa, bao cấp cho các thành phố và thói xa xỉ của các cán bộ trên mọi tầng nấc.

Phần lớn cái giá này được áp đặt thông qua sự độc quyền mua và bán của nhà nước. Nông dân phải bán sản phẩm của mình cho chính phủ với giá không thể bù đắp được chi phí sản xuất. Ngũ cốc do nông dân sản xuất trước hết và trên hết là để đáp ứng nhu cầu của dân thành thị đang gia tăng một cách nhanh chóng. Việc hệ thống này sử dụng những biện pháp hành chính nhằm áp đặt bằng bạo lực quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi sự gia tăng nhanh chóng dân cư trong thành phố và sản phẩm nông nghiệp dành cho xuất khẩu để đổi lấy máy móc. Vì vậy mà không thể để nông dân ăn no được và thu mua chính là ăn cướp ngũ cốc của nông dân. Lưu Thiếu Kỳ đã có lần công nhận một cách thẳng thắn như sau:

Hiện nay có mâu thuẫn giữa số lượng ngũ cốc mà nhà nước cần với số lượng ngũ cốc mà nông dân muốn bán, và đây là mâu thuẫn cực kì nghiêm trọng. Nông dân muốn bán cho nhà nước số ngũ cốc dư thừa sau khi họ đã được ăn no. Nếu chính phủ chỉ thu mua sau khi nông dân đã ăn no thì những người khác sẽ không đủ ăn: đấy là công nhân, giáo viên, các nhà khoa học và những người thành thị khác. Nếu những người này không đủ ăn thì sẽ không thể công nghiệp hóa được và sẽ phải giảm bớt quân đội đi, không thể xây dựng nền quốc phòng được.[ii]

Lưu Thiếu Kỳ nói đúng, và điều đó chứng tỏ rằng trong hệ thống này, chính phủ không muốn cho nông dân ăn no. Sự thiếu hụt ngũ cốc sau khi nông dân đã bán “phần thặng dư” của họ cho chính phủ là một trong những nguyên nhân làm nhiều người chết đói đến như thế.

Trong khi ở thành phố tiến hành quốc hữu hóa thì ở nông thôn tiến hành tập thể hóa. Tài liệu chính thức gọi đây là “phong trào hợp tác hóa nông nghiệp”. Trên thực tế “hợp tác” và “tập thể” là hai thứ khác nhau. Hợp tác được xây dựng trên cơ sở lợi ích cá nhân, còn tập thể thì tước đoạt lợi ích của người ta. Hợp tác là các bên cùng có lợi và giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở sở hữu tư nhân, còn tập thể thì xóa bỏ sở hữu tư nhân vì lợi ích của sở hữu công cộng. Trung Quốc tiến hành không phải là phong trào hợp tác hóa mà là tập thể hóa. Tập thể hóa nông nghiệp đã tước đoạt các quyền và lợi ích của nông dân. Cơ sở kinh tế cho việc thiết lập chế độ toàn trị là phủ nhận quyền sở hữu tư nhân và phủ nhận lợi ích cá nhân. Không có phong trào tập thể hóa nông nghiệp thì hệ thống toàn trị không thể tồn tại được ở Trung Quốc.

Tập thể hóa nông nghiệp đưa vào tập thể tất cả các phương tiện sản xuất. Nông dân và cán bộ đội sản xuất không có quyền quyết định trồng cây gì, diện tích trồng là bao nhiêu và bằng phương tiện gì. Trong quá trình hợp tác hóa, nông dân được giữ lại một ít đất, đủ để trồng rau cho gia đình sử dụng, nhưng vào năm 1958 mảnh đất nhỏ này cũng bị tập thể hóa nốt. Tất cả sản phẩm nông nghiệp, trong đó có lương thực thực phẩm, bông và dầu ăn đều bị nhà nước mua hết. Đảng ủy và chính quyền cấp trên của xã quyết định mỗi người nông dân được sử dụng bao nhiêu ngũ cốc và loại ngũ cốc nào. Buổi sáng dân làng tập trung lại để nghe lãnh đạo đội phân công lao động, họ làm việc cùng nhau dưới sự lãnh đạo của đội trưởng.

Khi độc quyền của nhà nước trong việc mua và bán đã trở thành hiện thực thì tất cả các mặt hàng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của cả dân thành thị lẫn nông thôn đều được cung cấp qua hệ thống tem phiếu của nhà nước. Những tờ tem phiếu này chỉ được đổi lấy hàng hóa tại khu vực mà người sở hữu đăng kí hộ khẩu mà thôi. Hệ thống đăng kí hộ khẩu rất chặt chẽ, muốn rời khỏi khu vực, dù trong một thời gian ngắn, cũng phải có giấy thông hành do chính quyền địa phương cấp, lại phải mang theo tem lương thực, phiếu dầu ăn cùng các loại tem phiếu khác. Khi đến nơi còn phải trình giấy tờ cho công an địa phương để đăng kí thì mới được ở và được sử dụng tem phiếu để mua lương thực và dầu ăn. Tem phiếu có hai loại: tỉnh và toàn quốc. Tem phiếu toàn quốc được sử dụng bên ngoài tỉnh mà người đó cư trú, muốn nhận loại tem này thì phải trình giấy thông hành do Sở/Ty Công an tỉnh cấp.

Ngoài nông nghiệp, nông dân không được làm bất cứ việc gì khác, muốn rời khỏi làng phải được phép của đội trưởng sản xuất. Như vậy là, công việc và đời sống của người nông dân bị chính quyền giới hạn chặt chẽ trong khuôn khổ. Nhu yếu phẩm thì được tập thể (Công xã Nhân dân), nằm dưới sự quản lí chặt chẽ của chính quyền, cung cấp. Nếu xảy ra sai lầm trong chính sách làm cho tập thể không thể cung cấp được những món hàng nhu yếu phẩm này thì người nông dân bị trói chân trói tay, chỉ có chết, không có lối thoát nào khác.

Công xã Nhân dân là từ hợp tác xã nông nghiệp mà ra, đây là chế độ toàn trị đã phát triển trên một tầng cao mới. Sự hợp nhất của bộ máy quản lí chính quyền và quản lí làng xã trong các Công xã Nhân dân tạo ra bộ máy quản lí hành chính cơ sở của nhà nước và xã hội dựa trên sự hợp nhất về mặt xã hội. Quá trình này không chỉ hợp nhất bộ máy quản lí nhà nước với bộ máy quản lí sản xuất mà còn làm cho tất cả các hoạt động kinh tế đều phụ thuộc vào mục tiêu chính trị, làm cho tất cả tài sản đều nằm dưới quyền kiểm soát của quan chức nhà nước và đem cơ cấu tổ chức của chính phủ thay thế cho gia đình, tôn giáo và tất cả những hình thức tổ chức xã hội khác.

Khi các Công xã Nhân dân vừa được thành lập, người ta đã áp dụng hệ thống phân phối liên kết việc cung cấp và hệ thống tem phiếu với tiền lương. Hệ thống tem phiếu là phương tiện “cung cấp” cho người dân thường, thông qua các quan chức tất cả các cấp, những món nhu yếu phẩm mà họ cần dùng mỗi ngày. Đây là điều kiện để các quan chức kiểm soát không chỉ tài sản của công xã mà thông qua nhu yếu phẩm, họ còn kiểm soát cả các thành viên của công xã nữa. Nếu các quan chức không “cung cấp” thì thành viên công xã không thể nào sống được. Vì chính phủ không có đủ lượng hàng hóa cung cấp cho nên hệ thống tem phiếu chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Nhưng nó đã gây ra lãng phí khủng khiếp, đặc biệt là về lương thực thực phẩm.

Trong năm 1958 có một giai đoạn khi bộ đội được đưa về sống cùng với dân, gọi là quân sự hóa tổ chức, áp dụng chiến thuật tác chiến vào sản xuất và tập thể hóa đời sống hàng ngày. Công việc của cả đàn ông lẫn đàn bà trong Công xã Nhân dân được tổ chức song song với luyện tập quân sự như là cách kết hợp hoạt động quân sự. Thông qua những dự án lớn như “Sản xuất thép đại trà”, “Đại thủy nông” và “Sản xuất nông nghiệp đại trà”, các quan chức sắp xếp, tập trung và chỉ huy nông dân theo lối nhà binh.

Nhà ăn tập thể và nhà trẻ biến cách sống truyền thống với gia đình là đơn vị thành cách sống tập thể với đội sản xuất là đơn vị. Mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ gia đình. Sau khi chức năng kinh tế của gia đình, như một đơn vị kinh tế và phương tiện tồn tại đã bị xóa bỏ, người nông dân không còn có thể dựa vào lao động của mình để tìm kiếm thức ăn từ tự nhiên được nữa, mà phải dựa hoàn toàn vào nhà nước, dựa vào nhà ăn của công xã, đấy là nơi cung cấp cho họ đồ ăn, thức uống.

Nhà ăn công xã là nguyên nhân chính làm nhiều người chết đói. Quá trình hình thành nhà ăn công xã diễn ra đồng thời với việc xóa bỏ đơn vị gia đình và cướp bóc tài sản của nông dân. Bếp trong từng gia đình bị đập bỏ, dụng cụ nấu nướng, bàn và ghế thì bị đưa vào nhà ăn công xã. Tất cả lương thực thực phẩm và củi đun được đưa về nhà ăn công xã, tất cả gia súc, gia cầm và rau xanh đều do thành viên công xã thu hoạch. Một số nơi, chỉ có nhà ăn công xã mới được xây ống khói.

Thiệt hại đầu tiên do nhà ăn công xã gây ra là mất mát lương thực. Trong hai tháng hoạt động đầu tiên, tất cả các thành viên công xã, không phụ thuộc vào đóng góp của họ trong quá trình sản xuất, đều ăn ở nhà ăn công xã. Lúc đó lo lắng của Mao và các nhà lãnh đạo khác về việc “sẽ làm gì nếu có quá nhiều lương thực” được truyền xuống tới tận quần chúng. Nông dân cảm thấy rằng Trung Quốc có nhiều lương thực và khi số lương thực hiện nay hết thì chính phủ sẽ cung cấp thêm. Một số công xã sử dụng hết số lương thực mà họ có ngay từ cuối năm 1958 và chờ nhà nước bổ sung, nhưng chẳng bao giờ có.

Nhà ăn công xã đẩy các thành viên vào hoàn cảnh cực kì tồi tệ. Người xếp hàng rất dài, ai đến chậm thì nhịn. Trong các khu vực miền núi, nơi cư dân sống rải rác, nhà ăn nằm rất xa, mang được về đến nhà thì thức ăn đã nguội hết. Chất lượng thức ăn thật là khủng khiếp. Khi lương thực cạn kiệt, thành viên công xã mang rau dại đến nhà ăn để nấu, những món này còn tệ hơn nữa. Tình hình này làm cho nạn đói còn tệ hại hơn. Nhưng nhà ăn công xã lại trở thành nơi chứa chấp đặc quyền đặc lợi của cán bộ; họ bao giờ cũng tìm cách ăn cho no, nạn tham nhũng hoành hành cùng với việc tịch thu một cách bất hợp pháp số lương thực thực phẩm vốn đã ít làm cho các thành viên công xã đã đói càng đói thêm.

Chức năng quan trọng nhất của nhà ăn công xã là áp đặt “chuyên chính vô sản” lên dạ dày của mỗi người. Khi nhà ăn công xã bắt đầu hoạt động, đội trưởng sản xuất liền trở thành đội trưởng của cả nhà ăn, những người tỏ ra bướng bỉnh có thể bị tước luôn khẩu phần. Trên thực tế, nhà ăn công xã buộc dân làng phải đưa thìa xúc thức ăn của họ cho lãnh đạo, và bằng cách đó, đưa mạng sống của mình vào tay lãnh đạo; không còn được cầm thìa múc lấy thức ăn, dân làng mất ngay quyền kiểm soát chính mạng sống của mình. Ở một số chỗ trong tác phẩm này, tôi đã tìm được bằng chứng về sự kiện làm thế nào mà việc tịch thu lương thực thực phẩm tại một số địa phương đã làm người dân chết đói. Hàng ngàn người đã chết một cách oan ức vì bị cán bộ cơ sở đánh đập hoặc ngược đãi. Dương Úy Bình (楊蔚屏), ủy viên Ban Thư kí Tỉnh ủy Hà Nam, trong “Báo cáo về sự kiện ở Tín Dương” đề ngày 15 tháng 10 năm 1960, đưa ra những số liệu cụ thể như sau: 2.104 người ở huyện Cận Quang Sơn (僅光山) và huyện Hoàng Xuyên (潢川) bị đánh cho đến chết, 254 người ở huyện Hoàng Xuyên bị đánh đến mức trở thành tàn phế. Không chỉ dân làng mà cả những cán bộ địa phương có thái độ bất hợp tác cũng bị giết và bị đánh. Ở làng quê, cái gọi là chuyên chính vô sản, trên thực tế, đã trở thành chế độ chuyên chế của cán bộ, những kẻ có quyền lực lớn có thể đối xử rất tàn tệ với người dân và thuộc cấp dưới quyền.

Trong quá trình công xã hóa, có chiến dịch gọi là chống lại “báo cáo láo về sản lượng và phân phối lén lút” và tổ chức nhà ăn công xã, những người có thái độ lừng chừng, những người lén lút ăn hạt giống của công xã vì đói quá, những người không đủ sức tham gia vào những dự án thủy lợi lớn, bị trừng phạt rất dã man. Có hàng chục biện pháp trừng phạt khác nhau, trong đó có treo lên xà nhà rồi đánh, quỳ trong một thời gian dài, đưa đi diễu trên đường phố, bắt nhịn ăn, đứng dưới nắng hay ngoài trời lạnh, cắt tai hay biện pháp gọi là “đậu xào” (nạn nhân bị những người đứng xung quanh thay nhau xô đẩy và đánh đập). Tất cả đều khủng khiếp, đều không thể nào chịu đựng nổi.

Ở công xã Bành Tân (彭新), huyện La Sơn (羅山), địa khu Tín Dương, 16 đảng viên dự bị tham gia đánh người đã được “trả công” bằng việc chính thức kết nạp vào Đảng. Một người không được kết nạp vì không chịu tham gia vụ đánh người nói trên. Một số chương và phần trong tác phẩm này có trình bày bằng chứng rằng có nhiều trường hợp bị chết vì bị đánh đập tại một số tỉnh. Cần phải nói rằng những trường hợp này được đưa ra ánh sáng trong chiến dịch sửa sai diễn ra vào năm 1961. Đa số trường hợp xảy ra ở những đội sản xuất “lạc hậu” “hạng ba”, và không phải đội sản xuất nào cũng xảy ra những vụ bi kịch như thế. Dẫu sao, cái gọi là những đội sản xuất “lạc hậu”, theo Mao, chiếm tới một phần ba tổng số đội trong cả nước, một tỉ lệ phải nói là quá cao.

Trong những điều kiện bình thường, khi nạn đói xảy ra, dân chúng thường kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài hay chạy sang những vùng khác. Nhưng trong hệ thống chính quyền của Trung Quốc lúc đó, dân làng không có quyền tìm kiếm sự giúp đỡ hay chạy đi nơi khác. Các quan chức mọi cấp sử dụng mọi phương tiện họ nắm trong tay nhằm ngăn chặn tin tức về nạn đói để nó không lan truyền ra thế giới bên ngoài. Sở Công an kiểm soát tất cả thư từ và giữ lại những bức thư gửi ra những khu vực khác. Thị ủy Tín Dương buộc bưu điện địa phương giữ lại 12.000 bức thư kêu gọi trợ giúp từ bên ngoài. Nhằm ngăn chặn, không cho tin tức về nạn đói lan truyền ra ngoài, cả làng bị đặt trong tình trạng nội bất xuất ngoại bất nhập, người dân bị cấm không được ra khỏi nhà. Những người tị nạn, tức là những người đã tìm cách trốn được, bị dẫn đi diễu hành trên đường phố, bị đánh hay trừng phạt bằng những biện pháp khác như những kẻ “lang thang”.

Đa số chịu đựng, một ít người chống đối hệ thống đã bị nó nghiền nát. Trước một hệ thống chính trị tàn nhẫn như thế, quyền cá nhân đơn giản là không tồn tại. Hệ thống giống như một cái khuôn đúc; kim loại dù có rắn đến mức nào, nhưng một khi đã bị đun chảy và đổ vào khuôn thì sẽ có hình dạng giống như nhau cả. Dù là ai, sau khi đi qua hệ thống toàn trị, tất cả đều trở thành một người có hai bộ mặt nhìn vào hai hướng khác nhau: bạo chúa hay nô lệ, tùy thuộc vào vị trí của anh ta với cấp trên hay cấp dưới của mình. Mao Trạch Đông là người làm ra cái khuôn đó (nói một cách chính xác hơn, ông ta là người kế tục và hoàn thiện mô hình chuyên quyền độc đoán), và chính ông ta, ở khía cạnh nào đó, cũng là đày tớ của chính cái khuôn đó. Trong khuôn khổ của hệ thống này, hành động của cá nhân Mao là hành động có ý thức, nhưng ở mức độ nào đó những hành động này lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Không ai, thậm chí cả Mao, có đủ sức chống lại hệ thống. Mặc dù ông ta đã sớm nhận thức được những vấn đề nổi lên vào năm 1958 và đã đưa ra một số chỉ thị nhằm chỉnh đốn lại, nhưng không có kết quả. Theo logic của thời đó và trong khuôn khổ thịnh hành lúc đó, những cái hiện nay là vô lí rành rành thì lúc đó lại là có lí và là chuyện thường ngày.

Chế độ toàn trị là chế độ lạc hậu nhất, dã man nhất và phi nhân nhất so với tất cả những chế độ khác trong thế giới hiện đại. Vài chục triệu người vô tội chết trong một nạn đói kéo dài ba năm là hồi chuông báo tử cho hệ thống này. Phong trào giáo dục xã hội chủ nghĩa và Cách mạng Văn hóa diễn ra sau đó đã không những không cứu được hệ thống mà còn làm cho nó trở thành vô phương cứu chữa.

Sau hơn 20 năm cải cách kinh tế, hệ thống toàn trị đã trở nên linh hoạt hơn; các Công xã Nhân dân đã bị giải tán từ lâu, độc quyền của nhà nước trong việc mua và bán cũng đã bị bãi bỏ, và người dân đã có quyền tìm kiếm và phát triển cách sống của mình thông qua thị trường. Trung Quốc đã trải qua một cuộc chuyển hóa cực kì to lớn. Nhưng vì hệ thống chính trị vẫn không thay đổi, những thay đổi ngoạn mục trong lĩnh vực kinh tế và xã hội chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng kinh tế mà thôi. Biểu hiện rõ nhất của mâu thuẫn này là việc phân phối một cách bất bình đẳng thành quả và giá phải trả của công cuộc cải cách. Những người phải trả giá đắt nhất cho công cuộc cải cách lại là những người được hưởng lợi ít nhất, và trong một số trường hợp còn trở thành thành viên của tầng lớp bị thua thiệt nữa. Những người phải trả giá ít nhất cho công cuộc cải cách lại là những người hưởng lợi nhiều nhất và trở thành thành viên của giai cấp đặc quyền đặc lợi. Những vụ lạm dụng đan xen với nhau trong nền kinh tế thị trường chỉ nhằm thu lợi nhuận và quyền lực không hạn chế của chế độ toàn trị đã gây ra vô vàn bất công và làm gia tăng sự bất bình trong đa số thuộc tầng lớp dưới.

Trong thế kỉ mới, tôi tin rằng những người cầm quyền cũng như người dân thường đều nhận thức một cách thực tâm rằng hệ thống toàn trị đã đi tới giai đoạn cáo chung rồi. Vấn đề bây giờ là làm sao giảm thiểu được những biến động xã hội và thiệt hại khi hệ thống thay đổi. Đây là vấn đề cần phải xem xét. Tôi tin rằng nếu mỗi người đều tiếp cận vấn đề không phải từ quyền lợi cá nhân hay quyền lợi của nhóm mà vì quyền lợi của xã hội rộng lớn hơn và tiến hành lựa chọn một cách có ý thức nhằm thực hiện công cuộc cải cách thì chúng ta có thể tìm được biện pháp nhằm giảm đến mức tối thiểu cú sốc và thiệt hại mà nó gây ra. Cơ sở của nền kinh tế thị trường đã tạo ra nền tảng kinh tế vững chắc cho hệ thống chính trị dân chủ, còn xã hội toàn trị thì đã nới lỏng thành xã hội hậu toàn trị rồi. Thị trường phát triển cùng với quá trình dân chủ hóa. Tôi tin chắc rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ chứng kiến chế độ toàn trị được thay thế bằng chế độ dân chủ. Và ngày đó sẽ chẳng còn xa nữa.

Bằng tác phẩm này, tôi đã dựng trước bia mộ cho ngày tàn của hệ thống toàn trị, để cho các thế hệ sau biết rằng trong giai đoạn chuyển tiếp của lịch sử, tại một số nước người ta đã từng thiết lập nên một hệ thống nhân danh “giải phóng nhân loại” nhưng kết quả thực sự lại là sự nô dịch con người. Hệ thống này tự quảng bá là “Đường lên thiên đàng” nhưng trên thực tế lại là “Đường tới diệt vong”.

Nguồn: Tạp chí “Trung Hoa đương đại” (2010), số 19 (66), tháng 9, trang 755-776). Bản tiếng Anh.

Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra; © 2012 Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ

___________________________

Lời cảm tạ: Chúng tôi, những người dịch, xin chân thành cám ơn những người bạn thân đã cổ vũ và giúp đỡ rất nhiều, chẳng hạn như tìm giúp cho bản tiếng Hán, bớt thời gian quý báu của mình đọc trước bản dịch và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.

Lưu ý về chú thích:

– Chú thích của tác giả sẽ viết tắt là TG.

– Chú thích của người dịch bản tiếng Anh sẽ viết tắt là TA.

– Chú thích của người dịch bản tiếng Việt sẽ viết tắt TV.

– Tên riêng nào (chỉ còn có hai cái) chúng tôi chưa tra được nguyên văn tiếng Hán, đành phỏng đoán sát nhất và đánh dấu hoa thị (*).


[i] TA: Trong những trang sau tác giả gán trích dẫn này cho tác phẩm Luật pháp (The Laws) của Plato, được Karl R. Popper dẫn lại trong Xã hội mở và những kẻ thù của nó (The Open Society and Its Enemies).

[ii] TG: Lưu Thiếu Kỳ, “Diễn văn tại Hội nghị công tác mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, 27 tháng 1 năm 1962, in trong Tuyển tập Lưu Thiếu Kỳ, tập 2 (Bắc Kinh: Nhân dân xuất bản xã, 1985), trang 441–442.